Đăng bởi Vanachi vào 13/03/2005 18:35, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Hoa Xuyên Tuyết vào 14/09/2007 19:47

Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...

- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

         *

Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.


Bài thơ này được đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940, sau đó được tuyển chọn vào sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân. Bản trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (1968) còn in thêm một khổ thơ nữa ở cuối như sau:
Mây thu đầu núi, gió lên trăng,
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng Đời xô động, tiếng hờn câm.
Theo Bùi Viết Tân đăng trên Tạp chí Văn nghệ kháng chiến (5-1951), “Cuối năm 1949, trong một chuyến đi dài ngày từ Liên Khu 3 lên Việt Bắc, tôi có dịp đồng hành với thi sĩ Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình) [...] nhân vật gây nguồn cảm hứng để anh sáng tác bài thơ nổi tiếng Tống biệt hành là một người tên Phạm Quang Hoà, trước 1945 thoát ly gia đình ra đi lên chiến khu làm cách mạng. Tôi đã hỏi anh Thâm Tâm, nhân vật Phạm Quang Hoà ở đâu, còn sống không? Anh Thâm Tâm cho biết Phạm Quang Hoà ra đi, trở về và đang tiếp tục cuộc sống của một người trai thời loạn.”

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.


[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Con người lãng mạn trong “Tống biệt hành” (Thâm Tâm)

Không gian bi tráng. Ly biệt sầu thương. Nỗi buồn thăm thẳm cứ lấn át dần hùng tâm tráng chí người đi bằng cảm giác mất mát, đổ vỡ, hụt hẫng dâng đầy trong những dòng thơ của Tống biệt hành.

Tống biệt hành không nằm trong không khí của những cuộc ra đi như Tây Tiến, Đất nước của giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nên tư cách tráng sĩ của ly khách hiện ra trong bài thơ thuần tuý chỉ là hình ảnh con người lãng mạn cá nhân mà thôi. Dẫu rằng trong thực tế, người bạn của Thâm Tâm có thể lên chiến khu, nhưng từ nguyên mẫu đến nhân vật trữ tình trong thơ thường vẫn có khoảng cách nhất định. Huống chi cách xây dựng hình ảnh, khắc hoạ tâm trạng nhân vật ở đây hoàn toàn thuộc về thủ pháp lãng mạn. Có mượn thơ xưa cái không khí “đưa qua sông” cũng là để phân biệt với người của thời hiện đại không đưa qua sông. Có mượn bóng chiều cũng để nhấn mạnh ngoại cảnh không phải là tác nhân tạo nên nỗi buồn biệt ly, vì bóng chiều không thắm không vàng vọt, không vui, không buồn… Những từ đưa người, ly khách, người buồn, người đi… có thể nhận ra suốt trục dọc của bài thơ và nhấn nhá nhiều lần như một điệp khúc buồn. Sự thay đổi của thời đại và sự khác biệt trong tư tưởng đã làm nên hình bóng con người hiệp sĩ nhưng kiểu người ấy khác hẳn Kinh Kha ngày xưa ra đi diệt trừ bạo chúa. Bởi đọc kỹ những câu thơ Thâm Tâm, ta không biết được người ấy đi đâu, muốn làm gì cụ thể. Tất cả chỉ là để thoả mãn khát khao:

Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Nhưng vì một lý tưởng cá nhân để sẵn sàng đánh đổi tất cả, dứt bỏ sợi dây ràng buộc của tình mẫu tử, chị em, anh em, bạn bè… có tàn nhẫn quá chăng? Đứng về lý, tác giả là người đồng tình cùng ly khách, trong những lời cảm khái. Nhưng nếu chỉ có vậy, người ra đi sẽ có bộ dạng của một kép hát trên sân khấu. Thâm Tâm đã nghiêng về mặt tình cảm, hoà nhập với tâm trạng người trong cuộc để diễn tả những khoảnh khắc của chiều hôm trước, sáng hôm nay và của cả buổi chiều hiện tại với nỗi buồn đứt ruột cố nén trong lòng kẻ ra đi. Để biết rằng người ấy không phải là kẻ một dửng dưng. Khổ kết nghẹn ngào như một lời trăng trối gửi về mẹ, chị, em với những hình ảnh so sánh chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say đầy những ám ảnh thân phận. Và đó cũng là cách cắt nghĩa cho thái độ dửng dưng đến lạnh lùng trước đó.

Bốn năm sau khi viết Tống biệt hành, Thâm Tâm đã viết Vọng nhân hành (1944) có những câu:
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”…
Có lẽ phải bắt đầu từ tâm thế thời đại ấy, chúng ta mới cắt nghĩa được phần nào tứ thơ của Tống biệt hành. Vào những năm bốn mươi của thế kỷ XX, trên thi đàn lãng mạn Việt Nam, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính có một hơi thơ giống nhau: “Nằm đây thép gỉ son mòn - Cái đi mất mát, cái còn lần khân” (Độc hành ca - Trần Huyền Trân); “Ta đi nhưng biết về đâu chứ - Đã nổi phong yên lộng bốn trời - Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ - Uống say mà gọi thế nhân ơi” (Hành phương Nam - Nguyễn Bính). Phải chăng, khi cuộc sống thực trở nên bức bối ngột ngạt, các nhà thơ thời ấy khao khát một cuộc ra đi? Nhưng phần lớn những khúc hành, ca chỉ là một sự giải toả tâm trạng bức bối, trong khi cuộc sống thực của các nhà thơ cứ quẩn quanh trong khuôn đời chật hẹp. Tinh thần ấy đã từng được nói lên rất rõ trong thơ Hàn Mặc Tử: “Đi, đi, đi mãi nơi vô định - Tìm cái phi thường, cái ước mơ” (Đời phiêu lãng). Nhân vật người đi trong Tống biệt hành dù có gợi lại không khí cổ xưa, dù có gắng gượng chống chọi tiếng thổn thức sâu thẳm từ tâm hồn bằng dáng vẻ kiêu dũng bề ngoài, cũng vẫn chỉ là sản phẩm thuần tuý lãng mạn. Người đọc thẩm thấu thêm chất “bâng khuâng khó hiểu của thời đại” (Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam) từ bài thơ của Thâm Tâm, để trân trọng những tấm lòng biết hướng về những điều cao cả, như một sự phản ứng lại xã hội tầm thường tù túng lúc bấy giờ. Vì vậy, nỗi buồn của người đi (cũng là tâm trạng của chính Thâm Tâm) rất đáng quý.


Trần Hà Nam
93.89
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Khổ cuối bài thơ???

Thân gửi các bạn,

Minh Thùy có vào Trang Thơ đọc, thấy tủ thơ có nhiều bài thơ hay, tài liệu phong phú, nhưng xem qua bài thơ Tống biệt hành của nhà thơ Thâm Tâm, là bài thơ MT rất yêu thích - bài thơ nổi tiếng nửa thế kỷ nay - thì nhận ra là bài thơ ở đây còn thiếu một đoạn cuối rất đẹp, và một vài chữ không đúng, MT xin mạn phép được bổ túc cho bài thơ được toàn vẹn.
Thi sĩ Thâm Tâm sinh 1917, mất năm 1950. Bài thơ này sáng tác năm 1940.

Kính và cám ơn các bạn.

Minh Thùy


Tống biệt hành

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...

-Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay...

Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

THÂM TÂM 1940
---------------------
Minhthuy cho sóng trăng hỏi tí nhe,

Bài "Tống Biệt Hành" của Thâm Tâm sóng trăng thuộc lòng lâu lắm rồi, quên không biết dựa theo nguồn nào, nhưng nhớ đoạn cuối như vầy:

"Mây thu đầu núi, gió lưng chân,
Cơn lạnh chiều nao để bóng thầm,
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm..."

So với đoạn cuối của bài thơ Minhthuy đăng lên, có vài dị biệt:
quote:

Trích đoạn: minhthuy

Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

THÂM TÂM 1940


Minhthuy có thể cho biết bạn dựa vào nguồn nào để chép bài thơ này không?

Và nếu được, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của hai đoạn thơ và sự khác biệt trong chữ dùng.

Riêng sóng trăng, khi đi ngang đèo Hải Vân, mới hiểu hết cái cảm động của người thi sĩ giữa núi rừng cô tịch trong mùa thu, khi chia tay người thương để đi làm tròn bổn phận người trai:
"Chí lớn không về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm Mẹ già cũng đừng mong... "

Và nhận ra cái cảnh vô cùng cô đơn này:
"Mây thu đầu núi, gió lưng chân
Cơn lạnh chiều nao để bóng thầm...
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm... "

Cảnh "mây thu đầu núi", đối với "gió lưng chân", mới nghẹn ngào làm sao cho lòng ly khách giữa mùa thu ngang lưng núi.

Và âm "ân" (lưng chân) vần với "ầm" (bóng thầm), ăm (hờn căm)
hơn là "ăng" (giá lên trăng - tạm hiểu: hơi lạnh bốc lên trăng? hơi gượng).

Chữ "xô" trong câu cuối, làm sóng trăng như nghe thấy tiếng sóng biển dạt dào khi đứng trên Trường Sơn đoạn đèo Hải Vân, sóng biển như gần lắm, nhưng chỉ là "tiếng đời xô động"... chứ thật ra, không thể nghe thấy tiếng sóng.

Còn "tiếng hờn căm... " thực nói lên hết cả lý do của buổi ly biệt, vì nỗi hờn non nước, hờn vong quốc, mà
"Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ! Thà coi như chiếc lá bay
Chị! Thà coi như là hạt bụi
Em! Thà coi như hơi rượu cay! "



Minhthuy nghĩ sao?



sóng trăng
----------------------------
Trả lời bạn Sóng Trăng,

Cám ơn bạn đã đọc bài thơ Minh Thùy bổ túc và có góp ý cùng phân tích cặn kẽ và hay.

Minh Thùy bổ túc đoạn cuối vào bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm là dựa theo tạp chí Tác phẩm văn học, ra 2 tháng một kỳ, số báo có đăng bài này là số 2 - tháng 9-10- năm 1987. Tình cờ có người quen cho MT số báo này từ lâu, vì trong đó có bài thơ Tống biệt hành và bài thơ Ở phía sau cửa sổ của Thế Dũng rất hay nên MT còn giữ số báo này đến nay.

Theo sự cảm nhận của MT thì 2 câu:
Mây thu đầu núi, giá lên trăng.
cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm

tác giả dường như muốn nói lên nỗi lạnh lùng, rét giá của một chiều thu và nỗi cô đơn của ly khách, người phải thoát ly gia đình, đi làm cách mạng, ra đi thầm lặng một mình, đứng bên đường chỉ có bóng mình. Ở đây câu thơ đã tượng hình rất đẹp, rất thơ của người ly khách.

Và câu cuối: Tiếng đời xô động tiếng hồn câm.
MT cảm nhận thi sĩ dường như mưốn nói: trong khi cuộc đời xáo động, sóng gío như vậy, đất nước bị sự thống trị của thực dân Pháp thì đa số người dân phải chịu đựng câm lặng mà sống, ly khách càng thấy mình cô đơn hơn, đến nghe muốn khóc.

MT viết dường như vì nghĩ khi đọc thơ hay truyện, người đọc thường diễn giải ý tưởng bài thơ theo cảm nhận của mình. Và mỗi người tùy theo kinh nghiệm sống, cảm hứng của mình mà có những diễn giải khác nhau. Có lẽ chỉ có tác giả mới nói đúng ý tưởng mà ông muốn bày tỏ.

Đây là do kinh nghiệm lúc còn học Văn ở trường, khi giảng về bài thơ hay tác phẩm nào, thầy cô hay nói là tác giả viết như vậy vì tác giả muốn nói thế này, thế khác....MT thấy có vẻ áp đặt quá, có lần đã hỏi lại cô là: Có đúng tác giả muốn nói thế không? Hay chỉ là do mình phỏng đoán như vậy...

Đến nay viết truyện ngắn, có khi độc giả và cả bạn bè, viết thư về MT bày tỏ cảm nghĩ của họ với nhân vật và cốt truyện thì MT thấy vài người nói chưa đúng lắm với ý tưởng mà mình muốn chuyên chở trong truyện. Nhưng MT vẫn tôn trọng những ý kiến đó vì nghĩ đó là xuất phát từ kinh nghiệm sống của từng người thôi.

Xin phép hỏi lại Sóng Trăng dựa vào nguồn nào mà có đoạn thơ cuối khác đó ? Cũng có thể đoạn thơ cuối mà MT đọc được ở tạp chí Tác phẩm văn học đã in sai chăng?
MT rất vui biết thêm có người cũng ưa thích bài thơ Tống biệt hành và có những suy nghĩ, cảm nhận rất hay.

Kính và cám ơn

Minh Thùy
Chào Minhthuy,


Bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm là một bài thơ sóng trăng thuộc ngay khi đọc xong, nó thấm vào tận trong tim trong hồn mình, và không ra nữa. Do đó, hôm nay chịu thua không biết nguồn ở đâu.

Chỉ biết chia sẻ với bạn những cảm nghĩ thế thôi,

Chúc vui nhé,



sóng trăng
------------------------

Tượng Thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
44.25
Trả lời
Ảnh đại diện

Đến với bài thơ hay: "Tống biệt hành" của Thâm Tâm

Tác giả: H.Linh


Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót (*).

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

Mây thu đầu núi, gió lên trăng (**)
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm (***).
(1941)


"Tống biệt hành" là bài thơ nổi tiếng và được ưa thích nhất của Thâm Tâm. Có người không ngần ngại liệt nó vào một trong mười bài thơ tiền chiến hay nhất (1). Chục năm nay, "Tống Biệt Hành" cũng được xếp trong tuyển chọn năm mươi bài thơ trữ tình tiêu biểu của mười thế kỷ thơ ca Việt Nam (2).

Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào "Thơ Mới" thời 1930 - 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế.

Đưa người, ta không đưa qua sông.

Từ bao đời nay, con sông, bến nước vẫn là địa điểm của những cuộc tiễn biệt. Chẳng những vì xưa kia, phương tiện giao thông chủ yếu của người dân quê là chiếc thuyền. Con sông còn như một ranh giới, một vành đai bao phủ và che chở mỗi vùng làng mạc. Mỗi người, khi qua sông, cũng là lúc rời bỏ quê hương cùng gia đình và người thân của họ. Chẳng phải là ngẫu nhiên khi dòng sông, con tàu đi vào tiềm thức mỗi người như một biểu tượng của giã biệt, xa cách. Trong thơ ca cũng vậy:

Anh Khóa ơi,
Em tiễn anh xuống tận bến tàu...
("Anh Khóa", Trần Tuấn Khải)

Biệt ly,
Sóng trên dòng sông,
Ôi còi tàu như xé đôi lòng,
Và mây trôi, nước trôi, ngày tháng trôi,
Càng lướt trôi.
("Biệt ly", Dzoãn Mẫn)

Nhưng lần này, tác giả không đưa bạn mình qua sông. Vào những năm cuối của thập kỷ ba mươi, khi Nguyễn Bính viết "Những bóng người trên sân ga", nhiều cuộc đi xa đã khởi đầu trên một bến xe, một sân ga nào đó.

Tuy thế hình ảnh con đò, bến nước trong văn chương và cuộc đời đã hằn sâu trong tác giả tự bao giờ, khiến anh phải thốt lên:

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Hỏi đấy, nhưng chỉ để bộc lộ nỗi lòng buồn bã pha chút vị ngây ngất của anh. Tiếng sóng ấy chưa đến độ như "tiếng đời xô động, tiếng hờn câm" ở đoạn kết, nhưng đã tựa như tiếng đàn khuấy động những cung bậc bi phẫn giữa người đi và kẻ ở.

Đã hay rằng "người" buồn đấy, còn "cảnh" ra sao? Buổi chiều ấy, dù "không thắm, không vàng vọt", nhưng "đầy hoàng hôn trong mắt trong", và có thể rất đẹp đấy. Nhưng nó vẫn đượm vẻ gì man mác vô định. Có điều, vào lúc ấy, nào ai còn để ý đến cảnh vật bên ngoài. Họ mải "giã gia đình" và "dửng dưng". Đối với tác giả, chỉ còn người đi là tồn tại, anh chỉ "đưa người ấy", ngoài ra mọi thứ khác nào có nghĩa gì.

