Thân yêu tặng các cháu học sinh miền Nam

Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng,
Súng trong tay im lặng,
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say,
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...

Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
- Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che kín gió,
Ấm áp dưới mền bông,
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé.

Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay,
Nép mình dưới bóng hàng cây,
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
- Rét thì mặc rét, cháu ơi!
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.

Mai các cháu học hành tiến bộ,
Đời đẹp tươi, khăn đỏ tung bay.
Cháu ơi! Ngủ nhé, cho say!


1956

Bài thơ này được tác giả viết vào đầu năm 1956, khi ông đang giữ chức vụ chính trị viên đại đội bảo vệ thành phố Hải Phòng ngày mới được giải phóng. Một đêm lạnh giá, sau khi đi kiểm tra việc tuần tra canh gác của đơn vị nơi các cháu học sinh miền Nam học nội trú gần cảng Hải Phòng, cảm xúc trào dâng trước các cháu miền Nam trước cái lạnh buốt xương của mùa đông miền Bắc mà lần đầu tiên các cháu học sinh miền Nam phải nếm trải, ông đã ngồi đến gần sáng để viết bài thơ này.

Hôm sau ông gửi đăng bài thơ trên tạp chí Văn nghệ quân đội với tiêu đề Đêm nay đi tuần và lời đề tặng các cháu học sinh miền Nam. Bài thơ sau đó được tuyển chọn và sử dụng trong SGK tiểu học từ năm 1957 với tiêu đề Chú đi tuần. Có thông tin cho rằng bài thơ trong lần đăng đầu tiên còn có thêm một câu “Cháu ngoan của chú giờ này, biết không?” ở cuối.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Vẻ đẹp người chiến sĩ trong bài thơ “Chú đi tuần”

Bài thơ Chú đi tuần ban đầu được tác giả đặt tên là Chú đi tuần đêm nay. Có thêm trạng từ chỉ thời gian “đêm nay” để giúp người đọc hiểu được cụ thể hơn hoàn cảnh sáng tác bài thơ này. Đó là sau hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Một số con em cán bộ miền Nam được đưa ra ngoài Bắc học tập lưu trú tại trường học sinh miền Nam. Nhà thơ Trần Ngọc khi đó làm báo và thuộc Sư đoàn 302, được phân công đi trực ban đêm giữa mùa đông gió bấc lùa hun hút. Sau khi đi tuần về, ông đã không ngủ được và sáng tác bài thơ này. Bài thơ thể hiện tấm lòng yêu thương mênh mông của tác giả đối với học sinh miền Nam, sẵn sàng dành tất cả để canh giữ giấc ngủ các cháu được bình yên, hạnh phúc. Nói rộng hơn, đó còn là tình cảm của nhân dân miền Bắc luôn hướng đến miền Nam thân yêu, ruột thịt.

Mở đầu bài thơ, tác giả miêu tả hoàn cảnh chú công an đi tuần thật là khắc nghiệt: đêm mùa đông “gió hun hút lạnh lùng” và phố vắng lặng yên, tất cả mọi người đã chìm vào giấc ngủ say. Với cây súng trong tay, người chiến sĩ đi tuần cho sự bình yên của Tổ quốc:

Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng,
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...
Lời thơ thật bình dị, chủ yếu tả và kể song vẫn có sức lay động đến tâm hồn người đọc thật sâu sắc. Tác giả Trần Ngọc bộc bạch cảm xúc trước hoàn cảnh cụ thể ấy hết sức chân thành, tự nhiên. Các từ láy “hun hút”, “lạnh lùng” diễn tả thấm thía cái lạnh buốt xương của mùa đông xứ Bắc. Hai câu thơ lục bát hạ xuống cuối khổ thơ cũng nhẹ nhàng, bình dị nhưng lại tràn đầy cảm xúc, diễn tả tinh tế khung cảnh lạnh lẽo và vắng lặng của đêm mùa đông nơi thành phố cảng thân yêu.

Không chỉ tuần tra bình thường, người chiến sĩ còn có thái độ và tình cảm vô cùng yêu mến học sinh miền Nam. Hành động “nhìn ánh điện” trong tâm trạng “lưu luyến”; những lời ướm hỏi tha thiết, chân thành: “Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?”; lời vỗ về yêu thương đằm thắm: “Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé” đã thể hiện được vẻ đẹp cao cả của người lính cụ Hồ. Qua đó, nhà thơ ca ngợi phẩm chất tận tuỵ hy sinh và quên mình vì hạnh phúc trẻ thơ của những người lính trẻ:

Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến.
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che kín gió, ấm áp dưới mền bông
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
Sau khi nhìn thấy các cháu học sinh miền Nam yên ngủ, cảm giác hạnh phúc đã tràn ngập tâm hồn người chiến sĩ tuần tra. Dù đêm vẫn còn dài và vắng vẻ tứ bề, dù gió đông vẫn se sắt thổi “lạnh buốt đôi tay chú rồi”, nhưng tình thương yêu đã giúp người chiến sĩ vượt qua những khó khăn, gian khổ. Thể thơ lục bát, các câu thơ giàu sắc thái biểu cảm được nhà thơ đưa vào một cách tự nhiên càng khắc hoạ sâu sắc hơn vẻ đẹp của người chiến sĩ:

Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
Rét thì mặc rét cháu ơi!
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.
Khổ thơ cuối bài diễn tả niềm mong ước thiết tha của người chiến sĩ tuần tra đối với học sinh miền Nam yêu quý. Tình cảm và mong ước ấy thật trong sáng, cao đẹp như tấm lòng của người cha, người mẹ các cháu cách xa đang khao khát, đợi chờ. Đó cũng là niềm tin và sự gửi gắm của đất nước cho thế hệ tuổi trẻ mai sau:

Mai các cháu học hành tiến bộ
Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
Cháu ơi! Ngủ nhé, cho say...
Bài thơ Chú đi tuần thật giản dị và mộc mạc trong cách sử dụng ngôn ngữ. Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết như chính lời tâm tình của người chiến sĩ tuần tra giàu tình cảm thương yêu với học sinh miền Nam trong những năm đầu nước nhà chia cắt. Qua đó, nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, sự hi sinh cao cả và tấm lòng tận tuỵ của người lính cụ Hồ với tuổi trẻ mến yêu.


Lê Thành Văn
tửu tận tình do tại
74.71
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ: Chú đi tuần. Còn một câu cuối phải không ad?

Bài thơ: Chú đi tuần.
......
.......
Cháu ngoan của Chú, giờ này biết không.


....

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Chưa có đánh giá nào
Trả lời