Đăng bởi Vanachi vào 30/06/2005 23:29, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 02/04/2020 14:17

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao
.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
.


Theo Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (AB.635), Bạch Vân Am thi tập (AB.157), Trình quốc công Bạch Vân Am thi tập (AB.309).


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1)

“Thơ khởi phát từ lòng người ta”, chứa đựng biết bao nhiêu rung cảm, trăn trở nơi người cầm bút. Một tác phẩm thơ chân chính, muốn vượt lên sức mạnh của thời gian, của lòng người, ẩn chứa trong đó những tình cảm thật, suy nghĩ thật và phải được viết lên từ mồ hôi và nước mắt của nhà thơ. Với Cảnh nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi tới người đọc những quan niệm, triết lí sâu sắc về con người, thời đại mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn phải suy ngẫm.

Cũng giống như Nguyễn Trãi, sống giữa một thời đại loạn lạc, đầy biến động, nơi mà các giá trị truyền thống đạo đức bị đảo lộn, con người trở nên vị kỉ hơn, vụ lợi hơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm về với cuộc sống nơi thôn dã, vui với việc “cày nhàn câu vắng”, tự mình thích thảng với lòng mình, tạm quên hết sự đời “dầu ai vui thú nào”. Gửi chí hướng về nơi thôn dã, cuộc sống của thi nhân nơi thôn quê hiện lên như một “lão nông chi điền”:

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Bài thơ mở đầu bằng phép liệt kê kết hợp với điệp từ “một” đã gợi mở ra một cuộc sống đơn sơ, chất phác với những công cụ lao động quen thuộc của người dân quê. Một cuộc sống thuần phác, giản dị với “mai”, “cuốc” và “cần câu” nhưng an nhàn và thanh tao. Đặc biệt, hai chữ “thơ thẩn” kết hợp với nhịp thơ 2/2/3 một cách tài tình, đã gợi ra chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm giữa chốn thôn quê dân dã. Đó là dáng điệu ung dung, thu thái của một nhà thơ, cũng là nhịp điệu cuộc sống thường nhật của nhân vật trữ tình. Thanh thản, tự tại là tâm thế con người đã xác định được lẽ sống của mình, rời xa cõi trần tục, lòng không vướng bận xung quanh. Câu thơ cũng là lời bày tỏ thái độ cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc, tự tách mình khỏi thế nhân truỵ lạc để giữ khí thiết thanh tao.

Trở về với cuộc sống thuần phác, chân chất, Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục cụ thể hoá bằng một đời sống tinh thần và lề lối sinh hoạt hoà hợp với thiên nhiên. Ông nương theo quy luật đất trời, thuận theo thời tiết bốn mùa:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Các nguyên liệu cho đời sống, không gian sinh hoạt đều rất bình dị, đơn sơ với “măng trúc”, “giá” là những món ăn dân dã sẵn có trong tự nhiên; “ao”, “hồ” là những bến nước thôn quê đơn sơ và bình dị. Đó là sự thể hiện một lối sống, một thái độ xử thế cầu nhàn không hề kham khổ mà trái lại nó toát lên vẻ thanh cao của nhân vật trữ tình. Con người giờ đây đã hoà hơp với thiên nhiên bốn mùa, với sự luân chuyển luân chuyển của thời gian và không thể tách khỏi thiên nhiên.

Như vậy, với Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhàn trước hết là một cách sống. Cùng với “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi, ông đã khẳng định một lối sống thanh tao của các bậc hiền tài giữa cảnh đất nước suy tàn, loạn lạc: rời xa cõi trần phàm tục để tìm về với thiên nhiên, sống một cuộc sống giản dị, thuần phác để giữ tâm hồn được thư thái, thanh sạch.

Thi nhân đau đớn, phê phán thế thái nhân tình, đạo lí suy vi và tìm đến sự hoà giải nội tâm bằng một lối sống gián cách với cõi đời. Đã hơn một lần, ông lên tiếng chối bỏ lối sống đô hội thị thành, sống một cuộc sống tự tại, không đua tranh:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Bằng nghệ thuật đối rất chỉnh, tác giả đã đối lập giữa cái “vắng vẻ” với “chốn lao xao”, giữa “ta” với “người”. Cái “lao xao” đó chính là nơi trần tục đầy những sự nhân vi, toan tính, bon chen mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng chiêm nghiệm, chán ghét và thể hiện trong nhiều bài thơ khác: “Thành thị vốn đua tranh giành giật”; “Vật vờ thành thị làm chi nữa”; “Đường lợi há theo thị tỉnh”… Đối lập lại, ông đề cao lối sống dân dã, thanh đạm, kiệm cần, đề cao “nơi vắng vẻ” và rất mực coi trọng tinh thần tự tại bằng một lối nói khiêm nhường “Ta dại…”. Đương nhiên, đó là một lối sống mới mẻ, có sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp đạo lí, cách biệt với “thói đời”. Nếu nhìn cuộc sống ấy theo quan niệm đạo đức nhà nho một chiều, người ta không dễ dàng chấp nhận những mầm mống lối sống mới đó. Trên tất cả, ông đã hoà giải được những phức tạp nội tâm bằng tinh thần tự tại và thái độ gián cách với thế tục, đứng trên thế tục. Nhưng xét đến cùng, đó mới chính là cái khôn của bậc đại trí, quay lưng lại với danh lợi, sống một cuộc sông an nhàn để giữ cho tâm hồn thư thái.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến và chiêm nghiệm lẽ đời, đã đi đến cùng của sự khôn dại để thấu hiểu và tìm ra triết lí “nhàn” – cũng là triết lí nhân sinh sâu sắc:
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Thi nhân đã nhắc đến giấc mộng dưới cây hoè của Thuần Vu Phần để thức tỉnh một chân lí: của cái, vật chất chỉ là ảo mộng, như một giấc chiêm chiêm bao, bất chợt đến rồi lại bất chợt đi. Phải trải qua tất cả cảnh đời, trường đời như thế rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đạt tới thế ứng xử văn hoá mang tinh thần triết lí về nhàn dật và tự tại. Một tinh thần nhàn dật và tự tại như thế nhiều khi biểu lộ cách nói hơn là hành động thực, một giải pháp tình thế hơn là chí hướng cả đời người, một sự độc tôn tâm trạng bất đắc dĩ hơn là khả năng tìm ra lối thoát tối ưu. Bởi xét đến cùng, giữa một xã hội đâu đâu cũng là hư danh, phú quý phù du, mấy ai được như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Trãi để nhìn thấy lẽ đời, sự đời, để gìn giữ khí tiết thanh tao. Nhân vật trữ tình đã tìm đến cái say để tỉnh, dùng mộng để nói thực và thốt lên những chiêm nghiệm sâu sắc. Cũng như chính thi nhân đã bày tỏ rõ ràng trong Bài tựa tập thơ Am Bạch Vân: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là đề nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chí thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui…”

Có thể nói, nhàn là một chủ đề rất phổ biến trong thơ ca trung đại, là một nét tư tưởng văn hoá rất sâu sắc của người xưa, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Sống nhà dật với tự nhiên để tu dưỡng nhân cách, đem lại thú vui tao nhã cho con người. Biết sống sống nhàn, biết tìm thú nhàn là cả một học thuyết triết học lớn. Bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm in đậm dấu ấn tinh thần con người cá nhân trước một thời đại mất phương hướng, chao đảo, loạn lạc, nhiều đổi thay. Đặt trong tương quan với nhiều tác phẩm thơ văn khác, các sáng tác của ông hàm chứa tính phức hợp của cung bậc tâm trạng. Thi nhân đã đưa ra nhiều cách thức hình dung về cuộc đời, soi nhìn cuộc sống từ nhiều góc cạnh, tự đặt mình trong mỗi tình huống cụ thể mà bài thơ Cảnh nhàn chỉ là một chiêm nghiệm riêng. Điều này đặt ra yêu cầu tiếp nhận thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được xem xét trong tính tổng thể song cũng phải chú tới mối liên hệ giữa các đường hướng tâm trạng phù hợp với từng cảnh đời và chặng đường đời cụ thể.

Như vậy, khép lại bài thơ, người đọc vẫn còn vương vấn cuộc sống an nhàn, thanh tao, giản dị mà Nguyễn Bỉnh Khiêm coi đó là cách sống, là triết lí sống sâu sắc: vinh hoa phú quý chỉ là phù du, như một giấc mộng, rời xa chốn hư danh phàm tục đó để giữ khí tiết thanh sạch mới là bậc đại trí. Điều đó đã làm nên sức sống trường tồn bất diệt của tác phẩm trước sức mạnh của dòng thời gian và đời người.


Nguyễn Thu Hà
tửu tận tình do tại
314.03
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Dàn ý phân tích bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đa tài, sống trong xã hội đầy bất công ông suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống con người, quyết cầm bút lên để chiến đấu với gian tà.
- Cảnh nhàn là bài thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện rõ quan niệm sống của tác giả.

B. Thân bài
- Hai câu đề:

Một mai/một cuốc/một cần câu
Thơ thẩn dầu ai/ vui thú nào
+ Nhịp điệu những câu thơ đầu tạo cảm giác thư thái, ung dung
+ Bằng cách sử dụng những vật dụng quen thuộc của người dân lao động cho thấy cảnh nghèo khó nhưng an nhàn, thanh bình biết bao.
+ Tâm trạng của nhà thơ là tâm trạng của một kẻ sĩ “an bần lạc đạo” vượt lên trên nỗi lo lắng bon chen của đời thường để tìm đến thú vui của ẩn sĩ.

- Hai câu thực:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
+ Cách sử dụng phép đối: dại >< khôn, nơi vắng vẻ >< chốn lao xao cho thấy được sự khác nhau giữa lối sống của tác giả và người đời thường. Ông cho rằng nơi vắng vẻ là nơi thôn quê yên bình ở đó không còn bon chen chốn quan trường, đây mới thực là cuộc sống.
+ Cách xưng hô “ta”, “người”
+ Hai vế tương phản làm nổi bật ý nghĩa, nhân mạnh phương châm, quan niệm sống của tác giả khác với thông thường. Đồng muốn ngầm ý phê phán thói đời, thói người, và thể hiện cái cao ngạo của kẻ sĩ.

- Hai câu luận:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
+ Cuộc sống giản dị không cần những thứ giàu sang hào nhoáng chỉ là sản vật từ nhiên nhiên “măng trúc” “giá” -> Thấy được cuộc sống an nhàn, đạm bạc thanh cao, lối sống hoà nhập với thiên nhiên của tác giả.
+ Cái thú sống an nhàn ẩn dật, những con người có nhân cách cao đẹp khi sống trong thời loạn lạc ấy để giữ được phẩm giá cốt cách của mình chỉ có cách cáo quan về ẩn dật, an lòng với cảnh nghèo khó, sống chan hoà với thiên nhiên với vũ trụ.

- Hai câu kết:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
+ Xem nhẹ lẽ đời sống sa hoa phú quý, ông ngậm ngùi coi đó như một giấc chiêm bao.
+ Lối sống thanh cao vượt lên trên lẽ đời thường

C. Kết luận
- Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm sống vui thú với lao động, hoà hợp với thiên nhiên, giữ cốt cách thanh cao, xa lánh vòng danh lợi.

tửu tận tình do tại
53.80
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (2)

Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm, từng làm quan nhưng vì cảnh quan trường nhiều bất công nên ông đã cáo quan về ở ẩn; sống cuộc sống an nhàn, thanh thơi. Ông còn được biết đến là nhà thơ nổi tiếng với hai tập thơ tiếng Hán Bạch Vân am thi tập và tập thơ tiếng Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi. Bài thơ Cảnh nhàn được rút trong tập thơ Bạch Vân am thi tập. Bài thơ đựợc viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật, là tiếng lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về một cuộc sống nhiều niềm vui, an nhàn và thanh thản nơi đồng quê.

Xuyên suốt bài thơ Cảnh nhàn là tâm hồn tràn ngập niềm vui và sự thanh tịnh trong tâm hồn tác giả. Có thể xem đây là điểm nhấn, là tinh thần chủ đạo của bài thơ. Chỉ với 8 câu thơ đường luật nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mang đến cho người đọc một cuộc sống an nhàn nơi đồng quê êm ả.

Mở đầu bài thơ là hai câu thơ đề rất mộc mạc:

Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Với phép lăp “một” - “một” đã vẽ lên trước mắt người đọc một khung cảnh bình dị, đơn sơ nơi quê nghèo, dù một mình nhưng không hề đơn độc. Hai câu thơ toát lên sự thanh tịnh của tâm hồn và êm đềm của thiên nhiên ở vùng quê Bắc Bộ. “Một cuốc”, “một cần câu” gợi lên sự bình dị, mộc mạc của một người nông dân chất phác. Hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên là một lão nông an nhàn, thảnh thơi với thú vui tao nhã là câu cá và làm vườn. Đây có thể nói là cuộc sống đáng mơ ước của rất nhiều người ở thời kỳ phòng kiến ngày xưa nhưng không phải ai cũng có thể dứt bỏ được chốn quan trường về với đồng quê như thế này. Động từ “thơ thẩn” ở câu thơ thứ hai đã tạo nên nhịp điệu khoan thai, êm ái cho người đọc. Dù ngoai kia người ta vui vẻ nơi chốn đông người thì Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn mặc kệ, vẫn bỏ mặc để “an phận” với cuộc sống của mình hiện tại. Cuộc sống của ông khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Đến hai câu thơ thực tiếp theo càng khắc hoạ rõ nét hơn chân dung của “lão nông Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Đây có thể xem là tuyên ngôn sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm những năm tháng sau khi cáo quan về ở ẩn. Ông tự nhận mình “dại” khi tìm nơi vắng vẻ đến sống, nhưng đây là cái “dại” khiến nhiều người ghen tỵ và ngưỡng mộ. Ông rất khéo léo trong việc dùng từ ngữ độc đáo, lột tả được hết phong thái của ông. Ông bảo rằng những người chọn chốn quan trường là những người “khôn”. Một cách khen rất tinh tế, khen mà chê, cũng có thể là khen mình và chê người. Tứ thơ ở hai câu này hoàn toàn đối lập nhau từ ngôn ngữ đến dụng ý “dại” –”khôn”, “vắng vẻ” – “lao xao”. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về nơi vắng vẻ để ở có phải là trốn tránh trách nhiệm với nước hay không? Với thời thế như vậy giờ và với cốt cách của ông thì “nơi vắng vẻ” mới thực sự là nơi để ông sống đến suốt cuộc đời. Một cốt cách thanh cao, một tâm hồn đáng ngưỡng mộ.

Hai câu thơ luận đã gợi mở cho người đọc về cuộc sống bình dị, giản đơn và thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Một cặp câu đã lột tả hết tất cả cuộc sống sinh hoạt và thức ăn hằng ngày của “lão nông nghèo”. Mùa nào đều tương ứng với thức ăn đấy, tuy không có sơn hào hải vị nhưng những thức ăn có sẵn này lại đậm đà hương vị quê nhà, khiến tác giả an phận và hài lòng. Mùa thu có măng trúc ở trên rừng, mùa đông ăn giá. Chỉ với vài nét chấm phá Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “khéo” khen thiên nhiên đất Bắc rất hào phòng, đầy đủ thức ăn. Đặc biệt câu thơ “Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” phác hoạ vài đường nét nhẹ nhàng, đơn giản nhưng toát lên sự thanh tao không ai sánh được. Một cuộc sống dường như chỉ có tác giả và thiên nhiên, mối quan hệ tâm giao hoà hợp nhau.

Đến hai câu thơ kết dường như đúc kết được tinh thần, cốt cách cũng như suy nghĩ của Nguyễn Bình Khiêm:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Hai câu thơ này là triết lý và sự đúc rút Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thời gian ở ẩn. Đối với một con người tài hoa, có trí tuệ lớn như thế này thì thực sự phú quý không hề là giấc chiêm bao. Ông từng đỗ Trạng nguyên thì tiền bạc, của cải đối với ông thực ra mà nói không hề thiếu nhưng đó lại không phải là điều ông nghĩ đến và tham vọng. Với ông phú quý chỉ “tựa chiêm bao”, như một giấc mơ, khi tỉnh dậy thì sẽ tan, sẽ hết mà thôi. Có thể xem đây chính là cách nhìn nhận sâu sắc, đầy triết lý nhất. Với một con người thanh tao và ưa sống an nhàn thì phú quý chỉ như hư vô mà thôi, ông yêu nước nhưng yêu theo một cách thầm lặng nhất. Cách so sánh độc đáo đã mang đến cho hai câu kết một tứ thơ hoàn hảo nhất.

Như vậy với 8 câu thơ, bài thơ Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục cốt cách, tinh thần và phong thái của ông. Là một người yêu nước, thích sự thanh bình và coi trọng cốt cách xứng đáng là tấm gương đáng học hỏi. Bài thơ đường luật kết cấu chặt chẽ, tứ thơ đơn giản nhưng hàm ý sâu xa đã làm toát lên tâm hồn và cốt cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cho đến bây giờ, ông vẫn được rất nhiều người ngưỡng mộ.

tửu tận tình do tại
84.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (3)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) quê ở làng Trưng Âm, xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng, ông đỗ Trạng nguyên năm 1535 và ra làm quan dưới triều nhà Mạc. Ông đã để lại cho đời tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập (khoảng 700 bài) và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi (khoảng trên 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ca ngợi ý chí thành cao của kẻ sĩ và biểu dương quan niệm sống nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội đương thời.

Cảnh nhàn là bài thơ Nôm nằm trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi. Nhan đề bài thơ là do người đời sau đặt. Bài thơ như lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hoà hợp với tự nhiên, giữ được cốt cách thanh cao, khí tiết cương trực, vượt lên trên những danh lợi tầm thường.

Hai câu thơ đầu phản ánh cuộc sống nhàn nhã, ung dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Quan Trạng về sống giữa chốn thôn quê nay đã giống như một “lão nông tri điền”, hằng ngày làm bạn với những công cụ lao động như mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu để câu cá,.;., Cách dùng số từ tính đếm rành rọt cho thấy tất cả đã trở nên gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống của ông.

Câu thơ đưa ta trở về với cuộc sống chất phác đơn sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền” (đào giếng lấy nước uống, cày ruộng lấy cơm ăn) xa xưa. Quan Trạng đang áo mũ xênh xang, chức lớn, bổng lộc nhiều, ấy vậy mà bỗng dưng rũ bỏ tất cả để trở về với đời sống “tự cung tự cấp” thì cũng đã là: một sự ngông ngạo trước thói đời hám danh, hám lợi. Ngông ngạo mà không ngang tàng, cứ thuần hậu, nguyên thuỷ, chân chất nông dân:
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Hai chữ Thơ thẩn phản ánh một cách tài tình phong cách ung dung và tâm trạng thảnh thơi của con người tự cho mình là đã xa lánh cõi trần tục đầy tham, sân, si; trong lòng không còn vướng bận những âm mưu, toan tính bon chen. Niềm vui như hiện lên trong từng bước đi thong thả, nhàn nhã. Niềm vui chi phối cả âm điệu bài thơ, cứ nhẹ nhàng, lâng lâng, thanh thản một cách lạ kì. Cụm từ dầu ai vui thú nào còn nói lên lập trường kiên định của nhà thơ trước lối sống đã lựa chọn. Chữ ai vốn là một đại từ phiếm chỉ, được tác giả sử dụng trong câu thơ này với một nghĩa rất rộng, càng suy ngẫm càng thấy thú vị.

Nguyên Bỉnh Khiêm cáo quan, trở về quê nhà tức là trở về với thiên nhiên. Sống hoà hợp với thiên nhiên có nghĩa là đã thoát khỏi vòng tranh đua của thói tục, không còn bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn được an nhiên, khoáng đạt:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vè,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Nhân cách thanh cao Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lập với danh lợi như nước với lửa. Vắng vẻ đối lập với lao xao, ta đối lập với người. Tìm nơi vắng vẻ không phải là lánh đời mà là tìm nơi mình thích thú, được sống thoải mái, an nhiên, khác xa chốn quan trường hiểm hóc vinh liền nhục. Nơi vắng vẻ là nơi không có chuyện cầu cạnh, bon chen. Nơi vắng vẻ là nơi thiên nhiên tươi xanh, mang lại sự thảnh thơi cho tâm hồn. Chốn lao xao là chốn cửa quyền trống giong cờ mở, là đường hoạn lộ tấp nập ngựa xe… Đến chốn lao xao là đến chốn chợ lợi đường danh huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành giật quyền lợi, để vinh thân phì gia. Đây là nơi có nhiều nguy hiểm khôn tường.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bậc thức giả có trí tuệ vô cùng sáng suốt. Sáng suốt trong sự chọn lựa: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, mặc cho: Người khôn, người đến chốn lao xao. Sáng suốt trong cách nói đùa vui hóm hỉnh, ngược nghĩa: dại mà thực chất là khôn, còn khôn mà hoá dại.

Ở một bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Như vậy là quan niệm dại, khôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất phát từ trí tuệ, triết lí dân gian: Ở hiền gặp lành; ở ác gặp ác.

Cuộc sống của bậc đại nhân ở am Bạch Vân đạm bạc mà thanh cao biết mấy:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Hai câu thơ tả cảnh sinh hoạt giản dị mà không kém phần thú vị nơi thôn dã với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhà thơ nói về chuyện sinh hoạt hằng ngày như chuyện ăn, chuyện tắm,… tuy cực kì đơn sơ nhưng thích thú ở chỗ mùa nào cũng sẵn, chẳng phải nhọc công tìm kiếm về mặt tinh thần, cuộc sống giản dị như thế cho phép con người được tự do, tự tại, không cần phải luồn cúi, cầu cạnh kẻ khác, không cần phải theo đuổi công danh, phú quý, không bị gò bó, ràng buộc vào bất cứ khuôn phép nào.

Những thức ăn quê mùa, dân dã như măng trúc, giá… đều là cây nhà lá vườn, do mình tự làm ra, là công sức của chính mình. Ăn đã vậy, còn ở, còn sinh hoạt? Quan Trạng giờ đây cũng tắm hồ sen, tắm áo như bao người dân quê khác.

Là bậc triết gia với trí tuệ uyên thâm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nắm vững lẽ biến dịch, hiểu thấu quy luật của Tạo hoá và của xã hội. Theo ông, cái khôn của bậc chính nhân quân tử là quay lưng lại với danh lợi, tìm sự thư thái cho tâm hồn, sống ung dung hoà hợp với thiên nhiên thuần khiết.

Nhãn quan tỏ tường và cái nhìn thông tuệ của nhà thơ thể hiện tập trung nhất ở hai câu thơ cuối. Nhà thơ tìm đến cái “say” là để “tỉnh” và ông tỉnh táo hơn bao giờ hết:
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Quan Trạng khẳng định một lần nữa sự lựa chọn lối sống nhàn của mình. Cuộc sống nhàn dật này là kết quả của một nhân cách, một trí tuệ khác thường. Trí tuệ sáng suốt nhận ra rằng công danh, của cải, quyền quý chỉ tựa chiêm bao. Trí tuệ nâng cao nhân cách, làm cho lập trường thêm kiên định để nhà thơ có đủ quyết tâm từ bỏ chốn quan trường lao xao danh lợi, tìm đến nơi thiên nhiên vắng vẻ mà trong sạch, thanh cao để di dưỡng tinh thần, giữ vững hai chữ thiện lương.

Nhàn là chủ đề rất phổ biến trong thơ văn thời trung đại. Nhàn là một nét tư tưởng và văn hoá rất sâu sắc của người xưa, đặc biệt là của tầng lớp trí thức. Sống nhàn hợp với tự nhiên, hợp với việc tu dưỡng nhân cách, có điều kiện dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ. Sống nhàn đem lại những thú vui lành mạnh cho con người, Biết sống nhàn, biết tìm thú nhàn là cả một học thuyết triết học lớn.

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải nhằm mục đích trốn tránh vất vả, cực nhọc về thể chất, quay lưng với xã hội, chỉ lo cho cuộc sống nhàn tản của bản thân, ông cho rằng sống nhàn là xa lánh nơi quyền quý, danh lợi mà ông gọi là chốn lao xao. Nhàn là sống hoà hợp với tự nhiên, về với tự nhiên để tu tâm dưỡng tính. Nguyễn Bĩnh Khiêm nhàn thân mà không nhàn tâm, lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm thương nước lo dân. Đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến đương thời đã có những biểu hiện suy vi về đạo đức thì quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều yếu tố tích cực.

Chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện khá rõ nét qua Bài thơ Cảnh nhàn. Từ bức chân dung giản dị, mộc mạc ấy toát lên vẻ đẹp nhân cách cao quý, vẻ đẹp trí tuệ tuyệt vời của bậc đại Nho mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.

tửu tận tình do tại
33.67
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (4)

Chốn quan trường thời xưa ai cũng mong hòng có một chân trong những chức phận trong cung, người muốn thì nhiều mà người không muốn rời bỏ chốn quan trường thì ít. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm một bậc quân thần trung quân ái quốc và một nhà nho đại tài đã trở về quê ở ẩn. Trong khoảng thời gian ở ẩn Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng tác Bài thơ Cảnh nhàn thể hiện sự nhàn rỗi của mình khi rời bỏ chốn quan trường, đồng thời nói lên những quan điểm của mình về chốn quan trường ấy, “dại” hay “khôn” chỉ có thể đọc thơ của ông mới hiểu hết được quan điểm ấy.

Cái tên của bài thơ thật độc đáo và đặc biệt. Nhan đề ấy chỉ có một từ nhưng đã nói lên tất cả những gì mà nhà thơ muốn gửi gắm. Một tiếng nhàn thể hiện sự nhàn dỗi của con người trong cuộc sống thực tại. Theo thông thường thì nhàn thì sẽ chỉ có ngồi mát ăn bát vàng thôi vậy thì nhàn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn nói đến là gì?. Nhan đề độc đáo như có tác dụng hấp dẫn người đọc hơn khi vào những tâm tư chia sẻ của nhà thơ ấy.

Trước hết là hai câu thơ đầu với những hình ảnh quen thuộc của làng quê đồng ruộng Nguyễn Bỉnh Khiêm giới thiệu cuộc sống mà ông coi là nhàn hạ cho mọi người biết:

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Hình ảnh những vật dụng quen thuộc của công việc làm đồng cho thấy được những không gian êm ả yên tĩnh của làng quê. Có thể mỗi nhà nho nghỉ quan về ở ẩn đều tìm đến chốn làng quê để cho tâm hồn mình thanh tịnh chứ không ở trên kinh thành. Làng quê ấy không chỉ có những cảnh vật quen thuộc như cây đa bến nước mái đình mà ở đây làng quê hiện lên trên những vật dụng công cụ của đồng áng. Nào mai, nào cuốc những thứ ấy đều là công việc mệt nhọc của nhà nông. Cái công việc mà làm quần quật cả ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, một nắng hai sương. Ấy thế mà ở đây tác giả lại noi đây là việc nhàn tại sao vậy. có thể nói so với Nguyễn Bỉnh khiêm thì đó là một công việc tuy mệt mỏi chân tay nhưng lại không mệt trí óc hay tâm hồn. Chí ít ra thì ở đây ông có thể “thẩn thơ” với thú vui câu ca cảnh vật làng quê, tận hưởng sự bình yên không khí nơi đây.

Tiếp đến hai câu thơ sau thì chúng ta thấy được những quan niệm của nhà thơ về sự “khôn” “dại” trong việc làm quan hay nghỉ hưu về quê làm một anh nông dân quèn để giữ cho mình một khí tiết trong sạch:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Chắc hẳn trước sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nhiều người có thể nói ông là dại chính vì thế mà ông đã nói lên chính những tâm sự của mình để bày tỏ quan điểm sống. Tác giả nói ta dại cho nên ta về nơi thôn quê vắng vẻ hẻo lánh để ở còn người khôn người đến những chốn lao xao như quan trường. có thể thấy rằng ở đây tác giả đã thể hiện cách nói đối lập để làm rõ quan điểm của mình. Đồng thời cũng qua đó ta thấy được lẽ sống của những bậc nho gia thời xưa. Người nhà nho không gì quý hơn là thanh danh và sự trong sạch của mình chính vì thế mà ai cũng hết sức lắng đục tìm trong để bảo vệ cho khí tiết của mình. Nơi vẳng vẻ ở đây chính là chốn làng quê, chốn lao xao chính là nơi quan trường nhiều hiểm độc.

Tưởng chừng những nơi vắng vẻ kia nguy hiểm nhưng chính chôn lao xao kia mới là đáng sợ. bởi vì sao?, vì trong cái chốn thâm cung nhiều người âm mưu nghiệp lớn hãm hại lẫn nhau, đấu đá dành phần hơn và có thể bất chấp mọi thủ đoạn để tiến lên. Chính vì thế mà nhà thơ chán ghét và đặc biệt nói cách ở trên thì nhà thơ như muôn người đọc tự hiểu được như thế nào mới là dại mới là khôn thật sự.

Cảnh sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện rất rõ trong hai câu thơ tiếp theo. Đó bức tranh của xuân hạ thu đông, bốn mùa của đất trời và khi ấy con người nhàn hạ kia đã có những thực phẩm thể hiện sự nhàn của mình:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Mùa thu tác giả ăn măng trúc trong rừng, mùa đông thì ăn giá đỗ, mùa xuân tắm hồ sen, mùa hạ tắm ao. Cảnh sinh hoạt của nhà thơ nơi thôn dã thật sự rất bình thường thế nhưng qua đó ta thấy được một tâm hồn đồng điệu với thiên nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên, ăn, uống, tăm những gì của thiên nhiên. Có thể nói nhà thơ như đang hoà mình vào đất trời. Mùa đông ăn giá là giá đỗ hay cũng chính là cái giá lạnh của gió mùa đông bắc. thế nhưng cuộc sống như thế nhà thơ không cần phải lo nghĩ gì và theo quan điểm của nhà thơ thì đó chính là “nhàn”.

Cuộc sống nhàn ấy với một nhà nho không chỉ hoà hợp với thiên nhiên mà còn phải có cả rượu:
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao
Đến rượu cũng thật sự là thiên nhiên qua hình ảnh rượu đến gốc cây. Cái “nhắp” kia như vẽ lên một hình ảnh nhà nho già tây cầm ly rượu mà đưa lên môi nhắp lấy một cái ngâm trong miệng cái nồng nàn hơi men của rượu. Thế rồi mắt đưa ra khung cảnh bầu trời mà mơ màng ngắm vịnh. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đó chính là cuộc sống thanh đạm của nhà thơ song đối với ông thì đó chính là phú quý như một giấc chiêm bao vậy.

Bài thơ đã vẽ lên một nhà nho về quê ở ẩn với những thú vui lao động như bao nhiêu người nông dân khác. nếu như những người nông dân coi việc đó là chán ngắt thì với Nguyễn Bỉnh Khiêm đó lại chính là thú vui. Cuộc sống đạm bạc giản dị mà thanh cao cùng với quan điểm “khôn- dại” ta thấy hiện lên một nhà nho đạm bạc và một tâm hồn cao đẹp yêu thiên nhiên biết bao nhiêu.

tửu tận tình do tại
44.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (5)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là người có học vấn uyên thâm. Ông là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lại cho dân tộc hai tập thơ chữ Hán và chữ Nôm đó là: Bạch Vân am thi tập (chữ Hán khoảng 700 bài) và Bạch Vân quốc ngữ thi (chữ Nôm khoảng 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ si, thú thanh nhàn đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Cảnh nhàn là bài thơ Nôm trích từ Bạch Vân quốc ngữ thi.

Một mai, môt cuốc, môt cần câu
Thơ thẩn dầu ai, vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây, ta sẻ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
Bài Cảnh nhàn trong Bạch Vân quốc ngữ thi thuộc về chủ đề triết lí xã hội, mà tập trung nhất là triết lí Nhàn có người đã từng cho rằng tư tưởng Nhàn, triết lí Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói chung và Bạch vân quốc ngữ thi nói riêng. Nhàn với Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là một cứu cánh mà là một phương thức tư duy một triết lí. Cho nên Nhàn là khái niệm chữ không phải là tâm trạng.

Tâm lí Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những biểu hiện tích cực và tiêu cực.

Yếu tố tích cực của chữ “nhàn” là ở chỗ: Nhàn là sông theo lẽ tự nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên để cho tâm hồn được thanh thản.

Chúng ta sẽ thấy rất rõ những điều trên qua việc đi sâu phân tích Bài thơ Cảnh nhàn của ông trong Bạch Vân quốc ngữ thi.
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng liên tiếp số từ một nhằm mục đích nhấn mạnh hoàn cảnh sống của ông khi cáo quan về quê. Với những dụng cụ quen thuộc, một mai, một cuốc, một cần câu và có thể là cả một con người, một cuộc đời ở đó. Số từ một biểu hiện sự cô đơn, một mình của Nguyễn Bỉnh Khiêm chốn quê nghèo, ông làm bạn cùng với những vật dụng quen thuộc của nhà nông là mai đào đất, xắn đất, cuốc lật đất, đi kèm phía sau là một cần câu để nhằm chỉ ra rằng sau những lúc làm lụng vất vả, ông vẫn giữ được các thú chơi tao nhã, thanh đạm của người Việt Nam đó là đi câu cá. Số từ một thể hiện sự cô đơn, trong một câu thơ nhà thơ đã sử dụng tơi ba số từ một nhằm nhấn mạnh sự cô đơn, trống vắng của một con người mang đầy chí lớn đang phải sống cuộc đời ẩn dật. Nhưng đứng sau ba số từ một cũng lại là một loạt các danh từ mai, cuối, cần câu, chắc gì sau ba từ một đứng trước… không có một từ một đứng sau. Chắc gì sau ba danh từ đó không có thêm một danh từ ẩn sau đó. Đó là một cuộc đời, một con người chính các công việc của nhà nông ấy, tuy vất vả nhưng lại rất ấm áp và gần gũi. Để rồi chỉ có gần gũi, vui bên thú chơi câu cá tao nhã, thanh đạm mới làm cho nhân vật trữ tình của chúng ta phải thơ thẩn mà không cần bận tâm đến người khác nói gì, nghĩ gì, làm gì. Chỉ cần những điều khiển ta được vui vẻ, được hoà hợp được.
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Nhịp thơ của câu đầu 2/2/3 thể hiện sự khẳng định, quyết tâm có thể cả sự thách thức.
Một mai / một cuốc / một cần câu
Nhịp thơ đã tạo cho câu thơ có sức chuyển mạnh mẽ, không chỉ là lời nói khẳng định thông thường những gì mình trải qua mà tác giả qua đó muốn khẳng định sự quyết tâm vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc đời đầy xô bồ, đổi thay. Và từ đó thấy rằng nhân vật trữ tình rất yêu quí, gắn bó thanh đạm mà gần gũi, ấm áp tình người. Cũng chính vì thế mà có sự chuyển nhịp ở câu sau:
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Nhịp thơ 4/3 là sự chậm lại của cảm xúc tâm trạng và nó đem lại một hơi ấm, niềm vui cho nhân vật trữ tình đến đây đã tìm thấy phương thức sống của cuộc đời mình. Với ước muốn sống hoà hợp với thiên nhiên để cho tâm hồn được thanh thản, yên vui, vì thế nhà thơ của chúng ta đã rời xa chốn lao xao để về nơi vắng vẻ.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người không, người đến chốn lao xao.
Tự nhận mình là dại, tác giả dại vì đã rời xa chốn phồn hoa đô hội, lấp lánh trở về sống ẩn nấp, vất vả nơi vùng quê nghèo. Nhưng có phải vì thê mà dại chăng? Và thế nào là khôn, không là đến sống ở nơi sung sướng, đầy đủ lụa là gấm vóc, ấm êm, cung phụng lẽ vì thế mà mới không. Và khôn, dại như thê nào mà tìm đến ở chôn lao xao và nơi vắng vẻ.

