LÊ MỸ Ý (LMY): Thưa ông Nguyễn Trọng Tạo, trong cuộc phỏng vấn này, tôi đang được trò chuyện với nhà thơ hay nhạc sĩ, hay là cả hai?

NGUYỄN TRỌNG TẠO (NTT): Cứ trò chuyện với Nguyễn Trọng Tạo là được rồi. Còn các “chức” danh khác, chẳng qua người ta đặt cho thôi.

LMY: Và ông còn là một hoạ sĩ nữa. Ông đã từng thiết kế hàng trăm bìa sách và đã đoạt hai giải thưởng bìa sách?

NTT: Tôi không nghĩ mình là hoạ sĩ, nhưng cũng có thế đấy. Với tôi, thơ là nghiệp, nhạc là hứng, hoạ là chơi. Hay nói cách khác, thơ là chánh quán, nhạc là trú quán, hoạ là trọ quán.

LMY: Vậy tôi xin được bắt đầu từ thơ của ông. Ông là người đã xuất bản rất nhiều tập thơ, và Đồng dao cho người lớn hình như được đánh giá cao hơn cả?

NTT: Vâng, đúng là tôi tâm đắc nhất với tập thơ Đồng dao cho người lớn, viết tại Huế từ năm 1986 đến năm 1994. Đây là một tập thơ tôi đã viết khác hẳn hệ thống thơ chống Mỹ. Những nhà thơ trước đó thường viết theo lối ca ngợi, ca ngợi dân tộc, ca ngợi đất nước, ca ngợi lý tưởng, ca ngợi nhân dân. Đến tập thơ này của tôi, tôi đã viết với một tinh thần rằng, chúng ta hãy sống trong sự mờ ảo của tâm hồn con người, chúng ta phải biết đi qua hết những gì quá rõ ràng như giới tuyến Bắc Nam. Mặc dù trong thời chống Mỹ, để vượt qua được giới tuyến Bắc Nam là một điều quá thiêng liêng, cụ thể là máu xương của cả dân tộc. Nhưng vượt qua giới tuyến rồi, chúng ta còn phải vượt qua sự huyền ảo của con người. Sự huyền ảo ấy chính là tiếng nói thơ ca hiểu theo một cách rộng rãi nhất, là một Nhân Văn không còn biên giới. Suốt một thời làm thơ, tôi là một người thích chiêm nghiệm, và cũng là một người thích đổi mới. Nhưng có lẽ chỉ sống ở Huế, tôi mới thấy hết sự huyền ảo của nghệ thuật, mới ý thức thực sự nghệ thuật là tinh thần huyền ảo trong trần gian. Nó làm nhoè mờ các ranh giới và vượt thoát ra ngoài các ranh giới. 500 năm trước đây, đại thi hào Nguyễn Trãi đã tìm ra được 3 chữ “An-Nhữ-Chỉ”, nghĩa là, hãy yên tâm trong đường chỉ giới của chính mình. Nhưng đến thế kỷ XX, Yanit Ritsot (HyLạp) đã phát hiện ra rằng, “nếu tôi thấy được chân giới của tôi, tôi sẽ xuyên qua chân giới ấy”. Chỉ vì một đường chân giới mà người ta mất 5 thế kỷ mới đi qua được. Đấy là cuộc đi qua bức tường Đông Tây. Cũng như sự đập vỡ bức tường Berlin vậy. Còn chúng ta thì phải đi qua chiến tranh suốt 20 năm mới nhận diện được sự huyền ảo trong thơ ca nghệ thuật. Do vậy, tôi nghĩ rằng, tôi đã cố gắng đi qua chân giới để làm nên tập thơ “Đồng dao cho người lớn”, một tập thơ mà người ta vẫn thường nhắc tới khi nói về thơ ca Việt Nam sau 1975.

LMY: “Sự thực của tinh thần huyền ảo trong trần gian” mà ông nói trong tập thơ của mình, hiểu rộng hơn, cụ thể hơn là gì, thưa ông?

NTT: Đó là sự huyền ảo tâm linh của con người. Nó nói lên tất cả những đau xót, sự nghĩa lý, những nhân tình thế thái của cuộc đời một cách huyền ảo. Những thứ mà trước đây người ta vẫn thường hiểu rành rọt, về sau thì khác, theo một tinh thần huyền ảo. Ngay trước thời gian ở Huế, ở Hà Nội tôi cũng thường hiểu mọi thứ một cách rành rọt, nhưng khi về ở Huế, tôi đã có thêm con mắt thứ ba để nhìn sự vật. Con mắt bịa đặt. Nghệ thuật huyền ảo chẳng qua là một sự bịa đặt, nhưng sự bịa đặt ấy làm cho người ta tin là thật, hơn cả thật, đấy là những trạng thái sống vô cùng kỳ lạ. Trước đây, chúng ta đã biết một G. Macket của chủ nghiã hiện thực huyền ảo, và trước cả ông, là một bậc thầy F. Kapka. Tôi không phải là Macket hay Kapka, nhưng vẫn nói ra được sự thật một cách “bịa đặt” mà người ta có thể tin.

LMY: Thưa ông, tại sao chỉ có thể ở Huế, thơ ông mới mang một tinh thần huyền ảo? Những nhà thơ khác không ở Huế thì không có tinh thần ấy trong thơ ư?

NTT: Tôi chỉ nói riêng trường hợp tôi. Ở Huế, tôi thấy có nhiều điều kiện. Thứ nhất, không gian Huế rất lạ lùng, nó nằm giữa hư và thực. Thiên nhiên Huế là một thiên nhiên mơ hồ. Thứ hai, ở Huế, người ta có một tâm thái rất cục bộ. Tôi là dân ngụ cư nên càng mơ hồ bao nhiêu càng dễ hoà nhập bấy nhiêu. Một điều nữa, trong tâm thái mình bắt gặp có sự mơ hồ ấy mà sinh ra huyền ảo. Có lẽ những nhà thơ trụ cột của Việt Nam thế kỷ XX đều từng sống ở Huế: Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Xa hơn nữa là Cao Bá Quát, Nguyễn Du... Tôi có cảm giác như là nếu không sống ở Huế thì người ta không thể làm thơ như thế. Đến như văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hay nhạc Trịnh Công Sơn cũng trở thành ảo diệu một cách riêng biệt. Tuy nhiên, những điều ấy chỉ xảy ra với những người có thực tài mà thôi. Còn một điều nữa, tôi nghĩ Huế một thời là thủ phủ của đạo Phật, cái sắc sắc không không ấy của Phật giáo đã đi vào tâm thức huyền ảo của thơ ca. Nguyễn Bính là một trường hợp bén duyên với Huế hết sức kỳ lạ, chỉ cần 3 tháng ở Huế cũng đủ để ông trở thành một nhà thơ mà lịch sử văn học không thể không nhắc tới.

LMY: Đã có “duyên nợ” nào giữa ông và Huế vậy, thưa ông?

NTT: Tôi lấy vợ Huế, sinh con ở Huế, sống ở Huế, làm thơ ở Huế. Duyên nợ ấy xem như tiền định.

LMY: Có phải vì tiền định ấy mà thơ ông luôn phảng phất nét Huế? Còn nhiều nghệ sĩ cũng đã vì Huế mà “nối vòng tay lớn” cùng nhau?

NTT: Tôi nghĩ nó không chỉ “phảng phất nét Huế” đâu, mà chính là thấm đậm hồn Huế. Cũng như Bùi Giáng và Thu Bồn bắt thần Huế nhốt vào câu thơ của họ: Dạ thưa xứ Huế bây giờ - Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương, hay Con sông dùng dằng con sông không chảy - Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu, tôi cũng có câu thơ để cho Huế nhớ: Sông Hương hoá rượu ta đến uống - Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say. Nhắc đến thơ Huế sau 1975, có người nói rằng, nếu không có Nguyễn Trọng Tạo thì Huế sẽ hẫng hụt, sông Hương sẽ chảy mạnh hơn nhiều, bởi họ nghĩ thơ tôi đã cân bằng lại sông Hương bằng những câu thơ: Sông Hương cân bằng thành thị với làng quê, hay: vầng trăng loã thể ướt đầm - sẩy chân thi sĩ vớt nhâm mỹ nhân. Đúng là duyên kiếp tiền định. Nhưng tôi vẫn nghĩ, những người tài họ vẫn gặp nhau, họ nối vòng tay lớn qua Huế, hay vì Huế thì tôi không rõ. Còn tôi, nói khiêm tốn tôi tài mọn, nhưng cũng nhờ Huế mà có tình bạn với Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trịnh Công Sơn, hai nhà văn hoá hành văn mà tôi vô cùng kính nể.

LMY: Sinh ở Nghệ An, từng ở Huế, bây giờ là Hà Nội, sau này ông sẽ định cư thật sự ở đâu?

NTT: Điều ấy quan trọng thế sao? Thôi thì thế này, năm 1975 tôi đi qua Huế và thiển nghĩ rằng, nếu làm văn chương thì nên ở Hà Nội, làm kinh tế thì nên ở Sài Gòn, về hưu thì nên ở Huế. Nhưng tôi lại là một người sáng tác, sáng tác làm gì có hưu (cười).

LMY: Nghĩa là ông sẽ không bao giờ ở Huế nữa?

NTT: Ít nhất là đến lúc này, tôi vẫn nghĩ là tôi ở Hà Nội. Nhưng càng ngày, tôi càng nhớ cái làng nhỏ có núm rau của tôi bên bờ sông Bùng xứ Nghệ.

LMY: Trở lại với tập thơ “Đồng dao cho người lớn”, khi viết lời tựa tập thơ này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đặt cho ông cái tên là “Người Ham Chơi”? Ông có thích từ này và thấy mình “ham chơi”?

NTT: Người Ham Chơi là một danh hiệu quá sang cho một thi sĩ, hay nói rộng hơn là cái từ quá sang cho một nhà sáng tạo. Bởi vì nếu có một người nói mình giỏi mà không biết chơi thì tôi chưa tin người ấy giỏi; còn nói mình biết chơi mà không giỏi thì là chuyện bình thường; nhưng bất cứ một người nào vừa làm giỏi vừa chơi giỏi thì đấy mới thực là người chơi vĩ đại. Nói cho cùng, khi Hoàng Phủ Ngọc Tường dùng từ Người Ham Chơi theo gốc chữ Latinh là Homoludus, thì tự nó đã mang theo cả nghĩa người làm lẫn người biết rồi. Tôi hiểu, phải quí tôi lắm Hoàng Phủ mới gọi như vậy. Hình như danh hiệu Người Ham Chơi, Hoàng Phủ chỉ dành cho Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Công Trứ - người đồng hương xứ Nghệ. Đấy là một quà tặng vô giá. Nhưng nếu không chơi với tôi, chắc chi Hoàng Phủ đã hào phóng như vậy.

LMY: Vâng, người ta sẽ bất ngờ khi thấy ông không “ham chơi” chút nào. Rất nhiều tập thơ, tập văn, bài báo, bìa sách, minh hoạ, ca khúc, và các bài viết mang tính lý luận phê bình...của ông đã công bố. Ông có thấy như vậy là nhiều, thưa ông?

NTT: Không! Như tôi đã nói, từ “Người Ham Chơi” mang cả nghĩa người làm. Riêng tôi thì không phân biệt mình làm hay chơi. Còn người biết, nói cho cùng, chẳng ai biết gì cả. Trên thế giới này, người ta vẫn thường nói ba chữ “bất khả tri” hoặc “càng biết càng đau”. Tôi cảm thấy mình chưa đau hơn bất kỳ ai.

LMY: Vậy trong các công việc trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật mà ông tham gia, đâu là “công việc” Nguyễn Trọng Tạo nhất? Đó có phải là lĩnh vực mà ông đã thành công?

NTT: Tôi làm báo để sống, làm thơ để chết, làm nhạc, vẽ bìa sách, uống rượu... để vui. Người ta có thể chết vì một tình yêu, người ta cũng có thể chết vì lợi nhuận. Nhưng đối với riêng tôi, làm thơ cũng có nghĩa là làm tất cả. Việc này có thể nói như một nhà thơ nghiệp dư trên đỉnh đèo Hải Vân tên là Lại Phiền Hà: “Em làm thơ để em làm người”. Tất nhiên là tôi thành công nhất trong thơ. Nhưng khi ngẫu hứng, tôi đã làm nhạc. Ấy thế mà tới đâu cứ xướng “Làng Quan Họ quê tôi” lên là người ta biết ngay đấy là nhạc của Nguyễn Trọng Tạo. Phải nói là hạnh phúc vô cùng khi anh vừa là nhà thơ vừa là nhạc sĩ.

LMY: Với nhạc, ca khúc “Làng Quan Họ quê tôi” có phải là đỉnh cao của ông?

NTT: Có một ca khúc khác mà tôi thích hơn “Làng Quan Họ quê tôi”, đó là “Đôi mắt đò ngang”. Nó ra đời năm 1995, sau “Làng Quan Họ quê tôi” 17 năm, và năm 1997 được sinh viên bình chọn là ca khúc mới hay nhất trong đêm nhạc của 4 nhạc sĩ tại đại học Văn Hoá Hà Nội. Sau khi bài này được phát trên đài truyền hình và đài phát thanh, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người từng viết “Xa khơi” và “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” nổi tiếng, đã tìm tôi và nói rất đúng ý tôi - ông rất thích “Đôi mắt đò ngang”, và cho rằng, bài này còn hay hơn cả “Làng Quan Họ quê tôi”. Ở quê tôi, người ta hát “Đôi mắt đò ngang” cả trong đám cưới. Bài hát này cũng đã đoạt giải thưởng Hồ Xuân Hương Nghệ An và giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Văn học nghệ thuật Việt Nam. Điều đó làm tôi thấy vui vì hoá ra những điều mình thích cũng được ghi nhận, dù không được sôi nổi như cái thời “Làng Quan Họ quê tôi” được hát trên cả nước, được JVC Nhật Bản thu đĩa và dàn nhạc giao hưởng Lep-zich trình tấu ở Đức. Về bài “Đôi mắt đò ngang” mà tôi rất thích ấy, tinh thần của nó là đi ngược lại với những rào cản, ràng buộc từ trước, ngược với lời ru quá cẩn thận của người xưa. Đó cũng là sự thoát khỏi An-Nhữ-Chỉ của Nguyễn Trãi: “Chìm trong đôi mắt ấy, đò đầy anh cứ sang...” (hát). Còn bây giờ thì tôi đang sướng về ca khúc mới “Khúc hát sông quê” phổ thơ Lê Huy Mậu. Nhiều người đã hát bài này cho tôi nghe qua điện thoại di động.

LMY: Trên các diễn đàn văn nghệ, tại sao ông hay chọn đọc bài thơ “Chia” và nhiều bạn trẻ cũng thích bài hát “Một dại khờ một tôi” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ này?

NTT: Tôi cực kỳ tâm đắc với bài thơ này. Người ta thường chia cho những con số trên 1 như Tố Hữu từng chia trái tim làm “ba phần tươi đỏ” chẳng hạn, còn tôi, tôi chỉ chia cho 1. Chia mà vẫn còn nguyên, chia cho1 cũng có nghĩa là tất cả, là sự hiến dâng tất cả. Một bài thơ “Chia” mà có đến mười mấy chữ một. Còn lý do tôi hay đọc bài thơ này vì nó là một bài lục bát dễ thuộc, lục bát kiểu Nguyễn Trọng Tạo:
chia cho em một đời say
một cây Si
với
một cây Bồ Đề
khi đọc phải ngắt nghỉ, dừng lại đúng chỗ, nếu không thì sẽ không phải là bài thơ lục bát của tôi.

LMY: Trong số những người cùng thời, nếu nói về tài năng thi ca, ông phục ai?

NTT: Nguyễn Hoa, người đã viết được một câu thơ vĩ đại: “Em là muối ướp nỗi đau tươi mãi”, Nguyễn Thuỵ Kha, người đã viết được câu thơ đầy can đảm:“Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ”. Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Duy, Hoàng Phủ Ngọc Tường... đều là những thi tài.

LMY: Tại sao, thưa ông?

NTT: Không biết!

LMY: Vì sao ông viết nhiều tiểu luận phê bình thơ?

NTT: Tôi viết tiểu luận phê bình để ghi lại những cảm xúc khi đọc thơ, ghi lại những suy nghĩ về thơ, để tranh luận với những quan điểm trái với quan điểm của tôi. Nhưng cũng có lúc tôi viết vì thấy bực mình tại sao thời của tôi không có những nhà phê bình thơ đích đáng. Một dân tộc yêu thơ ca bậc nhất mà lại thiếu nhà phê bình thơ. Rất may Thơ Mới còn có Hoài Thanh. Nếu tôi sống cùng thời với Hoài Thanh khi ông soạn “Thi Nhân Việt Nam” chắc tôi sẽ tìm đến chơi với ông ấy. Đấy là người đáng chọn để đàm đạo về thơ.

LMY: Theo tôi biết, thế hệ của ông vẫn có những nhà phê bình thơ đấy chứ, chẳng hạn như nhà thơ Vũ Quần Phương?

NTT: Vâng. Phê bình thơ của ông ta gần với văn bình giảng ở trường phổ thông, rất dễ đọc. Bây giờ có một người trẻ có thể nói chuyện về thơ là Nguyễn Đăng Điệp, một người rất quan tâm đến giọng điệu thơ, một vấn đề rất quan trọng của thơ. Anh ta nói được một đôi điều khá hay. Nên đọc cuốn sách “Giọng điệu trong thơ trữ tình” anh ta mới xuất bản gần đây. Còn một người nữa là Nguyễn Phan Cảnh, tác giả cuốn “Ngôn ngữ thơ” rất đáng đọc. Tôi thích đọc hai cuốn sách đó vì tác giả khám phá sâu vào nghệ thuật thi ca, và mặc dù họ cách nhau đến vài thế hệ.

LMY: Lý do nào khiến trong những tranh luận của mình, ông luôn đặt thơ trẻ lên hàng đầu?

NTT: Trái đất không bao giờ quay ngược. Nếu nó quay ngược, hoặc dừng lại thì nhân loại sẽ chết. Quan tâm đến thơ trẻ là việc tự nhiên như trái đất quay, là một qui luật tất yếu. Người xưa quan niệm công kênh trẻ con trên vai đấy mới là người ông, người cha tốt. Tôi không phải là ông cha gì, nhưng chuyện ấy cũng đi theo một qui luật, các nhà thơ trẻ sẽ bước lên vai những người trước, còn chuyện có đặt được chân lên vai thế hệ trước hay không là việc của họ. Có một điều đối với những người trẻ là không nên đòi hỏi ở họ sự chuẩn mực mà người trước đã tạo ra, mà hãy hy vọng từ họ những cái mới lạ, khác cách và tươi mới, bởi chính họ sẽ tạo ra những chuẩn mực mới cho thời đại. Theo thống kê học thì những phát kiến quan trọng nhất của đời người thường xảy ra ở lứa tuổi từ 24 đến 28. Tuổi trẻ là tuổi mở ra những cái bất ngờ. Đặc biệt đối với thơ, tính bất ngờ là vô cùng quan trọng, nó làm thay đổi tần số xung động của tâm hồn. Cho nên nhiều lúc người ta cứ bảo là tôi bênh bọn trẻ quá đáng. Tôi còn hơn cả bênh, đấy là sự trân trọng. Tuổi trẻ đối với sáng tạo thơ bao giờ cũng có những đột phá không thể lường được. Và quả thực, thơ ca sau thế hệ tôi đã mở ra một chân trời mới. Điều tất yếu này không phải ai cũng nhận ra, và không phải ai cũng trân trọng cả đâu.

LMY: Tuổi trẻ của ông có làm nên điều gì bất ngờ không, thưa ông?

NTT: Năm 14 tuổi tôi đã làm cho cậu (cha) tôi bất ngờ khi tôi viết được bài thơ đầu tiên, chịu ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử. Nhưng bài thơ đó của tôi hơn 20 năm sau (thời đất nước đổi mới) người ta mới cho in, vì thời trước đó đang phải in những bài thơ xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc. Làm sao người ta có thể in thơ tôi viết: “Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi - Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ” hay “Bây giờ tôi dịu tôi hiền - Biết đâu dại tôi điên bao giờ “... được? Chỉ nghe dại dại điên điên là họ đã không thích rồi. Một bất ngờ nữa là năm 1981, sau khi cho in bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” trên báo Văn Nghệ với những câu “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi - Câu trả lời thật không dễ dàng chi” hoặc “Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng - Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá” tôi liền bị “bay” khỏi Hà Nội mất 15 năm, ngang với thời gian lưu lạc của nàng Kiều. Còn bây giờ thì có người đã coi “Tản mạn thời tôi sống” như là “bài thơ dự báo cho dòng thơ đổi mới” của ta (cười).

LMY: Hình như ông cũng viết nhiều về âm nhạc?

NTT: Những năm làm báo Âm nhạc, tôi và Nguyễn Thuỵ Kha là hai cây bút tác chiến của tờ báo này và một số tờ báo khác, nhưng tôi không viết nhiều về âm nhạc bằng Kha. Tuy nhiên tôi cũng có một số bài được người ta thích như “Nguyễn Thiên Đạo - hợp lưu văn minh Đông Tây”, “Ngọc Đại - Phó Đức Phương, lửa và nước tương đồng”, “Nhạc sĩ và sao và sự vong ơn”, “Tốp, tốp và tốp đi về đâu?”, “Bản sắc dân tộc và âm nhạc hôm nay”, “Âm nhạc ơi, ngươi ở đâu?”... Nói chung là tôi cổ vũ, bênh vực cho âm nhạc có tính khai phá, phê phán thứ âm nhạc cũ rích, rẻ tiền, mồi chài, chợ búa... Nếu tập hợp lại, tôi cũng có thể in thành một tập sách “Âm nhạc ơi, mi ở đâu?”.

LMY: Người ta bảo tên tuổi ông gắn liền với một số nhà thơ trẻ?

NTT: Họ nói thế là họ cho Nguyễn Trọng Tạo ăn theo các nhà thơ trẻ? Không bao giờ có điều đó. Nếu nói ngược lại thì đúng. (Cười). Chẳng qua là những người không thích thơ trẻ mới nói thế. Còn chính tôi là người đi tìm kiếm các nhà thơ trẻ, đến với họ và biết họ là ai. Nếu nói đọc thơ trẻ thì không phải ai cũng đọc họ một cách trân trọng như Nguyễn Trọng Tạo. Nếu chưa đọc họ với thái độ trân trọng, chưa đọc kỹ họ thì đừng có phán bừa. Đấy là căn bệnh chộp giật của phê bình. Phải tiếp cận, chia sẻ, phải nhìn theo kiểu “trái đất quay” thì mới hiểu được thơ trẻ, còn nếu chỉ nhìn thơ trẻ với cái nhìn kẻ cả thì người ta sẽ la lối, chụp mũ, rồi cho rằng bọn trẻ con ấy thì có tư tưởng gì? Đấy là những người cổ hủ, thô thiển, chỉ nhìn thấy họ, sau lưng họ mà không nhìn thấy trước mặt. Họ không có mắt ở trước mặt mà chỉ có mắt ở sau gáy. Còn tôi là một người bình thường, có mắt ở mặt.

LMY: Ông thường nhắc nhiều tên tuổi các nhà thơ trẻ, vậy ai là người ông thực sự quan tâm nhất?

NTT: Người làm thơ trẻ mà tôi quan tâm nhất, đó là Văn Cầm Hải. Đó là một người còn hơn cả Kapka trong thơ vì Kapka không làm thơ. Còn nếu Kapka làm thơ chắc cũng gần bằng Văn Cầm Hải (cười). Còn lại những người khác là Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Vĩnh Tài, Lê Mỹ Ý, Lý Đợi... Có những người xướng tên lên cũng chả ai biết và cũng chả ai đọc. Họ đi theo con đường thơ bằng tư duy khác cách, tôi từng nói trên báo là tư duy lập trình, tư duy của thời đại mới. Còn Nguyễn Quang Thiều (lớp thượng cận) có thể có một đóng góp lớn khiến một số người trẻ thích, nhưng Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ không có bài dở và cũng không có bài hay.

LMY: Cơ sở nào khiến ông khẳng định về Văn Câm Hải như vậy, thưa ông?

NTT: Văn Cầm Hải là một tư duy rất khác biệt trong thơ Việt Nam, chưa từng có trong thơ Việt Nam. Anh ta viết rất khác, rất lung tung, rất phức tạp nhưng đọc kỹ, ở đằng sau vẫn thấy có một văn hoá nâng đỡ thơ ca, đó là cảm quan Việt trong thế giới hiện đại.

LMY: Nhà thơ Hoàng Hưng từng nói Văn Cầm Hải và cả Nguyễn Quốc Chánh đều có sự bắt chước siêu thực?

NTT: Nguyễn Quốc Chánh là một người hiểu biết về phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa siêu thực. Còn Văn Cầm Hải thì đấy là một người dung hợp và sáng tạo ra một thứ hậu siêu thực ở Việt Nam. Những thi ảnh chắp nối, gãy khúc rất khó nắm bắt. Những tư tưởng ẩn khuất, nhiều khi chỉ đọc được bằng cảm giác. Cảm giác được thì đó là sự tổn thương của một thế giới tâm linh hiên đại. Hải đã tạo ra một thế giới hiện đại có thể đổ vỡ nhưng tâm linh con người thì luôn tổn thương và khát khao tồn tại.

LMY: Tại sao khi nhắc tới người này, lại thường chỉ thấy sự chỉ trích của các nhà phê bình, thưa ông?

NTT: Ở nước ta rất ít người biết Văn Cầm Hải. Thơ Hải là thơ khó đọc, vì vậy đôi khi những sự chỉ trích gay gắt lại mang ý nghĩa của câu chuyện “thầy bói xem voi”.

LMY: Thế còn các nhà thơ trẻ mà ông vừa kể tên, ông có nhận xét gì về họ?

NTT: Ly Hoàng Ly là nhà thơ và hoạ sĩ, thi ảnh của Ly rất cũ nhưng cô ấy lại có tài sắp đặt các thi ảnh, có lẽ là ảnh hưởng chi phối từ hội hoạ, thành ra lạ và có sức quyến rũ. Phan Huyền Thư là người mang trong mình một văn hoá cổ điển nhưng lại có cá tính “Thị Mầu thời hiện đại” nên thơ mạnh, sắc và chua (chanh). Vi Thuỳ Linh là sự xô bồ bạo liệt, ném hết tất cả tâm can ra xã hội, nên thơ cuộn lên có bài hay, có bài tầm thường, nhưng dù sao cũng đã tạo ra một ý thức quyết liệt hết mình với thơ, dám trình bày một “cái tôi không xấu hổ”. Nguyễn Hữu Hồng Minh nôn nóng đi tìm tư tưởng mới trong những trạng thái sống bất thường, đang mất nhiều hơn được; nhưng đừng ngại khi mất mười mà chỉ được một...

LMY: Những bài phê bình thơ trẻ của ông hầu như lúc nào cũng gặp lời “cự nự” từ một số nhà phê bình khác như Nguyễn Thanh Sơn, Lê Quý Kỳ, Nguyễn Hoà... Ông có bực mình không?

NTT: Tôi chẳng bực mình gì cả, bởi vì tôi đọc kỹ họ mới thấy họ không hiểu mấy về thơ. Họ rất thiếu rung động thơ nên không cảm nhận được cái tinh tế thơ, nhưng lại thích dạy dỗ về thơ. Đành chia sẻ với họ về tinh thần can đảm.

LMY: Thưa ông, cứ tranh cãi mãi với nhau như vậy trên báo ông không sợ sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi của mình?

NTT: Chả sao cả, vì đấy mới là Nguyễn Trọng Tạo. Tôi không thích làm ra vẻ cao đạo, và thường gọi những người thích cao đạo là nhà nho dởm. Tôi không phải nhà nho dởm, cũng không phải nhà nho, nên tôi phải bàn trong sự hiểu biết của mình. Điều ấy đôi khi lại khiến nhiều người thích thú và ủng hộ. Một lần Hoàng Hưng kể với tôi rằng, Nguyễn Thanh Sơn hỏi anh: “Chú thấy cháu viết như thế nào?”, và anh đã trả lời Sơn: “Cháu viết rất hay, chỉ có điều quan trọng là cháu viết về thơ mà không hiểu thơ là gì!”. Sự thật có mất lòng không?

LMY: Ông có thể nói thật ý nghĩ về phê bình?

NTT: Phê bình không được dối lòng mình. Thấy hay, thấy dở có thể viết hoặc không viết, nhưng khi đã viết là phải có chính kiến. Khi tôi viết cuốn “Văn chương cảm và luận”, là tôi chỉ viết cái tôi thích viết, thấy hay thì khen thấy dở thì chê, chẳng vị tên tuổi của ai. Nếu cứ đua nhau chạy theo những tên tuổi có sẵn, dễ đẻ ra một nền phê bình ăn theo tên tuổi. Phê bình phải phát hiện những tên tuổi mới, là tìm vàng trong cát, làm sáng giá cái hay đang bị khuất lấp. Nhà thơ Viên Mai đời Thanh nhờ tỉ mẩn lý giải cái hay cái dở trong thơ thiên hạ mà trở thành nhà phê bình thơ kỳ tài. Thơ ta bây giờ chất thành núi mà các nhà phê bình thơ thì vẫn vô cảm với thơ, hoặc thiên về mạt sát thơ. Khi tôi phản ứng về những “thói hư” ấy, là vì tôi quá yêu cái hay cái đẹp của văn chương. Nhiều người cứ quen nghĩ là thợ rừng thì phải bổ búa vào cây, có ai nghĩ phải chăm những cây non thì mới có rừng?

LMY: Những nhận xét, phê bình về thơ của ông có thể là một cứ liệu xác đáng để mọi người, dư luận xã hội căn cứ vào đó nhận định thơ trẻ không?

NTT: Đấy là chuyện không thể áp đặt. Nhưng nhìn chung, dân trí thơ chưa ngang tầm với những nhà thơ cách tân tài năng. Muốn bước đi của thơ tiến tới thì phải đồng thời nâng cao dân trí thơ. Những cuộc thuyết trình cho Thơ Mới trước đây như là sự dọn đường cho cách tân thơ rất thành công. Và như vậy, trong bầu trời đầy sao là công chúng, những tài năng chính là những ngôi sao rực sáng xác định cho bầu trời, như là sao Bắc Đẩu dẫn đường. Một bầu trời mà không ai biết đến những ngôi sao sáng, đó là bầu trời mù.

LMY: Vậy ông có sợ dư luận trong bầu trời những ngôi sao nhỏ quanh mình không?

NTT: Tôi không phải là người không biết sợ. Nhưng tại sao tôi lại phải sợ nhỉ?

LMY: Mọi người đều biết có khá nhiều dư luận về ông, kể cả tốt lẫn xấu. Ông nghĩ thế nào?

NTT: Dư luận tức là luận thêm ra, phải không? Việc riêng của mình chỉ mình biết là đủ. Người ta chẳng ai biết hết về ai cả. Đời tư tôi rất phức tạp. Vợ không biết. Con không biết. Mà người ta biết hết về mình có phải là điều hay không nhỉ?. Một cây đa có ma, mọi người bảo thế nhưng bọn trẻ con vẫn đến ngồi chơi, người nông dân đi làm đồng vẫn dừng nghỉ chân mà chẳng ai thấy ma đâu cả. Muốn biết cuộc đời tôi, tốt nhất là hãy đọc tôi.

LMY: Ông có cho mình là người nổi tiếng?

NTT: Tất nhiên. Chỉ có nổi ít hay nổi nhiều thôi. Nếu không, sao thiên hạ lại mất thì giờ để đàm tiếu về tôi?

LMY: Theo ông, điều gì hay nhất mà thế hệ của ông đã làm được? Và điều gì là dở nhất?

NTT: Điều hay nhất thế hệ nhà thơ chúng tôi làm được là đánh giặc và làm thơ. Điều dở nhất là rất kém ngoại ngữ.

LMY: Trong “Bài thơ khác”, hình như ông có dấu một bí mật bất ngờ?

NTT: Bài thơ này là một câu chuyện có thật. Sự thật nó xảy ra bất ngờ mà tôi không biết trước. Tôi nghĩ, nếu một ai còn biết bất ngờ thì còn biết làm thơ, nếu không, sẽ chỉ như một cái cây đã khô.

LMY: Chân dung của ông do chính ông phác thảo cũng sẽ bất ngờ đến mức “tin thì tin không tin thì thôi” chứ, thưa ông?

NTT: Tin thì tin không tin thì thôi. Tôi núp dưới cái bóng râm của tên tôi!

LMY: Xin cảm ơn nhà thơ!

Hà Nội, 18.3.2003
Lê Mỹ Ý thực hiện

Bài đã đăng trên vannghesongcuulong.org