Thơ » Việt Nam » Cận đại » Tản Đà » Bình Khang ca phả
Thơ » Việt Nam » Cận đại » Tản Đà » Khối tình con III (1932) » III - Các bài hát
Đăng bởi Vanachi vào 21/10/2005 20:15, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi karizebato vào 21/10/2009 09:52
Mưỡu:
Say sưa nghĩ cũng hư đời!
Hư thời hư vậy, say thời cứ say!
Đất say, đất cũng lăn quay,
Giời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười.
Nói:
Say chẳng biết phen nầy là mấy!
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say.
Quái say sao say mãi thế nầy?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh.
Thê ngôn tuý tửu chân vô ích,
Ngã dục tiêu sầu thả tự do.
Việc trần ai ai tỉnh ai lo,
Say tuý lý bất lo mà bất kể.
Giời đất nhỉ, cái say là sướng thế!
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay.
Muốn say, lại cứ mà say!
Giảng nghĩa:
Bài hát này nguyên vì tác giả có hai bài trước, bài thứ nhất là Chưa say, bài thứ hai là Say, làm đến bài này là thứ ba, cho nên đầu đề là Lại say.
Cái sự say sưa kể cũng là hư thật, nhưng hư thời biết vậy mà say vẫn cứ say. Vì sao? Xem như quả đất đó cũng say mà lăn quay, ông Trời kia cũng say mà cái mặt đỏ gay, không thấy ai cười cả, thời say chưa hẳn đã là hư.
Vào bài, tả thực cái sự say, nghĩa rằng:
Những bận này mà say, thật chẳng biết là phen thứ mấy nữa. Chỉ có nhìn lên non xanh ở trước mắt mà chẳng thấy, thời ấy lại là say. Không biết say sao lại say mãi, suốt đêm ngày như bất tỉnh vậy. Vợ thời bảo rằng: “Cái sự say rượu thật là không có ích lợi gì!” Nhưng ta muốn cho được khuây khoả nỗi buồn, cho nên cứ phải uống. Thế nào là khuây buồn? Vì rằng việc đời đã có những người tỉnh phải lo, say tuý luý thì dù việc nhỏ hay việc to cũng đều bất kể cả. Ấy cái sướng của sự say là như thế, có trời đất cùng biết; chớ như vợ đòi khuyên chồng thời khuyên làm sao cho người ta chừa ngay được. Thì lúc nào muốn say ta lại cứ say.
Thích nghĩa:
“Nhìn non xanh chẳng thấy” lấy nghĩa ở trong văn say của ông Lưu Linh có câu: “Mục thị bất đồ Thái Sơn chi hình” nghĩa là “Nhìn thật kỹ cũng chẳng thấy cái hình núi Thái Sơn ra sao”. Hai câu thơ dựng, câu trên nghĩa là: “Vợ nói say rượu thực vô ích”. Câu dưới nghĩa là “Ta muốn tiêu sầu hẵng cứ tự do”.
Bàn văn:
Bài hát này đặc sắc ở sự lãng mạn. Bốn câu mưỡu, hai câu trên chỉ là tả cái tình hoài lãng mạn trong lúc say. Hai câu dưới, nhân sự lý tự nhiên mà nói được cao kỳ. Có người bảo là hay nhất trong vận văn của tác giả, dẫu dịch ra chữ nước nào cũng hay. Hoặc thế. Vào bài, một câu thứ nhất cũng thấy ngay được nghĩa chữ “lại”. Câu thứ hai dùng điển cố rất thoát, lời lại già dặn mà lịch sự. Ba câu “trời đất nhỉ” ở câu thứ 9 thực chiếu lên hai câu tam tứ ở mưỡu mà như muốn làm bạn với Tạo hoá, rất có khí vị Trang Chu, đặc sắc của bài hát ở đó. Còn ngoài ra các câu khác lời văn bình thường mà có nhiều chữ non. Trong Bình khang tân thanh kể có bài này lợi hại hơn cả. Tác giả muốn nhân lúc nào lại say mà sửa lại những câu non kém, thời toàn bài mới có giá trị hơn.