Gần đây do một sự tình cờ chúng tôi phát hiện được một bài viết có nhan đề
Tỳ bà hành bạt chép chung trong cuốn
Nam phong giải trào ở Thư viện Quốc gia (R1674). Bài dài khoảng 450 chữ. Sau lời bạt là nguyên văn chữ Hán bài
Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị và lời dịch ra quốc âm. Đáng chú ý là bài viết có ghi cụ thể dòng lạc khoản “Minh Mệnh thập nhị niên ngô nguyệt trung hoán. (Hà ái) Nhâm Ngọ Hội nguyên Tiến sĩ Hình bộ Thị lang sung biện Nội các sự vụ Phương Trạch Hà Tốn Phủ cẩn bạt”. Hà Tốn Phủ chính là Hà Tông Quyền bạn đồng liêu với dịch giả bài
Tỳ bà hành mà ở đoạn đầu lời bạt ông đã giới thiệu dịch giả là “Cựu Bộ trưởng Xuân Khanh” (Tên hiệu Phan Huy Thực).
Hà Tông Quyền (1789-1893) quê huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, đỗ Hội nguyên năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), lúc nhỏ đi học nổi tiếng thông minh, làm quan đến chức Lại bộ Tham tri, Sung đại thần Viện cơ luật, khi mất được truy tặng Thượng thư bộ Lại. Ông là một nhà khoa bảng nổi tiếng văn chương, được các sĩ phu đương thời ca ngợi. Ngoài thơ chữ Hán ông còn để lại 30 bài vịnh Kiều bằng chữ Nôm hưởng ứng cuộc thi vịnh Kiều do Minh Mệnh đề xướng năm 1830. Ông được Minh Mệnh tin dùng và thường xuyên được vào bái kiến nhà vua.
Trong lời bạt ông ca ngợi và đánh giá cao bài dịch
Tỳ bà hành của họ Phan, đồng thời ông cũng nêu lên quan điểm về dịch thuật của mình là không nên quá chú trọng về mặt kỹ xảo mà làm sai lạc nội dung của nguyên tác. Qua lời bạt chúng ta còn được biết thêm về thời điểm ra đời của bản dịch (trước năm 1831).
Thực ra từ trước tới nay đã có nhiều người đề cập đến dịch giả bài
Tỳ bà hành nổi tiếng của Bạch Cư Dị. Ngay từ năm 1926, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cũng đã thông báo trên tạp chí
Nam Phong dịch giả
Tỳ bà hành là Phan Huy Thực. Tiếp đó Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Ly, Trương Linh Tử và sau này Phạm Văn Diêu, Tạ Ngọc Diễn, Hoàng Thị Ngọ cũng khẳng định như vậy. Khi viết về dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn, GS. Phan Huy Lê cho biết gia phả họ Phan ở Thạch Châu và Sài Sơn đều chép thống nhất người dịch
Tỳ bà hành là Phan Huy Thực. Chúng tôi cũng đã được đọc cuốn
Phan tộc công phả hiện đang lưu giữ ở Thư viện Quốc gia (A2963) do Phan Huy Dũng - cháu nội Phan Huy Thực biên tập, trong đó có ghi tóm tắt tiểu sử 6 người con của Phan Huy ích. Trong đoạn nói về Phan Huy Thực, gia phả có ghi rõ các trước tác của ông như:
Hoa thiều tạp vịnh,
Tỳ bà hành diễn âm khúc,
Nhân ảnh vấn đáp... Riêng đối với Phan Huy Vịnh thì gia phả không hề nói đến việc ông dịch
Tỳ bà hành.
