Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Tố Hữu » Việt Bắc (1954)
Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2005 19:33, đã sửa 6 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 17/01/2021 22:08
Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè.
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
- “Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà!”
Cháu cười híp mí,
Má đỏ bồ quân:
- “Thôi, chào đồng chí!”
Cháu đi xa dần...
Cháu đi đường cháu
Chú lên đường ra
Đến nay tháng sáu
Chợt nghe tin nhà.
Ra thế
Lượm ơi!
Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?
Đường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca-lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng...
Bỗng loè chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...
Lượm ơi, còn không?
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
Trang trong tổng số 5 trang (41 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối
Gửi bởi Ti Vi Mất Sóng ngày 30/07/2016 21:14
Tác giả chỉ đang hồi tưởng lại hình ảnh của Lượm. Không còn vẻ vui tươi, không còn cái "loắt choắt" nữa, mà đây là một phép lặp cho thấy tác giả đang tha thiết nhớ tới chú bé Lượm, chứng minh rằng hình ảnh của Lượm vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người.
Gửi bởi Mai Nguyễn ngày 23/09/2016 15:17
mik nghĩ chắc là tác giả lập lại hai khổ thơ đầu vì muốn tưởng nhớ về hình ảnh hồn nhiên của chú bé trước khi mất
Gửi bởi hiepphan222 ngày 27/09/2016 19:58
Bài văn thật hay và cảm động khiến người xem ai cũng phải rơi nước mắt
Gửi bởi Ngọc Jackie ngày 27/10/2016 11:25
Vì tác giả muốn cho người đọc thấy lại hình ảnh của một cậu bé hồn nhiên, nhí nhảnh, vui tươi, can đảm mặc dù chú đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ liên lạc.
Gửi bởi Cháu Bác Hồ ngày 05/02/2017 21:42
Lượm là một chú bé tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã có công đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh Lượm ra đi trên đồng lúa vàng và lặp lại khổ thơ thể hiện rõ rằng Lượm không ra đi. Lượm đã hoà vào đất trời. Lượm sống mãi trong tim những người dân Việt Nam, sống trong sự tự do của Tổ Quốc, trong sự biết ơn của tất cả người dân.
Gửi bởi Ngọc Huyền Nguyễn Thị ngày 05/05/2017 14:32
Để làm cho bài thơ thêm giàu mạnh tình cảm . Như muốn nói rằng lượm luôn sống mãi trong lòng nhà thơ, đất nước
Gửi bởi Trần Mai Khanh ngày 06/03/2018 19:37
Sử dụng phép lặp, kết cấu vòng tròn.
Lượm vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người
Gửi bởi Huyền Trang ngày 04/10/2018 21:50
Theo mình hiểu sau câu hỏi đấy tác giả lặp lại đoạn đầu vì: Lượm ơi còn không? Một chú đồng chí nhỏ đáng yêu ngày nào, một lòng yêu nước hồn nhiên... Chú đồng chí với dáng người nhỏ "loắt choắt" nhưng nhanh nhẹn hoạt bát...
Là do tác giả hồi tưởng nhớ lại hình dáng của Lượm, là sự thuơng xót, là ko tin vào sự thật diễn ra, là tiếc nuối hình ảnh đẹp của chú bé tuổi còn nhỏ nhưng nhiệt huyết giàu lòng yêu nước, dũng cảm kiên cường
Gửi bởi LEOK ngày 08/06/2020 21:37
Lặp lại 2 khổ đầu vì tác giả muốn hình ảnh Lượm sống mãi vs nhân dân đất nước
Gửi bởi ^_^ Con trai của trưởng thôn ngày 30/07/2020 15:41
Cả 2 tác giả đều nói về các chiến sĩ nhỏ ở Thừa Thiên Huế trong khoảng thời gian tương đương nên hầu như mọi người đều đánh đồng 2 cậu bé Lượm là 1. Các hạ có thể đưa thông tin để chứng thực 2 cậu bé Lượm không phải là 1 không? Xin cảm ơn!
Trang trong tổng số 5 trang (41 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối