Ông sống ở nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (1862-1905), những năm đất nước đầy biến động. Ông được coi là một nhà thơ tài hoa đương thời. Hành trang của họ Chu có chút gì đó khác đời. Ông là con một nhà dòng dõi. Cha ông là Chu Đức Tĩnh, làm quan Ngự sử triều Tự Đức. Lớn lên, vốn thông minh dĩnh ngộ, ông được cha cho thụ học trường Nam Ngư, do cụ Phó Bảng Phạm Hi Lương ngồi dạy, vốn là trường có tiếng ở Hà Nội.

Năm 19 tuổi, Chu Mạnh Trinh lều chõng đi thi, và đỗ ngay tú tài. Sáu năm sau, khoa thi năm Bính Tuất (1886), ông đỗ đầu khoa thi Hương (Giải Nguyên)... Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1892), ông đậu tiến sĩ... Nhà Nguyễn thời kỳ này đã suy vi. Đất nước đã bị thực dân Pháp đô hộ. Vua chỉ là bù nhìn. Nguyễn Khuyến lui về ở ẩn, đã chua chát thở than:

Vua chèo còn chẳng ra gì
Quan chèo bôi nhọ khác chi thằng hề.
Thời Chu Mạnh Trinh làm quan, thuộc thời vua Đồng Khánh, một ông vua do Pháp dựng lên, sau một hồi biến động ở kinh thành Huế. Đất nước còn đang sôi sục với phong trào Cần Vương. ở quê ông, làng Phú Thị, huyện Đông Yên (nay thuộc Khoái Châu – Hưng Yên), lúc này đang có cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật tức Tán Thuật, chống lại quân Pháp, ngay tại đất đồng bằng...

Là con nhà nho nòi, cha ông đặt tên chữ là Cán Thần, hẳn mong ông là một bề tôi năng nổ, phò vua giúp nước. Ông còn một tên hiệu nữa là Trúc Vân, cái tên nghiêng về sự thanh cao, trốn đời, thích làm quan với thiên nhiên...

Thi cử như vậy thật là xuôn xẻ... Ba mươi tuổi đã là ông nghè, nổi tiếng hay chữ... Đường làm quan cũng hanh thông. Thường thì, xuất chính, đầu tiên chỉ được bổ tri huyện. Nhưng Chu Mạnh Trinh, được bổ ngay làm tri phủ Hà Nam. Sau đó thăng án sát Thái Nguyên, rồi chuyển sang làm án sát Hưng Yên... Ông là người nhập cuộc với thời thế, cũng thường bị thế nhân dị nghị... Làm quan ngay ở đất nóng, có cuộc khởi nghĩa Tán Thuận; có người cho rằng, ông cũng liên can đến chuyện xử án những người yêu nước, vì ông là quan án sát... Chuyện càng rầy rà, khi cha ông là Chu Đức Tĩnh, vốn là bạn cũ của viên quan khá đắc lực và được Pháp tin cậy là Hoàng Cao Khải... Nhưng cũng có người cho rằng, tuy làm quan án ở đất Bãi Sậy, nhưng ông cũng đã một, đôi lần, làm ngơ và tha chết cho một số nghĩa quân... Chu Mạnh Trinh là một người đa tài. Ngoài tài thơ, ông còn là một nhà kiến trúc. Ngôi đền Đa Hoà, quê ông, chính do ông thiết kế, và đứng ra vận động xây dựng, và chính ông cũng là người thiết kế chùa Thiên Trù (chùa Trò) ở khu danh thắng Hương Tích. Việc xây đền Tiên Dung – Chử Đồng Tử ở Đa Hoà, cũng khá tốn kém. Ông bổ theo xuất đinh mỗi người năm quan... Số tiền này không phải là nhỏ với các gia đình trung nông, huống hồ là những người nghèo khó ở làng... Và thế là, chính dân địa phương cũng không thích ông lắm... Rồi chuyện cuộc thi thơ Vịnh Kiều do Lê Hoan tổ chức ở Hưng Yên nữa. Giai thoại kể rằng trong bài vịnh Sở Khanh của ông có câu:
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Tổ bợm ai ngờ mắc phải tay.
Cụ Yên Đổ làm giám khảo, phê:
Rằng hay thì thật là hay
Nho đối với bợm lão này không ưa...
Bởi thế mà sau này Chu Mạnh Trinh, tết đến đã biếu quan Tam Nguyên một chậu trà, có ý chơi chua lại... Nhưng cụ Nguyễn Khuyến đâu phải là tay xoàng... Cụ đã viết bài Tạ người cho hoa trà cũng khá độc đáo, trong đó có câu:
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ?
Áo tía da mồi, bác đấy a?
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi cà...
Thế là họ Chu lại dính cả vào chuyện, ở trong làng thơ cũng không trọng già, không đàng hoàng... nhưng cũng có người cho rằng chuyện tặng hoa trà này là người ta suy diễn cho ông, thực ra cái tết Nguyễn Khuyến được tặng hoa trà (1905) thì ông đã bị bạo bệnh và mất (sách đã dẫn)...

Còn về thơ thì dù ai cũng chịu ông tài hoa, nhưng có nhà nghiên cứu lại xếp ông vào loại văn học thoát ly... nghĩa là ít có tác dụng tích cực cho đời. Ông chỉ được khen ở thơ vịnh Kiều: “ở một vài điểm, nhận thức này có tính chất hiện thực, tiến bộ, thoát ly quan niệm đạo đức phong kiến...” Nhà nghiên cứu còn cho rằng: “Thơ chữ Hán của ông không có gì xuất sắc”...

Hành trang thì thế, nhưng thơ Chu Mạnh Trinh quả thật tài hoa, có một bút pháp riêng. Đương thời, sự tài hoa của ông cũng từng được nhiều nhà thơ nổi tiếng công nhận. Thơ văn Chu Mạnh Trinh để lại không nhiều, có lẽ do thất lạc... Số bài thơ còn lại của họ Chu, đếm trên đầu ngón tay... Ông có cả một tập Trúc Vân thi tập; và tập thơ Vịnh Kiều (Thanh Tâm tài nhân thi tập)... gồm trên 20 bài... Vậy mà, ngoài tập Vịnh Kiều còn trọn vẹn (có lẽ do nhiều người thuộc) chỉ còn ba bài thơ chữ Hán. Bài thơ hát nói Hương Sơn phong cảnh và hai bài Hương Sơn nhật trìnhHương Sơn hành trình, thơ ông lưu lại cho đời hiện sưu tập được có thế. Đánh giá Chu Mạnh Trinh, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Dương Quảng Hàm viết: “Ông tỏ ra là một bậc tài tình phong nhã, lời thơ rất êm đềm bay bổng” (Việt Nam văn học sử yếu, trang 387)... Riêng về thơ chữ Hán, sưu tầm lại, chỉ còn ba bài, đều là những bài hay cả.

Bài Hàm Tử quan hoài cổ ca ngợi chiến công của Thượng tướng Trần Quang Khải, đời nhà Trần:
Bãi dài, sông bỗng cắt ngang
Cửa quan Hàm Tử luênh loang bóng chiều
Khói mờ, cây rậm, bờ xiêu
Lầu hoang, thu lạnh, mây theo gió về...
Khoá then, nhờ đất hiểm kia
Non sông muôn thuở khôn nhoà chiến công.
Ngang ngọn giáo, khúc ca hùng
Hiên ngang nhớ thuở vẫy vùng tướng xưa...
Thơ nói được cảnh sông nước bao la, hiểm trở, những câu tả cảnh, nguyên văn chữ Hán, thật hàm xúc: “Cổ mộc, yên thâm tàng khuyết ngạn. Hoang lâu thu, lãnh nạp quy vân”... Những câu này thơ Đường tưởng cũng chỉ viết được đến như thế! Ca ngợi thế đất, chiến công mà viết: “Lục châu toả thược tư thiên hiểm, Vạn cổ sơn hà thọ chiến luân” thì chỉ có ngọn bút tài hoa mới viết nổi:

Bài Quá Cổ Loa yết MỵChâu miếu đề bích (Đề thơ trên vách miếu Mỵ Châu), ông viết:
Tình chồng vốn nặng, nghĩa cha sâu
Oan tỏ cùng ai, hận mãi đau
Móng chẳng còn thiêng, rùa đã tếch,
Ngọc lưu vết lệ, bạng chìm sâu.
Bia tàn cổ thụ, này sông núi,
Bể biếc trời xanh, nọ mối sầu...
Ngoài điện An Dương, ngôi miếu lạnh
Trăng mờ, tiếng cuốc não canh thâu.
Thơ nói được sử, được tích chuyện, lại gieo được nỗi cảm thông sâu sắc với số phận của Mỵ Châu... Hai câu thơ: “Bia tàn cổ thụ, này sông núi, Bể biếc trời xanh, nọ mối sầu”, thì chất thơ vịnh sử đã rõ, mà sự truyền cảm thật mông lung...

Còn về bài thơ Bài ca về Ngưu Lang – Chức Nữ, ông lại viết theo lối Sở từ:
Sông phía tây (chừ) chàng tiễn thiếp
Sông phía đông (chừ) thiếp tiễn chàng.
Chàng lưu lại (chừ) buồn thấm dạ,
Thiếp rời chàng (chừ) lệ đẫm khăn.
Xa cách tình dài chàng chớ hận,
Bến nào thiếp đợi, lúc thu sang.
Trời dài đất rộng, sao cho thấu,
Đeo đẳng lâu dài giấc mộng xuân...
Khúc đoản ca về cuộc tình trái ngang bị trời đầy này, thật xao xác... ý tứ thâm trầm, ngẫm nghĩ lâu mới thấu được tầng ý nghĩa...

Có lẽ riêng một bài Hương sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh thôi, cũng đủ lưu truyền mãi đến các thế hệ sau này. Bởi lễ hội chùa Hương, ngày càng đông, hội ngày càng dài, qui mô càng tráng lệ... Mà thơ chùa Hương cũng có rất nhiều bài hay. Nhưng ai mà quên được “Bầu trời cảnh bụt, Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay” của Chu Mạnh Trinh. Một bài thơ mà từ ngày viết đến nay, có bao nhiêu người từ già chí trẻ từng thuộc lòng:
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chầy kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng,
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình
Đá nghĩ sắc long lanh như gấm dệt...
Thơ còn là một bài hát nói tài hoa, mà giới am hiểu yêu thích ca trù, không ai là không thích... Những giọng ca trù nổi tiếng đều chọn bài hát này trong những bài hát khoe tài, khoe giọng...

Nhưng với Chu Mạnh Trinh, về thơ có lẽ tập thơ Vịnh Kiều (Thanh Tâm tài nhân thi tập), có một giá trị đặc biệt...

Tập thơ đã được trao giải nhất về thơ Nôm. Những người dự cuộc thi thơ Vịnh Kiều này, đều là những bậc danh sĩ trong vùng. Người ta có thể kể tên những người có thơ dự thi như cử nhân Nguyễn Tấn Cảnh (tri huyện Hưng Yên), Nguyễn Tri Đạo (cử nhân, tri phủ Khoái Châu, Hưng Yên); Phan Thạch Sơ (Tú Tài, Hà Nội); Chu Thấp Hy (cử nhân, người làng Đào Xá, Kim Động, Hưng Yên); Nguyễn Kỳ Nam (cử nhân, Thanh Trì, Hà Nội); Đặng Đức Cường (cử nhân người làng Hành Thiện, Phủ Xuân Trường, Nam Định); Phan Mạnh Danh (nhà thơ, dịch giả); Tú Trà (Nam Sang, Hà Nam)...

Đề ra: Gồm Vịnh truyện Kim Vân Kiều (hoặc Vịnh Thanh Tâm tài nhân lục). Người dự thi phải làm.
1. Một bài tựa tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân (tức Kim Vân Kiều truyện) bằng chữ Hán, theo thể văn tứ lục.
2. Một bài tổng vịnh (đề từ)
3. 20 bài thơ đường luật, chữ Hán hoặc chữ Nôm, dựa theo 20 hồi trong Thanh Tâm tài nhân lục (Truyện Kiều).

Ban chấm thi gồm nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ và ông giải nguyên Hiệp Biện Đại học sĩ Dương Lâm và một số danh sĩ khác...

Tập thơ của Chu Mạnh Trinh được trao giải nhất về thơ nôm. Chu Thấp Hi được trao giải nhất về thơ chữ Hán... Nhưng, sau cuộc thi, nổi tiếng hơn cả và được truyền tụng là thơ vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh... Tài hoa của họ Chu, trút hết cả vào tập thơ Vịnh Kiều này... Chỉ riêng bài Tựa Truyện Kiều của họ Chu, sau này được Đoàn Tư Thuật chuyển dịch, đã là một bài văn tứ lục rất hay, bài tựa viết một hơi như trút hồn vía mình, nhập hồn vào nàng Thuý Kiều mà giãi bầy, mà thông cảm: “Giả sử ngay khi trước Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay. Quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng. Thì đâu đến nỗi, son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười. Mà chắc rằng, biên thuỳ một cõi nghênh ngang, ai xui được anh hùng cởi giáp!”

Thương Kiều như thể thương thân, đó chính là tình cảm của Chu Mạnh Trinh. Bởi thế bênh Kiều, nhận ra vẻ đẹp của nàng Kiều sau 15 năm luân lạc; biện bác lại những sự lên án Kiều của những nhà nho câu nệ, nghiêm khắc; không ai bằng Chu Mạnh Trinh: “... Chỉ vì một nỗi mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều. Trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi. Cũng có người bảo tại nước chảy mây trôi lỡ bước, nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường, chưa để con ong qua tới. Cho có muốn lưỡi dao liều với mạng, lại sợ thành cháy vạ lây. Tấm lòng này như tuyết như gương. Mối sầu nọ qua ngày qua tháng. Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì. Nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn vơ vẩn.”

Bênh Kiều trong bài tựa chưa đủ, họ Chu còn hơn một lần, đánh giá Thuý Kiều rất cao trong bài Tổng vịnh Truyện Kiều:
Công cha bao quản nài thân thiếp
Sự nước xui nên phụ với chàng
Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh,
Duyên may run rủi lưới Tiền Đường.
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu.
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng!
Hai mươi bài thơ trong tập thơ dự thi của họ Chu, từng bài tách ra đã hay, mà để ở trong tổng thể, thì là một công trình chuyển thể, từ tác phẩm văn xuôi dài dòng (nguyên tác đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm tài nhân) thường chỉ được về cốt truyện còn về văn chương, chữ nghĩa chưa thuyết phục lắm; thành một tập thơ thật có giá trị. Mỗi hồi lòng thòng của nguyên bản, được gói gọn trong một bài thơ Đường luật gồm có tám câu. So với Truyện Kiều của Nguyễn Du, gồm 3254 câu thơ lục bát, thì tác phẩm của họ Chu chỉ gồm 8x20=160 câu thơ thất ngôn Đường luật...

Từng bài thơ bám sát nội dung từng hồi, có tả đủ các nhân vật với những khắc hoạ sắc sảo.

Đây là cảnh Kiều đi thanh minh, gặp Kim Trọng:
Màu xuân ai khéo vẽ nên tranh
Nô nức đua nhau hội Đạp Thanh
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối;
Duyên may run rủi khách ba sinh,
Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng,
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình...
Đây là hình ảnh tên cò mồi Sở Khanh:
Làng nho người cũng coi ra vẻ
Tổ bợm ai ngờ mắc phải tay
Hai chữ tin hồng trao gác nguyệt
Một roi vó ký tếch đường mây.
Còn đây là những câu thơ họ Chu thay Kiều, khóc Từ Hải:
Trăm trận xông pha đèn trước gió,
Ngàn năm công nghiệp bọt ngoài sông...
Trần ai thương hại người xương trắng
Đất nước bơ vơ phận má hồng...
Nhưng những câu thơ họ Chu viết đến những hồi Kiều bán mình, Kiều dặn Vân thay lời, Kiều gặp Thúc Sinh, đều như từ đáy ruột vắt ra mà viết:
Thử xem tình, hiếu bắc đồng cân
Trăm thẳm ngàn sầu góp một thân
Bèo giạt mây trôi đành với phận
Đào thơ, liễu yếu ngán cho thân
(Kiều bán mình)
Ân nặng quản chi đành phận thiếp
Tình thâm âu sẽ chắp duyên em.
Nước non ngàn dặm đôi hàng lệ,
Tâm sự năm canh, một bóng đèn.
(Kiều dặn Vân thay lời)
Tài sắc thương thay cũng một đời
Lầu xanh lần lữa buổi hôm mai.
Dấu bèo đã chắc đâu là đất
Lòng Kiến may ra thấu đến trời
Chín khúc chưa nguôi cơn gió thảm.
Nghìn vàng đã chuốc chén hoa cười.
Bó tay nào biết là chàng Thúc
Cũng gớm gan cho thói bốc rời
(Kiều gặp Thúc Sinh)
Vậy là ngoài Kim Vân Kiều truyện, tác phẩm thiên tài bất hủ của Nguyễn Du, còn có Thanh Tâm tài nhân thi tập của họ Chu.

Họ Chu viết về Kiều thật hết lòng. Có lẽ ông cũng có tâm sự riêng, muốn gửi gấm vào tập thơ này... Nhưng, điều mà họ Chu dồn hết tâm sức trong tập thơ này, chính là ông tôn vinh một vẻ đẹp tự nhiên, trời phú, ông thông cảm với kiếp tài hoa bạc mệnh, và ông cũng lên tiếng bảo vệ những nét đẹp tinh thần ẩn sau cuộc đời chìm nổi “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” của Thuý Kiều...

Thơ của Chu Mạnh Trinh có bản sắc riêng trong cấu tứ, trong tài hoa thiên phú, và trong học vấn tích luỹ được cả trong một đời hiến dâng cho thi ca... Thơ họ Chu có một vẻ đẹp riêng không lẫn với ai cả.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại