Đăng bởi Vanachi vào 13/05/2005 02:21, đã sửa 3 lần, lần cuối bởi karizebato vào 06/12/2009 20:49

Chim bay dọc biển đem tin cá

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!


1939


[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (12 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Cảm nhận về tình quê hương trong bài thơ Quê hương

Quê hương trong xa cách là cả một dòng cảm xúc dạt dào, lấp lánh suốt đời Tế Hanh. Cái làng chài nghèo ở một cù lao trên sông Trà Bồng nước bao vây cách biển nửa ngày sông đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tế Hanh, đã trở thành nỗi nhớ da diết để ông viết nên những vần thơ thiết tha, lai láng. Trong dòng cảm xúc ấy, Quê hương là thành công khởi đầu rực rỡ.

Nhà thơ đã viết Quê hương bằng tất cả tình yêu thiết tha, trong Sáng, đầy thơ mộng của mình. Nổi bật lên trong bài thơ là cảnh ra khơi đánh cá của trai làng trong một sớm mai đẹp như mơ:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Tâm hồn nhà thơ náo nức những hình ảnh đầy sức mạnh:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.
Giữa trời nước bao la nổi bật hình ảnh con thuyền hiên ngang, hăng hái, đầy sinh lực dưới bàn tay điều khiển thành thạo của dân trai tráng đang nhẹ lướt trên sóng qua hình ảnh so sánh như con tuấn mã. Đằng các từ ngữ sinh động, nhà thơ đã khắc hoạ tư thế kiêu hãnh chinh phục sông dài, biển rộng của người làng chài. Lời thơ như băng băng về phía trước, như rướn lên cao bao la cùng với con thuyền, với cánh buồm Tế Hanh đã cảm nhận cuộc sống lao động của làng quê bằng cả tâm hồn thiết tha gắn bó nên mới liên tưởng Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng. Bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hi vọng mưu sinh của người lao động được gửi gắm ở đấy.

Cảnh đón thuyền đánh cá trở về ồn ào, tấp nập cũng được miêu tả với một tình yêu tha thiết:
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Ở đoạn trước, khi tả cảnh ra đi mạnh mẽ vượt trường giang của đoàn thuyền, hơi thở băng băng, phơi phới. Đến đoạn này, âm điệu thơ thư thái và dần lắng lại theo niềm vui nó ấm, bình yên của dân làng. Chính từ đây, xuất hiện những câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của Quê hương:
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Chỉ ai sinh ra và lớn lên ở nơi sông nước mới viết được những câu thơ như thế. Tế Hanh xây dựng tượng đài người dân chài giữa đất trời lộng gió với hình khối, màu sắc và cả hương vị không thể lẫn: bức tượng đài nồng thở vị xa xăm – vị muối mặn mòi của biển khơi, của những chân trời tít tắp mà họ thường chinh phục. Chất muối mặn mòi ấy ngấm vào thân hình người dân chài quê hương, thấm dần trong thớ vỏ chiếc thuyền hay đã ngấm sâu vào làn da thớ thịt, vào tâm hồn thơ Tế Hanh để thành niềm cảm xúc bâng khuâng, kì diệu?

Một tâm hồn như thế khi nhớ nhung tất chẳng thể nhàn nhạt, bình thường. Nổi nhớ quê hương trong đoạn kết đã đọng thành những kỉ niệm ám ảnh, vẫy gọi. Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá – câu thơ cuối cùng cho ta rõ thêm tâm hồn thiết tha, thành thực của Tế Hanh.

Quê hương của Tế Hanh đã cất lên một tiếng ca trong trẻo, nồng nàn, thơ mộng về cái làng vạn chài từng ôm ấp, ru vỗ tuổi thơ mình. Bài thơ đã góp phần bồi đắp cho mỗi người đọc chúng ta tình yêu quê hương thắm thiết.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
1164.21
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài thơ Quê hương

Ngược dòng thời gian, Quê hương (1939) của Tế Hanh thực sự là mảnh hồn trong trẻo mà nhà thơ có được trước Cách mạng tháng Tám.

Giữa lúc phần đông các thi sĩ của phong trào thơ mới đang thở than, sướt mướt trong dàn đồng ca sầu với tình yêu tuyệt vọng, mối sầu cô đơn thì Quê hương của Tế Hanh cất lên như một tiếng thơ khoẻ khoắn, khác lạ:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Tế Hanh là một nhà thơ lãng mạn, nhiều người cho rằng làm thơ lãng mạn phải nói đến tình yêu đau khổ, phải nhớ nhung đắm đuôi. Bài thơ này được viết khi ông mười tám tuổi, với bao mơ mộng của tuổi học trò. Tác giả xa quê nhớ về làng tôi ở nhưng cảm hứng thơ lại phân chấn, không hề gây cảm giác xa xôi, buồn man mác.

Thơ hoài niệm thường thấm đẫm nỗi buồn, bởi đó là kỷ niệm chập chờn hiện lên trong ký ức, trong nỗi nhớ thương. Ta nhớ tới vần thơ xao xác buồn đến nao lòng của Lưu Trọng Lư:
Mỗi lần nắng mới hát bên song
Xao xác gà trưa gáy nào nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không.
(Nắng mới)
Thế nhưng với Tế Hanh, cũng là thơ hoài niệm nhưng hình ảnh thơ khoẻ khoắn, cụ thể, rõ ràng như hiện thực trước mắt, sống động đến vô cùng. Thời khắc nhà thơ nhớ về làng quê mình ấy là:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Câu thơ mở ra không gian bát ngát, trong sáng, màu sắc rạng rỡ của miền biển khơi. Lời thơ như có nhạc, có hoa, có tiếng sóng, tiếng gió, thật tươi nhạc, tươi vui không chút buồn ảo não.

Nhớ về làng chài, nhà thơ nhớ cảnh đoàn thuyền ra khơi nhớ cái khoẻ mạnh, phóng khoáng của dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. Con thuyền không phải “buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ” (Đỗ Phủ) hay “Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi” (Anh Thơ) mà con thuyền đầy phấn khích, dường như cũng mang sức trẻ, lướt nhanh trên đầu sóng, ngọn gió, hăm hở:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Miêu tả cánh buồm của con thuyền ấy, nhà thơ đã tìm đến một hình ảnh so sánh, liên tưởng đẹp:
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân tráng bao la thâu góp gió
Cánh buồm – cái cụ thể hữu hình được so sánh với hồn làng – cái trừu tượng vô hình. Hồn làng tức linh hồn, là nét riêng sâu thẳm, linh thiêng của quê hương, của làng chài mà nhà thơ cảm nhận qua một cánh buồm giương. Hình ảnh thơ thật khoáng đạt, kỳ vĩ, mang sức vóc tung toả của nó. Đây cũng là sự phát hiện tinh tế, chính xác của nhà thơ: cánh buồm thân thuộc, gắn bó, không thể thiếu trong đời sống mưu sinh, biểu tượng của một làng chài.

Nhà thơ còn nhân hoá cánh buồm no gió ấy mang sức vóc cường tráng, khoẻ mạnh của một chàng trai rướn thân trắng bao la thâu góp gió. Không hiểu sao đọc câu thơ này của Tế Hanh tôi lại nhớ tới câu thơ thật lãng mạn của Tố Hữu trong niềm vui bất tuyệt:
Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gi
ó mạnh
Thổi phồng lên, tim bỗng hoá mặt trời

Ngôn ngữ miêu tả trong câu thơ của Tế Hanh giàu giá trị tạo hình, đường nét phóng khoáng, khiến con người, con thuyền, cánh buồm cũng nổi hình, nổi khối, cựa quậy, sống động giống như những sinh thể kỳ vĩ.

Cảnh dân làng ra khơi đánh cá trở về trong nỗi nhớ của nhà thơ cũng thật tươi vui, gợi không khí thanh bình, no ấm:
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dán làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới, làm da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Giống như bàn tay của nhà điêu khắc, ngôn ngữ tạo hình của Tế Hanh đã tạc nên bức phù điêu hùng vĩ về chân dung con người làng chài rắn chắc, khoẻ mạnh như bức tượng đồng nâu với làn da ngăm rám nắng cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Họ là kết tinh cho sức mạnh dãi dầu nắng, gió, sóng biển. Họ là đứa con của biển.

Vẫn con thuyền ra khơi, giờ đây trở về sau một ngày chạy đua cùng sóng gió được nhà thơ nhân hoá giống như một con người, một nhà hiền triết với dáng nằm thư giãn, lặng lẽ, suy tư:
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thở vỏ.
Nghe (cảm nhận bằng thính giác) nhưng ở đây lại nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ; sự chuyển đổi cảm giác thật tinh tế. Không chỉ con người mà ngay đến cả con thuyền cũng thấm đẫm hương vị biển, thấy vị mặn mòi của muối biển đang râm ran trong cơ thể mình hay đó chính là cái dư vị dịu êm mà giản dị của nhịp đời miền quê biển.

Tuổi nhỏ của Tế Hanh chắc chắn đã trải qua cái mùi nồng mặn của những mẻ cá vàng, trong lời ru bát ngát, êm êm của bốn bề sóng vỗ thì mới viết được những câu thơ như thế này. Không là người con của vạn chài cũng không thể viết được những câu thơ như thế. Khi biết âm thầm hoá hồn mình vào hồn thơ để lắng nghe, mở rộng mọi giác quan để phập phồng thu nhận mọi cảm giác Tế Hanh mới viết được những câu thơ tài hoa đến vậy. Phải chăng chất muối mặn mòi, thấm dần trong từng thớ vỏ chiếc thuyền nay đã thấm sâu vào làn da, thớ thịt, tâm hồn Tế Hanh để thành niềm ám ảnh bâng khuâng, kỳ diệu. Tế Hanh thật tài tình và thật tinh khi sống trong lòng sự vật có khả năng nghe thấu tiếng lòng, cảm giác của những vật vô tri. Chẳng thế mà trong lời con đường quê nhà thơ cũng đã nhập hồn vào con đường nhỏ chạy lang thang để mang nỗi buồn vương chạy khắp làng.

Kết thúc bài thơ có hai chữ nhớ:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá
nhưng ý thơ không hề gây cảm giác yếu mềm, bi luỵ mà vẫn khoẻ khoắn, tươi mới. Nỗi nhớ ấy gắn liền với những gì thân thuộc của làng chài màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, sắc màu trong sáng, hương vị nồng ấm đậm đà. Nỗi nhớ cồn lên, mãnh liệt tồi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quả.

Đó là hương vị quê hương, hương vị thân thiết, ruột thịt của người thân.

Bài thơ có thể coi là bức tranh quê đẹp, trong sáng, lời thơ khoẻ khoắn. Nổi bật trong bức tranh ấy là ba hình ảnh: dân chài lưới, cánh buồm giương, con thuyền. Hình ảnh nào cũng đẹp, sắc nét, phóng khoáng đầy sức sống, đậm đà hương vị biển. Đó có thể coi là nét riêng, điệu hồn quê hương mà nhà thơ vương vấn suốt đời.

Cũng chính vì thế mà bức tranh quê trong nỗi nhớ của Tế Hanh không có nét dáng buồn như bức tranh quê của các nhà thơ mới với đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi quán tranh đứng im im hoa xoan tím rụng tơi bời (Anh Thơ), mà là bức tranh quê với đường nét tươi tắn, khoẻ khoắn được hoạ lên từ tình cảm đậm đà, trong sáng của tuổi hoa niên dành cho quê hương mình.

Nếu không gắn bó, yêu thương quê hương mình bằng tình cảm trong sáng, đằm thắm thì nhà thơ không thể cảm nhận và thể hiện được một cách tài hoa, sinh động những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê trong những câu thơ tươi tắn, nồng nàn như vậy.

Quê hương của Tế Hanh thật đúng là mảnh hồn trong trẻo nhất mà ta gặp trong thơ trước Cách mạng tháng Tám.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
533.81
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận hai câu thơ "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng, Rướn thân tráng bao la thâu góp gió"

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Quê hương, khái niệm trừu tượng, thiêng liêng nhưng lại hết sức bình dị, thân thiết với mỗi chúng ta. Đó là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi ấy có ông bà, cha mẹ, nơi ta tha thiết gắn bó khi gần và quay quắt nhớ lúc chia xa. Mỗi một miền quê đều có một nét riêng, ta gọi đó là hồn quê, có khi đó là luỹ tre xanh, là hàng dừa trước ngõ, là con đường đất đỏ đến trường…

Với Tế Hanh, chàng trai mười tám tuổi xa quê, nhớ về quê hương, một làng chài giáp sông, ven biển của mình, ông lại nhớ:
Cánh buồn giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng, bao la thâu góp gió.
Đây là hai câu thơ đẹp, Tế Hanh đã viết bằng cả tấm tình mến yêu tha thiết làng quê mình. Nhà thơ đã sử dụng, nghệ thuật so sánh, cánh buồm trên con thuyền ra khơi với mảnh hồn làng.

Cánh buồm là vật thể hữu hình, được so sánh với hồn làng, hồn vía của làng chài: cái vô hình, vô ảnh; cái cụ thể với cái trừu tượng, cái vật chất với cái tinh thần, cái bình dị với cái thiêng liêng. Nhà thơ đã linh hồn hoá cánh buồm, thể hiện sự cảm nhận tinh tế, chính xác về hồn quê hương, gợi rất đúng hồn quê thân thuộc.

Đến với huế thơ, ta sẽ đến với chùa Thiên Mụ, đến với dòng sông Hương dịu dàng pha lẫn trầm tư y còn đến miền quê quan họ vùng đồng bằng Bắc Bộ là ta lại đến với hương nếp thơm nồng, tranh Đồng Hồ gà lợn nét tươi trong: Đây chính là hồn quê hương. Còn với Tế Hanh quê hương ông là:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.
Thì điệu hồn ấy phải hoành tráng, lãng mạn giống như cánh buồm giương. Đó là hồn của miền quê biển, giản dị mà sức vóc tung toả biết bao. Phải chăng Tế Hanh đã hoá hồn mình vào cánh buồm đó để nghe thấy hồn làng trên một cánh buồm giương.

Thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám đã có những hình ảnh đẹp, lãng mạn miêu tả về cánh buồm:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lưới giữa mây cao với biển bằng
Ở đây Tế Hanh cũng miêu tả cánh buồm no gió, nhưng nhà thơ đã nhân hoá nó với dáng vóc của chàng trai mười tám khoẻ mạnh, vạm vỡ đẹp lãng mạn đến say người.
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Cánh buồm cảng là do có gió thổi vào nhưng ở đây có sự đảo ngược, cánh buồm ấy mang dáng vóc của một chàng lực sĩ rướn thân trắng, ưỡn căng lồng ngực mênh mông, hít một hơi dài chủ động thu hết sóng gió bao,la của biển khơi để bay lên, ngang tầm với không gian mênh mông của đại dương. Hình ảnh thơ thật hào hùng, kỳ vĩ, mơ mộng đầy chất lãng tử, thi nhân. Đẹp biết bao cánh buồm ấy, như một sinh thể che chở bảo vệ cho con thuyền, cho làng chài bằng tất cả sức mạnh tích tụ từ biển khơi. Nó phập phồng hơi thở, sự sống, nhịp đập của trái tim biển cả.

Biển không chỉ cho ta cá như lòng mẹ, biển quê hương còn cho ta nguồn thơ đầy sức sống. Rõ ràng đây là hai câu thơ được viết ra từ tấm lòng tha thiết gắn bó miền quê giáp sông, ven biển, mặn mòi hương vị biển. Câu thơ đẹp nhưng quả thật nó linh diệu, lung linh giữa khả giải và bất khả giải.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
463.83
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ Quê hương

Anh đi anh nhớ quê nhà… Đó là tâm trạng chung của bất cứ ai khi phải xa quê – Tế Hanh cũng vậy – Từ lúc còn là một cậu học trò mười tám tuổi, đang theo học ở Huế – Chàng thanh niên ấy đã nhớ nhà nhớ quê, nhở cái làng chài ven biển, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thế là những câu thơ tưởng nhớ quê lại ra đời một cách tự nhiên chân thành và tha thiết. Mấy ai quên được bài thơ Quê hương của Tế Hanh thuở hoa niên ấy.

Bài thơ mở đầu như là lời tự xưng danh, tự thuật rất đỗi tự nhiên và mộc mạc.

Làng tôi ờ vốn làm nghề chài lưới.
Và sau đó nhà thơ đã kể, đã tường thuật về cái làng chài của mình. Câu thơ có tính thông báo tiếp theo cho thấy đây là một làng chài ờ vùng cửa sông gần biển. Bằng hai câu thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu vị trí địa lý và đặc điểm nghề nghiệp của làng quê. Quê là làng – nghề của làng là chài lưới.

Trong tâm tưởng của nhà thơ, sau lời giới thiệu ấy, hình ảnh làng chài như đang hiện ra trước mắt. Và nhà thơ đã miêu tả cụ thể một ngày ra khơi đẹp trời, dân làng bơi thuyền đi đánh cá. Trong khung cảnh trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng. Phải nói đó là một buổi sáng dẹp trời lý tưởng – vẻ đẹp tinh khôi, mát mẻ, dễ chịu, thoáng đãng, bao la sắc hồn của bình minh. Và chỉ những người làm nghề chài lưới mới thấy hết được tầm quan trọng thiết yếu của những buổi đẹp trời – Không chỉ báo hiệu một buổi ra khơi yên lành, mà còn hứa hẹn những mẻ lưới bội thu. Trong cái quanh cảnh dễ làm lòng người phấn khích ấy, đoàn trai tráng bơi thuyền ra khơi, bắt đầu một ngày lao động của mình. Làm nghề đánh cá nặng nhọc này phải là những người khoẻ mạnh vạm vỡ mới có thể đảm đương nổi. Chỉ có những chàng trai mới có thể điều khiển được chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang. Có thể nói đây là một chuyến ra khơi đầy hào hứng. Những câu thơ miêu tả trực tiếp cảnh dân làng ra khơi đánh cá có ý nghĩa như những chi tiết tả thực giúp người đọc hình dung được không gian hình ảnh, đoàn thuyền khá sinh động. Trên nền kể tả ấy xuất hiện hai câu thơ mang vẻ đẹp bất ngờ:
Cánh buồm giương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Cánh buồm là một vật cụ thể hữu hình được ví với mảnh hồn làng là cái trừu tượng, vô hình – một cách ví von nhờ sự liên tưởng khá xa và độc đáo của tác giả. Mỗi một vùng quê sinh sống lâu đời, dường như bao giờ cũng mang một nét rất riêng. Và người xa quê thường cảm nhận nó như linh hồn của làng quê. Đối với Tế Hanh thuở mười tám tuổi, hình ảnh chiếc buồm ra khơi dường như mang hơi thở, nhịp đập, quê hương. Một cánh buồm rướn thân trắng bao la thâu góp gió thật đẹp trong dáng vẻ cường tráng, sức vóc tung toả của nó. Hai câu thơ diễn đạt hình ảnh giàu ý nghĩa, đưa nó lên thành biểu tượng của tâm hồn.

Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về lại được miêu tả trong bốn câu thơ:
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Tác giả không tả một ai cụ thể, mà là tả chung không khí làng chài. Ở đây chỉ có âm thanh ồn ào; chỉ có trạng thái tấp nập, nhưng rõ ràng là một không khí vui vẻ, rộn ràng, thoả mãn. Nhờ ơn trời như là tiếng reo vui, tiếng thở phào nhẹ nhõm cảm tạ thiền nhiên trời biển đã giúp đỡ. Phải con em làng chài mới thấy hết được niềm vui bình dị khi đón ghe đầy những con cá tươi ngon.

Trong khung cảnh ấy, hình ảnh những trai tráng sức vóc dạn dày sóng gió, có làn da ngăm rám nắng được hiện lên qua những câu thơ thật đẹp Cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Đây là chân dung những người dân chài lưới, đó như là những sinh thể được tách ra từ biển, mang vị mặn mòi của biển, mang theo về cả những hương vị biển xa. Họ là những đứa con của biển khơi. Câu thơ thật lãng mạn, khoáng đạt, mang vẻ đẹp giản dị nhưng cũng thật khoẻ khoắn, thơ mộng.

Con thuyền trước đây hăng như tuấn mã phăng mái chèo mạnh mẽ ra đi, bây giờ mỏi mệt trở về bến nghỉ. Con thuyền lại được nhân hoá, nó nằm im, mỏi mệt thư giãn và lắng nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Trạng thái nghỉ ngơi của con thuyền thật đặc biệt. Và cũng phải yêu quý lắm, với có thể thấy con thuyền cũng là một thành viên của làng biển như tác giả đã hình dung. Nhưng nói về con thuyền, kì thực cũng nói về con người cả thôi. Giờ đây những người dân chài có thể hoàn toàn yên tâm mà ngả mình mãn nguyện và lặng yên thư giãn. Dư vị của chuyến đi chỉ còn là đôi hình ảnh thấp thoáng, chập chờn trong tưởng tượng êm dịu của họ.

Kết thức bài thơ, tác giả trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ về hình ảnh làng chài theo ấn tượng chung nhất: Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vơi, con thuyền rẽ sóng, và đặc biệt nhớ cái mùi nồng mặn quá.

Nhớ đến cả cái mùi vị riêng biệt của xứ biển tức là nỗi nhớ thật da diết và thật sâu sắc. Vâng, đó là mùi của biển cả, của sóng, của gió, của rong rêu, của cá, của cả cái vị mồ hôi trên lưng áo người đi biển. Cái mùi vị quen thuộc và thân thương đó cũng chính là một phần của hồn làng của quê hương.

Bài thơ trong trẻo từ đầu đến cuối. Đó là tấm lòng yêu nhớ quê hương của một chàng trai thuần hậu gắn bó với cuộc đời. Với Tế Hanh, cái làng chài lưới này đã trở thành nguồn thi cảm không vơi cạn. Người ta thường nói ông là nhà thơ của quê hương sông nước, mà trong nhiều trường hợp quê hương chỉ thu gọn về một cái làng chài lưới của riêng ông.

Tóm lại Quê hương là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ dung dị đằm thắm của Tế Hanh. Với nghệ thuật đặc sắc ở cách cảm nhận tinh thế, hình ảnh đặc trưng và chắt lọc, tác giả làm sống mãi một làng chài thân thương trìu mến. Thuỷ chung với một miền quê – một miền thơ như thế nên vần thơ quê hương của Tế Hanh vẫn giữ mãi một vẻ riêng độc đáo, hấp dẫn bao thế hệ yêu thơ.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
483.90
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận bài thơ “Quê hương”

Có thể nói “quê hương” chính là hai tiếng thiêng liêng nhất, quen thuộc nhất đối với mỗi con người, đặc biệt là với dân tộc Việt Nam ta, nơi vốn có truyền thống trọng nghĩa tình, một lòng khắc ghi quê cha đất tổ dù có lưu lạc bốn phương trời. Quê hương cũng là một trong những đề tài quen thuộc và được nhiều nhiều các tác giả đưa vào tác phẩm của mình một cách trân trọng yêu thương. Ví như bài thơ Quê hương của tác giả Đỗ Trung Quân, đã được phổ nhạc, với âm điệu mượt mà in dấu trong lòng biết bao thế hệ con người với câu hát “...Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người...” rất thấm thía và sâu sắc. Hoặc Tế Hanh với bài thơ Nhớ con sông quê hương với những nét dân dã trong ký ức của tác giả, Nguyễn Đình Thi với bài Việt Nam quê hương ta hào sảng, truyền thống, Nguyễn Hưng cũng với một Quê hương mộc mạc, ân tình,... Chung quy lại, đề tài viết về quê hương lúc nào cũng hay và khơi gợi nhiều cảm xúc của độc giả. Lại nhắc về Tế Hanh một trong những nhà thơ nổi bật nhất của nền thơ mới giai đoạn 1932-1941, người được Hoài Thanh nhận xét là “tinh lắm”, ông thích viết về những cái gì đó bình dị, tầm thường, ông cứ lặng lẽ làm thơ và mặc nhiên có một chỗ đứng trong thi bởi cái lối viết trầm lặng, nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc của mình. Mà như Thanh Thảo nói “Ngay từ lúc xuất hiện trong phong trào Thơ Mới, thơ Tế Hanh đã là hiện tượng vì sự “mộc mạc, chân thành”, vì sự “trong trẻo, giản dị như một dòng sông”, quả thực hồn thơ như vậy viết về quê hương thì còn từ nào để diễn tả nữa. Và Quê hương chính là một trong những sáng tác nổi bật nhất của Tế Hanh trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ, dẫu rằng sau này ông có nhiều tác phẩm hơn nữa nhưng khi nhắc Tế Hanh người ta vẫn không quên nhắc về Quê hương.

Mở đầu bài thơ Quê hương chính là lời đề từ do cha của Tế Hanh viết “Chim bay dọc biển mang tin cá”, lời đề từ ấy đã khái quát một cách chung nhất về cuộc sống gắn bó với miền sông nước, với hơi thở mặn mòi của biển cả trong cuộc sống của những người dân làng chài nơi quê hương Quảng Ngãi của tác giả. Để giới thiệu về quê hương của mình Tế Hanh đã dùng một giọng thơ rất dịu dàng, ấm áp như là lời kể, lời tự sự đầy yêu thương rằng:

Quê hương tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Từ hai câu thơ ấy người đọc cũng đã dần hình dung ra những đặc điểm của làng chài quê hương tác giả, đó là một nơi với công việc đánh bắt quan năm, vốn quen thuộc với biển cả. Cũng gợi ra dáng hình của quê hương với đặc điểm địa hình đặc biệt “nước bao vây”, tựa như một cù lao nổi lên giữa sóng nước mênh mông, và khoảng cách địa lý được đo đếm bằng thời gian “cách biển nửa ngày sông”, rất đậm lối nói của người vùng sông nước.

Và nói về một miền quê nghèo làm nghề chài lưới thì người ta không thể kể thiếu cái cảnh giương buồm ra khơi của dân làng, mà trong đôi mắt tinh tế, nhạy bén, cùng với nỗi lòng tha thiết sâu nặng với quê hương cảnh ra khơi đã được diễn tả một cách vô cùng sống động và đẹp đẽ.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Đó là một khung cảnh tuyệt đẹp thời tiết vô cùng thuận lợi, tựa như cái ôm ấm áp của người mẹ thiên nhiên dành cho những đứa con của mình trước khi bước ra biển lớn. “Trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” là những nét vẽ mang màu sắc hứng khởi, cảm xúc lãng mạn tràn ngập, khởi đầu cho công cuộc ra khơi của ngư dân được thuận lợi. Ta có thể lý giải hình ảnh “trời trong” tức là cảnh trời quang mây tạnh, không có mưa gió bão bùng, vốn là những thứ mà người ngư dân e ngại, “gió nhẹ” là thứ gió vừa đủ căng buồm, đẩy thuyền ra khơi, còn “sớm mai hồng” gợi ra khí sắc ấm áp của thời tiết, đồng thời gợi ra khung cảnh bình minh tươi đẹp là thời điểm dân chài chuẩn bị ra khơi. Sau hình ảnh thiên nhiên đó chính là hình ảnh con người được gợi ra trong câu thơ “Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”. Thú thực rằng, khi nhắc về người ngư dân cái người ta thường mường tượng ra ấy là sự lam lũ vất vả, con người với nước da đen nhẻm, mang đậm hơi thở mặn mòi của muối, của gió khơi xa. Thế nhưng bước vào thơ Tế Hanh người ngư dân đã được nhìn với đôi mắt đầy yêu thương, trìu mến, nổi lên với vẻ đẹp khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống trong lao động. Cụm “dân trai tráng” dễ khiến người ta liên tưởng đến những chàng trai sức vóc vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn nắm chặt mái chèo, với tinh thần hứng khởi lao động, dưới ánh ban mai rực rỡ. Có thể nói rằng bút pháp lãng mạn của chàng trai trẻ có nhiều rụt rè như Tế Hanh trong bài thơ Quê hương đã được vận dụng một cách tinh tế và giản dị, chỉ với đôi nét vẽ nhưng người đọc đã khái quát được cả vẻ đẹp tuyệt vời của bức tranh lao động bên biển cả. Và ấn tượng hơn cả vẫn là câu “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”, Tế Hanh sử dụng biện pháp tu từ so sánh thông dụng nhất trong thi ca để diễn tả ra cái khí thế trong lao động của người dân mà chiếc thuyền chính là hình ảnh đại diện cho hàng chục ngư dân đang hướng về biển khơi. Ở đây ta có thể hiểu rằng công cuộc đánh bắt ngoài biển khơi, dù là kế sinh nhai nhưng nó cũng chẳng khác nào việc người lính ra chiến trận cả, họ vẫn luôn phải đối đầu với những nguy hiểm nhất định, và đều phải lao động, phải chiến đấu hết mình để giành được kết quả tốt nhất. Nếu với người ngư dân thì chiếc thuyền là phương tiện di chuyển thì người lính chiến có con tuấn mã bên mình. Nói “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã” trước là để chỉ khí thế hăng hái khi vượt biển ra khơi của người dân, thứ hai còn là để chỉ sự mạnh mẽ, kiên cường, vẻ đẹp kiêu hùng của người dân trong lao động sánh ngang với những người lính chiến khi bước ra sa trường, ở họ luôn có vẻ hiên ngang, kiêu hãnh, và lòng quyết tâm sâu sắc. “Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang” chính là sự miêu tả quá trình lao động của người ngư dân, tác giả sử dụng động từ mạnh “phăng” để thể hiện sức mạnh và tầm vóc của con người trong lao động, “trường giang” tức là con sông dài, rộng lớn, thế nhưng khi vào thơ của Tế Hanh thì nó lại trở thành bệ phóng cho tầm vóc kỳ vĩ của con người. Bởi dẫu sông có dài cũng chẳng giữ được bước chân, mái chèo của người ra khơi.

Tiếp theo cho phân cảnh ra khơi này chính là hai câu “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”, được xem là điểm nhấn nghệ thuật của toàn bài thơ, khẳng định tài năng và cách hình dung tinh tế về quê hương của Tế Hanh. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng viết: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương... Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy mờ mờ…”. Và ở đây rõ ràng rằng chúng ta đã thấy tác giả vẽ nên mảnh hồn làng, mảnh hồn quê hương bằng một cánh buồm trắng, lấy cái trừu tượng đem so với cái hữu hình, thế nhưng nó lại hợp lý và độc đáo đến bất ngờ. Nếu hỏi rằng để đại diện cho cái hồn quê của một làng chài thì nên lấy gì làm đặc trưng cho hợp lý, tấm lưới, con thuyền, con người hay một cái gì đại loại như thế. Nhưng chỉ riêng cánh buồm trắng ấy là đủ sức đại diện, có buồm là có thuyền, có con người, có hoạt động đánh bắt, hơn thế nữa có vẻ rằng cánh buồm vẫn mang trong mình một cái gì đó lãng mạng mà mang tính biểu tượng hơn cả. Thế nên Tế Hanh mới chọn nó để làm nơi gửi gắm hồn làng, hồn quê hương, cánh buồm theo ngư dân đi đánh cá, nó mang theo trong đó là nỗi nhớ, nỗi mong chờ tha thiết của những người ở lại, là lời nhắc nhở, gợi nhớ của quê hương sâu nặng đối với những người ra đi. Và dĩ nhiên rằng cánh buồm không chỉ mang tính biểu tượng, mà bản thân nó dường như cũng có linh tính, cũng cố gắng góp công góp sức trong công cuộc lao động của người ngư dân như một cách thể hiện tình cảm, sự ủng hộ của quê hương qua hình ảnh “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Điều đó đã gợi ra trong tâm hồn độc giả sự đoàn kết trong công cuộc lao động của người dân làng chài, họ phối hợp một cách nhịp nhàng tuần tự với nhau trong công việc đánh bắt, biết rõ và làm thật tốt công việc của mình. Họ gắn bó với nhau không chỉ trong hoạt động mà còn là trong tâm hồn, đến mức cả một vật vốn vô tri cũng cảm nhận được mà chúng tay góp sức tạo thành quả.

Sau cảnh ra khơi tràn đầy hăng hái, phấn khởi chính là cảnh dân làng đón thuyền trở về trong không khí vui mừng náo nhiệt, hạnh phúc trước những thành quả đạt được sau tròn một ngày lao động cật lực.
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Cả đoạn thơ đem đến cho người đọc những cảm tưởng về sự ấm no, yên vui trong khung cảnh “ồn ào”, “tấp nập”. Và không quên đi truyền thống ân tình, ân nghĩa họ thầm biết ơn mẹ thiên nhiên đã nuôi dưỡng và ban cho “những con cá tươi ngon thân bạc trắng”, đã lặng lẽ, bao dung tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được lao động, đánh bắt, cho họ một cuộc sống ấm no, đủ đầy và bình yên bên biển cả yêu thương.
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Một lần nữa hình ảnh người dân làng chài lại được Tế Hanh tái hiện, cũng với cái vẻ khoẻ khoắn với “làn da ngăm rám nắng” thế nhưng vẻ đẹp độc đáo của họ còn được tô điểm bằng một cái mùi “nồng thở vị xa xăm”. Chẳng biết rằng Tế Hanh cảm nhận được cái mùi ấy bằng cách nào, thế nhưng có lẽ đó chính là cái vị mặn mòi của muối biển cùng với hơi thở của khơi xa đã làm nên một cái vị rất riêng thấm đẫm vào tận trong tâm hồn, trong cốt cách mỗi người ngư dân mà Tế Hanh đã tinh tế định nghĩa là “vị xa xăm” ấy. Để dựng lên hình tượng người ngư dân đậm phong vị biển cả với vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần lam lũ vất vả trong công cuộc mưu sinh. Bên cạnh trạng thái của con người, thì Tế Hanh cũng rất tinh ý khi quan sát và suy ngẫm về con thuyền sau buổi ra khơi dài đằng đẵng. Trong mắt nhà thơ, thuyền cũng có sinh mạng có tâm hồn như con người vậy, cũng biết mệt mỏi, cũng cần được nghỉ ngơi sau mỗi lần lao động mệt nhọc để hồi sức. Và những khi như thế con thuyền đâu chỉ nằm im mà nó còn dường như có giác quan, biết nghe biết cảm nhận vị muối của quê hương thấm dần vào từng thớ vỏ, đang lặng lẽ ngẫm nghĩ về những chuyến khơi xa, những lần vượt muôn trùng sóng biển đầy kỷ niệm gắn bó. Có thể thấy rằng Tế Hanh là một nhà thơ rất tinh tế và nhạy cảm, tầm mắt của ông không chỉ dừng ở con người mà nó còn nằm ở cả sự vật ông dành tình cảm yêu thương trân trọng cho con người quê hương, cũng dành ánh mắt thông cảm, thấu hiểu, thậm chí là vẽ lên vẻ đẹp tâm hồn cho từng sự vật. Khiến người ta cảm thấy rằng bức tranh quê hương của Tế Hanh dù đụng vào bất cứ chỗ nào cũng đều thấm đẫm tình cảm, đều thấm đẫm hồn quê.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá
Bốn câu thơ cuối có thể xem là lời tổng kết của nhà thơ về những nét chính của quê hương đã in sâu trong trí nhớ, nào là “nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi”, con thuyền ra khơi và cả cái mùi “nồng mặn” đặc trưng của biển cả. Tất cả đều gợi lên trong lòng tác giả, một người con xa quê nỗi nhớ thương tha thiết, nhớ những gì đã gắn bó với nhà thơ trong gần hai mươi năm cuộc đời êm ấm, dẫu có vất vả, nghèo nàn, lam lũ thế nhưng quê hương là một cái gì đó rất thiêng liêng, mà ai đi xa cũng chỉ mong một lần trở về, để được quê hương dịu dàng, ôm ấp, vỗ về sau những sóng gió cuộc đời.

Quê hương là tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn đầu khi tác giả mới bước vào làng thơ, thế nhưng khác với cái vẻ ngoài rụt rè, nhút nhát của mình, khi viết về quê hương Tế Hanh đã viết thật nồng nàn, thật cảm xúc, sẽ chẳng ai nghĩ rằng một bài thơ đầy yêu thương, tha thiết sâu nặng tựa như nỗi lòng của một người xa xứ lâu năm ấy lại đến từ ngòi bút của thanh niên chưa chạm ngưỡng đôi mươi. Có lẽ làm được điều ấy là bởi Tế Hanh bẩm sinh đã là người tinh tế, có đôi mắt nồng nàn đặc biệt, có tấm lòng thiết tha sâu nặng với những gì thuộc về quê hương, về đất nước, những thứ giản dị và mộc mạc như chính tâm hồn ông vậy.

83.75
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Vô đề

Tôi còn nhớ tôi được học bài này năm lớp Tám. Hồi ấy thấy cũng thích thích, nhưng chỉ vậy thôi. Giờ bất chợt đọc lại, cả một quá khứ hiện về, mông lung nhưng đằm thắm.
Thật hay, con sông của Tế Hanh giờ là ngôi trường của tôi, là tuổi thơ của tôi...
Cám ơn ông, chúc ông ra đi siêu thoát...


Tế Hanh qua đời ngày 16/07/2009
sau 10 năm bại liệt  với đời sống thực vật...
2004.30
Trả lời
Ảnh đại diện

Quê Hương

như Hoài Thanh đấ nhận xét"Tế Hanh tinh lắm''Thât vây thơ ông tinh tế khiến người đọc như chìm vào những tiếng thơ.thơ ông như đưa cả thế hệ trẻ trở về cội nguồn về quê hương-nơi mà chúng ta dù là người sắt đá đên dâu cũng sẽ thật mềm yếu.bởi con tim ta không khỏi nghẹn ngào với Quê Hương


Dau_sot_cachua_tt
1174.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Hãy xem đi

Tui nhớ về quê hương tui ! Hu hu

843.65
Trả lời
Ảnh đại diện

Góp ý

Cái chỗ "Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng ", hồi lớp 9 mình nhớ mình học là "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng" mà!

1224.02
Trả lời
Ảnh đại diện

Ý nghĩa quý giá, nghe mà thấm thía, sâu sắc

“Quê hương là gì hả mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu”

Không biết từ khi nào những thơ đó cứ được mọi người say sưa, ngân nga và nhanh chóng trở thành một giai điệu đẹp. Tình yêu quê hương của mỗi người được mẹ truyền lửa từ khi còn nhỏ. Để rồi trong mỗi bước đường đời, chúng ta lại khoắc khoải câu hỏi “Quê hương là gì hả mẹ” với nhiều ý nghĩa quý giá, nghe mà thấm thía, sâu sắc.

Trích: https://giatricuocsong.org/que-huong-la-gi/

93.89
Trả lời

Trang trong tổng số 2 trang (12 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối