Mượn hình ảnh con cò, bài ca dao này phản ánh, khắc hoạ cảnh tượng một đám ma ở nông thôn ngày xưa. Hình ảnh đám ma hiện lên sinh động, nhiều nghịch lý. Đọc bài ca dao mà cười ra nước mắt.
Con cò chết rũ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
“Chết rũ” tức là chết đã nhiều ngày, tử khí bốc lên. Ấy thế mà chưa được chôn cất tử tế. Hình ảnh về cái chết của con cò thật thảm thương! Vây mà “cò con” cứ phải dềnh dàng theo hủ tục ma chay: mở lịch chọn ngày làm ma cho đúng với thủ tục và quan niệm tang chế. Thế rồi, cái thủ tục lằng nhằng ấy cũng xông, đám tang diễn ra nhưng hết sức đau lòng:
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.
Đó không phải là cảnh đám ma buồn thảm. Đó là ngày hội để lũ chim kiếm chác. “Cà cuống uống rượu la đà”, uống đến say ngất ngưởng, như thể đám ma là chốn vui chơi. “Chim ri ríu rít bò ra chia phần”, tranh ăn một cách vui vẻ, hào hứng. Chào mào thì đánh trống quân đệm nhịp cho bài hát rộn ràng, tưng bừng. Chim chích thì “cởi trần vác mõ đi rao”, điệu bộ thô thiển, loan báo ầm ĩ không có chút nào nghiêm trang, trịnh trọng.
Hình ảnh đám ma đã phản ánh những hủ tục ma chay trong làng quê xưa. Mỗi con vật là hình ảnh tượng trưng cho một hạng người trong xã hội làng quê xưa. Con cò và cò con là hình ảnh của gia đình nông dân xấu số. Cà cuống chính kẻ tai to mặt lớn, có vai vế trong làng (xã trường, lí trưởng, địa chủ, nhà giàu), lợi dụng đám tang mà hạch sách rồi ăn uống no say, chẳng nghĩ gì đến kẻ xấu số. Chim ri, chào mào là bọn cai lệ, lính lộ, tay sai cũng tận dụng thời cơ kiếm chác, hò hô theo bọn quan lại. Chim chích là những anh mõ làng, thông báo cáo phó mà cởi trần thô thiển, không còn thể thống gì, khiến cho đám tang của “con cò” trở thành một trò cười. Thật quá đau lòng.
Đám ma đối với chúng là dịp để vui vẻ, kiếm chác, phô trương ầm ĩ. Chúng không thèm đếm xỉa đến những mất mát, đau thương của tang gia. Những hủ tục tang ma đó đã gây phiền hà, tốn kém cho gia chủ, cho cả họ hàng, làng xóm. Đây là những hủ tục cần phải loại bỏ trong xã hội hiện nay.
Bài ca dao này gần với truyện ngụ ngôn, bởi nó nói chuyện con người thông qua chuyện loài vật, làm cho ý đồ châm biếm, phê phán xã hội trở nên kín đáo, sâu sắc hơn. Việc sử dụng rộng rãi biện pháp nhân hoá đã làm cho câu chuyện trờ nên sinh động hơn.