Một con người không thể tạo thành xã hội nhưng khi có từ hai người trở lên, xã hội được hình thành. Xã hội được sinh ra cùng với những quy định về đạo đức, tín ngưỡng, phong tục tập quán, pháp luật... buộc con người phải tuân theo. Mỗi cá nhân không còn được “tự do thiên nhiên” như muôn thú mà bị ràng buộc trong những rào cản vô hình. Đó là cái mà nhà thơ Trương Đăng Dung gọi là “những bức tường không nhìn thấy”.

Bài thơ Những bức tường có sáu câu lớn nhưng được trải ra 28 dòng thơ. Nhiều câu, chữ, hình ảnh lặp lại khá nhiều nhằm để nhấn mạnh, tạo sự chú ý, nhất là cụm từ “những bức tường”, có thể coi đây là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Hình tượng bức tường rất đa nghĩa, có khi, nó do con người tạo ra và họ có quyền phá bỏ. Nhưng cũng có những bức tường tồn tại khách quan, không phải do con người tạo ra: “những bức tường ta không xây / những bức tường không thể phá...” Đó là những chướng ngại về không gian, thời gian, vật chất đã làm cản trở phần lớn ước mơ của con người:

Khi ta ngước mắt nhìn trời xanh
trên mặt đất đã có những bức tường,
khi ta cúi xuống nhìn mặt đất
xung quanh ta đã có những bức tường
khi ta nghĩ đến những miền xa
phía trước ta đã có những bức tường.
Bên cạnh những bức tường vật chất, còn có những bức tường tinh thần do con người tạo ra. Mỗi cá nhân, gia đình hoặc một nhóm người nào đó xây nên “luật” thì cũng có quyền phá bỏ “luật”. Chẳng hạn, trong tình yêu, người ta có thể ra những quy định ràng buộc người yêu. Nhưng đôi lúc quá say đắm không làm chủ được mình, họ cũng có thể... phá “luật”:
Anh và em đi trên mặt đất này
giữa những bức tường ta xây và phá
Bên cạnh những bức tường do cá nhân xây còn có những bức tường do xã hội xây nên từ hàng ngàn năm nay. Đó là những quy định được cả cộng đồng thừa nhận và buộc mọi người phải tuân theo. Trong lĩnh vực tình yêu có vô số những “luật” mà cá nhân không dám phá như: không được ngoại tình, không được loạn luân, không được quan hệ tình dục trước hôn nhân, không được hôn nhau chỗ đông người, không được... và không được v.v... Bởi vậy:
Giữa những cái bắt tay
có một bức tường,
giữa em và người em thấy trong gương
có một bức tường,
giữa hai chiếc gối nằm kề nhau
có một bức tường.
Những bức tường vô hình đó đã làm cản trở những dục vọng của con người, tạo ra biết bao nhiêu bi kịch trong cuộc sống. Người ta yêu nhau nhưng không đến được với nhau cũng do những bức tường, tức là rào cản của dư luận xã hội. Nhưng cũng có thể vì lòng tự trọng, mỗi người buộc phải giữ tư cách của mình để khỏi bị khinh thường. Dẫu có yêu nhau say đắm đến mức nào đi nữa, người con gái cũng giữ một khoảng cách nhất định khiến cho người con trai không thể thâm nhập vào chốn tận cùng của linh hồn và thể xác của mình. Bởi vậy, Xuân Diệu đã từng than thở: “Dù tin tưởng chung một đời, một mộng / Em là em, anh vẫn cứ là anh / Có thể nào qua Vạn lý trường thành / Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật” (Xa cách). Và trên khắp thế gian này có hàng triệu Vạn lý trường thành như thế do con người tạo ra để hạn chế sự tự do của mình:
Những bức tường, những bức tường, những bức tường
có mặt khắp nơi,
trong những lời vui đoàn tụ
trong những lời buồn chia tay
Những bức tường đó có thể đêm đến cho con người niềm vui đoàn tụ. Người chồng chung thuỷ đem đến cho người vợ niềm hạnh phúc. Người con gái giữ được trinh tiết sẽ mang đến niềm tin tưởng cho người con trai đêm tân hôn. Tuy nhiên, những bức tường đó cũng có thể làm cho những cuộc tình phải chia tay “trong những lời buồn”. Những cuộc hẹn hò vụng trộm khó thực hiện được khi người ta phải nhìn trước ngó sau, nhìn trên ngó dưới... chỗ nào cũng đầy những bức tường vô hình ngăn cản. Chính người khác đã làm cho mình phải mang nỗi khổ vì mất tự do. Bởi vậy mà triết gia Nietzsche đã thốt lên: “Địa ngục chính là tha nhân”.

Những bức tường vô hình ấy có thể đem đến cho người này niềm hạnh phúc nhưng cũng có thể đem đến cho người kia sự bất hạnh. Những ai không hài lòng với quy chế khắc khe của xã hội thì có cảm giác như bị giam cầm trong vô số những bức tường. Một số phải sống mòn về thể xác, chết mòn về tinh thần và cuối cùng đổ gục. Một số khác cố phá được bức tường này nhưng lại gặp bức tường khác hoặc sụp bẫy trong bóng đen tội lỗi. Những cái chết này chỉ đem lại niềm vui cho lũ quạ:
Đêm đêm anh vẫn nghe tiếng lũ quạ
cười nói huyên thuyên trên những bức tường này.
Bài thơ giàu hình ảnh nhưng hơi khó hiểu bởi lẽ những hình ảnh này chỉ là những ký hiệu nghệ thuật cần phải được giải mã mới có thể hiểu được ẩn ý của tác giả. Từ ký hiệu ngôn từ đến thông điệp của tác giả có một bức tường ngăn cách. Chao ôi, trong đời sống và nghệ thuật có quá nhiều bức tường!...


Phạm Ngọc Hiền