Tác giả: Dương Kiều Minh


Tôi đã biết phải bắt đầu từ đâu khi viết một đôi lời về trường ca "Trên đường" của Trần Anh Thái, khi thấy ngọn lửa sáng tạo thi ca bùng cháy từ sự tự đốt cháy không ngừng của chủ thể sáng tạo, của nhà thơ trước cảm hứng về khát vọng, sự dâng hiến trên con đường nghiệt ngã trở lại mình tìm kiếm bản thể của đời sống, của nguồn cội, của sự chiêm nghiệm đầy băn khoăn thao thức trước những giá trị đã được khẳng định trong quá khứ và hiện tại.

Có thể nhiều người đã từng đọc tập thơ TRÊN ĐƯỜNG của Trần Anh Thái do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2004, trình bày bìa tập thơ là hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn. Tập thơ này được chia làm hai phần rõ rệt. Phần một gồm những bài thơ ngắn, phần hai là trường ca "Trên đường". Rất mong những ai đã đọc tập thơ TRÊN ĐƯỜNG, xin hãy dừng lại ở phần hai của tập thơ này. Có lẽ sự đặc biệt trong cảm hứng sáng tạo Trần Anh Thái lần đầu được bộc lộ và trình bày đầy đủ, đậm đặc và sáng tỏ ở phần hai của tập thơ, với cái tên "Trên đường" — một trường ca cuộn xiết khát vọng như làn gió run rẩy vừa trào sôi vừa bền bỉ nhẫn nại. Ở trường ca này, ta thấy tác giả của trường ca "Đổ bóng xuống mặt trời" đã mạnh mẽ dứt bỏ. Sự dứt bỏ một cách bạo liệt, quyết đoán đối với những gì còn bịn rịn, níu kéo dù mỏng như tơ nhện trong cảm hứng sáng tác và thi pháp vốn có của anh; tuy nhiên đó là một sự dứt bỏ theo hướng đẩy xa tiến xa hơn nữa nỗi băn khoăn đã ám ảnh ở trường ca "Đổ bóng xuống mặt trời". Có lẽ sự dứt bỏ này chưa tạo được sự cảm thông mới của người đọc đối với trường ca "Trên đường". Nhưng sáng tạo thơ ca là vậy, sự cách tân, đổi mới chính mình, là mục tiêu quan thiết nhất, là nguyên tắc duy nhất quyết định con đường thi ca của mỗi nhà thơ. Những nhà thám hiểm Bắc cực, hoặc những nhà thám hiểm từng tìm ra con đường hàng hải của nhân loại và tìm ra châu Mỹ, làm việc đó không phải để chờ tiếng vỗ tay của đồng loại, mà họ tiến hành một sứ mệnh. Tiếng gọi của sứ mệnh sôi réo trong máu họ, thôi thúc họ hiến dâng cho công cuộc tìm ra con đường mới, miền đất mới. Sứ mệnh của nhà thơ cũng vậy. Nhà thơ không tự son phấn ve vãn mình bằng những tràng vỗ tay tại những buổi đọc thơ ở hội trường trong các buổi giao lưu hoặc trước ống kính sắp đặt trong phòng quay của các chương trình truyền hình được thực hiện theo các chủ đề: mùa xuân, mùa thu...

Có thể bạn cho tôi là người trầm lặng, có thể bạn cho tôi là người bốc đồng, nhưng tôi rất thấm thía ý kiến này của Freud khi ông bàn về lý luận phân tâm học "nhưng có khả năng là lúc đầu anh nhượng bộ trong việc dùng từ ngữ, tiếp đó sẽ từng bước cúi đầu vâng dạ trong các vấn đề thực chất". Chỉ là việc dùng từ ngữ thôi cũng đã là một vấn đề hệ trọng trong việc tiếp cận chân lý, chính vì vậy mà cũng theo Freud "một số ít người bỏ ra chẳng bao công sức để cứu giúp chân lý sâu sắc nhất ra khỏi mớ tình cảm hỗn độn của họ, còn những người như chúng ta thì phải vất vả, thấp thỏm, mò mẫm mới có thể tìm ra con đường đi tới chân lý".

Trường ca "Trên đường" của Trần Anh Thái được bố cục làm ba phần: Mở đầu là phần "Ra đi" gồm có các khúc thơ về Yên Tử, "Ba Bể", "New York", "Tokyo"... Nhà thơ có ý bắt đầu từ cội nguồn dân tộc rồi toả đến các miền đất trên thế giới, tiếp theo là phần "Trở về" và cuối cùng là những suy tư lắng lại trong "Khúc cuối".

Tôi có thể quả quyết rằng "Trên đường" của Trần Anh Thái là trong trường ca lại có trường ca. Vì sao lại nói vậy ? Vì "Yên Tử" và "Ba Bể", nếu đứng độc lập thì đó là hai trường ca trong cảm hứng bỏng rát, dâng cao và xoáy xiết khát vọng từ những câu hỏi đầy thôi thúc trên đường hành hương về nguồn cội. Đó là một con đường gập ghềnh, khuất khúc của kẻ đi tìm mình, tìm cái bản thể khởi nguyên của con người trong ước vọng sáng tạo hùng vĩ. Trường ca "Yên Tử" là cơn gió lớn và lạ thổi chếnh choáng không dứt:

Trong dấu tích cổ xưa
Tôi đi
Tiếng chân bước âm u
Tiếng gió ù ù
Con đường
LẠC LONG QUÂN Người sinh ra từ đâu?
Tôi có gì trong ông
Ông có gì rùng rùng đất chuyển
...
Tôi vạch tìm gốc cây
Đâu dấu chân tổ tiên
Đâu bóng hình thế kỷ
Tôi gõ lên phiến đá
Nơi hang sâu
con suối cạn ngoằn ngoèo ký ức
Dòng người lầm lũi đi
Mắt sáng trong veo
Nụ cười xiêu dại
Họ đi theo đường nào?
...
Đỉnh ở đâu?
Lá trúc bay rát mặ
/Đá tướp bàn chân
Giấc mơ vượt mắt

Từ mạch thơ đến nhịp thơ và hình ảnh thơ tạo nên sự gấp gáp của hơi thở dốc trong màn sương mờ ảo và hiện thực. Nhà thơ như chạm đến và tưởng chừng như giáp mặt với nhân vật huyền thoại khổng lồ đã khai sinh ra con cháu Lạc Hồng. Và những câu hỏi lớn treo lơ lửng sừng sững trong không gian thời gian đã từ triệu triệu năm trôi qua.

LẠC LONG QUÂN Người sinh ra từ đâu?
Tôi có gì trong ông
Ông có gì rùng rùng đất chuyển ?...

Vâng, đúng vậy, một sứ mệnh của sự đi vang lên "Nỗi ngờ vực vang lên. Con đường chênh vênh gió", "Không có ai đốt lửa trước con đường, chỉ có niềm hy vọng cháy lên". Trước ta, trước sứ mệnh của sáng tạo nghệ thuật, không có và không bao giờ có, dù ta có chờ đợi hoá thành đá thì cũng vậy, "không có ai đốt lửa trước con đường" sáng tạo của ta. Tự ta phải khai mở, tự ta phải vạch đường mở lối. Người bạn duy nhất cùng ta đồng hành trên con đường đơn độc đó là "niềm hy vọng cháy lên". Vâng, "Họ đi ! Hun hút. Vực thẳm bốn chiều / Không thể khuỵu ngã trong đêm. Hãy gượng dậy và hãy bước tới. Cơn đói cồn cào / Ở nơi chập chờn ý thức, tiếng chuông trên đỉnh chùa Đồng cất lên lời ca xa cách".

Trường ca "Ba Bể" mở ra sứ mệnh mang thi vị của cảm xúc. Nếu "Yên Tử" là sự hướng nhập tới những biểu tượng cao vời của tâm tưởng thì "Ba Bể" là sự trở lại với đời sống nội tâm dung dị hơn, một đời sống gần gụi của ước vọng con người:

Tôi soi xuống mặt hồ
Sóng Ba Bể nghìn xưa vọng lại
Hạnh phúc ở đâu
Vách đá quành quèo đáy sâu hồ nước
Ngày chưa mở ra ánh sáng chưa tràn...
 
Người đi tìm nhau
Tôi đi tìm
Rừng nguyên khởi
                    con đường khép mở

"Hạnh phúc ở đâu"— đó là câu hỏi móc vào ước vọng của con người trên toàn nhân loại này từ trước công nguyên đến nay. Các tôn giáo lớn trên thế giới sinh ra vốn để bù đắp vào khoảng trống day dứt mà câu hỏi về Hạnh phúc mở ra trong tâm trí con người. Và, ở đây, ở đầu trường ca "Ba Bể", nhà thơ đã dựng lại câu hỏi lớn này của nhân loại. Và nhà thơ đã đi tiếp một bước quan trọng, hiện thực hơn trong một ẩn dụ tượng trưng cho câu trả lời trước câu hỏi lớn này:

Đất có tên
tên số phận là gì đất trời bỏ ngỏ
Sông Năng oằn lên trong tiếng thác gầm

Khi số phận chưa có tên gọi thì hạnh phúc liệu có thể tìm thấy ở đâu? Hạnh phúc là điều người ta cảm thấy theo cách của riêng mình. Sự cảm thấy đó chỉ đúng, chỉ thích hợp với từng cá nhân trong những điều kiện cụ thể đặc thù của riêng đời sống tinh thần của cá nhân. Hạnh phúc ở người này, nhưng có thể là sự nhàm chán, thù ghét ở người khác.

Tên của số phận đất trời còn để bỏ ngỏ, gánh nặng của sứ mệnh tưởng đè lên tiếng thác của dòng sông Năng "Sông Năng oằn lên tiếng thác gầm"— Đó chính là tiếng thác gầm lên trong tâm tưởng nhà thơ trong câu hỏi về con người trước vũ trụ.

Hai bài thơ dài "New York" và "Tokyo" là hai mặt trên một khối kính hình lục lăng. Nhà thơ chiếu rọi phơi trải hành trình tâm tưởng mình qua những vùng đất mới và xa lạ. Những sứ mệnh của khát vọng hướng tới hạnh phúc hằng cửu của con người vẫn hắt lên với những sắc độ ít nhiều khác biệt.

Tôi qua đại dương, lặn lội giữa vòm trời xa lạ. Trong ban mai, văng vẳng tiếng bước chân ký ức. Đoàn người lầm lũi đi, những quả đồi, giấc mơ tràn đầy ánh sáng. Họ đến trước chúng tôi nhiều thế kỷ. Khát vọng dựng lên hình ảnh vĩnh hằng trên toà tháp soi sáng miền bất tử
...
Hãy đi và hãy bước tới, chìm vào miền hân hoan của tưởng tượng.
Chợt vang lên những âm thanh hỗn độn của ngày.
Cơn mơ vỡ ra
Không có gì là tôi nơi đây. Không có gì thuộc về tôi ở thế giới này
(New York)
 
Trong cơn khát mệt mỏi của mùa hè, họ trút đi hơi thở nặng nề trần thế, hân hoan niềm sáng mùa xuân. Lửa đốt lên, ánh sáng buồn bã trở về. Lửa in hình ảnh của mình trên vòm lâu đài cổ. Sự lộng lẫy tự do soi sáng bầu trời bất tận.
...
Những rừng hoa tràn đầy sức sống bao trùm thế giới. Chúng ta sống và hát vang. Chúng ta gào thét và cười rạng rỡ. Hãy lột bỏ chính mình và vượt qua khuôn thước. Cái đẹp và sắc hoa, sự sống và thơ ca rần rật chảy trong dòng máu cuộc đời
(Tokyo)
Nhà thơ phóng rọi tâm tưởng tới những cảnh tượng của những vùng đất lạ để thấu triệt hơn những cảm nghiệm về con người và đời sống trên thế gian mà mình đã trải trên con đường hành hương trước đó. Mọi chuyện không ra ngoài việc của con người. Phần "Trở về" và "Khúc cuối" của trường ca "Trên đường" là cuộc trở về đầy mới mẻ với những cảnh vật con người quen thuộc nơi cố hương. Cuộc trở về này như Từ Thức từ động Thiên Thai trở về với làng xưa, người xưa nhưng sự biến dịch kỳ diệu của thời gian chiếu rọi lên tâm tưởng những hình tượng xúc động và mới mẻ. Vẫn hình ảnh về biển và đời sống của người dân biển, mạch thơ tựa như làn sóng của bản giao hưởng khi khắc khoải trầm hùng, khi dào dạt yêu thương, khi vút lên thứ ánh sáng kỳ diệu của sự bừng ngộ.

Khi tác giả thảng thốt đau thương bên nấm mộ của người em đã mất:

Cây dứa dại dập bầm
Vết đau ngày tháng.
Cỏ còn xanh... Trời chưa hửng
Nhang chưa thắp
đất mồ run rẩy
Lửa ở đâu
Diêm bật tắt mấy lần... Ngủ đi em
Ai bảo chết không là quan trọng... Số phận đổ vào ai
Sáng tối mỗi ngày... Ngủ đi em
Anh thắp thêm nước mắt người đời
Sóng cồn gió cát
Và những câu thơ nhói lên về Mẹ:

Con thong nhỏ khát vùi trong đất
Muối cạn mắt người
sóng giật
sương đổ trắng trên tóc mẹ
Mẹ chưa ngủ đâu
Trăng chưa sáng
Gió nhoà tối mặt

Và người cha hiện lên như hình tượng muôn đời của biển

Cha vác khoeo đi dưới mặt trời
Bóng gẫy trên ngọn sóng
Nước triều xô lệch bàn chân
 
Biển nông sâu từ đâu
Giông bão đổ
con thuyền phơi bốn mặt
....
Chiều nay
Biển đang sóng
Mặt trời ứa máu
Cỏ mồ cha thay lá bao lần
Con quì xuống đất đai
Gió u u buồn
Cha đã sống sóng triều biển mặn
Giờ thành rêu xanh
Thưa cha
Đến một ngày những nấm mồ thức giấc
Thì cha ơi
Cha sẽ nói điều gì

Những làn sóng giao hưởng này táp lên tâm cảm người đọc rồi đổ xuống một tiếng ầm vang như sóng biển, tôi chỉ còn biết thầm thì: A di đà Phật !

Một hình tượng nữa của biển mà nhà thơ biểu đạt là những "dòng người trôi về phía những con đường không tên gọi" và hình tượng đẹp mộc mạc tinh khôi của người đánh cá già. Nếu như tôi không lầm thì hình ảnh người đánh cá già được nhà thơ dựng lên trong chương II của "Khúc cuối" là hình tượng lắng đọng những suy tư trườn xiết suốt trường ca "Trên đường". Người đánh cá già vừa như người bạn cũ, vừa như nhà tiên tri. Những câu hỏi lớn về cuộc đời, về số phận và sứ mệnh của kẻ sáng tạo không còn được đặt ra và chợt tan biến trước "Bóng người đánh cá già lồng lộng in vào trời đất. Đôi mắt sáng tiên tri chỉ tay về phía mặt trời đang tan trong làn sương".

Và một khải thị, bừng ngộ xuất hiện

Ở bên kia của cánh rừng là vực thẳm
Trong bóng tối của những điều chưa biết là ánh sáng
Tiếng vọng vang lên: Tận cùng của đắng cay là vị ngọt
Hãy đi rồi sẽ tới
Mở cửa ra
Ánh sáng ở nơi chưa có con đường

Trường ca "Trên đường" tựa như một cây cổ thụ, rễ toả ra vừa sâu vừa rộng vào trong lòng đất bao la và tán cây càng vươn cao về phía mặt trời. Tôi cho đó là ý đồ chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật của Trần Anh Thái đối với trường ca này. Bởi "ai đó hiểu về quá khứ và hiện tại càng ít thì phán đoán của họ về tương lai càng không đáng tin" (S. Freud). Với thơ Việt Nam hiện đại, Trần Anh Thái trong trường ca "Trên đường" đã góp phần làm mới thể loại trường ca. Đặc biệt lưu tâm với nhà thơ ở trường ca này là những chương thơ văn xuôi, tạo nên sự rắn chắc kỳ lạ của ý tưởng, kết cấu và hình tượng thơ của trường ca. Thơ văn xuôi của Trần Anh Thái buột ra bởi sự thôi thúc nội tại từ tình thế cảm xúc của nhà thơ, nó giống như dòng Đà giang đột nhiên chảy lên phía bắc vậy. Đó không phải là thứ thơ văn xuôi nối dài những câu thơ vần điệu dàn theo chiều ngang mà trên báo chí và các ấn phẩm thơ chúng ta thường gặp. Câu chuyện về thơ văn xuôi có lẽ phải dành cho một cuộc hội thảo thoả đáng, nếu bàn sâu ở đây tôi tự thấy như là phạm phải một sai lầm là làm giảm cái dòng hứng khởi trào xiết mà trường ca "Trên đường" đã tạo ra và như tôi đã cảm nhận được.

Một điểm mới, trội và mạnh của nhà thơ Trần Anh Thái trong trường ca "Trên đường" đã biểu lộ một cách điển hình trong những chương thơ văn xuôi. Điều này không thể không ghi nhận, mặc dù còn quá ít người hội ngộ với hình thức thơ này, trong khi trên thế giới nó đã xuất hiện lộng lẫy và thuyết phục với thời gian không dưới một thế kỷ.