Thơ » Trung Quốc » Trung Đường » Bạch Cư Dị » Tỳ bà hành
Chu trung dạ vũBài Tỳ bà hành được viết vào thời gian nầy (lúc Bạch Cư Dị bị giáng chức làm Tư mã Giang Châu), bài thơ gồm 616 chữ được sáng tác ngay trên thuyền. Giang Châu có núi Khuông Lư, bến Tầm Dương đều là nơi danh lam thắng cảnh. Một bữa xuống thuyền thong dong dạo chơi, trong một đêm trăng thu vằng vặc, sóng nước bập bềnh, ông nghe một tiếng đàn thánh thót văng vẳng, lúc biến hoá lâm ly, lúc dạt dào xúc động xao xuyến, lúc ngưng bặt luyến tiếc từ một chiếc thuyền lơ lửng trôi gần đó. Ông ghé thuyền, và gặp người kỹ nữ đang gảy đàn tỳ bà. Bạch Cư Dị đã cảm thấy mình đồng cảnh ngộ với người kỹ nữ lưu lạc trên bến sông đêm thanh vắng. Cô đào đã gảy cho Bạch Cư Dị nghe những khúc đàn tuyệt hảo, trầm bổng xao động người nghe.Sau đó người kỹ nữ sụt sùi thương tiếc số phận hồng nhan đa truân và đã bộc bạch thổ lộ tâm tình riêng tư của mình cho ông nghe. Cảnh và tình hoà hợp. Âm đàn và tâm trạng chan hoà cảm xúc, cảnh ngộ. Mỗi tiếng đàn ngân lên như nỗi niềm nuối tiếc xốn xang của người ca nữ hoà mình với nhịp đập bồi hồi thổn thức của con tim người thơ. Chợt có mối đồng cảm, đồng tình giữa người thơ long đong trên bước đường sự nghiệp công danh với cuộc đời trôi dạt, bị bỏ rơi quên lãng của người ca nữ đáng thương. Giữa nguồn cảm xúc lai láng tuôn tràn, Bạch Cư Dị đã tài hoa sáng tác một mạch bài Tỳ bà hành đầy những hình ảnh tâm trạng thực và sinh động, và ông ngâm bài thơ luôn cho cô nghe. Xúc động trước chân tình tha thiết của nhà thơ, người nghệ sĩ lại đưa những ngón tay mềm mại lên phím đàn để tạ ơn người viễn khách trên sông. Trăng vẫn sáng trên sao, sóng nước vẫn bập bềnh, sương khói lãng đãng che phủ khoan thuyền. Trời không lất phất những hạt mưa.. nhưng sao mưa vẫn rơi thánh thót gieo vang những âm điệu buồn vời vợi trong lòng ai?
Giang vân ám du du
Giang phong lãnh tu tu
Dạ vũ trích thuyền bối
Dạ lãng đả thuyền đầu
Thuyền trung hữu bệnh khách
Tả giáng hướng Giang Châu
Trong thuyền đêm mưa (Hải Đà dịch)
Mây đen nghịt, nước sông trôi
Gió sông lạnh ngắt bồi hồi khách thơ
Mui thuyền thánh thót hạt mưa
Bập bềnh sóng vỗ đong đưa mái thuyền
Trong khoang khách bệnh nằm yên
Chẳng may giáng chức về miền Giang Châu
Lệ ai chan chứa hơn người?Bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Vịnh được nhiều người công nhận là bản dịch xuất sắc nhất. Bài thơ nguyên tác chữ Hán gồm 88 câu 7 chữ hay 616 chữ. Phan Huy Vịnh dịch Nôm theo thể song thất lục bát (7-7-6-8), thành 22 đoạn, giữ nguyên số lượng (616) chữ. Theo tác giả Trần Thị Băng Thanh (Từ điển văn học, NXB Khoa học xã hội): “cho đến nay, những người yêu thích văn chương biết đến Phan Huy Vịnh là nhờ bản dịch của bài Tỳ bà hành - nguyên tác là của Bạch Cư Dị. Tỳ bà hành miêu tả tâm trạng quan Tư mã Giang Châu họ Bạch trong đêm nghe người ca nữ đã luống tuổi ở bến Tầm Dương, đánh đàn tỳ bà và kể chuyện cuộc đời chìm nổi của mình. Bản dịch gồm 22 khổ thơ song thất lục bát. Đóng góp lớn nhất của Phan Huy Vịnh là sử dụng tiếng Việt. Cũng là những từ ngữ thông thường, những thủ pháp tu từ quen thuộc, nhưng sự chọn lọc tinh tế và sắp đặt sáng tạo, đã làm cho tác phẩm có sức truyền cảm đặc biệt và đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật dịch. Từ lâu bản dịch Tỳ bà hành đã được phổ cập rộng rãi và coi là một tác phẩm văn học xuất sắc, có đời sống độc lập với nguyên tác. Nó đã chứng minh khả năng diễn đạt và nhạc tính phong phú của ngôn ngữ Việt Nam” (TTB)
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh
Em bước xuống từ trong tranhCâu chuyện trong bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị đã thầm nói lên một triết lý nhân sinh, cái chua xót ngậm ngùi của cảnh đời dâu bể, ba chìm bảy nổi, cảnh đoạn trường hưng phế của tạo hoá, mà con người chỉ là một sinh vật nhỏ nhoi, bất lực trước cuộc đời hư ảo như bóng câu bên cửa sổ, như thoáng mây bay cuối trời. Chung cái tâm sự hận sầu ray rức được diễn đạt qua cung điệu đàn, lời ca, tiếng hát đó là bài Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du. Nguyễn Du trong một bài ca về người gãy đàn đất Long Thành (Long Thành cầm giả ca), có kể rằng vào tuổi thiếu niên, ông đến kinh đô để thăm người anh, và có dịp được dự một hội nữ nhạc, trong đó có một thiếu nữ đất Long Thành, gảy đàn Nguyễn (tức là đàn Nguyệt, do Nguyễn Hàm, một trong thất hiền vườn Trúc đời Tấn sáng chế), rất điêu luyện, đã gảy những khúc đàn hay nhất trời đất (tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh) tài danh lừng lẫy, lại hát hay và ăn nói duyên dáng quyến rũ vô cùng. Sau đó Nguyễn Du trở vào Nam, mãi một thời gian sau ông phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, tạt ngang Long Thành, bạn bè mở tiệc, khoản đãi ông và có gọi đoàn nữ nhạc đến giúp vui, mà ông không quen mặt biết tên, và bất chợt gặp lại người kỹ nữ đó. Sau đây trích một đoạn trong lời tiểu dẫn của Nguyễn Du (Quách Tấn dịch): “Tiệc khởi múa hát. Kế tiếng đàn trổi lên, nghe trong trẻo khác thường không chút giống thời khúc. Lòng tôi kinh dị. Nhìn người gảy đàn, thì thấy thân gầy, thần khô, mặt đen, sắc trong như quỷ, áo quần toàn vải thô, bạc màu lại vá nhiều mảnh trắng, ngồi lầm lì ở cuối chiếu, không nói cũng không cười, hình trạng thật khó coi. Tôi không biết là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như có quen, nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi thăm thì ra là người trước kia đã gặp. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế nầy! Cuối ngửa bồi hồi, nghĩ đến cảnh cổ kim, lòng tôi cảm kích vô hạn. Đời người trăm năm, những cảnh vinh nhục buồn vui thật không sao lường được! Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương khôn nén, nên soạn bài ca để gởi hứng: Người đẹp đất Long Thành – Long Thành giai nhân” (Nguyễn Du)
Cây tỳ bà nức nở
Ngón đàn em trăn trở
Vần thơ em buông lửng lơ
Bỏ lại vầng trăng quạnh hiu
Bỏ lại sau lưng khoảng không nham nhở
Em bước xuống vẫn ôm cây tỳ bà nức nở
Lang thang cuối đất cùng trời
Tiếng tỳ bà gõ cửa
Tiếng tỳ bà đòi nợ cho nàng Kiều
Kiếp đoạn trường muôn thuở
Đàn trăn trở thơ buông lửng lơ
(Hồn tỳ bà, nhạc sĩ Ngọc Khuê)
Trong yến tiệc các nàng đều son trẻĐời Đường âm nhạc đã được phát triển rõ rệt, nhờ hấp thu nhiều giai điệu của ngoại quốc nhập vào. Ngoài những dụng cụ nhạc cũ tạo âm thanh bằng cách thổi như tiêu, sáo, kèn, còi v.v... hoặc gãy như huyền cầm, thập lục, thất huyền.. hoặc bằng cách gõ như chiêng, trống, phách, ngọc thạch, mã não. Để làm phong phú cho dàn nhạc cũ này thì có những nhạc cụ khác Tì bà, Hồ già, Giốc lật, Khương địch. Bát âm của âm nhạc thời Đường là dựa trên chất liệu của nhạc khí làm tiêu biểu như: Ti (đàn), Thạch (khánh), Kim (chuông), Trúc (sáo), Mộc (mõ gỗ), Thô (trống đất), Bào (vỏ bầu), Cách (trống da).. Ngũ âm của họ là Cung (như vua), Thương, Giốc, Chuỷ (như việc), Vũ (như vật)… Trong những loại đàn cổ xưa của Trung Quốc phải kể đến đàn sắt và đàn cầm gồm 50 dây (ngũ thập huyền).
Duy một người ca kỹ tóc hoa râm
Sắc thần khô gầy guộc đứng âm thầm
Chẳng điểm phấn tô son nhìn hốc hác
Ai biết nàng một thời danh tiếng nhất
Khúc đàn ngân, ta mắt lệ tuôn tràn
Lắng tai nghe mà đau đớn vô vàn
Hai mươi năm vẫn hoài thương nhớ tiếc
Hồ Gươm xưa tưng bừng đêm yến tiệc
Đời phế hưng thành quách đã thay dời
Bãi nương dâu hoá biển sóng trùng khơi
Cả cơ nghiệp Tây Sơn đều suy thoái
Làng ca múa một người còn sót lại
Đời trăm năm một nháy mắt trôi qua
Nhớ chuyện xưa mà áo thấm lệ nhoà
Từ Nam về đầu ta đầy tóc bạc
Trách chi nàng đã tàn phai nhan sắc
Kể chuyện xưa hai mắt xót thương sầu
Giáp mặt nhau mà chẳng nhận ra nhau.
(Trích Long Thành cầm giải ca của Nguyễn Du - Hải Đà phỏng dịch)
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
(Lương Châu từ - Vương Hàn)
Rượu ngon thơm ngát chén ngà
Ly chưa cạn, tiếng tỳ bà giục đi
Sa trường say, mỉa làm chi
Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về
(Hải Đà phỏng dịch)
Hãn hải lan can bách trượng băngTỳ bà cũng là một nhạc cụ được dùng trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, thuộc loại “họ dây” (chordophone). Những loại đàn cùng họ này như: đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu, đàn đáy, đàn hồ v.v..
Sầu vân thảm đạm vạn lý ngưng
Trung quân trí tửu ấm quy khách
Hồ cầm tì bà dữ Khương địch
(Trích Bạch tuyết – Sầm Tham)
Biển cát làn băng trắng vạn phương
Mây sầu muôn hướng phủ thê lương
Trại quân bày rượu nâng ly tiễn
Tiếng nhạc Hồ, Tì quyện sáo Khương
(Hải Đà phỏng dịch)
Tỳ bà tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Nhiều tài liệu đã cho biết, tỳ bà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi BiWa. Người ta chế tác tỳ bà bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 - 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon. Đàn có 4 dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đồ - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol - Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa. Ở Việt Nam đàn tỳ bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc, Thi nhạc của cung đình, Thiền nhạc của phật giáo, ban Nhạc tài tử, Phường bát âm, Dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Mặc dù đàn tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hoá và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc.