Nhà thơ Bằng Việt có tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941 tại phường Phú Cát, thành phố Huế, lớn lên ở Hà Tây, học phổ thông tại Hà Nội. Năm 1961 được cử đi học luật tại Matxcơva (Liên Xô). Từng làm việc ở Hội Luật học, Hội nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội.
Đã in các tập thơ:
Hương cây - Bếp lửa (chung với Lưu Quang Vũ, 1968),
Những gương mặt - Những khoảng trời,
Đất sau mưa (1977),
Khoảng cách giữa lời,
Phía nửa mặt trăng chìm (1995),
Ném câu thơ vào gió,
Thơ trữ tình (2002)...
Những năm giữa thập kỷ sáu mươi, công chúng văn học đã chứng kiến sự xuất hiện của một loạt cây bút mới mà chỉ ít lâu sau đã trở thành chủ lực của thi đàn. Đó là Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Vương Anh, Phan Thị Thanh Nhàn... Vài năm sau lại là Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc... Trong đội ngũ đông đúc này, Bằng Việt là một gương mặt riêng, có một chất riêng, không bị khuất lẫn, “mất hút” trong một dàn đồng ca. Cái chất riêng ấy là gì? Nhiều người từng biểu dương phần “trí tuệ”, phần suy tưởng mà vẫn sinh động, gần gũi với cuộc sống của một cây bút trí thức sớm bộc lộ từ phần
Bếp lửa in chung với Lưu Quang Vũ. Thật ra Bằng Việt chỉ thật sự khẳng định được mình ở tập thơ thứ hai: tập
Những gương mặt - Những khoảng trời (1973). Đây có thể coi là kết quả của chuyến “đi thực tế” nhớ đời của nhà thơ trẻ vốn được số phận ưu đãi này. Cả tập thơ là một sự ngạc nhiên lớn, một sự cảm động chân thành của người trí thức trẻ khi tham gia trực tiếp vào cuộc sống rộng lớn của nhân dân, đất nước, trước hết là với cái tập thể trẻ trung, dũng cảm ở Trường Sơn. Thơ Trường Sơn của Bằng Việt khác với những nhà thơ lính vô danh đã đành, cũng rất khác với thơ của “ông vua” thơ Trường Sơn là Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật là một người lính thực sự đã sống đủ, sống kỹ cái đời sống Trường Sơn, từ đó cất lên tiếng thơ độc đáo không thể trộn lẫn. Bằng Việt là người của hậu phương đến với Trường Sơn. Anh không thể hiểu cảnh và người Trường Sơn bằng những người lính làm thơ, nhưng anh có những lợi thế của người mới đến, các giác quan chưa bị mòn nhẵn, trơ lì. Khoảng cách giữa “người hậu phương” và người Trường Sơn không xa như giữa các nhà thơ tiền chiến và người lính chống Pháp nhưng dù sao vẫn là khoảng cách. Khoảng cách này cắt nghĩa vì sao Bằng Việt hay dùng giọng bình luận, thuyết minh trong nhiều bài thơ, chẳng hạn “Có gì cảm động đơn sơ lắm: Cái ngủ thời nào vẫn ngủ trưa nay!” (
Nhà giữ trẻ); hoặc “Thế đấy, cuộc đời/ Có những phút bất thần thành hạnh phúc!” (
Trước cửa ngõ chiến trường)... Bằng Việt bình luận, thuyết minh, thuyết phục ai? Cho những “người hậu phương” như anh, nhiều khi là cho chính anh, một Bằng Việt của mơ mộng, của thi ca, sách vở “ngày xưa”, đôi khi chưa là một với một Bằng Việt hôm nay đang hào hứng, quyết tâm đi vào cuộc sống chiến đấu của hàng triệu, hàng triệu người. Khi hai con người ấy hoà làm một, Bằng Việt đã có bài thơ
Mẹ (1972), một trong những bài thơ hay nhất của anh và cũng là một bài thơ xứng đáng trong mọi tuyển tập thơ về giai đoạn ấy. Khác với giọng kể lể đôi khi dài dòng ở một số bài mang tính “triết luận” vu khoát, mông lung, ở bài
Mẹ, Bằng Việt khá gọn gàng, mực thước. Tình cảm chân thật khiến anh không cần nhiều lời mà giọng thơ vẫn thấm thía, lay động lòng người:
Con bị đau, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng. Tiếng chân đi rất nhẹ
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua...
Hình bóng mong manh của người mẹ nghèo, tuổi già, bản vắng, đường xa, chiến tranh, cuộc gặp gỡ tình cờ... đặt giữa khung cảnh Trường Sơn khắc nghiệt khiến đứa con - tác giả - tiên liệu trước cuộc từ biệt cũng là vĩnh biệt. Sự biết ơn trước tấm lòng cao cả của nhân dân trong chiến tranh không cần nói ra người đọc vẫn cảm nhận được đầy đủ. Bài thơ đạt đến độ hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”.
Trong
Tuyển thơ 135 bài đương soạn, Bằng Việt tự xếp thơ mình vào ba phần. Phần I có tên chung
Chứng tích một thời, phần II
Tự bạch, phần III
Những trải nghiệm. Anh giải thích: “làm như thế là học cách kết cấu của một bản giao hưởng, mở đầu là sôi nổi, cuốn hút, tiếp theo là trầm lắng, trữ tình và phần cuối là đúc kết. Nếu cần chọn một đại diện cho phần II, có lẽ bài
Nghĩ lại về Pauxtôpxky là thích hợp hơn cả”. Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà văn Nga - Xô-viết Pauxtôpxky là thần tượng của cả một lớp thanh niên Việt Nam vào đời với đầu óc thấm đẫm tình cảm lãng mạn (tích cực). Bài thơ của Bằng Việt, như thường thấy, là sự tranh biện với chính mình và thế hệ mình. Về lý trí, dường như tác giả muốn “dứt khoát” với những ảo tưởng lãng mạn kiểu Pau “Đưa em đi”...
Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn.
Và Pauxtôpxky đã chết! Nhưng cả bài thơ tỏ ra rằng, tác giả sẽ còn luyến nhớ lâu lắm, có lẽ là mãi mãi, “cái thời lãng mạn” ấy.
“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu...” Nghe nói, nhờ bài thơ này và nhiều bài thơ dịch của Onga Bécgôn mà Bằng Việt trở thành thần tượng của cánh sinh viên khoa văn các trường đại học một thời. Những câu thơ chấm phá rất “sương khói”, sự hiểu biết và đồng cảm về một chân trời văn học đương có sức hấp dẫn lớn, giọng thơ là lạ và mới vào thời điểm ấy (1969) là những nguyên nhân khiến bài thơ neo được vào tâm trí bạn đọc. Cần nói thêm về giọng thơ: Bằng Việt có cái kiểu dàn trải rất Bằng Việt, ở người khác thì có thể là một nhược điểm nhưng ở anh thì lại tạo ra một cái duyên riêng. Cái giọng ấy có từ bài thơ nổi tiếng
Trở lại trái tim mình (1967), Bằng Việt tự nhận là “viết theo giọng Nêruđa”. Từ cái tứ rất bình thường, trở lại với Thủ đô là “trở lại trái tim mình”, Bằng Việt đã có những câu thơ, đoạn thơ rất giàu hình ảnh, tinh tế, một nhạc điệu tha thiết tuy chưa đến mức nồng nhiệt nhưng chân thành, nhờ thế bài thơ đã đứng được với năm tháng. Anh còn một số bài khác thành công theo kiểu này nhưng cũng không ít bài sự dài dòng, nhiều lời khi cảm xúc không đủ độ chín khiến bạn đọc hờ hững. Tôi có thiện cảm với thơ lục bát của Bằng Việt. Thật ngạc nhiên là một cây bút “Tây” như thế lại có thể vận dụng thể thơ dân tộc rất nhuần nhị. Đó là
Truông nhà Hồ,
Cuối năm,
Về Huế đêm rằm... nhất là
Về Hương Sơn năm sơ tán ấy (1974) và
Lục bát cầu may (2000). Lục bát của Bằng Việt viết thoải mái, cứ như là phóng bút viết chơi, không kỳ khu chặt chẽ quá cả về cấu tứ lẫn vần điệu, không đẩy tâm trạng đến mức độ đau đớn, cực đoan mà chỉ bàng bạc, khơi gợi “Lanh tanh vẫn nước lòng khe/ Ngẩn ngơ chim núi se se dặm rừng”; hoặc “Nếu em là kiếp bềnh bồng/ Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du/ Nếu em khoát mở sa mù/ Thì tôi vĩnh viễn hoá bờ bến xa”... Phải chăng tâm hồn phóng túng mang đậm dấu vết của văn hoá Nga được dồn nén trong “khuôn phép” của thể thơ cổ truyền Việt Nam đã làm nên phong vị riêng cho lục bát của Bằng Việt?
Trong “thế hệ sáu mươi”, “thế hệ Trường Sơn” trên văn đàn, Bằng Việt có vị trí khá ổn định và vững chắc. Tập thơ mới nhất
Ném câu thơ vào gió (2000) chứng tỏ sức sáng tạo của anh còn dồi dào. Có được một tiểu sử văn học phong phú như anh không phải là điều dễ dàng.
5/1/2002
Nguyễn Hoàng Sơn