Như vậy gia phả họ Phan Huy là nguồn tư liệu duy nhất đáng tin cậy để xác định người dịch
Tỳ bà hành và đồng thời cũng để đính chính những ngộ nhận lâu nay được gán ghép cho Phan Huy Vịnh. Sở dĩ có sự nhầm lẫn kéo dài có lẽ là do nguồn tư liệu của Trần Trung Viên trong cuốn
Văn đàn bảo giám (soạn năm 1926) và nhất là cuốn
Thi văn hợp tuyển dùng trong các trường trung học trước năm 1945 đã có ảnh hưởng sâu rộng trong giới học sinh lúc bấy giờ. Hai cuốn sách này gần đây đã được in lại vài ba lần nhưng vẫn không được đính chính, ngay cả bộ
Từ điển văn học 2 tập in năm 1983-1984 cũng ghi Phan Huy Vịnh là người dịch
Tỳ bà hành và Phan Huy Thực không có tên trong bộ Từ điển này (Cuốn
Từ điển văn học bộ mới in năm 2004 đã có đính chính và bổ sung). Vì đã thành thói quen nên những cuốn sách mới gần đây như
Thơ Đường trong nhà trường dùng cho học sinh Trung học, sinh viên và người yêu thích thơ Đường hoặc cuốn
Bạch Cư Dị - Tỳ bà hành của Hồ Sỹ Hiệp tập hợp những bài viết của nhiều nhà nghiên cứu và cuốn
Thơ Bạch Cư Dị của NXB Hội Nhà văn vừa mới in xong trong quí IV-2006, vẫn để tên người dịch là Phan Huy Vịnh.
Để góp thêm một minh chứng cho vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn lời bạt của Hà Tông Quyền cho bài dịch
Tỳ bà hành của Phan Huy Thực.
*
Lời bạt cho bài dịch Tỳ bà hànhTỳ bà hành là tác phẩm của Bạch Lạc Thiên, các sĩ phu nước ta rất hâm mộ và đã diễn ra quốc âm, nhưng vì lời văn dài mà ngôn ngữ lại có phần mới nên đôi khi vẫn gặp những chỗ khó dịch và người dịch thường giữ lấy ý chính mà lại bỏ qua nhiều chi tiết trong nguyên bản. Khi dịch một bài văn nếu chỉ chú ý về mặt kỹ xảo (cầu công) mà không bám sát nội dung của nguyên tác thì có khác gì “gãi không đúng chỗ ngứa” và thử hỏi như vậy đã phải là người hiểu được thi sĩ họ Bạch chưa?
Khi tôi tiếp xúc với bài diễn âm của cựu Bộ trưởng Xuân Khanh họ Phan, tiên sinh bảo: Đó là bài tôi dịch ra đấy. Khi xem tôi thấy lời dịch bám sát nội dung, từng chữ từng câu răm rắp không sai mà âm vận thì lại vừa khoan thai vừa hùng tráng. Tôi đã ngâm nga, đọc đi đọc lại nhiều lần và rất lấy làm tâm đắc tưởng như đang được tiếp xúc với thi nhân cự phách đời Đường - người đang bị biếm trích ở đất Giang Châu trước cảnh thê lương của hơi thu và lau lách đìu hiu để tạo nên một thiên tuyệt bút, như đang được chứng kiến cảnh:
Bình bạc vỡ tuôn đầy mặt nước
Ngựa sắt dong sàn sạt tiếng đao (1)
Tiên sinh đã diễn ra quốc âm trong lúc chưa gặp vận còn đang phải ẩn náu nơi sơn dã, chẳng khác cảnh sông Bồn và đã mượn chén rượu của người khác để giải nỗi sầu riêng, nếu không phải là người có thiên tư và chịu ảnh hưởng truyền thống học vấn của gia đình thì làm sao mà có được? Tiên sinh vốn sở trường về văn chương, thanh luật, nên âm vận trong câu dịch hài hoà toát lên cảnh phong lưu tao nhã, xứng đáng cùng với Lạc Thiên là những bậc hào hoa một thủa. Có những chỗ Lạc Thiên chưa diễn đạt hết thì tiên sinh lại dùng thanh âm mà giãi bày một cách tường tận.
Tôi thô vụng và quê mùa, không biết được nhiều, nhưng bề trên đã bảo, tôi không dám từ nan, bèn mạo muội viết ra lời bạt này và nếu như tác phẩm của tiên sinh nổi tiếng thì tôi cũng được thơm lây và cũng coi như được dự buổi tiễn đưa trong đêm trăng trên bến Tầm Dương để được cùng chia sẻ nỗi niềm u hoài của kẻ cô thần khoáng phụ, như thế còn gì sung sướng cho hơn, chắc tiên sinh cũng không cười tôi là kẻ ngông cuồng và Bạch Lạc Thiên cũng sẽ thông cảm cho tôi.
Trung tuần tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 12 (Hà ái) Nhâm Ngọ Hội nguyên Tiến sĩ Hình bộ Thị lang sung biện Nội các sự vụ Phương Trạch Hà Tốn Phủ cẩn bạt.
*
Qua lời bạt ta thấy Hà Tông Quyền đánh giá rất cao bài dịch của Phan Huy Thực. Trước Phan Huy Thực cũng đã có người dịch
Tỳ bà hành. Trên tạp chí
Văn học số 4/1975, Trần Thị Băng Thanh cho biết đã tìm được một bản dịch chép trong cuốn
Thạch Động tiên sinh thi tập. Sau Phan Huy Thực, Phan Văn Ái cũng dịch
Tỳ bà hành thành hai bài: một bài theo thể thất ngôn trường thiên, một bài theo thể thất ngôn bát cú. Trên tạp chí
Nam Phong thỉnh thoảng cũng có sưu tầm được một vài bài dịch không đề tên người dịch. Tuy nhiên những bài xuất hiện trước và sau bản dịch của Phan Huy Thực đều không có mấy tiếng vang và đã nhanh chóng bị quên lãng.
Tỳ bà hành được phổ biến rộng rãi và xem như một di sản văn học quí giá của Việt Nam chủ yếu là thông qua bản dịch của Phan Huy Thực. Nghệ thuật hát ca trù tồn tại đã lâu đời và từ khi có bài dịch
Tỳ bà hành của Phan Huy Thực thì nó đã lan nhanh và đã trở thành một điệu hát trữ tình, giàu chất thơ, nhạc điệu, làm phong phú và bổ sung thêm cho hàng chục làn điệu ca trù khác trong các ca quán thời xưa. Những người mê ca trù trước đây thường thuê thuyền đón ả đào hát
Tỳ bà hành trong những đêm trăng huyền ảo để thưởng thức và làm sống lại nguồn cảm xúc của nhà thơ với người ca nữ trên bến nước Tầm Dương.
Tỳ bà hành không những là nguồn cảm hứng cho những nhà Nho tài tử và các bậc tao nhân mặc khách trước đây như Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh… mà cả những thi nhân hiện đại cũng mượn trăng nước Tầm Dương đưa vào tác phẩm của mình. Nhà thơ tình Xuân Diệu thì “Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người” hoặc “Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi”, Vũ Hoàng Chương cũng than “Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu”, nữ sĩ Ngân Giang thì “Bến Tầm Dương trăng nước một con thuyền, ngán tình ca nữ” và nhà thơ chân quê Nguyễn Bính thì dành
Cây đàn tỳ bà cho một chuyện thơ dài.
Bài dịch
Tỳ bà hành của Phan Huy Thực là một kiệt tác đã có những câu thần bút làm say đắm bao thế hệ các nhà thơ. Xuân Diệu cũng đã phải thốt lên: “Ai đã đọc bản dịch
Tỳ bà hành quên những đoạn nào thì quên, thậm chí nếu quên cả bài, thì bốn câu mở đầu cũng không quên được”.
Bốn câu mở đầu đó là:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti
Nguyễn Hiến Lê cũng có nhận xét như sau khi ông so sánh mấy câu trên đây với câu thơ của Bạch Cư Dị:
Mới đầu chúng ta thấy có cái gì khác nhau, mặc dù cũng bảy chữ và bản dịch rất sát nguyên bản: “Tầm Dương giang đầu dạ tống khách” không buồn, không vắng vẻ, không mông lung bằng “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách”. Tôi có cảm tưởng như vậy, có lẽ do chữ “dạ” dịch ra là “canh khuya”. “Dạ” (đêm) không gợi ý nhiều bằng “canh khuya”. Tài năng của họ Phan, tinh thần của tiếng Việt ở chỗ đó.
Đọc câu thơ thứ hai: “Phong diệp địch hoa thu sắt sắt” và câu dịch “Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu” thì câu của họ Phan làm tôi rung động hơn nhiều nhờ những chữ “lau lách đìu hiu”, cả chữ “quạnh”, chữ “hơi” nữa, vì tôi thấy “lau lách” buồn hơn “địch hoa”; “hơi thu, đìu hiu” gợi cảm hơn là “thu sắt sắt”.
Bài dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Thực là một tác phẩm toàn bích, và có lẽ cũng vì thế mà Tản Đà tài hoa cũng không dịch lại bài này và nhà thơ đã chọn một bài trường thiên nổi tiếng khác của Bạch Cư Dị là bài Trường hận ca và ông cũng đã thành công.
(1) Lấy hai câu dịch của Phan Huy Thực để diễn đạt ý “ngân bình thiết kỵ”.
Thế Anh - Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]