Tâm lí Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những biểu hiện tích cực và tiêu cực.

Đặt câu thơ trong hoàn cảnh sống của tác giả, chúng ta sẽ thấy quan niệm về nơi vắng vẻ và chôn lao xao hay quan niệm dại và khôn. Nơi vắng vẻ ở đây chính là cuộc sống đạm bạc với thôn quê còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Chỉ có người dám coi thường danh lợi, coi thường vật chất, coi của cải chỉ là phù phiếm mới có thể dại mà đến ở nơi vắng vẻ. Còn chốn lao xao chính là nơi tấp nập ngựa xe, nơi sung sướng và đầy đủ, là cuộc sống hoàn toàn đối lập với nơi vắng vẻ và nơi đó chỉ đành cho những ai biết khôn, những ai coi danh lợi, vật chất là cuộc sống thì mới sống và muốn sống ở đó. Tác giả đã sử dụng hai từ láy vắng vẻ và lao xao để miêu tả hai chốn ở khác nhau. Vắng vẻ từ láy tạo nên đậm nét sức bình dị, yên bình của thôn quê. Còn từ láy lao xao nó như có cả tiếng reo vui, tiếng náo nhiệt và tấp nập của chốn đô thành. Và từ đây ta có thể hiểu nơi vắng vè là thôn quê, yên lành, còn chốn lao xao là vùng kinh đô đầy náo nhiệt. Nhưng còn không là thế nào và dại là ra sao? Chọn nơi vắng vẻ là để tránh xa cuộc sống xô bồ của cuộc đời đầy bon chen, toan tính và không ít hiểm nguy. Và khi tránh xa những điều đó thì tác giả dại hay khôn. Còn khôn sống ở nơi đô thị tránh xa sự yên bình, thanh sạch khi đó là khôn hay dại khi bước chân vào chốn xô bồ. Nguyễn Binh Khiêm đã dùng biện pháp nghệ thuật sóng đôi ở hai câu thơ này để diễn tả sự đối lập, tương phản, thậm chí là trái ngược hoàn toàn tới xung khắc của hai nơi sống, hai quan điểm sống và hai sự lựa chọn.
Ta dại / ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn / người đến chốn lao xao.
Ta đối với người, dại đối với khôn, ta tìm đối với người đến (thể hiện sự lựa chọn qua hai từ tìm và đến) nơi vắng vẻ đối với chốn lao xao. Có lẽ đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Bởi nghệ thuật đối, bởi ý nghĩa tư tưởng của hai câu muốn nói đến. Hai câu thơ đối xứng nhau rất chuẩn cả về từ và cả về dấu thanh tạo nên sự khác biệt và đối lập nhằm khẳng định một lần nữa cách sống và cách lựa chọn của tác giả?

Hai câu tiếp theo miêu tả cuộc sống của Nguyễn Bình Khiêm nơi thôn quê nghèo thanh đạm với những sản vật riêng chỉ có nơi thôn quê.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Mặc dù sống ở nơi thôn quê còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng ở đó lại cos các thú vui riêng và được thưởng thức những món ăn rất tầm thường nhưng lại ngon vô cùng. Chỉ có măng trúc và giá thôi, mà nào thức nấy, những thứ ấy dù rất bình thường vì lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Thế nhưng khi ăn chúng ta sơ cảm nhận được vị ngon của nó nhờ vào sự hoà hợp, cảm thông của tấm lòng với tấm lòng. Bởi vì đã không ít lần Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng:
Câu thanh nhàn đọc qua ngày tháng.
Hay:
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách
Qua hai câu thơ thứ 5 và 6 này, chúng ta thấy cuộc sống của tác giả nơi thôn quê thaajt đạm bạc mà thanh nhàn. Đạm bạc hỏi món ăn chỉ măng và giá nhưng thanh nhàn, hoà hợp với thiên nhiên.
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Chỉ có vùng nông thôn người ta nói có thể được vùng vẫy, thoải mãi thả hồn mình vào trong thiên nhiên hoà mình với thiên nhiên để cảm hết niềm hạnh phúc, thú vui lạc quan ở đời.

Nếu mới đọc qua chúng ta chỉ thấy đó là hai câu thơ tả cuộc sống nơi thôn quê của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng chiều sâu trong đó lý tưởng sống của ông, là khát vọng được sống hoà hợp với thiên nhiên. Được ăn những món ăn mà chỉ do thiên nhiên hoà quyện với thiên nhiên mới khiến ta mở rộng lòng mình, vùng vẫy ôm thiên nhiên vào lòng và cũng chính thiên nhiên ôm ta vào lòng nâng dậy sức sống và khơi mát tâm hồn. Chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mới làm cho tâm hồn ta thanh thản, ấm áp mà thôi. Là nếu cần đánh đổi thì Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ sẵn sàng đánh đối phú quí để được tận hưởng cuộc sống này, tận hưởng các nhàn.
Để rẻ công danh muốn được nhàn.
Dường như bất kì thi nhân nào cũng không tránh được một thú vui, không thể thiếu của cuộc đời đó là rượu và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không tránh khỏi niềm đam mê với các thú vui ấy:
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
Đây là hai câu thơ có lấy điển tích Thuần Vu Phần uống rượu say và nằm dưới gốc cây hoè ngủ. Ông ta mơ thấy mình ở nước Hoè An được công danh phú quí, vinh huấn. Nhưng khi tỉnh dậy thì đó chỉ là giấc mộng, thấy cành hoè phía nam chỉ có một tấc kiến mà phơi. Điển tích này để chỉ phú quí chỉ là giấc chiêm bao.

Chính vì quan điểm này Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không màng đến danh lợi bởi danh lợi, phú quí chỉ là phù phiếm và chỉ như một giấc mộng rồi sẽ qua đi.
Để rẻ công danh muốn được nhàn.
Hay:
Thấy dặm thanh vân lại bước chen
Được nhàn ta sá dường thân nhàn.
Chữ nhàn ở thơ Nguyễn Bình Khiêm đôi lập với tất cả chữ nhàn ở thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhàn thân chứ không phải là nhàn tâm. Dù nhàn nhưng vẫn lo âu việc nước việc đời.

Hai câu kết tác giả muốn khẳng định rằng tiền bạc của cải chỉ là phù phiếm, nó sẽ nhanh chóng tan biến theo bước đường thời gian, vì vậy mà phương châm sống đừng chỉ lúc nào cũng mong về tiền tài, danh vọng.

Tuy rằng chữ nhàn có những hạn chế như: nhiều yếu tố nhàn rỗi, nhàn tâm, yên phận khá đậm nét. Mà đặc biệt một nhà nho ưu thời mẫu tục như Nguyễn Bỉnh Khiêm mà lại chủ trương nhàn tâm, chủ trương vô sự ngáy pho pho trước cảnh đất nước loạn lạc, nhân dân cực khổ lầm than. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm hi vọng với những vần thơ triết lí này của mình có thể giữ trọn được tâm hồn và nhân cách để cuộc sống con người được hài hoà, hợp với lẽ của tự nhiên và xã hội cũng đi đến…

Nhàn là một triết lí sống để bảo toàn nhân phẩm trước sự đua chen danh lợi, trước sự băng hoại về đạo đức:
Có thuở được thời mèo đuổi chuột
Đến khi thất thế kiến tha bò.
Và:
Hoa càng khoe nở hoa càng rữa
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi.
Toàn bộ Bài thơ Cảnh nhàn là một lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hoà hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi. Nhàn là triết lí sống chi phối nhiều sáng tác của Nguyễn Binh Khiêm. Tuy có lúc nó có mang yếu tốt tiêu cực nhưng nó lại là triết lí sống giúp con người ta sống đẹp hơn, đúng hơn với đời.

tửu tận tình do tại
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (6)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là người có học vấn uyên thâm. Tuy nhiên khi nhắc đến ông là làm mọi người phải nghĩ đến việc, lúc ông còn làm quan ông đã từng dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng đã không thành công nên ông đã cáo quan về quê. Do học trò của ông đều là những người nổi tiếng nên được gọi là Tuyết Giang Phu Tử. Ông là người có học vấn uyên thâm,là nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ của ông mang đậm chất triết lí giáo huấn, ngợi ca chí khí của kẻ sĩ,thú thanh nhàn, đồng thời cũng phê phán những điều sống trong xã hội. Khi mất ông để lại tập thơ bằng tập viết thơ bằng chữ Hán là Bạch Vân am thi tập; tập thơ viết bằng chữ Nôm là Bạch Vân quốc ngữ thiCảnh nhàn là bài thơ tiêu biểu trong tập thơ Bạch Vân quốc âm thi tập, được viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật. Bài thơ ca ngợi niềm vui trong cảnh sống thanh nhàn. Qua đó ta có thể thấy được vẻ đẹp chân chính của ông, nét mộc mạc của làn quê.

Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ lao xao
Thu ăn năng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cay ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao
Hai câu đề đã khắc hoạ được như thế nào một cuộc sống nhàn rỗi
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẫn dầu ai vui thú nào…..
Ở câu thơ đầu câu thơ đã khắc hoạ hình ảnh một ông lão nông dân sống thảnh thơi.Bên cạnh đó tác giả còn dùng biện pháp điệp số từ “một” thêm vào là một số công cụ quen thuộc của nhà nông nhằm khơi gợi trước mắt người đọc một cuộc sống rất tao nhãn và gần gũi nhưng không phải ai muốn là có. Từ “thơ thẩn” trong câu hai lại khắc hoạ dáng vẻ của một người đang ngồi ung dung chậm rãi và khoan thai. Đặt hình ảnh ấy vào cuộc đời của tác giả ta có thể thấy được lúc nhàn rỗi nhất của ông chính là lúc ông cáo ông về ở ẩn. Và từ “vui thú nào” cũng một lần nữa nói lên đề tài của bài thơ là về cảnh nhàn dẫu cho ai có ban chen vòng danh lợi nhưng tác giả vẫn thư thái. Hai câu thơ đầu đã không chỉ giới thiệu được đề tài mà còn khắc hoạ tư thái ung dung nhàn hạ, tâm trang thoải mái nhẹ nhàng vui thú điền viên.
….. Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ lao xao……
Hai câu thực của bài thơ ý tác giả muốn nhắm đến cảnh nhàn và sử dụng các từ đối nhau như “ta” - “người”; “dại” - “khôn”; “nơi vắng vẻ”_ “chốn lao xao”. Từ một loạt những từ đối lập đó đã thể hiện được quan niệm sống của tác giả. Nhân vật trữ tình đã chủ động tìm đến nơi vắng vẻ đến với chốn thôn quê sống cuộc sống thanh nhàn mặc cho bao người tìm chốn “phồn hoa đô hội”. hai câu thơ đã đưa ra được hai lối sống độc lập hoàn toàn trái ngược nhau. Tác giả tự nhận mình là “dại” vì đã theo đuổi cuộc sống thanh đạm thoát khỏi vòng danh lợi để giữ cho tâm hồn được thanh nhàn.Vậy lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm có phải là lối sống xa đời và trốn tránh trách nhiệm? Điều đó tất nhiên là không vì hãy đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác chỉ có thể làm như vậy mới có thể giữ được cốt cách thanh cao của mình. Do Nguyễn Bỉnh Khiêm có hoài bảo muốn giúp vua làm cho trăm dân ấm no hạnh phúc nhưng triều đình lúc đó đang tranh giành quyền lực, nhân dân đói khổ tất cả các ước mơ hoài bảo của ông không được xét tới. Vậy nên Nguyễn Bỉnh Khiêm rời bỏ “chốn lao xao” là điều đáng trân trọng.
….. Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao………
Hai câu luận đã dùng biện pháp liệt kê những đồ ăn quanh năm có sẵn trong tự nhiên. Mùa nào thức ăn nấy, mùa thu thường có măng tre và măng trúc quanh nhà, mùa đông khi vạn vật khó đâm chồi thì có giá thay. Câu thơ “xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” gợi cho ta cuộc sống sinh hoạt nơi dân dã. Qua đó ta có thể cảm nhận được tác giả đã sống rất thanh thản, hoà hợp với thiên nhiên tận hưởng mọi vẻ đẹp vốn có của đất trời mà không bon chen, tranh giành. Đăt bài thơ vào hoàn cảnh lúc bấy giờ thì lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện được vẻ đẹp của tâm hồn thanh cao đó là lối sống tích cực thể hiện rõ thái độ của Bạch Vân cư sĩ.
……. Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
Hai câu luận đã thể hiện dược cái nhìn của 1 nhà trí tuệ lớn, có tính triết lí sâu sắc, vận dụng ý tượng sáng tạo của điện tích Thuần Vu. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm phú quí không phải là một giấc chiêm bao vì ông đã từng đỗ Trạng Nguyên, giữ nhiều chức vụ to lớn của triều đình nên cuộc sống phú quí vinh hoa ông đã từng đi qua nhưng ông đã không xem nó là mục đích sống của ông. Mà ông đã xem đó chỉ là một giấc chiêm bao không có thực và ông đã tìm đến với cuộc sống thanh thản để luôn giữ được cốt cách thanh cao của mình.

Như vậy qua bài thơ ta đã hiểu được quan niệm sống nhàn và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm coi thường danh lợi, luôn giũ dược tâm hồn thanh cao hoà hợp với thiên nhiên, đề cao lối sống của những nhà nho giáo giàu lòng yêu nước nhưng do hoàn cảnh nên phải sống ẩn dật. Bên cạnh đó Nguyễn Bỉnh Khiêm còn sử dụng ngôn ngữ gần gũi mộc mạc nhưng giàu chất triết lí. Sử dụng khéo léo thể thơ thất ngôn đường luật, điển tích điện cố và cách phép đối thường gặp ở thể thơ Nôm một cách linh hoạt.

Bài Bài thơ Cảnh nhàn là một bông hoa viết bằng chữ Nôm tuyệt đẹp của văn học trung đại Việt Nam. Quan niệm sống đề cao vẻ đẹp tâm hồn, lối sống trong sạch của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích về bài thơ nôm số 79 của Nguyễn Bỉnh Khiêm

蔑埋蔑𨨠蔑芹鉤
疎引油埃𣡝趣芾
些曳些尋尼永尾
𠊛坤𠊛典准唠哰
秋咹芒竹冬咹稼
春沁湖蓮夏沁
𨢇旦檜些仕㕵
𥆾䀡富貴似占包
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
Bài 79 thuộc thất ngôn bát cú, sáng tác theo cấu trúc cận thể thơ luật Đường. Toàn bài tạo thành một hệ thống chặt chẽ: trên - dưới, tung - hứng, mở - kết,... Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chủ yếu trình bày hai vấn đề: Mở và Luận của bài trên.
*
1. Mở: phá và thừa đề.
Mở bài, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) viết: Một mai một cuốc một cần câu. Đấy là câu phá đề - bao quát chủ đề. Tiếp theo là thừa đề, nói vào nội dung: Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Vậy, câu phá đề, tác giả muốn nói gì về chủ đề?
Khi phá đề, Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy ngay điển từ Nhạc phủ - bài Kích nhưỡng ca (擊壤歌) để mở đề: “Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực (鑿井而飲, 耕田而食)”; nghĩa là, “đào giếng mà để uống, cầy ruộng mà để ăn”. Bài Kích nhưỡng ca ngợi cuộc sống thái bình thịnh trị lúc Nghiêu đang làm vua, khi xã hội nguyên thuỷ giữa con người với con người bình đẳng và con người đang sống tự do, vui vẻ,... Từ đó, bài ca Kích nhưỡng được truyền bá, hát từ thời Nghiêu, qua thời Thuấn, đến thời Vũ và kéo dài. Song, chế độ xã hội phát triển, khi đẳng cấp hình thành, vua nắm quyền, dân bị bóc lột, bị áp bức,... Thế là, con người muốn vùng lên chống lại thống trị. Tư tưởng tự do quật khởi. Hấp thụ tư tưởng Mặc Tử (khoảng 468 - 376 TCN) và Trang Tử (khoảng 369 - 286 TCN), Hàn Phi (sống khoảng 280 - 233 TCN) cất cao ý chí: “Ngô bất thần thiên tử, bất hữu chư hầu, canh tác nhi thực chi, quật tỉnh nhi ẩm chi(6) (吾不臣天子, 不友諸侯,耕作而食之, 掘井而飲之)”, nghĩa là: Ta không làm bề tôi của Thiên tử (nghĩa là không có Thiên tử), không làm bạn với các nước chư hầu (vì họ đang đội đầu Thiên tử), cầy ruộng mà ăn thứ đó, đào giếng mà lấy nước đó uống.
Tư tưởng Mặc Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử và dĩ nhiên cả tư tưởng Nho gia được hội tụ ở Nguyễn Bỉnh Khiêm cuối thế kỉ XV - thế kỉ XVI. Ông đã biểu hiện tư tưởng đó qua Quốc ngữ thi trong đó có Bài 79.
Thời đại Việt Nam thế kỉ XV - XVI thay đổi: nhà Lê chuyển sang triều Mạc. Năm 1497, Lê Thánh Tông mất. Lê Hiến Tông nắm quyền chẳng được bao lâu: 1498 - 1504. Rồi, Lê Túc Tông chỉ làm vua có 6 tháng 2 ngày (từ mồng 6 tháng 6/1504 đến ngày mồng 8 tháng 12/1504). Hai vị vua tiếp theo là Uy Mục (1505 - 1509) và Tương Dực (1509 - 1516) cùng nhau phá phách, đưa nhà Lê xuống dốc thẳm. Trước tình cảnh đó, Chiêu Tông (1516 - 1522) cố gắng vãn hồi nhà Lê. Nhưng, ông hoàn toàn bất lực. Vua cuối cùng - Cung Hoàng (1522 - 1527) bị ngoại thích giết. Thế là, một trăm năm (1428 - 1527) nhà Lê chấm dứt. Chính quyền về tay họ Mạc. Bấy giờ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã 36 tuổi (1491 - 1527); ông cũng đủ thời gian hơn ba mươi năm qua để chiêm nghiệm thịnh suy của nhà Lê. Ông sẽ đi theo hướng nào?
Trước hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm gia nhập triều Mạc, đỗ Trạng nguyên năm 1535 vào tuổi 44; rồi làm quan bảy năm: 1535 - 1542. Khi 51 tuổi - 1542, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan, trở về cuộc sống thảng thích giữa trời và đất, chẳng làm bề tôi nhà Mạc, cũng chẳng chầu về nhà Lê Trung hưng. Vì thế, ông theo Hàn Phi, đấy là tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm biểu hiện Một mai, một cuốc,...
Sau mai và cuốc, Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện tiếp ý tưởng của mình: một cần câu. Ở đây, ông dùng điển Trang Tử về cần câu mà Điền Tử Phương, thời Chiến Quốc ghi: “Văn Vương quan ư Tang, kiến nhất trượng phu điếu, nhi kì điếu mạc điếu; phi trì kì điếu hữu điếu giả dã, thường điếu dã (文王觀於臧, 見一丈夫釣而其釣莫釣; 非持其釣有釣者也, 常釣也)”; nghĩa là: Văn Vương xem câu ở đất Tang, thấy một người trượng phu đang câu mà cần câu không có lưỡi câu; người đó không cầm cần câu có lưỡi câu, mà luôn luôn câu. Câu nói đó được Tư Mã Thiên (khoảng 145-135 TCN -?) thuật lại, viết thành thiên Thế gia của Tề Thái Vọng trong Sử kí. Tư Mã Thiên kể về tài năng của thánh hiền Lã Vọng, đã suốt đời 70 tuổi mà vẫn buông câu lưỡi thẳng, cũng chẳng dùng mồi thơm câu trên sông Vị, đợi chờ phò tá Vũ Vương diệt Thương Trụ, lập triều Chu. Bởi thế, muốn biết “cần câu” trong Bài 79 của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên hiểu ý tưởng ở Trang Tử. Vậy mà, cũng có người viết rằng, cần câu là “công cụ lao động:... để bắt cá”. Thôi thì, đành phải cung cấp cái gọi là “cần câu” vậy!
Trong Kinh Thi phần Vệ phong có bài Trúc can (竹竿). Hai câu đầu, cô gái hát: “Địch địch trúc can, Dĩ điếu vu Kì” (蔕蔕竹竿, 以釣于淇) - nghĩa là, “Cành tre dài von vót, để câu ở sông Kì”(7). Đấy là cần câu để câu, chứ không phải là công cụ lao động để bắt cá!
Đấy là mở đề. Để thừa đề, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói thẳng về nội dung: Thơ thẩn dù ai vui thú nào. Vui thú mà Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn là, tự tại ung dung, một mình - chỉ một mình tôi(8) - giữa đất và trời; không làm bề tôi đội đầu Thiên tử, cũng chẳng làm bạn với các chư hầu vì họ đang đội Thiên tử trên đầu; tự đào giếng mà lấy nước uống; tự cầy cấy mà lấy thứ ăn; câu chẳng cần mồi, chẳng lưỡi câu mà các bậc thánh hiền như Vũ Vương tự tìm đến Khương Tử Nha. Nếu đội Thiên tử, nghĩa là, khắp nơi từ bầu trời đến mặt đất đều của Thiên tử; cũng nghĩa là, kể cả rau vi, rau thái trên núi sâu thẳm đều thuộc của Thiên tử. Thế thì, chỉ có con đường đi theo Bá Di, Thúc Tề hoá thành chim kêu: “bất thực Chu túc (不食周粟)”(9) - (không ăn thóc nhà Chu) ở Thú Dương mà thôi. Đấy là Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà minh triết, nhà thơ Việt Nam thế kỉ XVI. Với tầm tư tưởng như vậy khiến các vua Mạc: Phúc Hải (1541 - 1546), Phúc Nguyên (1547 - 1561), Mậu Hợp (1562 - 1592) hoặc vua Lê: Trung Tông (1549 - 1556), Anh Tông (1557 - 1573), Thế Tông(10) (1573 - 1560) đều tự đến tìm, tôn Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc quân sư, bậc sư phụ. Vậy mà, có người biến Nguyễn Bỉnh Khiêm thành nông dân lao động cần cù, đào đất, cuốc xới đất, bắt cá,... Chẳng hạn, trong các sách Trung học phổ thông với đầu đề “1. Vẻ đẹp cuộc sống” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, họ ghi: “...Cụ Trạng về sống giữa thôn quê như một “lão nông tri điền”, với những công cụ lao động: mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu để bắt cá”(11). Tôi biết bình luận gì đây?
2. Luận.
Thơ cận thể luật Đường theo thứ tự: Mở đầu gồm “phá đề” và “thừa đề” (câu 1 và 2); tiếp theo là “thực” (câu 3 và 4) và “luận” (câu 5 và 6); cuối là “kết” (câu 7 và 8).
Phần luận trong thơ luật Đường, các thi nhân thường giãi bày ý tưởng hoặc cảm xúc của mình về chủ đề mà mình đang suy ngẫm. Trong Bài 79, Nguyễn Bỉnh Khiêm bộc lộ tình cảm của mình qua hai câu luận:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Nếu chỉ liếc qua hai câu trên, ta nhận ngay trình tự thời gian mà Nguyễn Bỉnh Khiêm cố ý đảo ngược: thu -> đông // xuân -> hạ. Đấy chính là nghệ thuật thơ ca, là ý đồ cấu tứ thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ấy mà, có người viết: “Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa nào thiên nhiên cũng là môi trường sống thanh tao:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Hai câu thơ là một bộ tranh tứ quý, có cảnh, có người, có mùi vị, có hương sắc(12)”.
Ôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đâu xếp tứ quý theo lối vẹt hót: xuân, hạ, thu, đông! Ông cũng chưa bao giờ làm việc môi trường! Một bộ tứ quý, đặt bức nào trước, bức nào sau, đâu phải cứ sắp xếp bừa? Vả chăng, tranh tứ quý vốn do người Việt Nam thời trung đại thường viết chữ Hán, chữ Nôm,... Thành thử, trẻ không đọc được nên xếp lộn bốn mùa.
Câu đầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ăn lên trên và đặt song trùng: ăn (măng) // ăn (giá). Đấy là “hình nhi hạ (形而下)”. Câu sau, thi nhân vẫn dùng phương pháp sóng đôi: tắm (hồ) // tắm (ao). Đây mới chính là “hình nhi thượng (形而上)(13)” Hai câu luận song song đối nhau. Nhưng, ngay trong mỗi câu, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại viết: hình nhi thượng trước (măng trúc) // hình nhi hạ sau (giá). Măng trúc do trời ban, thiên nhiên ban; còn giá bởi con người vất vả làm ra. Câu sau vẫn theo lối cấu trúc: Hình nhi thượng trên - hồ sen do ông trời tạo hoá, ông ban cho được tắm hương trời; mà nếu, ông trời không cho thì vui vẻ trở về tắm ao (cũng có thể tắm ao tù) - Hình nhi hạ dưới. Con người tự làm, chẳng phả đợi Thiên tử
Một năm bốn mùa, có tới ít nhất ba mùa măng: xuân, thu, đông.
Tháng ba cuối xuân, măng ngon. Lương Tiêu Sâm(14) ngâm:
春筍方解籜,
弱柳向低風.
“Xuân duẩn phương giải thác
Nhược liễu hướng đê phong”
(Măng xuân mới bóc,
Liễu mềm gió qua).
(Tiễn Tạ Văn Học).
Gần ba trăm năm trước đấy, nhà thơ Đỗ Phủ (712 - 770) hứng khởi, ngất ngưởng ca:
青青竹笋迎船出
日日江魚入饌來.
“Thanh thanh trúc duẩn nghênh thuyền xuất
Nhật nhật giang ngư nhập soạn lai.”
(Măng trúc xanh xanh thuyền chở đến,
Ngày ngày sông cá nhập vào đây).
(Tống Vương Thập ngũ Phán quan Phù thị hoàn Kiềm Trung).
Đến tiết đông, cuối mùa lại có măng đặc biệt. Khi đó, búp măng chưa nhô khỏi mặt đất. Người ta vất vả đào măng dưới gốc bụi tre. Mã Viện (14 TCN đến 49 SCN) cho rằng, vị của măng đông ngon hơn măng cuối xuân, đầu hè.
Nhưng, mùa thu, măng trúc ăn sang trọng hơn. Sách nói, Tô Tụng (1020 - 1101) là người Phúc Kiến, nhà Thiên văn, nhà Y dược. Với tư cách là nhà Y học, ông nhận xét: “Chỉ riêng các nhà lấy măng trúc đắng mùa thu là quý nhất”. Sau, Lí Thời Trân (1518 - 1593) nhắc lại lời Tô Tụng về măng trúc đắng mùa thu. Lại có truyện về Lưu Hoài Trân trong Nam Tề thư(15). Truyện kể rằng, mẹ của Linh Triết thường bị bệnh. Linh Triết tự mình cầu đảo, mộng thấy cụ già, mặc áo vàng, bảo: “Lấy măng trúc ở Nam Sơn cho mẹ ăn, mẹ lập tức khỏi ngay”. Quả nhiên, khi mẹ Linh Triết được ăn măng Nam Sơn, bèn khoẻ. Truyền thuyết trên mang ý nghĩa về tinh thần giá trị của măng trúc thời xưa, giúp con người sống lâu. Đấy là nửa câu trên: hình nhi thượng - thu măng trúc. Nửa câu dưới: hình nhi hạ - đông giá thì sao?
Theo Bạch Vân thi tập từ bản a đến bản b đều hợp trùng Bài 79. Riêng phần luận, từ bản a đến bản b hoàn toàn giống nhau. Đặc biệt, câu năm đều viết chữ cuối cùng là giá 稼 (bộ hoà 禾):
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.
Chữ giá (稼) mang bao nhiêu nghĩa? Theo Tự điển chữ Nôm có bảy chữ giá(16), gồm bốn chữ Hán văn ngôn là: 架, 駕, 這, 價và ba chữ tự tạo là: 𥳅, ?, 𦁹. Khi gia nhập vào chữ Việt, chữ Hán văn ngôn mang luôn trường nghĩa gốc Hán vào Việt Nam. Chẳng hạn, chữ giá (稼) vừa là động từ (cầy cấy, trồng trọt), vừa là danh từ (thóc gạo, ngũ cốc). Thí dụ: “(Thuấn) tự canh giá, đào ngư dĩ chí vi đế, vô phi thủ ư nhân giả ((舜)自耕稼陶漁以至為帝,無非取於人者)” - (Thuấn) tự cầy cấy, làm công cụ, đánh cá,... đến việc làm đế, chẳng có gì là không làm(17). Như vậy chữ giá là động từ: cày cấy, trồng trọt.
Câu thơ: “Ta ngã nông phu, Ngã giá kí đồng” (嗟我農夫, 我嫁既同) - nghĩa là, “Ôi! Những nông phu của ta, lúa của chúng ta đã gom chứa vào đấy rồi”(18). Như vậy, giá là danh từ: lúa gạo, ngũ cốc…
Khi gia nhập vào kho tàng chữ Việt, chữ Hán văn ngôn trở thành chữ Nôm. Cho nên, tuỳ trường hợp cụ thể, chúng có thể giữ chức năng động từ hoặc giữ chức năng danh từ. Hơn nữa, như chúng tôi đã nói, thể thơ luật Đường bao giờ cũng tạo thành một hệ thống chặt chẽ: trên - dưới, tung - hứng, mở - kết,... Nếu Mở đề đã nói “cuốc” (canh điền hoặc canh tác) là đã chuẩn bị về kết quả giá: thóc gạo, ngũ cốc. Tuy nhiên, đôi khi vì sơ xuất, chưa để ý mối liên hệ nhân quả (Mở đề - Luận) nên giải thích bị trệch. Chẳng hạn, biên soạn Chú thích: “Giá: thứ rau bằng mầm của hột đậu xanh ngâm ủ, mọc nên”(19). Thế là, có người tóm ngay và lấy làm sung sướng, vừa nhấm nháp, vừa gật gù, tán dương về Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Mùa thu ăn măng trúc, mùa đông ăn giá đỗ, nhưng câu thơ “thu ăn măng trúc, đông ăn giá”, nói như Xuân Diệu là có cảm giác “ăn giá tuyết, uống băng đông”. Cách viết tinh tế trong câu thơ là biểu hiện của cảm nhận tinh tế về thiên nhiên của tác giả”(20).
Đây là hai vấn đề mà chúng tôi đã trình bày. Nếu chúng tôi có viết gì sơ xuất, rất mong các độc giả chỉ giúp và lượng thứ. Riêng đặt nhan đề Nhàn và phần Kết của Bài 79 chúng tôi sẽ trình bày tiếp bài sau.

Bài viết của PGS.TS. NGUYỄN ĐĂNG NA


(1) Từ đây gọi là Bài 79, hoặc Số 79.
(2) Văn Đàn bảo giám, Văn học Tùng thư, 1926, Quyển III, gồm 49 bài thơ Nôm, từ tr.1 đến tr.15.
(3) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, Nxb. Văn hoá, H. 1962, tr.466.
(4) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb. Văn học, H. 1983. Riêng văn bản này có thêm Khảo dị, Chú thích, tr.114-145.
(5) Ngữ văn 10, Tập một, Nxb. Giáo dục, H. 2006, tr.128-129.
(6) Hàn Phi Tử: Ngoại trừ thuyết hữu thượng(外儲說右上).
(7) Kinh Thi, phần Vệ phong, bài Trúc can, Tập 1, Nxb. Đà Nẵng, Tạ Quang Phát dịch, tr.288.
(8) Xin chú ý lặp lại từ “một” - khẳng định cái tôi của tác giả.
(9) Xem Bá Di liệt truyện trong Sử kí của Tư Mã Thiên.
(10) Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 1585.
(11) Ôn tập Ngữ văn 10, tr.63; Ngữ văn 10, Tập một, Sách giáo viên, tr.167, Bài tập Ngữ văn 10, Tập một, tr.89, Bình giảng Thơ Nôm Đường luật tr.59 (chỉ thay “lão nông chi điền” trước, nay đổi là “lão nông tri điền”).
(12) Bài tập Ngữ văn 10, Tập một, tr.89; Ngữ văn 10, Tập một, Sách giáo viên, tr.168.
(13) Xem Dịch (易), Hệ từ thượng (系辭上).
(14) Lương Tiêu Sâm (梁蕭琛), thời Tống.
(15) Sách Nam Tề thư do Tiêu Tử Hiển soạn.
(16) Tự điển chữ Nôm, Nxb. Giáo dục, 2006, tr.413-414.
(17) Công Tôn Sửu thượng, sách Mạnh Tử.
(18) Kinh Thi, T.I, Nxb. Đà Nẵng, 2003, bài Thất nguyệt, tr.650, Tạ Quang Phát dịch.
(19) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb. Văn học, 1983, tr.115.
(20) Bài tập..., tr.89, Ôn tập... tr.63, Ngữ văn... Sách giáo viên, tr.168./.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời