☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
29 bài thơ
Đọc nhiều nhất
Thích nhất
Mới nhất
Tạo ngày 27/11/2009 17:38 bởi
karizebato, đã sửa 1 lần, lần cuối ngày 27/11/2009 17:41 bởi
karizebato Sách này in tại Trung Bắc Tân Văn, 61-63 Hàng Bông, Hanoi. Ngoài những quyển thường có in 20 quyển bằng giấy Vergé Baroque Crême, đánh số từ 1 đến 20.
TỰA
VĂN BÁC HỌC VÀ VĂN BÌNH DÂN
Cũng như nhiều nền văn minh cổ kim, văn chương nước ta có rõ rệt hai giòng: Giòng bác học và giòng bình dân.
Giòng bác học, ta có thể ví với con sông, hai bên bờ có đê kiên cố để làn nước không tự do tràn ra đồng bằng được, phải lặng lẽ theo lòng sông mà chảy thẳng ra biển. Chỗ nào ngòng ngoèo quá thì người ta đào lạch cho nước thông mau, chỗ nào nông quá thì người ta khơi sâu thêm cho nước dễ thoát.
Trái lại, giòng bình dân chỉ ví như cái suối chảy trong vùng đồi núi hoang vô, quanh co, lượn khúc cạnh rừng lau mọi rợ hay bên bờ rậm dầy cỏ sắc hoa dại, có khi thì thầm róc rách trong khe, có khi ầm ầm đổ xuống thành ngàn thành thác, lại có khi gặp tảng đá lớn ngáng giữa giòng, hung tợn vọt ngược lên cao.
Đê và lạch đối với con sông, cũng như, đối với nền văn chương bác học những luật lệ qui tắc nhất định mà các văn nhân đạo mạo tự bắt buộc phải theo. Ở nước ta, tuy không có những sách văn pháp như ở bên Thái Tây, song đời đời người ta cứ lề lối cũ của Tàu mà bắt chước, không hề dám suy suyển. Văn sách, kinh nghĩa phải thế nào, thi phú, từ khúc phải thế nào, đặt câu bằng bằng trắc trắc ra sao, làm bài phá thừa luận kết ra sao, nhất nhất không dám mảy may thay đổi.
Văn chương bình dân thì chẳng mấy khi theo luật lệ qui tắc. Khi nào miễn cưỡng theo, cũng hục hặc phá phách như con ngựa bất kham, vì dùng vần thất niêm thất luật be bét, dùng chữ và tiếng sai nghĩa lung tung. Song, chính nhờ đómà nền quốc văn đã có lắm chữ mới và lối văn mới đặt rất bạo, thí dụ như những thổ ngữ, những thi ca lục bát, song thất lục bát, tứ tự, cùng là các lối vè có vần ở giữa câu.
Về hình thức thì thế, mà về ý tưởng cũng vậy. Trong văn chương bác học, ta thấy đầy những điển tích chép nhặt trong các sách Tàu. Trong một bài diễn văn, ông Lê Dư đã bênh vực cho nền văn bác học bằng một câu rất có ý nghĩa: “Văn không có điển tích không phải là văn”. Nào chỉ có điển tích. Văn chương bác học nước ta lại còn phải ở trong khuôn phép thánh hiền, không bao giờ được vượt ra ngoài những tư tưởng luân lý, như tam cương, ngũ thường.
Không dùng điển tích, không hề đạo mạo, đó là hai tính cách cốt yếu của văn chương bình dân. Và tuy cũng theo luân lý cổ nhưng văn chương bình dân xiết bao giản dị với những tính tình chân thành, với những nguyện vọng thiết thực. Khi bọn bình dân gặp một sự gì trái ngược với tính tình và nguyện vọng của họ, họ liền mạnh bạo thốt ra những lời văn oán trách chẳng chút rụt rè che đậy bằng những ý tứ mập mờ, bóng bảy, cao xa. Ta hãy nghe bài hát sau này của một người đàn bà nhà quê, về thời vua Minh Mệnh:
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan
Lời văn thành thực giản dị mà táo bạo và ngộ nghĩnh ấy, không hề thấy có trong văn chương bác học, tuy văn chương bác học cũng nhiều khi nhiễm tư tưởng trào phúng, - cái trào phúng nặng nề đầy điển tích và nhút nhát rụt rè đối với kẻ có quyền thế.
Vì vậy, muốn biết tập quán, phong tục trong dân về thời nào, không gì bằng đọc văn bình dân, nghĩa là những ca dao tục ngữ của thời ấy: Đó là những cái gương phản chiếu tính tình và nguyện vọng của cả một thời đại. Hát một câu ca dao hay, ta biết cổ nhân vui hay buồn, sung sướng hay khổ sở. Ta ngậm ngùi rằng tác giả không để tên để tuổi lại hậu thế. Song đó cũng là một tính cách bình dân: Sống không để ai biết đến, có danh vọng cũng không cần ai hay. Những áng văn vô danh kia, đời đời ta truyền khẩu cho nhau, không bao giờ để mai một đi, như thế cũng đủ làm hài lòng bọn bình dân rồi, vì họ đã lưu được lại cái linh hồn chân thật của cả một nòi giống.
Song tuy thế mà thỉnh thoảng ta vẫn thấy một vài tác giả có chân tài trong phái bình dân. Đó là một sự rất hiếm trong văn giới nước ta, vì bọn học giả mình thường chỉ biết ngày xưa theo văn Tàu, ngày nay theo văn Tây, - có khi theo một cách nô lệ, - mấy ai đã lưu ý đến văn chương bình dân.
Mà thực ra thì ta vẫn khao khát được đọc văn bình dân, ta vẫn quý trọng các nhà văn bình dân. Cô Hồ Xuân Hương tuy lẳng lơ nhưng vẫn được ta yêu tài và truyền tụng những bài thơ cợt nhả. Vì cô là một nhà văn bình dân. Ông Tú Xương tuy mỉa đời mà vẫn được đời kính mến. Vì ông là một nhà văn bình dân. Và ngày nay Tú Mỡ tuy tinh nghịch đùa bỡn, chế nhạo mà vẫn không mấy người ghét được. Vì Tú Mỡ cũng là một nhà văn bình dân.
So sánh Tú Mỡ với ông Tú Xương và cô Xuân Hương, hẳn có người cho là hơi quá, vì họ thấy hai bậc văn hào kia tuy viết văn giản dị song đều ở trong phái nho học, còn Tú Mỡ thì lại là một nhà Pháp học. Nhưng văn bình dân không cần cỗi rễ ở đâu hết, quý hồ tả được tính tình và cốt cách của cả một dân tộc là đủ rồi.
Mà văn Tú Mỡ thì cũng như văn ông Tú Xương, văn cô Hồ Xuân Hương, cũng như những câu ca dao tục ngữ, quả thực hoàn toàn có tính cách An Nam.
Khái Hưng
ngày 25 tháng 9 năm 1934
Đề tặng
Ít lời lẽ ngang phè
Mấy vần thơ lỗ mỗ
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Ðáp tấm ơn tri ngộ
Ngày 27 tháng 5 năm 1934
Tú Mỡ
Nguồn: Tú Mỡ, Giòng nước ngược - Tập I, Trung Bắc Tân Văn, 1934
Sách này in tại Trung Bắc Tân Văn, 61-63 Hàng Bông, Hanoi. Ngoài những quyển thường có in 20 quyển bằng giấy Vergé Baroque Crême, đánh số từ 1 đến 20.
TỰA
VĂN BÁC HỌC VÀ VĂN BÌNH DÂN
Cũng như nhiều nền văn minh cổ kim, văn chương nước ta có rõ rệt hai giòng: Giòng bác học và giòng bình dân.
Giòng bác học, ta có thể ví với con sông, hai bên bờ có đê kiên cố để làn nước không tự do tràn ra đồng bằng được, phải lặng lẽ theo lòng sông mà chảy thẳng ra biển. Chỗ nào ngòng ngoèo quá thì người ta đào lạch cho nước thông mau, chỗ nào nông quá thì người ta khơi sâu thêm cho nước dễ thoát.
Trái lại, giòng bình dân chỉ ví như cái suối chảy trong vùng đồi núi hoang vô, quanh co, lượn khúc cạnh rừng lau mọi rợ hay bên bờ rậm dầy cỏ sắc hoa dại, có khi thì thầm róc rách trong khe, có…