Với tâm hồn nghệ sĩ, thơ Mặc Trai Đinh Nho Hoàn mang đậm tính nhân văn, thể hiện ở tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước và đặc biệt, ông luôn nhắc đến lòng trung hiếu. Tập thơ chữ Hán Mặc Ông sứ tập, được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2009 với tên gọi Măc Trai sứ tập đã thể hiện rõ điều đó. Đi đến đâu ông cũng hoà mình vào thiên nhiên. Trong thơ Đinh Nho Hoàn, núi sông, cây cỏ cũng có hồn. Mỗi nơi đi qua, ông đều để lại các bài thơ với những nét chấm phá sắc sảo tài tình, tả cảnh, tả người, bình phẩm, cảm nghĩ về danh lam thắng cảnh, di tích văn hoá, nhân vật lịch sử và truyền thuyết, ghi lại nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đàm đạo, ngâm vịnh, xướng hoạ với những người bạn, các vị khách, các quan chức đón tiếp dọc đường đi sứ. Thơ ông triết lí sâu sắc, nhưng không khô khan, giàu hình ảnh, có nhiều câu rất sinh động. Chỉ xin dẫn ra đây một vài ví dụ, như ông đã viết hai câu thực để tả núi Quân Sơn gồm 12 ngọn giữa hồ Động Đình trong bài Đề Quân Sơn, xin tạm dịch như sau:
Một tá non xanh đầu mĩ nữ
Ba ngàn trúc đỏ ngọc lang can.
Khi ngắm núi Quân Sơn vào sáng sớm, Mặc Trai đã viết hai câu kết trong bài Quân Sơn hiểu vọng:
Ngọc bích long lanh, tiên nữ tắm
Nõn nà xiêm áo mới cài xong.
Hay câu kết trong bài Quá Vu Hồ huyện, đề Vọng Phu ky, khi miêu tả hòn đá Vọng Phu ở huyện Vu Hồ sau cơn mưa, nhà thơ đã ví von thật sinh động:
Mấy làn cỏ rạp đọng sương
Thành bao ngấn nước như hàng thư ai.
Trong bài viết này tôi xin không đi sâu vào phân tích các bài, các câu thơ mô tả một cách tài tình, mà trong thơ Mặc Trai có khá nhiều bài, nhiều câu như vậy. Tôi muốn nói đến tính nhân văn trong thơ ông, thể hiện ở lòng trung hiếu, tình yêu quê hương đất nước, nghĩ đến dân, lòng thương xót những người nghèo khó, lam lũ.

Lòng hiếu trung, tình yêu đất nước, nỗi nhớ quê nhà canh cánh luôn được nhắc đi nhắc lại trong thơ Mặc Ông.

Bài Quá Ô Man tư quốc cảm tác có hai câu kết:
Trung hiếu một lòng tăng sức khoẻ
Cổng thành vang nhạc, sứ về triều.
Đó cũng là nỗi khát khao, mong mỏi của Đinh Nho Hoàn trong suốt chặng đường đi.

Ngay khi mới rời bến Nhị Hà lên đường chuẩn bị sang đất khách quê người, ông đã tưởng nghĩ đến ngày trở về trong bài Độ Nhị Hà khiển đề. Xin tạm dịch hai câu kết của bài thơ đó như sau:
Ngày về dương cột buồm hoa thắm
Thăm lại bến bờ, thoả ước mong.
Thuyền sứ đã rời xa bến Nhị Hà, ông lại thoáng nhớ đến từng cây thị, cây dâu thân thuộc ở quê nhà qua câu thơ sau đây trong bài Hồi tưởng độ Nhị Hà nhật, nhân tác:
Làng xóm thị dâu còn thấp thoáng.
Đến Lạng Sơn, lòng ông vẫn hướng về kinh đô Thăng Long:
Tha hương lòng dạ hướng Tràng An.
(Trong bài Quá Thành Đoàn).
Vâng mệnh vua đi sứ, nhưng đến cửa ải, tâm trạng nặng nề của ông được thể hiện trong bài Quá quan thượng:
Thế thời lúc dễ lúc gian nan
Vâng mệnh mang thư chẳng dám than
Suốt cả đời người bao cực nhọc
Ngày qua cửa ải thật chuyên truân.
Bài Quá Thái Bình thành có câu:
Trời Nam xa thẳm, chiều chim liệng.
Bài Mộ bạc Tương Tư châu, nhân cảm đề có những câu luận và kết với hình ảnh ví von độc đáo và tâm tư nhớ quê nhà sâu lắng:
Trong khói cây như ria mép rậm
Ngoài tầm nhạn vắng bức thư xa
Măng ngon suối ngọt quê xanh thắm
Nhớ núi Tiều Sơn, nhớ mái nhà.
Xa nhà, xa Tổ quốc, lúc nào ông cũng nghĩ đến dân, đến quê hương đất nước. Bài Đề Bình Lạc Ấn Sơn đình có hai câu kết:
Đâu phải lên lầu do thích thú
Mà vì chạnh nghĩ đến dân mình.
Tuy là một nhà nho phong kiến, nhưng Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn luôn thông cảm với người lao động nghèo khó, nông dân vất vả, thương người vú già lưng còng v.v... Ông cho rằng, người làm quan muốn yên dân, cai quản được dân thì phải biết lo nghĩ cho dân. Trong bài Quá Quý huyện, ông viết:
Dưới bóng cam đường nghĩ tới dân.
Với hai câu kết trong bài Quá Ngô Châu thành, nhà thơ tỏ ra bất bình trước cảnh bất công trong xã hội:
Bạc vàng nha phủ đầy tràn
Mồ hôi chưa ráo đồng làng xóm quê.
Trong bài Quá Hán Dương đề Hán Khẩu phố, ông nêu lên tình trạng phân chia giàu nghèo và thương xót người nông dân một nắng hai sương:
Mấy lần cạn chén táo tiên
Nhà giàu ăn trốc ngồi trên ngất trời
Nông dân cũng một kiếp người
Nghèo nàn đói rét nào ai thương cùng.
Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn trân trọng cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, lên án thói tham nhũng, hối lộ. Điều đó thể hiện trong bài Quá Tương Đàm kinh Bao Da miếu đề:
Đá vạn thu cười dưới đáy sông
Tham quan chớ dại gặp Bao Công.
Cháu con đừng trách không vườn đất
Y, Phó có đâu lắm ruộng đồng.
Ông đem tấm gương của những vị đại thần nổi tiếng liêm khiết bên Trung Hoa là Y Doãn, Phó Duyệt để giáo dục các thế hệ mai sau và răn dạy những người làm quan.

Đinh Nho Hoàn là một người con có hiếu. Ba tuổi mồ côi mẹ. Ngày dỗ mẹ (17 tháng 7) ông lại đang lênh đênh trên đường, chỉ biết khóc mẹ qua bài thơ Thất nguyệt thất thập nhật ngộ mẫu thân kị nhật cảm tác:
Mẹ mất lên ba thật đáng thương
Sáng nay kính nhớ, vẫn trên đường
Xa nhà vái vọng không li rượu
Bên cửa khóc tàn một nén hương
Đầu ngựa mây nhoà, quê khuất nẻo
Vạt tà lệ đẫm, cảnh thê lương
“Lục Nga” ngâm hết chừng trong mộng
Chữ hiếu cùng trung vạn dặm trường.
Ngay khi mới lên đường, chưa qua biên giới, với tình cha con, ông đã có hai bài thơ cùng nhan đề Ức Trung dũng Thiếu phó Đặng tôn đài hồi thi trình thượng để trình lên Đặng Thiếu phó. Đồng thời, ông cũng viết bài Ức nhũ mẫu kí dữ đồng niên Thái bộc tôn đài gửi bạn đồng niên, bày tỏ tấm lòng của mình đối với người vú nuôi. Với những câu đề và kết sau đây, nhà thơ đã nhớ đến vú già:
Vú nuôi tóc bạc tấm lưng còng
Đằng đẵng xa quê những tháng ròng
......
Nào sánh chim con nuôi mẹ được
Tử Dư, thán phục để trong lòng.
Mặc Trai nhắc đến Tử Dư, một người nổi tiếng có hiếu với mẹ, như là tấm gương sáng để noi theo.

Trong bài thứ nhất trình Đặng Thiếu phó, ông đã viết những câu thơ:
Non cao vời vợi nghĩa cha con
Nguyên Đán, Phi Khanh tựa Đẩu, Sơn
......
Đợi lúc trở về cùng dạo bước
Ngồi hầu bên chén rượu chờ mong.
Bất kể ở đâu, lúc nào, lòng ông luôn canh cánh mong ngày bình yên trở về.

Bài Quá Ô Man than đã có câu:
Uy vũ đất trời còn đó cả
Sứ xin mạnh khoẻ trở về nhà.
Trớ trêu thay, điều đó không đến với Mặc Trai. Ông đã mất nơi đất khách quê người, trên đường đi sứ nhà Thanh.
Lòng hiếu thảo của Đinh Nho Hoàn luôn được gắn liền với trung quân. Câu kết bài nhớ ngày dỗ mẹ cũng nói lên điều đó:
Trung quân cha mẹ được vinh quang.
Khi thuyền sứ đỗ lại Nam Ninh, ông đã làm những bài thơ bày tỏ nỗi lòng mình, trong đó có câu:
Trộm ngẫm sinh ra trong vũ trụ
Phải làm con hiếu với tôi trung.
Ban đêm đỗ thuyền bên bến sông, nghe tiếng gà gáy, tâm tư của ông vẫn là:
Hiếu trung phận sự mãi trong đời. (Bài Bạc Đông tân dịch dạ văn thôn kê, tự cảm).
Ngay trong hai bài đầu tiên của Mặc Trai sứ tập, nhà thơ đã nhấn mạnh đến trung hiếu. Sau đây là hai bài thơ đó:

Độ Nhị Hà khiển đề

Thuyền lướt như đè lạnh cuối đông
Rời đình, tan tiệc, vượt sang sông
Hương trời lan rộng muôn trùng ngát
Lụa nước trải dài chục dặm trong
Thoát hiểm, chống chèo từng thử thách
Vượt nguy, trung hiếu giữ bền lòng
Ngày về dương cột buồm hoa thắm
Thăm lại bến bờ, thoả ước mong.
Khi qua trạm Lã Côi, ông viết bài Quá Lã Côi trạm, nhắc đến những buổi cùng các quan tuỳ tùng theo vua tuần thú, ngâm vịnh, tỏ lòng nhớ vua:
Lạnh se, đỉnh núi hắt tia trời
Lính trạm báo dừng tại Lã Côi
Cờ xí hồng tươi, ca nhạc rộn
Buồm thuyền trắng xoá, ánh trăng soi
Áo vàng sư cụ rong từng bước
Miếu cổ chim đàn hót mọi nơi
Nhớ lúc phò vua tuần khắp chốn
Lời thơ trau chuốt vịnh thiên thời.
Thuyền đến Ngô Châu vào Tết Đoan Ngọ, ông đã làm thơ giãi bày tâm tư:
Song ngũ kết cỏ linh bồ
Thành thuyền thả nổi để cho trôi dòng
Sách, gươm hùng tráng tâm hồn
Ngày ngọ năm ngọ khuyết cung vào chầu
Hôm nay thuyền đến Ngô Châu
Thương dân yêu nước quạt nào rời xa
Đất khách không cửa không nhà
Xa xôi biết dán lá bùa vào đâu?
Lòng thành nghĩa chính chí cao
Gọi gà nướng lưỡi vái chào quê hương.
Nhân ngày sinh của vua (19 tháng 5), ông viết hai bài chúc thọ, trong đó có những câu:
Trung quân trăng chiếu dặm ngàn
Nhớ vua nhớ nước muôn vàn chờ mong.
“Trung quân ái quốc”, trung thành với vua là yêu nước. Cũng như bao nhà nho khác thời bấy giờ, Đinh Nho Hoàn đã thể hiện lòng yêu nước của mình như vậy, nhất là trong hoàn cảnh chu du trên đất nước người.

TS Đinh Nho Hồng