Đông Hồ Lâm Tấn Phác sinh năm 1906, có hai người chị ruột là Quế Thanh và Ngọc Anh, mồ côi cha mẹ lúc mới lên ba, được ông bác ruột là cụ Lâm Hữu Lân không có con đem ba chị em về nuôi dạy, coi như con đẻ.
Năm 1921, bác dâu của Đông Hồ (vợ cụ Hữu Lân) qua đời. Vì cần có người phụ nữ để quán xuyến việc nhà nên theo lệnh của bác, Đông Hồ cưới một cô gái cùng làng, tên Lại Linh Phượng. Năm ấy Đông Hồ mới có 15 tuổi, còn Linh Phượng 18.
Vợ chồng sống với nhau được bảy năm thì Linh Phượng mất lúc mới 25 tuổi (năm 1928). Bà chỉ sinh được một người con gái tên là Mỹ Tuyên năm 1923, sau sinh hai con trai đều không nuôi được.
Về sau Đông Hồ viết: “Lúc đó tôi cũng không cần biết việc lấy vợ sớm như thế là hay hay dở, chỉ biết đó là cái lề luật và cái mạng lịnh tuyệt đối của gia đình mà mình phải tuân theo mà thôi. Sau này mới biết việc đó đã làm trở ngại cho việc luyện tập học hành, có hại về đường tu thân lập chí rất nhiều, chỉ vì bận bịu về gia đình rất sớm” (trích
Linh Phượng lệ ký).
Hai năm sau (năm 1930), để có người trông coi nhà cửa và chăm sóc, nuôi nấng bé Mỹ Tuyên, bác của Đông Hồ đã cưới cho ông người chị thứ năm của nữ sĩ Mộng Tuyết tên là Nhàn Liên. Bà này cũng sinh được một gái tên là Mỹ Diễm tức Yiễm Yiễm, vì thế năm 1950, khi lên Sài Gòn mở hiệu sách ở đường Nguyễn Thái Học (quận 1), Đông Hồ đặt tên là Yiễm Yiễm thư trang.
Sau Mỹ Diễm, bà Nhàn Liên sinh được một trai nhưng cũng không nuôi được. Nữ sĩ Mộng Tuyết cho rằng dòng họ Lâm rất hiếm con trai.
Sau 16 năm chung sống, năm 1946 bà Nhàn Liên qua đời trong lúc Đông Hồ còn kẹt ở Sài Gòn không về kịp vì lúc ấy xe cộ rất khó khăn do chiến tranh Việt-Pháp sắp bùng nổ.
Sau khi bà Nhàn Liên mất ít lâu, nhà thơ Đông Hồ tục huyền với nữ sĩ Mộng Tuyết, em ruột bà Nhàn Liên. Đó là người vợ thứ ba và cũng là người vợ cuối cùng của Đông Hồ. Đông Hồ qua đời ngày 25/3/1969.
*
Tập
Linh Phượng lệ ký của Đông Hồ không dài, chỉ có 52 trang in, viết bằng văn xuôi, thỉnh thoảng có chen vào những đoạn thơ lục bát hoặc thơ Đường luật bát cú hay tứ tuyệt, một bức ảnh của Linh Phượng và bảy tranh vẽ. Tập ký này trước đăng báo
Nam Phong của Phạm Quỳnh số 128, tháng 4/1928, sau do Nhà xuất bản Nam Ký Hà Nội ấn hành năm 1934. Trong tác phẩm có một bài thơ Đường của Đông Hồ khóc Linh Phượng rất nổi tiếng thời bấy giờ:
Chăn gối cùng nhau những ấm êm,
Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm.
Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm,
Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm.
Hình dạng mơ màng khi thức ngủ,
Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm.
Bảy năm vui khổ, nghìn năm biệt,
Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm!
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Toàn bài, câu nào cũng được; nhân mấy chữ ‘bỗng châu chìm’ ở câu hai mà hạ được câu bốn hay tuyệt ‘Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm’, âm điệu trầm, gây nên một cảm tưởng thật buồn…” (trích
Nhà văn hiện đại).
Tạp chí
Nam Phong đăng bài này xong, ba số sau (số 131 tháng 7/1928) lại đăng tiếp bài văn khóc chồng nhan đề
Giọt lệ thu của nữ sĩ Tương Phố Đỗ Thị Đàm (1896-1973). Chồng bà là y sĩ Thái Văn Du, học y khoa ở Pháp, bị bệnh phổi rồi thổ huyết, về đến Huế thì chết lúc mới 30 tuổi (7/9/1920) trong lúc nữ sĩ Tương Phố đang là lưu học sinh trường Nữ Sư phạm Hà Nội không vào được. Năm đó nữ sĩ mới có 24 tuổi và con của hai người mới lên ba.
Tập
Giọt lệ thu, Tương Phố viết từ mùa thu năm 1923 nhưng chưa công bố. Đến năm 1928, thấy báo
Nam Phong đăng tập
Linh Phượng của Đông Hồ, nữ sĩ mới gửi đăng. Cả hai bài “lệ ký” này đều được học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh, chủ bút
Nam Phong tạp chí, viết bài
Tự ngôn giới thiệu rất nồng nhiệt.
Giọt lệ thu là một bài văn xuôi biền ngẫu, dài 15 trang, thỉnh thoảng xen vào những đoạn thơ lục bát hay song thất, mở đầu như sau:
Duyên chẳng hẹn trăm năm, tình còn ghi muôn kiếp. Anh Thái Văn Du mất ở Huế ngày hai mươi lăm tháng bảy năm Canh Thân; đôi lứa trẻ trung, kẻ Nam người Bắc, khi sống đã xa nhau, lúc mất lại không gặp mặt, lòng em thương xót bao giờ cho nguôi!
Trời thu ảm đạm một màu,
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em.
Trăng thu bóng ngả bên thềm,
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng!
Anh ơi! Thu về như gợi mối thương tâm, mỗi độ thu sang em lại vò lòng than khóc. Nghĩ năm có một lần thu, nhưng thu năm nay đi, năm sau còn trở lại. Hỏi ba sinh hương lửa thời ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau?...
Đông Hồ và Tương Phố bắt đầu quen nhau từ đó.
Linh Phượng lệ ký của Đông Hồ và
Giọt lệ thu của Tương Phố là hai áng văn đặc sắc lúc bấy giờ. Thấy hai nhà thơ, kẻ ở miền Nam khóc vợ, người ở miền Bắc khóc chồng cũng hay hay nên ông Giám đốc Nhà xuất bản Nam Ký Hà Nội có sáng kiến đề nghị hai tác giả Đông Hồ và Tương Phố cho phép nhà xuất bản in chung hai tác phẩm trên đây thành một quyển lấy nhan đề
Hai giọt lệ, nhưng hai tác giả chưa trả lời dứt khoát nên việc không thành.
Thế rồi sau đó người ta thấy cuốn sách này xuất hiện trong tủ sách “Những áng văn hay” của Nhà xuất bản Tân Dân Hà Nội do ông Vũ Đình Long làm giám đốc mà hai tác giả cũng không phản ứng gì.
Do chuyện này mà Đông Hồ làm bài thơ
Hai giọt lệ gửi cho Tương Phố:
“Giọt lệ thu” kia vẫn đượm sầu,
Cánh chim “Linh Phượng” biết về đâu?
Đài gương nhạt phấn phôi pha nét,
Viện sách tàn hương lạnh lẽo màu.
Cõi Bắc trời Nam hai giọt lệ,
Đông Hồ, Tương Phố một dòng châu.
Đoạn trường gặp gỡ năm canh mộng,
Một hội thương tâm, một nhịp cầu.
Nhận được bài này, Tương Phố bèn làm một bài thơ đáp tạ:
Hai giọt lệ chưa tuôn đã cạn,
Khúc đoạn trường dạo bán cũng thôi.
Lửa hương kiếp trước tàn rồi,
Dây tơ một đứt, mấy hồi thương tâm.
Lệ Nam Bắc âm thầm rỏ giọt,
Tiết xuân thu chua xót lòng nhau.
Ngùi trông trời thảm đất sầu,
Hỏi chim “Linh Phượng” bay đâu quên về?
“Giọt lệ thu” dầm dề ứa mãi,
Buổi thu về lệ lại chứa chan.
Hồ Đông mạch nước còn tràn,
Sông Tương lai láng khôn hàn tình xưa.
Tâm sự kể bao giờ cho xiết,
Giấy mực đâu giãi hết niềm đau?
Não tình kẻ Bắc người Nam,
Cảm “Hai giọt lệ” mấy hàng châu rơi.
Tạ lòng quân tử mấy mươi!
(25/3/1929)
Huyền Viêm