Thơ » Việt Nam » Cận đại » Tản Đà » Bình Khang ca phả
Thơ » Việt Nam » Cận đại » Tản Đà » Khối tình con II (1918) » II - Hát
Đăng bởi Vanachi vào 21/10/2005 18:14, đã sửa 4 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 02/02/2016 17:41
Vốn định in riêng ra để cho chị em xóm Bình Khang học để hát
Mưỡu:
Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ,
Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi giời.
Xem thơ giời cũng bượch cười,
Cười cho hạ giới có người oái oăm.
Nói:
Khách hà nhân giả?
Cớ làm sao suồng sã dám đưa thơ!
Chốn thiên cung ai kén rể bao giờ,
Chi những sự vẩn vơ mà giấy má.
Chức Nữ tảo tùng giai tế giá,
Hằng Nga bất nại bão phu miên.
Mở then mây quăng giả bức hồng tiên,
Mời khách hẵng ngồi yên trong cõi tục.
Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc,
Ăn trộm đào quen học thói ngày xưa.
Trần gian đầy mãi không chừa!
Giảng nghĩa:
Bài hát này nói một người si tình, viết thư chực ve con gái Trời và bị Trời mắng. Cho nên đầu bài đặt là Trời mắng.
Bốn câu mưỡu là tự nói tình sự, nghĩa rằng:
Người đa tình, nhân lúc ngồi buồn mà lấy giấy để viết thư cho Trời, có hỏi một việc. Trời xem thơ cũng phải bật cười cho là một sự oái oăm, thật đáng mắng.
Bắt đầu vào bài nói, từ chữ “khách hà nhân giả” giở xuống, toàn là lời của Trời cả. Đại ý Trời gắt mắng về sự viết thơ ấy rằng:
Khách viết thơ là anh nào đó? Sao dám suồng sã hỗn như thế! Ở trên nhà Trời đây, tao có kén rể bao giờ đâu, và dám đưa giấy lên để hỏi, sao mà vẩn vơ đến như thế! Có hai cô con gái, một cô Chức Nữ thì đã gả chồng từ bao giờ, còn cô Hằng Nga thì chỉ ưa ngủ một mình, như thế thì còn hỏi lấy ai! Thôi quăng giả thơ xuống, bảo anh chàng ấy đừng lôi thôi. Anh này trước đã có một lần ăn trộm đào tiên của tao, bây giờ lại quen cái thói cũ, đã đầy xuống trần gian mãi như thế mà còn vẫn không chừa!
Thích nghĩa:
Bốn chữ “khách hà nhân giả” có chữ sẵn trong sách Tàu, nghĩa rằng: Người khách đó là người nào thế?
Hai câu chữ nho, câu trên nghĩa là: Chức Nữ đã gả sớm cho đi theo với chồng; câu dưới nghĩa là: cô Hằng Nga không quen cái sự ôm chồng ngủ.
“Hồng tiên” là bức hoa tiên đỏ, là cái giấy viết thơ sắc hồng.
“Đông Phương Sóc” sinh đời vua Vũ Đế nhà Hán ở bên Tàu, ông thực là tổ nghề khôi hài. Có sách chép rằng: ông Sóc ba lần ăn trộm đào tiên. Vậy ông tức là một vị tiên bị đày xuống hạ giới.
Bàn văn:
Bài hát này đặc sắc ở sự khôi hài, ở ý tưởng, và lời văn rất tự nhiên. Bốn câu mưỡu không nói rõ trong thư hỏi việc gì và cái ý thư như sao, người xem văn có thể hiểu. Bài là Trời mắng mà trước tiên hãy nói “Trời cười”, cười mà cười vì lẽ oái oăm thời cái ý mắng cũng đã hơi thấy. Bốn câu đó như sợi tơ buông thướt tha không chạm đất, mưỡu đến như thế là hay! Vào bài hát làm ra nhời Trời, thật là mắng mà vẫn vui. Hai câu thơ dựng, tỏ ra Trời không tiện lẽ gả. một chữ “hãy” ở câu thứ 8, thấy rằng Trời tuy mắng nhưng vẫn còn có hy vọng. Phần cuối dùng điển Đông Phương Sóc nói đến chuyện “ăn trộm đào” thời lại tỏ ra rằng cái sự viết thư oái oăm như thế, kể thực có căn nguyên, và không phải người phàm tưởng đến vậy. Văn tuy lãng mạn mà tự có khuôn phép, nào phải khôi hài phóng phiếm ru!
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Phụng Hà ngày 25/06/2010 22:28
Trời mắng
Mưỡu:
Tình riêng ra ngẩn vào ngơ,
Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời.
Xem thơ, trời cũng nực cười,
Cười rằng hạ giới có người oái ăm.
Nói:
Khách hà nhân giả?
Cớ làm sao suồng sã dám đưa thơ.
Chốn thiên cung ai kén rễ bao giờ,
Chi những chuyện vẩn vơ mà giấy má.
Chức Nữ tảo tòng giai tế giá,
Hằng Nga bất nại bão phu miên.
Mở then mây quăng giả bức hồng tiên,
Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục.
Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc,
Ăn trộm đào, quen thói ngày xưa.
Trần gian đày mãi không chừa.