Cuối cùng thì giờ phút chia tay cũng phải đến. Người đi hùng dũng lắm, hăng hái và hăm hở lắm:

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!

Anh thề thốt thật ghê! Người đọc không biết anh đi đâu, anh làm gì. Chắc sự nghiệp của anh lớn lắm. Có gì làm ta nhớ lại chàng Kinh Kha vào Tần qua sông Dịch lạnh tê tái, khảng khái làm hớp rượu, rồi bước thẳng không quay đầu lại:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.
(Gió hiu hiu chừ, sông Dịch lạnh ghê,
Tráng sĩ một đi chừ, không bao giờ về.)

Ta thấy anh đi khí thế thật đấy, nhưng sao cô đơn quá! Đi thì cứ đi, nhưng nào có rõ tương lai:

Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

Anh lên gân vậy thôi, chứ thực ra, anh thương mẹ lắm. Và khi đi, nào phải anh không day dứt. Anh còn chị, còn em. Những người chị "như sen" và người em "ngây thơ đôi mắt biếc", đâu muốn anh đi. Hẳn nhà anh nheo nhóc và cực nhọc lắm, anh đi rồi, ai lo?

Tất nhiên, chí trai bốc đồng, anh tỏ ra quyết tâm lắm. Nhưng dễ thấy đó chỉ là vẻ bề ngoài. Kỳ thực, lòng anh thật mềm yếu. Anh đã buồn, chắc là từ lâu, chứ đâu phải chỉ từ "chiều hôm trước" với "sáng hôm nay".

Và cảnh sắc bầu trời mùa hạ sang thu ấy thật đẹp. Anh nhất quyết phải từ giã gia đình, bạn bè trong khung cảnh ấy sao? Đích của anh nào có chắc chắn gì? Đâu phải anh không có những day dứt, ràng buộc bịn rịn?

Nhưng rồi anh vẫn dứt áo ra đi. Đi lúc nào mà người tiễn chẳng hay:

Người đi! Ừ nhỉ? Người đi thực!

Như một cơn mơ, lúc bừng tỉnh chẳng còn gì. Anh đã đi, đi thực. Làm người ở lại đắm trong nỗi thẫn thờ. Cuộc đời sao như tỉnh, như mơ! Đành phải chịu!

Tất cả dẫn đến một cao trào. Nhịp thơ trở nên gấp gáp, rắn rỏi, mãnh liệt, nhưng đượm vẻ chua chát và bi phẫn:

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượi say.

Anh muốn quên lãng đi mọi thứ. Quên đi cho hết nỗi sầu. Như người lữ khách trong "Chiều" của Hồ Dzếnh. Nhưng thử hỏi: có quên được không?

Mây tha đầu núi, gió lên trăng,
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.

Thời gian qua đi. Bóng hoàng hôn không còn nữa. Cơn lạnh và bóng tối trùm lên mỗi bước anh đi. Lúc ấy, người lữ khách còn lại một mình. Âm thầm. Lặng lẽ. Cái đích vẫn xa vời. Và nhuệ khí xưa đâu còn nữa. Anh muốn bật khóc, muốn gào lên tức tưởi:

Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn câm...

Chẳng biết lúc ấy, anh trách ai? Trách mình, hay trách cuộc đời cay nghiệt?

*

Ông Hoài Thanh trong "Vài suy nghĩ về thơ" (3) đã thú nhận khi viết "Thi nhân Việt Nam", ông rất khoái "Tống Biệt Hành". Chẳng những vì "điệu thơ gấp gáp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ" (4), mà chủ yếu bài thơ mang phong vị "bâng khuâng khó hiểu của thời đại". (5)

Không rõ "Tống Biệt Hành" có gì "khó hiểu"? Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật "bâng khuâng". Vẻ trầm hùng, cổ kính của bài thơ cùng những hình ảnh "mong manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại rất nặng" (6) gây nên một ấn tượng thật mạnh và sâu đến người đọc.

Ít năm trước đây, nhà thơ Lương Trúc (7), một người bạn của Thâm Tâm, có tiết lộ rằng "Tống Biệt Hành" là bài thơ Thâm Tâm viết tặng ông khi ông đi hoạt động. Tạm cho là như vậy. Ở vào hoàn cảnh bấy giờ (1941), hành động cách mạng của những thanh niên độ tuổi hai mươi như họ, có thể coi là một sự dấn thân đầy mạo hiểm. Nó mang hình ảnh các tráng sĩ thời xưa, vào cuộc chiến "lạnh lùng theo trống dồn" ("Chiến sĩ vô danh", Phạm Duy), với lòng hăng hái thiêng liêng "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" ("Tây Tiến", Quang Dũng). Và cũng chẳng khác gì mấy hình ảnh thật đẹp và oai hùng của lứa văn nghệ sĩ đầu tham gia kháng chiến, nửa thập kỷ về sau:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội,
Những phố dài xao xác hơi may,
Người ra đi đầu không ngoảnh lại,
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
("Đất nước", Nguyễn Đình Thi)

... Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về
Trở về chiếm lại quê hương!
("Ngày về", Chính Hữu)

*

Cuộc đời Thâm Tâm thật ngắn ngủi. Ông viết chưa nhiều (8). Cái chết cướp ông đi ở tuổi 33. Ông đã lao vào cuộc chiến đấu của dân tộc một cách nhiệt thành. Từng là biên tập viên tạp chí "Tiên phong" (1945-1946) rồi thư ký tòa soạn báo "Vệ quốc quân", ở Chiến dịch Biên giới (1950), Thâm Tâm bị sốt rét nặng trong lúc không có thuốc men. Vô phương cứu chữa, ông bị bỏ lại trong một căn nhà sàn tại bản Nà Po cùng một người liên lạc. Anh này là người duy nhất có mặt khi ông qua đời và xin được bà con dân bản một mảnh vải trắng để làm khăn tang (8).

Cái chết của Thâm Tâm thật bi thảm. Nhưng nó cũng thật đẹp và bi hùng ở khía cạnh một tráng sĩ nơi sa trường. Đẹp và bi hùng như "Tống Biệt Hành" của ông vậy!


Chú thích:
(*) Có bản chép là "dòng lệ xót".
(**) Có bản chép là "giá lên trăng".
(***) Khổ cuối bài thơ thường không được biết đến. Theo "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989), trong một bản in "Tiểu thuyết thứ Bảy" (1940) có đoạn này.


Giới thiệu tham khảo:
1. Vũ Quần Phương: Thâm Tâm và "Tống Biệt Hành" ("Quân đội Nhân dân", 1990).
2. "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989).
3, 4, 5. "Tuyển tập Hoài Thanh", tập 2 (Hà Nội, 1983).
6. Vũ Cao: "Tản mạn dọc đường văn học" ("Văn nghệ Quân đội" tháng 6-1988).
7. Tên thật Phạm Quang Hòa, sinh năm 1915. Xin xem thêm bài của Hoàng Tiến: "T.T.Kh. là ai?" ("Nhân dân Chủ nhật" ngày 16-7-1989).
8. Sinh thời, thơ Thâm Tâm chưa được in thành tập. Mãi đến năm 1988, tập "Thơ Thâm Tâm" sưu tầm một số thi phẩm tiêu biểu của ông mới được ấn hành.
9. Theo Từ Bích Hoàng: "Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học", tập 1 (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội 1985).

Nguồn: Nhịp cầu thế giới - Hungary.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Màu sắc Đường thi trong bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm

Viết về đề tài rất quen thuộc và có nhiều bài thơ nổi tiêng nhưng vẫn tạo được cho thi phẩm của mình một màu sắc độc đáo, hấp dẫn thì không thể không nói đến nhà thơ Thâm Tâm với bài thơ Tống biệt hành. Đã có rất nhiều người khám phá vẻ đẹp lung linh muôn sắc màu của tác phẩm này. Xin góp thêm cảm nhận về Tống biệt hành nhìn từ góc độ cấu tứ mang màu sắc Đường thi trong việc thể hiện tâm trạng, tinh thần của đấng nam nhi thời đại mới thông qua cuộc tiễn đưa.

Một trong những đặc điểm của cấu tứ thơ Đường là các nhà thơ không bao giờ nói trực tiếp và nói hết ý mình mà chỉ dựng lên các mối quan hệ để độc giả luận ra ý tác giả.

Thâm Tâm đã kế thừa cấu tứ thơ Đường làm cho bài thơ đậm đà phong vị Đường thi nhưng lại ngời sáng tinh thần thời đại. Trước hết, tác giả tạo dựng mối quan hệ KHÔNG – CÓ ở bốn câu thơ mở đầu bài thơ để thể hiện tình người trong cuộc chia ly, tiễn biệt: không có sông nhưng có tiếng sóng ở trong lòng, không có bóng chiều nhưng có hoàng hôn trong mắt. Những hình ảnh đối lập đó đã diễn tả nỗi buồn tê tái của người đưa tiễn, ẩn chứa đằng sau đó là tâm trạng của người ra đi. Thâm Tâm đã tạo ra sự hiện diện của những cái không có bằng hàng loạt từ phủ định (“không đưa qua sông”, “bóng chiều không thắm, không vàng vọt”) nhưng liền sau đó lâi đưa ra những câu hỏi tu từ.

Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Chính điều đó lại gợi cái có trong liên tưởng người đọc về hình ảnh “dòng sông”, “hoàng hôn” đã trờ thành biểu tượng cho những cuộc chia ly. Trong thơ Đường, dường như cuộc tiễn đưa nào cũng không thể thiếu những hình ảnh đó:
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.
(Vài tiếng sáo theo gió vi vút, ở đình ly biệt buổi chiều hôm
Anh đi tới vùng sông Tiêu, sông Tương, tôi đi tới đất Tần)
(Trịnh Cốc – Hoài thượng biệt hữu nhân)
Thỉnh quân thi vấn đông lưu thuỷ
Biệt ý dữ chi thuỷ đoản trường.
(Xin bạn thử dòng nước chảy về đông
Xem tình ý biệt ly và dòng nước bên nào ngắn bên nào dài)
(Lý Bạch)
Li tâm bất dị Tây giang thuỷ
(Tình li biệt chẳng khác gì dòng nước sông)
(Hứa Hồn)
Các nhà thơ cổ diển lúc viết thơ tống biệt hay dùng thủ pháp đồng nhất tình cảm và cảnh, còn Thâm Tâm có cách thể hiện riêng: không tả cảnh nhưng lại gợi cảnh. Cái tài của tác giả là tạo nên sự liên tưởng, sự cộng hưởng nối liền cuộc chia ly hiện tại với cảnh cũ người xưa trong lòng độc giả. Chính vì vậy nhà thơ đã thành công khi thể hiện tình cảm muôn thưở của con người: “Bi mạc bi hề sinh biệt ly” (Không gì buồn bằng nỗi buồn chia ly) (Khuất Nguyên). Có lẽ Thâm Tâm đã gặp gỡ Huy Cận trong cách thể hiện này. Khi tác giả Tràng giang viết “Lòng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” đâu có ý phủ nhận “khói” để khẳng định nỗi nhớ nhà của mình da diết và thường trực hơn Thôi Hiệu:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
(Thôi Hiệu – Hoàng Hạc lâu)
Ngược lại Huy Cận đã diễn tả nỗi nhớ quê hương da diết bằng cách cộng thêm nỗi buồn của người xưa.

Thâm Tâm phát hiện những nét đối lập mà thống nhất để tạo dựng hàng loạt mối quan hệ: bề ngoài – bên trong; con người giả - con người thực; dửng dưng, lạnh lùng - buồn bã, đằn vặt… để khắc hoạ tâm trạng, ý chí, khát vọng của li khách thông qua cảm nhận của người đưa tiễn.

Người ra đi (li khách) là con người khác thường, bề ngoài có vẻ dửng dưng với tất cả, vượt lên mọi trở lực riêng tư để thực hiện chí lớn.
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giã gia đình, một dửng dưng…

- Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Các từ ngữ “một”, “giã”, “không bao giờ”, “đừng” cực tả cái rắn rỏi dứt khoát tưởng chừng không ai có thể ngăn cản quyết tâm của người ra đi. Người ấy ra đi có vẻ như là không hề vướng bận với một cút tình riêng:
Mẹ thà coi như chiếc là bay
Chi thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Dáng vẻ cương quyết của li khách, chúng ta đã từng bắt gặp ở tráng sĩ Kinh Kha, ở “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Nhưng đến khổ thơ thứ ba qua sự hồi tưởng của người tiễn thì con người thật bị che đậy ở trên đã được bộc lộ.
Ta biết người buồn chiều hôm trước:
(…)
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
“Ta biết” chứ không phải “ta thấy” tức là người ở lại hiểu được nỗi niềm sâu thẳm trong cõi lòng người ra đi. Nếu như “nước mắt như mưa” giúp ta nhận biết về con người thật ẩn chứa sau dáng vẻ bề ngoài oai nghiêm, hùng dũng của lính thú đời xưa thì ở bài thơ này ta nhận được con người thật li khách qua sự đồng cảm của người ở lại. Đằng sau cốt cách rắn rỏi, dửng dưng của đấng nam nhi ý thức được “Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông” là cả chiều sâu nội tâm. Đó là những nỗi buồn day dứt, dằn vặt, xót xa của li khách trước tình cảm gia đình thiêng liêng. Ngay sau giọng thơ có vẻ dứt khoát, rắn rỏi và sự lặp đi lặp lại ba chữ “thà coi như” ở ba câu cuối bài thơ là sự xót xa, nghen ngào thầm lặng. Có một sự giằng xé nội tâm trong con người này: một bên là tình cảm, một bên là ý chí, khát vọng. Thâm Tâm đã xây dựng hình tượng nghệ thuật tương phản nhưng nhằm tô đậm sự thống nhất trong hành động, ý chí của li khách. Tạo dựng nên các mối quan hệ, nhà thơ dần dần hé mở cho người đọc nhận ra cái có ẩn chứa trong cái không, cái thực ẩn chứa trong cái hư và cuối cùng là hình ảnh một con người mang dáng dấp trượng phu được nhiều người ngưỡng mộ.

Thủ pháp gợi - một thủ pháp quen thuộc trong Đường thi đã được nhà thơ vận dụng để thể hiện khát vọng thực hiện chí lớn của li khách. Khi Thâm Tâm cực tả tình cảm tiếc thương, níu kéo của người thân chính là để cực tả ý chí không gì lay chuyển nổi của người ra đi. Tác giả còn tạo ra mối quan hệ tin – không tin để tô đậm thêm ý này. Người ở lại in đây là cuộc đưa tiễn thật nên mới có “sóng ở trong lòng”, “hoàng hôn trong mắt” thế mà khi li khách đi rồi vẫn không tin là có thật: “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!”. Câu thơ diễn tả sự bàng hoàng, ngỡ ngàng của người tiễn vì anh ta cứ tưởng là tình cảm của người thân có thể níu kéo li khách ở lại được. Làm sao có thể đành lòng trước cảnh mẹ già, cảnh chị gái “Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”, cảnh em gái “Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”?... Điều đó cũng chỉ nhằm khắc hoạ thêm quyết tâm thực hiện một cuộc ra đi tự nguyện đầy lãng mạn với những khát vọng cao cả của li khách.

Kế thừa nhưng không lặp lại, Thâm Tâm đã tạo nên sức sống diệu kỳ cho Tống biệt hành. Đặc biệt, sự kế thừa, sáng tạo trong cấu tứ thơ Đường giúp cho tác giả thể hiện sâu sắc một cái nhìn đa chiều về “vẻ đẹp con người cao cả trong toàn bộ sự biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy tinh thần nhân đạo” (Trần Đình Sử).


Thạc sĩ Hồ Thuý Ngọc GV. Khoa xã hội nhân văn - CĐSP Hà Tĩnh

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

khổ cuối bài thơ

chào các bạn
Mình đã từng nghe cô nói về khổ cuối của bài thơ này, chính tác giả đã lượt bỏ nó. Mình nghĩ khi làm như vậy tác giả đã có chủ đích riêng của mình.khi lượt bỏ khổ thơ cuối ấy bài thơ như mang một nét mới, bắt người đọc phải suy nghĩ nhiều hơn. Tuy chẳng nói đến giọt nước mắt của li khách nhưng một cái gì đó thật đau ẩn chứa trong đó. Lớp mình đã có một buổi tranh cãi về đoạn thơ gần cuối đó:
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượi say...
Đây là lời nói của li khách hay lời người ở lại? Hãy cùng mình đi tìm lời đáp, bạn nhỉ!

Trong thất vọng sẽ nảy mầm hi vọng
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

khổ cuối bài thơ

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...

Theo mình khổ cuối này là lời của người đưa tiễn - "ta". Đây là lời nói hộ cho mẹ, cho chị của "người" và cũng là lời tự nhủ thầm của "ta" với chính mình.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

khổ cuối bài thơ

Cám ơn ý kiến của bạn rất nhiều! Mình cũng đồng tình với bạn, đây là lời của người mẹ, người chị, người em và là lời tự nhủ của li khách. Nhưng sâu thẳm trong đó là một nỗi đau, cũng giống như khi ta phủ nhận một điều gì đó mà ta không mong muốn thì lúc đó ta lại đau khổ nhất vì điều ta chẳng thể nào quên mà lại khắc sâu mãi trong ta. Tình cảm gia đình là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao cả, người mẹ, người chị, người em, nhừng người ở lại làm sao có thể quên người con. người em, người anh cua mình cũng như li khách, người ra đi cũng không thể quên đi gia đình của mình. Cách thể hiện nội tâm nhân vật của tác giả thật tuyệt vời.

Trong thất vọng sẽ nảy mầm hi vọng
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

theo mình biết chắc là "ráng chiều", không phải "bóng chiều" :-)

theo mình biết chắc là "ráng chiều", không phải "bóng chiều" :-)

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

thơ đường quá thâm thuý

"Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng"
lời văn đưa ta vào một thế giới nội tâm của thi nhân nói riêng và người đọc nói chung có cùng một cảm giác giống nhau khi tiễn đưa một người tri kỹ đi xa.
Cảm ơn những gì mà thơ đường đã đem lại cho người đọc một cảm giác thanh tao,đường nét bay bỗng đến như vậy

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng bài thơ “Tống biệt hành”

Thơ mới chỉ có hai cuộc tiễn đưa đặc biệt: một của Thế Lữ – "Giây phút chạnh lòng" và một nửa của Thâm Tâm – "Tống biệt hành". Còn thì chỉ là những cuộc biệt ly thông thường, cuộc chia tay giữa người tình với người tình, giữa người thân với người thân. Thương nhớ chỉ quẩn quanh nơi những không gian xa cách, những mối tình phôi pha...

Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương khe
Em đừng quay lại nhìn anh nữa
Anh biết em đi chẳng trở về.
(Thái Can – Anh biết em đi)

Tất nhiên, những khúc ly biệt ấy đều có những giá trị, những hấp dẫn. Nhưng ta càng biết quý những cuộc biệt ly của những tầm cao nhân cách.

Đó là những khúc biệt ly mang chất thẩm mỹ bi tráng.

Thế Lữ và Thâm Tâm đã cảm hứng từ cuộc tiễn đưa con người chí lớn, con người khát vọng cái cao cả – khát vọng lý tưởng nồng cháy:

Non nước đang chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ
Anh đi vui cảnh lạ đường xa
Đem chí bình sinh giải nắng mưa
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ
(Giây phút chạnh lòng)

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về, bàn tay không
Thì đừng bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
(Tống biệt hành)

Trong bi kịch, các nhân vật trữ tình này vẫn lồng lộng chất tráng ca.
Đó cũng chính là tâm hồn thời đại trong bối cảnh không khí thời đại.

Thuở ấy, những thanh niên trí thức, sinh viên học sinh đã cảm nhận được cái vô nghĩa của những nhân cách an phận, nhàn du nhỏ bé mà sau này, Chế Lan Viên viết:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn
...
Lương thiện đấy, nhưng không có nội dung!
Thậm chí, có những người "vô tư"
Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua lê
Lòng ta đã hoá thành rêu phong chuyện cũ.
(Chế Lan Viên)

Những con người nhỏ bé ấy đã đứng ngoài những cảm nhận về nỗi dân tộc đang trong gông xiềng nô lệ, về nỗi nhân dân đang đói khổ, đau khổ... Kiếp người cơm vãi cơm rơi, Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi..." (Tố Hữu), về nỗi những Chí Phèo đang lâm vào thảm trạng tha hoá, và đang bị cự tuyệt quyền làm người lương thiện... (nhân vật của Nam Cao).

Có một tầng lớp thanh niên có học biết nặng lòng với đất nước, với nhân dân. Họ ưu tư, trăn trở trên đời sống chung của dân tộc. Nhưng nhìn quanh, họ chỉ thấy những bức tường bế tắc!

Thuở ấy, không khí thời đại ảm đạm lắm.

Một lá cờ Cần Vương phất cao với bao tâm huyết. Rồi từ Bắc chí Nam, Cần Vương đi vào thất bại. Những chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục ra quân, những Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... cũng lâm vào thất bại. Vận hội may mắn của cái dân tộc điêu linh này chưa tới? Rồi Việt Nam Quốc Dân đảng nồng nhiệt liều thân... cũng chỉ để lại một tiếng bom của Phạm Hồng Thái. Không thành công cũng thành nhân"...

Đúng như sau này, Chế Lan Viên viết:

Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời.
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá

Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời.

Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn chiêu hồn từng giọt thấm mưa rơi...

Trong không khí thời đại ấy, những con người có học, có tâm huyết đã buồn. Ai đã chê Thơ Mới buồn? Thậm chí, ai đã cho Thơ Mới là bạc nhược? Hơn nữa, ai đã kết tội Thơ Mới là có lợi cho địch? Đến bây giờ, khi không khí của hai cuộc chiến tranh đã lùi xa, khi mọi lí lẽ đã được suy ngẫm, kiểm nghiệm, chúng ta mới biết sợ những thái độ "khoa học" chưa hoàn chỉnh này.

Chất buồn của Thơ Mới là chất buồn mang tầm cao thời đại. Đó là chất buồn nhân tính.

"Tống biệt hành" là khúc trữ tình buồn ấy, là khúc bi tráng ca của một tâm hồn non nước.

Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Trên bình diện nội dung công khai, đã có hai nhân vật trữ tình: người ra đi và người đưa tiễn. Rồi cả ở những đoạn thơ sau, vẫn là hai con người ấy:

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
... Ta biết người buồn chiều hôm trước
... Ta biết người buồn sáng hôm nay

Nhưng có thật là có hai người không? Hay chỉ là một nhân vật trữ tình ở dạng phân thân? Hai con người này có những ranh giới nhập nhoạng mơ hồ, có khi chập vào nhau:""... tiếng sóng ở trong lòng" và "hoàng hôn trong mắt trong"; có khi ở trong nhau mà tự vấn:

Người đi? ừ nhỉ, người đi thật!

Đoạn thơ đầu, bằng thể thất ngôn cổ điển, bằng nghi vấn tu từ thể điệp... Thâm Tâm đưa ta vào một không khí Đường thi trang trọng. Ta chìm vào trong một trầm tư.

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

Như một hành động chọn lọc "...ta chỉ đưa người ấy" cuộc tiễn đưa bắt đầu đi vào chiều hoành tráng "một giã gia đình, một dửng dưng". Tính cách thời đại xuất hiện. Con người ấy có dáng dấp Kinh Kha "Ai đồng chí trong đám người tiểu kỷ, Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm..." con người ấy mang phong thái chiến sĩ "Tráng sĩ một đi không trở về...".

Cái chất lãng mạn hoành tráng này, về sau sẽ được tái diễn trong những vần thơ của Quang Dũng, Chính Hữu ở giai đoạn thơ thời đầu kháng chiến chống Pháp (1946-1947-1948):

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
(Tây Tiến – Quang Dũng)

Nhớ đếm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...
(Ngày về – Chính Hữu)

Cao cả trác tuvệt như vậy mà ai lại dám bảo đó là những vần thơ "buồn rớt, mộng rớt... yêng hùng..." ai lại dám bắt "lột xác, nhận đường..."

Thâm Tâm đi bước thứ nhất, để cho Quang Dũng, Chính Hữu, đi bước thứ hai trong cảm hứng lãng mạn hoành tráng.

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Vì sao người buồn? Không phải vì cuộc ra đi bịn rịn. Người buồn vì nỗi những nhân cách ở tầm thông thường không thể hiểu người. Đó là những "một chị, hai chị cũng như sen, khuyên nốt em trai dòng lệ sót"

Nỗi buồn ấy hiện ra trong buổi chiều.

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Vì sao người buồn? Vì phải xa những tấm lòng trẻ thơ, xa những "em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc". Nỗi buồn ấy lấy bối cảnh một ban mai rực rỡ (Trời chưa mùa thu tươi lắm thay) tương ứng hài hoà với ánh sáng tinh khôi trong mắt trẻ. Đó là thẩm mỹ của cái đẹp – buồn.

Người đi? Một dấu hỏi.
Ừ nhỉ, người đi thực!

Một trả lời trong cảm thán. Cũng có thể là một tự hỏi mình.
Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Nhân vật bà mẹ đến đây mới thật sư xuất hiện. Trước, trong câu: Ba năm mẹ già cũng đừng mong, chỉ là một cách nói. Bi kịch của lòng mẹ là bi kịch của:

Lá vàng thì ở trên cây
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời
(Ca dao)

Chị thà coi như là hạt bụi

Đó là một câu tâm lý học. Các bà chị đã tự bằng lòng mình về việc thương em (Khuyên nốt em trai dòng lệ sót); bây giờ, lòng thành thanh thản.

Em thà coi như hơi rượu say

Thâm Tâm dành cho "em" cái ngôi kết thúc. Người tình của Dũng là nàng Loan (nhân vật của Nhất Linh), trong tiến đưa đã:

Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Dưa tiễn anh ra chốn hải hồ
(Thế Lữ)

Người tình của chàng trai chí lớn này thì, trong ly biệt, hoài niệm một chất nồng say đã được hưởng... Câu thơ không tiếc nuối, chỉ là man mác. Nó ngân vang tạo ra dư âm chung của toàn bài...

Sau 1945, Thâm Tâm cùng với dân tộc, đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Và anh đã chết cái chết đẹp của người chiến sĩ.

Phải chăng, bằng chính cuộc đời mình, Thâm Tâm đã thực hiện hoá cái giấc mơ của nhân vật trữ tình trong thơ mình?

*(^_^)*
34.67
Chia sẻ trên FacebookTrả lời

Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối