1. Bài ca dao “Thằng Bờm” như sau:Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi cục xôi Bờm cười.
Đây có thể được xem là một trong số những bài ca dao hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Chỉ là một câu chuyện kể bằng thơ, vậy mà nó có “sức sống lạ kỳ” [4, tr.6], vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, gây ra những cuộc tranh luận, làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trong các công trình của những học giả đi trước chưa có ai tìm hiểu, lí giải bài ca dao này từ góc nhìn của lí thuyết giao tiếp. Bài viết của chúng tôi thử tìm hiểu bài ca dao “Thằng Bờm” từ góc độ của lí thuyết này.
2. Lí thuyết giao tiếp chỉ ra rằng: trong quá trình giao tiếp thường tồn tại những nhân tố cơ bản sau:2.1. Nhân vật giao tiếp:“Nhân vật giao tiếp là những người tham gia vào một cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để tạo ra các lời nói, các diễn ngôn và qua đó mà tác động lẫn nhau” [2, tr15].
Trong một cuộc giao tiếp thường có sự phân vai: vai người phát ra diễn ngôn (người nói) và vai người tiếp nhận diễn ngôn (người nghe), giữa người nói và người nghe thường có sự đổi vai, người nói sau khi thực hiện xong lượt lời của mình thì chuyển thành vai nghe và ngược lại.
Thực ra trong giao tiếp việc nhận diện người nói và người nghe đích thực không phải là điều đơn giản. Chẳng hạn, có một phát ngôn của thầy giáo nói với một học sinh có tên là Nam như sau:
Thầy giáo:
- Nam báo với Hùng mẹ bạn ấy bảo về nhà ngay.
Phát ngôn trên có quan hệ với bốn nhân vật: thầy giáo, Nam, Hùng và mẹ của Hùng. Trong đó, thầy giáo là người nói trực tiếp, Nam là người nghe trực tiếp, nhưng người nói thực sự là mẹ Hùng và người nghe thực sự là Hùng. Nội dung mệnh đề: “…bảo về nhà ngay” không phải là thầy giáo tạo ra và Nam cũng không phải là người thực hiện nó. Nam chỉ có trách nhiệm nói lại với Hùng nội dung đó theo yêu cầu của thầy giáo mà thôi. Như vậy, trong trường hợp này, mẹ Hùng là nguồn phát (chủ ngôn), Hùng là nguồn nhận (đích ngôn) còn thầy giáo chỉ là thuyết ngôn, và Nam chỉ là tiếp ngôn (xem thêm: 5, tr250 – 256).
2.2. Nội dung giao tiếp:Nội dung giao tiếp là điều được nói ra trong phát ngôn. Nội dung giao tiếp có thể có một trong hai ý nghĩa sau đây:
+ Nội dung thông tin:
Nội dung thông tin hay còn gọi là nội dung sự việc, nội dung miêu tả. Nội dung này được hình thành do mối quan hệ giữa phát ngôn và hiện thực được nói tới. Nó thực hiện chức năng thông tin của hội thoại. Nó thuộc lĩnh vực của nghĩa học, của tín hiệu học và có thể bị quy định bởi tính đúng sai logic.
+ Nội dung liên cá nhân:
Nội dung liên cá nhân là những nội dung liên quan tới các chức năng giải trí, bộc lộ, tạo lập mối quan hệ, hành động…. Nội dung này không thể đánh giá theo tiêu chuẩn đúng sai logic. Đây là phần nội dung thể hiện các mối quan hệ đan xen phức tạp giữa các nhân vật trong giao tiếp.
2.3. Đích giao tiếp:Trong một cuộc giao tiếp, người nói bao giờ cũng có ý định hay mục đích cụ thể thông qua thành tố nội dung của phát ngôn, gọi là đích giao tiếp “Nói một cách tổng quát, diễn ngôn có đích tác động” [2, tr37]. Thông qua giao tiếp, người nói “có thể làm thay đổi trạng thái nhận thức của nhau. Đó là đích thuyết phục” [2, tr37]. Người nói “có thể làm thay đổi trạng thái cảm xúc, tình cảm của nhau. Đó là đích truyền cảm” [2, tr37]. Người nói “có thể thúc đẩy nhau hành động. Đó là đích hành động” [2, tr37]. Đích thuyết phục của giao tiếp do thành tố nội dung thông tin đảm nhiệm. Đích truyền cảm và hành động do thành tố nội dung liên cá nhân đảm nhiệm.
3. Trở lại với bài ca dao “Thằng Bờm”:Xưa nay khi tìm hiểu, phân tích bài ca dao này, đã có những cách hiểu khác nhau. Theo tác giả Hoàng Tiến Tựu thì: “phần lớn những bất đồng ý kiến xuất phát trực tiếp từ cách lí giải và nhận thức không giống nhau về một câu cuối cùng, đặc biệt là về từ cuối cùng của bài ca dao này: Phú ông xin đổi cục xôi Bờm cười” [6, tr157]. Từ đó hình thành hai cách hiểu khác nhau:
Cách thứ nhất cho rằng: Bờm “cười” là biểu thị sự đồng ý tán thành, ưng thuận. Và từ đó đẻ ra hai cách lý giải khác nhau về nhân vật Bờm. Người thì khen Bờm là đúng, là tốt, là thiết thực, tỉnh táo, khôn ngoan. Do đó coi Bờm là nhân vật tích cực, chính diện. Người lại cho Bờm ưng thuận đổi quạt mo lấy nắm xôi là thấp kém thiển cận thậm chí là “tham ăn”, khờ dại, không hiểu biết gì. Do đó coi Bờm là nhân vật phản diện, tiêu cực đáng phê phán.
Cách thứ hai cho rằng: Bờm “cười” là biểu thị sự phê phán không tán thành. Và như thế là Bờm thông minh hóm hỉnh, chẳng những không bị lão phú ông phỉnh phờ, lừa gạt mà còn làm cho lão bị bẽ mặt bằng cái cười mỉa mai tinh nghịch và đắc thắng. Do đó coi Bờm là nhân vật chính diện, phú ông là nhân vật phản diện đáng cười”.
Những cách hiểu khác nhau như vậy không phải là không có lí, nhưng chưa đặt bài ca dao trong hoàn cảnh giao tiếp đích thực của nó. Đặt bài ca dao dưới ánh sáng của lí thuyết giao tiếp chúng ta nhận thấy:
Người nói và người nghe trong cuộc giao tiếp này là tác giả dân gian với người nghe (người đọc) chứ không phải là phú ông hay Bờm. Mặc dù, bài ca dao miêu tả những cuộc gạ đổi chác giữa phú ông và Bờm. Nghĩa là phú ông và Bờm là một trong những thành tố cấu thành nội dung được đề cập của bài ca. Như vậy, dùng lại ở việc lí giải nhân vật Bờm và phú ông là tích cực hay phản diện theo chúng tôi chưa đề cập đến mục đích giao tiếp của bài ca này.
Nội dung được đề cập ở trong bài ca là một cuộc gạ gẫm đổi chác của phú ông để lấy bằng được cái quạt mo của Bờm. Và toàn bộ bài ca dao là một câu chuyện bằng thơ, trần thuật lại quá trình gạ gẫm đổi chác ấy.
Phú ông và Bờm là hai con người khác nhau về mặt trí tuệ, đẳng cấp. Phú ông thuộc tầng lớp giàu có, địa chủ của xã hội Việt Nam xưa chuyên thống trị và bóc lột dân lành, Bờm thuộc tầng lớp nông dân nghèo bị bóc lột. Bờm là kẻ ngu dốt (theo quan niệm của dân gian) còn phú ông là kẻ khôn ngoan. Là một người giàu có khôn ngoan, nhưng phú ông lại làm một việc trái với lẽ tự nhiên: cố ý nài nỉ “xin đổi” những sản vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, ba bè gỗ lim, con chim đồi mồi), để lấy một vật tầm thường không có giá trị là bao nhiêu như cái quạt mo. Rõ ràng trong cuộc đổi chác này, phú ông chắc chắn sẽ có ý đồ gì đây, chứ không có thiện chí đổi chác thực sự. Nghĩa là những hành vi giao tiếp của phú ông là không chân thực. Nhận thức được ý đồ của phú ông, Bờm đã từ chối thẳng thừng: “Bờm chẳng (trong tiếng Việt từ “chẳng” biểu thị một sự phủ định triệt để và dứt khoát hơn từ không). Không đạt được mục đích trong cuộc thương thuyết, phú ông thay đổi chiến thuật “xin đổi cục xôi”. Tỉ giá đổi chác lần này có vẻ ngang bằng (cục xôi = quạt mo) nhưng thực chất đây chỉ là sự tráo trở” - bởi lẽ động cơ lúc đầu không thật thì về sau cũng chẳng tử tế gì, nhất là sau bốn lần lừa phỉnh không thành. Lần này, nhận biết rõ thủ đoạn của phú ông Bờm chỉ “cười”. Nụ cười của “Bờm” ở đây có thể được xem là một hành vi từ chối gián tiếp1. Hành vi này vừa giữ được thể diện cho phú ông, vừa “cho phép” phú ông chủ động kết thúc hành vi lừa phỉnh. Theo chúng tôi, nụ cười của Bờm lúc này thật hóm hỉnh. Bởi lẽ, trong bốn cuộc đổi chác đầu tỉ giá không ngang bằng Bờm từ chối thẳng thừng, phú ông có phật ý thì cũng có lí do để mà giải thích (giá trị của những sản vật lớn quá nên không dám). Lần thứ năm này, sau bốn lần gạ gẫm không đạt mục đích, phú ông lại đưa ra một tỉ giá ngang bằng, thiết thực. Một người có vị thế có quyền lực cao hơn Bờm đưa ra hành vi đề nghị đổi chác nếu Bờm từ chối thẳng sẽ không có lợi cho mối quan hệ liên nhân của Bờm. Hiểu rõ điều đó Bờm đã lựa chọn cách từ chối gián tiếp bằng hành vi “cười”. Bờm cười cũng có nghĩa là nhân dân lao động cười. Họ cười một phú ông tham lam xảo quyệt chuyên lừa phỉnh dân lành, cười một anh Bờm ngốc ngếch, khờ khạo thế mà không mắc lừa phú ông. Hơn nữa, như trên đã nói Bờm vốn bị xem là kẻ ngu dốt còn phú ông là kẻ không ngoan. Vậy nên, bỗng một hôm nào đó Bờm “khôn lên đột xuất” thì khen Bờm mới là việc đáng nói chứ không ai khen “phò mã tốt áo” cả.
Như vậy, đích giao tiếp trong bài ca dao “Thằng Bờm” theo cách hiểu của chúng tôi, là tác giả dân gian đả kích phú ông tham lam xảo quyệt, khen Bờm “khờ khạo thế mà khôn”, nhằm tạo nên tiếng cười hả hê sảng khoái.
4. Trên đây chỉ là những thể nghiệm và theo chúng tôi, vận dụng lí thuyết giao tiếp để tìm hiểu và lí giải ý nghĩa đích thực của tác phẩm văn học nói riêng (đặc biệt ca dao dân ca), diễn ngôn nói chung là cần thiết, hứa hẹn đem lại những kết quả thú vị.
Cao Xuân Hải
Tài liệu tham khảo
1. Diệp Quang Ban – Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết, đoạn văn, NXB KHXH, Hà Nội, 2003.
2. Đỗ Hữu Châu - Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
3. Nguyễn Đức Dân - Ngữ dụng học, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.
4. Nguyễn Xuân Đức - Về bài ca dao thằng Bờm (in trong Những vấn đề lí thuyết lịch sử văn học và ngôn ngữ), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
5. Mak Hallday - Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Hoàng Văn Vân dịch), NXB ĐHQG Hà Nội, 2004.
6. Hoàng Tiến Tựu – Bình giảng ca dao, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.
7. Vũ Ngọc Phan - Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 1978.
8. Hoàng Phê (chủ biên) - Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1998.