Năm 2018, tôi có dịp vươn khơi bám biển cùng ngư dân Hoằng Trường, đó là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Đọc bài thơ “Tia sáng hình mây biển” của nhà thơ Trần Tất Tiến hình ảnh về chuyến đi ấy lại hiện lên trong tâm trí tôi, đó là cái cảm giác lâng lâng vì sóng và vì vẻ đẹp đến mê mẩn của trời và biển cả khi bình minh hay lúc hoàng hôn. Nếu Trần Tất Tiến cảm tạ thiên nhiên thì tôi có lẽ phải cảm tạ nhà thơ vì đã cho tôi thêm một lần sống dậy cảm xúc được tận hưởng vẻ đẹp khó cưỡng của biển trong chuyến vươn khơi năm đó qua bài thơ.
Đọc hai khổ đầu bài thơ đặc tả cảnh bình minh, tôi có cảm giác nhà thơ Trần Tất Tiến là một hoạ sĩ vẽ tranh bằng chữ.
“Khi phương đông xa vô cực
Bắt đầu nhô lên một nửa quả cầu lửa
Trên mặt nước bao la khuất tầm chân trời
Bắn những tia sáng bảy sắc cầu vồng hình mây biển”
Một khối đỏ sẽ phủ màu lên mây phía chân trời mênh mông nước, rồi màu mây và màu nước lẫn vào nhau, có lúc người ta không thể phân biệt nước với mây nữa vì khoảnh khắc đẹp đến mê dại ấy khiến mọi cảm xúc trong ta ngưng đọng. Qua cái khoảnh khắc ấy ta sẽ thấy những tia sáng bảy sắc cầu vồng được bắn lên mây từ phía mặt biển, để màu mây và màu nước trở nên lung linh, huyền ảo và lộng lẫy, một cảnh tượng mà những người mê biển, mê săn đón bình minh trên biển sẽ ngắm không chớp mắt, vì e rằng sẽ đánh mất khoảnh khắc đắm say.
“Những chảo hoa lửa rẻ quạt xoay vòng liên hồi
Bay lên cao ngàn trượng
Rơi xuống mặt nước vô vàn ánh lân tinh
Như đuôi quẹt khổng lồ của một vì sao chổi”
Nếu chưa một lần ngắm bình minh trên biển, người đọc sẽ khó mà cảm nhận được hình ảnh “chảo hoa lửa” tạo nên hình “rẻ quạt” theo từng khoảnh khắc thời gian “xoay vòng liên hồi” phía chân trời nửa sáng nửa tối. Và khi ánh nhìn di chuyển từ vừng mây xuống mặt biển sẽ là một cảnh sắc đẹp đến ma mị. Những chảo “hoa lửa” từ trên mây “rơi xuống mặt nước” tạo ra “vô vàn ánh lân tinh”, khi đó muôn ngàn tinh thể pha lê phơi mình dưới ánh sáng, và nhà thơ liên tưởng đến cái đuôi “của một vì sao chổi khổng lồ”, trường liên tưởng rộng và mơ mộng, hình ảnh ví von cũng vì thế mà nghệ thuật, huyền ảo hơn.
“Ta đứng ngắm mặt trời lên trên biển
Thấy con người mong manh biết bao nhiêu
Cả sông hồ và núi non chim thú
Chỉ là những bi ve trong dãy số của muôn trùng”
Giữ riêng mình một giọng thơ thủ thỉ, tự chiêm nghiệm, thầm thì với chính mình, sau cái giây phút đắm say là sự giác ngộ, là nhận diện bản thể. Trong cái “dãy số của muôn trùng” mà nhà thơ nhắc tới kia là sự vô cùng của vũ trụ, ở đó con người, sông hồ, núi non, muông thú đều nhỏ bé, vô vi như những hạt cát dưới chân. Đã quá nửa đời người bận bịu với cuộc sống xô bồ và khắc nghiệt, giờ là lúc ông có thể tĩnh tại mà nhìn lại, chiêm nghiệm về những điều đã qua và gom nhặt những nỗi buồn vụn vặt để khái quát hoá thành những chân lí cuộc đời.
“Dù vẫn là nhỏ bé của vô cùng
Đứng trước biển ta không hề sợ hãi
Những luồng sáng mặt trời hình mây biển
Nuôi sống muôn loài từ thuở khai thiên”
Đó là sự nhận diện về sự bé nhỏ của kiếp người so với cái bao la, rộng lớn của thiên nhiên. Khi con người nhận diện được những điều đó thì đối diện với mênh mông bao la, sự sống cũng trở nên bình thản, chẳng còn chỗ cho sự sợ hãi. Ý thức về bản thân, chấp nhận thực tại và khiêm tốn trước biển đời sâu rộng, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy, một chân lí sống giản đơn vậy nhưng đôi khi ta cũng không nhận ra và sống đúng với điều đó được. “Những luồng sáng” kia phải chăng là hạnh ngộ, sự thông thái và tình yêu thương, độ lượng trong cõi người sẽ sưởi ấm và mang đến sức mạnh, trao cho con người nguồn năng lượng tích cực để sống hoà hợp với thiên nhiên và với đồng loại.
“Cứ mỗi lần trước biển mỗi bình minh
Ta nhận thấy con người may mắn quá
Được thiên nhiên ban tặng món quà
Những tia sáng mặt trời hình mây biển
Xin cảm tạ người, thiên nhiên bao la”
“Những tia sáng mặt trời hình mây biển” là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người, nhưng không phải ai cũng may mắn nhận được món quà quý giá ấy. Bởi đâu phải ai cũng có cơ hội chìm đắm ngắm bình minh trên biển như nhà thơ Trần Tất Tiến may mắn đã từng. Tôi thử mường tượng nét mặt thi nhân sau phút giây đắm mình với cảnh bình minh đẹp đến mê mẩn thì ông trở lại thực tại với những nghĩ suy rất đời, rất thực, và cũng rất bao đồng. Khi dòng suy nghĩ trôi về ngẫm ngợi phận người có thể những nét nhăn trên trán ông cũng nghiêng mái đầu hoa râm như những đợt sóng lao xao dưới chân xô vào bờ cát, để chấp nhận một xã hội còn nhiều khó nhọc và khác biệt như một lẽ tự nhiên ở cõi tục này.
“Xin cảm tạ người, thiên nhiên bao la”
Một cách cảm thán như xoa dịu nỗi lòng, nhà thơ hình như muốn mở ra một lối hy vọng cho bản thân và độc giả về một chân trời đầy “những tia sáng mặt trời” ấm áp tin yêu, phía đó không có “lá bùa” ước lượng, ảo ảnh nào, không còn bất công, cơ cực và lầm lũi.
Nguyễn Hải
Btv Tạp chí Xứ Thanh
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Trả lời