Giống các thi nhân cổ điển phương Đông, Tô Hà đề cao thần cú, nhãn tự trong nghệ thuật thơ. Bởi vậy, với ông, mỗi câu mỗi bài là cả sự vật vã. Rất nhiều lần ông phải kỳ công gạn câu này, chắp khổ khác và đau đáu đi tìm những giây phút xuất thần để có một câu thơ đầy ắp nội lực, bật ra từ ảo giác.
36 năm làm thơ, Tô Hà chỉ có 36 bài, trung bình mỗi năm một bài. Vậy mà mỗi bài cũng chỉ đứng được một câu. Ví dụ, bài
Quán gió ban đầu gồm tới 6 khổ, 24 dòng, sau đó, Tô Hà kỳ công rút lại còn 4 dòng để có câu cuối gợi nhất: “Hà Nội em về may áo mới”. Các bài khác của ông cũng chỉ đọng được một câu. Bài
Qua thị trấn, viết trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, cũng khiến ông phải đau đầu mới tìm được một câu tả cảnh có chữ ran: “Dưới gốc bàng già tán lá ran xanh”. Với câu thơ này, Tô Hà đã biến từ tượng thanh thành từ chỉ màu sắc, khiến người đọc thơ có thể nghe thấy cả tiếng chim lảnh lót, râm ran dưới tán lá.
Trong hành trình đi tìm một câu thơ, Tô Hà còn tỉ mẩn soạn tập sách
Những câu thơ hay trong trí nhớ (Hội Nhà văn Hà Nội xuất bản năm 1988), trích tuyển hàng nghìn câu thơ để học hỏi.
Năm 1991, lúc lâm bệnh, Tô Hà vẫn mê mải làm thơ. Những bài ông viết trên giường bệnh đều ngắn gọn, thấm đẫm cảm xúc và không có dấu vết của sự đẽo gọt. Bài Em về chiêm bao, ông viết tặng vợ có thể coi là một bài đọc được: “Angola là đâu?/ Mà lên đường em khóc!/ Rwanda là đâu?/ Mà tháng năm dằng dặc/ Mà nửa vòng trái đất/ Mà em về chiêm bao?” Hồi ấy, vì sinh kế, vợ ông phải từ biệt chồng con, sang châu Phi làm chuyên gia y tế. Một mình vào viện, nỗi mong nhớ khiến Tô Hà thường mơ thấy vợ về thăm. Thế nhưng ông không thương mình mà xót vợ bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]