Đăng bởi Vanachi vào 24/06/2005 01:52, đã sửa 7 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 07/12/2020 09:17

I

“- Em ơi, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
Mẹ già một nắng hai sương,
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
Cậy em, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.

Hôm nay xác pháo đầy đường,
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng.
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay.
Rượu hồng em uống cho say,
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.
(Rồi đây sóng gió ngang sông,
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ)
Miếu thiêng vụng kén người thờ,
Nhà hương khói lạnh, chị nhờ cậy em.
Đêm qua là trắng ba đêm,
Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn.
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.
Mắt quầng, tóc rối tơ vương,
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi,
Là không hẹn một lần về nữa đâu.
Cách mấy mươi con sông sâu,
Và trăm nghìn vạn dịp cầu chênh vênh.
Cũng là thôi... cũng là đành...
Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào,
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa, em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bẩy nổi ba chìm,
Trăm cay, ngàn đắng, con tim héo dần.
Dù em thương chị mười phần,
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi.”

Chị tôi nước mắt đầm đìa,
Chào hai họ để đi về nhà ai...
Mẹ trông theo, mẹ thở dài,
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran.
Tôi ra đứng ở đầu làng,
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa.


II

Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bẩy tuổi chị đi lấy chồng.
Người ta: pháo đỏ rượu hồng,
Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang.
Lần đầu chị bước sang ngang,
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường.
Ở nhà, em nhớ mẹ thương,
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ.
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ,
Thời thường nhắc: Chị mày giờ ra sao?
“- Chị bây giờ”... Nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang.
Chị từ lỡ bước sang ngang,
Trời dông bão, giữa tràng giang, lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên,
Đưa thân thế chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường,
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đám một mình,
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
Mười năm lòng lạnh như tiền,
Tim đi hết máu, cái duyên không về.

“Nhưng em ơi, một đêm hè,
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân trên bến sông buồn,
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
Đoái thương, thân chị lỡ làng.
Đoái thương phận chị dở dang những ngày.
Rồi... rồi... chị nói sao đây!
Em ơi, nói nhỏ câu này với em...
...Thế rồi máu trở về tim,
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi.
Chị nay lòng ấm lại rồi,
Mối tình chết đã có người hồi sinh.
Chị từ dan díu với tình,
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.

“Tim ai khắc một chữ “nàng”
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo.
Nhưng yêu chỉ để mà yêu,
Chị còn dám ước một điều gì hơn.
Một lầm hai lỡ keo sơn,
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung.
Rồi đêm kia, lệ ròng ròng,
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về.
“Tháng ngày qua cửa buồng the.
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.”


III

Úp mặt vào hai bàn tay,
Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm.

“- Đã đành máu trở về tim,
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ.
Người đi xây dựng cơ đồ...
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
Người đi khoác áo phong trần,
Chị về may áo liệm dần nhớ thương.
Hồn trinh ôm chặt chân giường,
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.
Năm xưa đêm ấy giường này,
Nghiến răng... nhắm mắt... cau mày... cực chưa!
Thế là tàn một giấc mơ,
Thế là cả một bài thơ não nùng!
Tuổi son má đỏ môi hồng,
Bước chân về đến nhà chồng là thôi!
Đêm qua mưa gió đầy giời,
Trong hồn chị, có một người đi qua...

Em về thương lấy mẹ già,
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng bằng không,
Coi như chị đã ngang sông đắm đò.”


Bài thơ này được đăng lần đầu trên Tiểu thuyết thứ năm năm 1939, sau được in trong tập thơ cùng tên. Bài thơ gồm tổng cộng 110 câu lục bát, nội dung là tâm sự của một cô gái vì hoàn cảnh phải đi lấy chồng, bỏ lại mối tình đầu. Bản in trên Tiểu thuyết thứ năm và tập thơ Lỡ bước sang ngang đều đề “Gửi chị Trúc”. Chị Trúc cũng được Nguyễn Bính nhắc đến trong nhiều bài thơ khác, nhưng nguyên mẫu là ai thì có nhiều giả thuyết. Có người cho đó là vợ người anh ruột ông, nhà viết kịch Trúc Đường. Người lại cho đó là một thiếu phụ đã có chồng, thầm yêu Trúc Đường, và từng bỏ chồng ở với Trúc Đường 110 ngày, đúng bằng số câu của bài thơ Nguyễn Bính viết để tặng họ kỷ niệm thời gian sống bên nhau.

Sau khi đăng báo, bài thơ được mọi người thuộc đủ tầng lớp, từ bình dân đến trí thức, say mê, và Nguyễn Bính nổi danh khắp nơi. Vì vậy, tập thơ Lỡ bước sang ngang khi ra đời đã được đón nhận rộng rãi.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Nguyễn Bính là nhà thơ vĩ đại trong tôi

Bài thơ này là bài thơ tôi biết đầu tiên trong đời, là một bài thơ tôi thuộc lòng khi còn rất bé. Không biết có phải vậy, mà cho đến nay nhà thơ Nguyễn Bính vẫn là thần tượng của tôi. Thơ của ông giản dị, chân thật và sống động vô cùng.
Mỗi lần đọc thơ ông, tôi lại có cảm tưởng như đang nghe một câu chuyện kể của một bác nông dân thật thà mà duyên dáng, với câu chuyện kể bình thường nhưng chứa ẩn triết lý và thi vị.
Tôi sẽ mãi yêu thơ ông và học hỏi nhiều từ phong cách nhà thơ Nguyễn Bính.

VISEADO
104.30
Trả lời
Ảnh đại diện

Nguyễn Bính nhà thơ của người nông dân

Thơ nguyễn Bính giản dị mộc mạc nhưng rất lãng mạn, ông đúng là nhà thơ của những người nông dân chất phát hiền lành và họ có một trái tim biết yêu, biết hy sinh vì người khác. Trong bài "lỡ bước sang ngang" thể hiện rõ những nỗi day dứt của người chị khi đi lấy chồng mà lo ngại cho mẹ già em thơ không ai chăm sóc. Cuộc đời chị lỡ bước sang ngang mà chị đâu có lo cho chị.
Đọc thơ ông tôi có cũng có cảm giác giống bạn "như đang nghe một câu chuyện kể của một bác nông dân thật thà mà duyên dáng, với câu chuyện kể bình thường nhưng chứa ẩn triết lý và thi vị"

Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
94.33
Trả lời
Ảnh đại diện

cảm nhận

Đây là lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ này.Nguyễn Bính chân quê, mộc mạc và cũng rất sâu sắc, tinh tế.Đọc bài thơ mà trái tim tôi xót xa.

64.17
Trả lời
Ảnh đại diện

Thơ Nguyễn Bính

Trong những nhà thơ VN, mình yêu thích nhất là thơ NB, với mình nó giản dị nhưng sâu sắc, nhẹ nhàng nhưng lại thâm thuý và mình thik cách dùng từ của ông ...
Mình đã đọc không biết bao nhiêu lần bài thơ này và vẫn rất thik nó, cảm thấy xót xa cho những người phụ nữ ngày ấy ...

53.60
Trả lời
Ảnh đại diện

Lỡ bước sang ngang

Bài thơ dùng nhiều chất liệu dân gian, đôi chút mang âm hưởng Truyện Kiều. Tâm trạng người "chị" được miêu tả thật cay đắng, não nề nhưng không uỷ mị; mà ngược lại, đầy giằng xé, bứt rứt. Hai câu cuối thật xót xa.

113.91
Trả lời
Ảnh đại diện

vai net

Nguyễn Bính _ thơ của cảm súc,mộc mạc,bình dị và chân thành.Thơ ông không có sự hiện diện của cấu truc thơ tây phương mà là hồn thơ của dân tộc.không cần phô diễn nhưng vẫn đi vào lòng người với những cảm xúc tươi nguyên nhất, bình dị nhất

83.12
Trả lời
Ảnh đại diện

Lỡ bước sang ngang

Bài thơ Lỡ bước sang ngang khi ra đời có lẽ không bao giờ ngờ rằng nó sẽ trở thành tác phẩm “báo mộng” cuộc đời Nguyễn Bính: Một đời lỡ bước, một đời tài hoa bạc mệnh. Một đời chia ly, phân kỳ, đoạn trường, tang liệm, một đời khát khao tình yêu và hạnh phúc. Tập Lỡ bước sang ngang mở đầu bằng bài thơ bạc mệnh ấy và kết thúc bằng hai bài Chuyến tàu đêmĐàn tôi, cả ba đều là thơ bạc mệnh, như thể bao nhiêu nỗi buồn trên thế gian đều theo nhau vào thơ Nguyễn Bính.

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1919, quê ở xóm Trạm, thôn Thiện Vinh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mồ côi mẹ từ lúc ba tháng. Không học ở trường mà học nhà với cha và cậu. Làm thơ từ lúc 13 tuổi. Được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn năm 1937. Đến năm 1942, Nguyễn Bính đã có 7 tập thơ: Lỡ bước sang ngangTâm hồn tôi (in năm 1940), Hương cố nhânMột nghìn cửa sổ (1941), Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước, Mây tầnBóng giai nhân (1942).

Nguyễn Bính nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu, Lỡ bước sang ngang. Người Việt từ Nam chí Bắc thuộc Lỡ bước sang ngang. Sự bình dân của Nguyễn Bính được Hoài Thanh giải thích trong Thi nhân Việt Nam, như một lời khen, rằng Nguyễn Bính đã làm sống lại mỗi con người nhà quê trong chúng ta, nhưng ông lại tiếc rằng Nguyễn Bính làm thơ bình dân như thế thì “khó lọt vào mắt những nhà thông thái” và trách Nguyễn Bính đã nhà quê sao lại không nhà quê cho trót, mà thỉnh thoảng lại chêm vào những câu thơ rất “tỉnh”, khiến “người ta khó nhận thấy cái hay của những câu thơ khác có tính chất ca dao”. Tóm lại, theo Hoài Thanh, thơ Nguyễn Bính nhà quê và cái hay trong thơ Nguyễn Bính là nhờ giống ca dao. Cả hai nhận xét đều sai lạc, bề ngoài, vì không phải trong thơ cứ tả cảnh sống ở thôn quê là thành nhà thơ nhà quê, cứ có thôn Đông, thôn Đoài, có vườn dâu, nong tằm là có chất ca dao. Sau này, hai nhà phê bình khác đã cảm thông sâu sắc với định mệnh khắt khe, đau buồn trong thơ Nguyễn Bính là Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, do Sống Mới tái bản năm 1968, tại Sài Gòn.

*

Thơ Nguyễn Bính bình dân, nhưng không quê mùa. Nguyễn Bính đã nhập hồn người dân quê, hồn người phụ nữ, để viết lại đời sống quê hương và dân tộc mình, bằng một giọng bình dân. Bình dân được như Nguyễn Bính không phải dễ. Nguyễn Bính nói hộ cả một thế hệ đàn bà, một thế hệ lỡ bước trong những cuộc hôn nhân dàn xếp, nói bằng ngôn ngữ của họ, bằng những thổn thức của họ. Nguyễn Bính nói thơ chứ không làm thơ. Ngôn ngữ thơ của ông là ngôn ngữ đối thoại giữa hai người, hoặc một người độc thoại với chính mình. Cấu trúc thi thoại, gồm đối thoại và độc thoại đã tạo nên thi ca Nguyễn Bính:

Em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Cấu trúc thi thoại nôm na gọi là thơ nói có từ thế kỷ XVIII, trong các truyện nôm.

Nền thơ nôm của chúng ta khá rực rỡ trong thế kỷ XVIII với ba tác phẩm cột trụ: Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) và Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn do Phan Huy Ích (1750-1822) dịch (mà tới nay người ta vẫn coi là của Đoàn Thị Điểm, mặc dù Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh về văn bản trong Chinh phụ ngâm bị khảo từ hơn nửa thế kỷ nay).

Cung oánChinh phụ là những khúc ngâm, tức là những lời tâm sự, than vãn của một người đàn bà; nói cách khác, đó là những “tự truyện” khổ đau; trong khi Hoa tiên là một truyện nôm thuần tuý, tức là một cuốn “tiểu thuyết” viết bằng thơ. Hoa tiên mở đường cho những truyện nôm sau này như Quan âm Thị Kính, Lục Vân Tiên, Bích Câu kỳ ngộ, Nhị độ mai, Nữ tú tài, Phan Trần.... và nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện nôm là một hình thức tiểu thuyết, mà trong tiểu thuyết phải có đối thoại. Vì vậy, trong truyện nôm luôn luôn có những chữ: nàng rằng, chàng rằng. Ví dụ trong Hoa tiên:
Thưa rằng: Chút phận bọt bèo
Hậu sinh đã dám chơi trèo sao nên
Hoặc trong Quan âm Thị Kính:
Chàng rằng: Giấc bướm vừa say
Dao con nàng bỗng cầm tay kề gần
Thơ Nguyễn Bính kết hợp hai thể loại trên đây: thể ngâm của Cung oánChinh phụ và thể thoại của các truyện nôm: Hoa tiên, Kiều... Nói khác đi thơ Nguyễn Bính là tự truyện kết hợp với tiểu thuyết.

Tác phẩm Lỡ bước sang ngang cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của hai dòng thi ca cổ điển này. Nếu Cung oánChinh phụ là những khúc ngâm của người đàn bà thế kỷ XVIII, thì Lỡ bước sang ngang là khúc ngâm của người đàn bà đầu thế kỷ XX. Khúc ngâm nào cũng gắn bó với hai niềm đau: Tình thế bi đát của đối tượng mà tác giả đưa ra, và niềm đau nội tâm của chính tác giả. Đối tượng trong Cung oánChinh phụ chúng ta đã rõ. Đối tượng trong Lỡ bước sang ngang, ở ngay trong đề, là lời than của một thiếu phụ lấy người mà mình không yêu. Và đây cũng là bi kịch chung của người phụ nữ đầu thế kỷ XX mà những ngòi bút thời ấy không mấy ai không viết, từ Hoàng Ngọc Phách đến Khái Hưng, Nhất Linh, qua TTKh. Theo Bùi Hạnh Cẩn, anh họ của Nguyễn Bính, trong cuốn Nguyễn Bính và tôi (NXB Văn Hoá Thông Tin, tái bản 1999) thì đối tượng ngoài đời của bài thơ là Th, người yêu của nhà thơ Trúc Đường, anh ruột Nguyễn Bính. Nguyễn Bính đặt tên cho người đàn bà này là chị Trúc. Chị Trúc trở thành đối tượng của nhiều khúc ngâm. Trong những giây phút đau thương nhất của đời mình, Nguyễn Bính thường làm thơ gửi cho chị Trúc, viết về niềm đau của chị Trúc như niềm đau của chính mình. Chị Trúc là một nàng thơ, là một ảnh thật và ảnh ảo chập chùng. Thân phận lỡ làng, nổi trôi của chị Trúc cũng là thân phận lênh đênh lạc loài của Nguyễn Bính.

Lỡ bước sang ngang còn là một truyện nôm. Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều đã chịu ảnh hưởng của Nguyễn Huy Tự trong Hoa tiên, và Nguyễn Bính khi viết Lỡ bước sang ngang đã lấy Nguyễn Du làm mẫu.

Chúng ta thử đọc đoạn Thuý Kiều dặn dò Thuý Vân trước khi đi vào cuộc đời mưa gió, Nguyễn Du viết:
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy, rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa, mặc em.
Nguyễn Bính viết:
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Ảnh hưởng trực tiếp, rất thầy trò. Lỡ bước sang ngang có hơi thơ Nguyễn Du, có cái tâm Nguyễn Du, có lòng thành Nguyễn Du, có cách đưa đối thoại vào thơ thần tình như Nguyễn Du. Bởi cả hai nhà thơ đều đã nhập vào hồn nhân vật mà họ diễn tả. Nguyễn Du nhập vào Kiều, viết hộ Kiều những lời tha thiết dặn dò Thuý Vân, trước khi bước vào quãng đời mưa gió. Nguyễn Bính nhập vào hồn người chị trước khi lấy chồng, dặn em những lời đau đớn xót xa:
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh, chị nhờ cậy em
Đêm nay là trắng ba đêm
Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng, tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm nghìn vạn dịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi... cũng là đành...
Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao?
Lỡ bước sang ngang viết cho chị Trúc. Là tiếng bạc mệnh của một người chị, nhưng cũng là điềm “báo mộng” quãng đời lưu lạc của tác giả:
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu, cái duyên không về
Những năm bốn mươi ở Hà Nội, nghệ sĩ, thường không có kế sinh nhai, thơ không nuôi nổi người, phải đi nơi khác “kiếm ăn”. Nguyễn Bính đi Nam khoảng 1941, lang bang vào Thanh Hoá rồi đến Huế:
Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây
(Giời mưa ở Huế, 1941)
Hai đứa đây là Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can.

Từ Huế, Nguyễn Bính vào Nam, lại lang thang Rạch Giá, Hà Tiên, Sài Gòn, ngủ đình, ngủ chợ, nay tá túc chỗ này, mai ở nhờ chỗ khác. Sau này Kiên Giang đã viết những dòng cảm động, tả lại những nỗi “đoạn trường” nằm đất, quấn nóp (một thứ túi ngủ) ngủ đình của Nguyễn Bính trong quãng đời lưu lạc này.

1945, cách mạng bùng nổ, Nguyễn Bính được mời tham gia kháng chiến, nhưng tạng Nguyễn Bính không hợp với thơ tuyên truyền, cho nên ông chỉ viết được những vần thơ khẩu hiệu, không hay:
Đánh! Đánh! Đánh! Chỗ nào cũng đánh
Hoặc những câu gượng gạo như:
Nếu quân thù không đem binh tiếp viện
Thì quân ta tiêu diệt hết quân thù.
Trong suốt thời gian chín năm gắn bó với cách mạng, những vần thơ hay nhất của Nguyễn Bính là những bài thơ ở Nam nhớ Bắc, rồi sau 54, về Bắc nhớ Nam: Mối tình đầu tiên và chân thật nhất của Nguyễn Bính là quê hương đất nước.

1954, tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính để lại trong Nam người vợ và đứa con. Khi chủ trương tờ Trăm hoa cùng với Nhân văn giai phẩm, Nguyễn Bính viết bài Tỉnh giấc chiêm bao, trên báo Trăm hoa, tháng 12/1956, với những câu thơ đắng cay, hai nghĩa, có thể hiểu là ông viết lại truyện nhân duyên trắc trở của mình với người vợ Nam hay là với cách mạng, bởi đó là cuộc nhân duyên “Chín năm đốt đuốc soi rừng” (1945-1954). Những tưởng: “Duyên nhau đã dựng Trường - đình”, nào ngờ: “Mẹ em đã xé tan tành gối thêu”.

Sau cơn bão táp Nhân văn giai phẩm, Nguyễn Bính trở về Nam Định, sống quãng đời đen tối còn lại của những người đã trót gắn bó với phong trào. Lỡ bước sang ngang lại một lần nữa trở về trong định mệnh của Nguyễn Bính:
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã sang sông đắm đò
Một định mệnh tăm tối, u buồn, sa thải, cho đến lúc mất, trong cô đơn, bệnh tật, và đói, Nguyễn Bính vĩnh viễn ra đi vào ngày cuối cùng của năm Ất Tỵ, ngày 20/1/1966.


Thuỵ Khuê
tửu tận tình do tại
154.13
Chia sẻ trên FacebookTrả lời