Cả đời tôi chưa bao giờ thuộc bài thơ
Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Nhưng tôi biết bài thơ ấy rất sớm, có lẽ từ thuở tôi chưa biết đọc, hoặc ít ra chưa biết đọc thơ. Tôi sống một thời thơ ấu chịu ảnh hưởng hoàn toàn của các anh chị tôi, hai chị và hai anh lớn, họ ca hát bài gì thì tôi lặp lại đúng bài đó, họ ngâm nga bài thơ nào thì tôi nhớ lõm bõm mấy câu của bài đó. Bây giờ kiểm điểm lại, về các bài hát tôi nhớ nhiều, gần như trọn vẹn ca điệu và ca từ của mỗi bài, còn thơ chỉ thuộc đây đó một số câu. Lớn lên đi học, tôi có thuộc một số bài thơ, phần nhiều trong chương trình học. Khi gặp và đọc lại
Màu thời gian, tôi mừng như gặp một cố nhân mà mình đã có phần quen biết từ lâu rồi, và thấy đó là bài thơ lạ, hay, biết tác giả của nó là Đoàn Phú Tứ, nhưng sau đó cũng chỉ nhớ một số câu mà mình đã nghe quen từ thuở còn bé.
Gần đây chắc do một cơn hoài cổ, một người bạn của tôi đột nhiên gửi bài thơ
Màu thời gian cho tôi và một số bạn khác qua email. Do thấy một số chữ hơi lạ so với những gì mình nhớ, tôi giở cuốn
Thi nhân Việt Nam (TNVN) của Hoài Thanh-Hoài Chân ra coi lại.
Tôi khám phá ra vài chỗ khác biệt với trí nhớ của tôi. Theo tôi nhớ thì: Duyên trăm năm
đứt đoạn (chứ không phải
dứt đoạn), Tình một thủa còn
vương (thay vì
hương). Tôi nhớ sai chăng? Chắc là không, từ nhỏ tôi nghe thế nào bây giờ tôi nhớ y như thế. Tôi đã nghe người lớn đọc hay ngâm nga bài thơ này vào thời gian nào? Có lẽ vào khoảng giữa đến cuối thập niên 1940, lúc tôi trên dưới mười tuổi.
Tôi phân vân. Cuốn
Thi nhân Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1942, chỉ độ năm bảy năm trước khi tôi nghe và nhớ được mấy câu trên. Có thể nào bản in trong
TNVN đã bị sai? Còn có thể tìm bản nào khác không? Tôi đọc lại bài thơ thì thấy cuối bài trong
TNVN có ghi hai chữ
Ngày nay trong ngoặc đơn, và đọc phần viết về Đoàn Phú Tứ của Hoài Thanh có câu: “Viết văn từ năm 1925, lúc còn học lớp nhất. Những bài văn đầu tiên là những bài từ khúc đăng báo
Đông pháp. Sau này thỉnh thoảng viết giúp
Phong hoá,
Ngày nay.”
Và tôi nghĩ chắc bài
Màu thời gian đã được đăng lần đầu trên báo
Ngày nay. Nếu tìm được bài ấy trên báo
Ngày nay thì có thể đó là bản gốc xưa nhất để có thể so sánh với những sai lệch về sau. Và tôi đã bỏ ra cả một buổi chiều vào Thư viện của báo Người Việt Online, bắt đầu xem từng số
Ngày nay từ đầu năm 1938 trở đi, tôi đoán chừng bài thơ chỉ được sáng tác vào thời gian đó trở về sau.
Ngày nay là một tờ tuần báo, một năm có 52 số, nếu xem những tờ báo giấy được in cách đây ngót 80 năm thì hẳn phải gượng nhẹ từng tờ, sẽ mất nhiều thời giờ lắm. Nhưng báo
Ngày nay trên Thư viện Người Việt Online là báo dạng điện tử, đã được “số hoá” (digitalized), tức chụp hình từng trang, nên việc tìm kiếm rất nhanh và dễ dàng. Tới mỗi số, tôi cứ bấm để lật từng tờ, nhìn thấy bài thơ nào cũng dừng lại xem có phải
Màu thời gian không, rồi lại đi tiếp. Thì ra báo
Ngày nay thời đó ít đăng thơ lắm, mỗi số chỉ có một bài trong mục thơ trào phúng của Tú Mỡ, và thêm một bài khác, thường là của Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, Thế Lữ...
Người xưa nói có tìm thì có thấy, với điều kiện phải... kiên nhẫn. Tôi đã đi hết một năm 1938, rồi 1939, hơn 100 số báo mà vẫn chưa thấy gì, bắt đầu thấy hơi nản chí rồi. Nhưng tôi bỗng tự khuyến khích mình: năm 1940 là năm rất hấp dẫn, vì mở đầu một thập niên mới. Thử đi hết năm này nữa, nếu không có thì thôi, nghỉ chơi. Hương hay Vương thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới, tôi nhớ lại câu thường nói đùa thời thập niên 1960 tại miền Nam. Tôi bắt đầu đi vào những số đầu của năm 1940: 195, 196 rồi 197 đề ngày 20 Janvier 1940, vẫn chưa thấy gì. Tôi bấm số kế tiếp, bỗng hiện ra một bức tranh bìa tuyệt đẹp, vẽ ba cô gái mặc áo dài màu sắc lộng lẫy ký tên Tô Ngọc Vân, với những chữ: “NGÀY NAY Số Tết 1940”.
Tôi cảm thấy hồi hộp với linh cảm là mình đang đến đích. Vội bấm vào các trang trong, bỗng một trang đầy các bài thơ hiện ra, tôi lướt nhanh, từ bên trái qua:
Hồn xuân của Huy Cận,
Rạo rực của Xuân Diệu, và đây rồi
Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ! Thở phào. Ngay dưới bài
Màu thời gian còn có một bài nữa có cái tên hơi lạ Ma Tuý, nửa viết tay nửa xếp chữ của Thế Lữ. Như vậy trong một trang thơ của số Tết năm 1940 của báo
Ngày nay đã hiện diện bốn tên tuổi có thể nói là rất lớn trong nền thi ca cận đại Việt Nam.
Tôi vừa làm một cuộc du hành về quá khứ, đi tìm một cái cột mốc không biết đích xác ở đâu trên con đường thăm thẳm, rồi bỗng nhiên tìm thấy, như một việc không khó quá mà cũng không dễ quá. Một việc bây giờ có vẻ bình thường, có vẻ tất nhiên nữa, có tìm thì sẽ thấy.
Việc đầu tiên là tôi đọc vội bốn câu cuối của bài thơ: nó giống y chang như trong
TNVN, vì bài trong sách ấy đã được chép ra từ nơi này, trong đó hai câu này là “dị bản” đối với trí nhớ của tôi:
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thủa còn hương
Tôi cảm thấy yên tâm về mặt tài liệu rồi, vì đã tìm tới bản gốc xưa nhất của bài
Màu thời gian. Nhưng thắc mắc của tôi vẫn chưa được giải quyết, nếu không nói còn tăng thêm: những chữ
đứt đoạn và
còn vương mà tôi nhớ, đã từ đâu mà ra?
Ở đâu mà ra thì tôi chịu, không thể biết được. Tôi chỉ biết, gần như cùng thời với bài
Màu thời gian xuất hiện trên báo và trong sách (gần đây tôi mới biết thêm cũng vào năm 1942 tức là năm cuốn
TNVN xuất bản lần đầu, bài
Màu thời gian đã xuất hiện trên
Xuân thu nhã tập), thì nền văn học truyền miệng đã truyền với nhau các chữ
đứt đoạn và
còn vương. Và có vẻ lối truyền khẩu này có ảnh hưởng trong quần chúng nhiều hơn cả các bản in trên sách báo, cho đến nỗi tôi, một cậu bé mười tuổi thời ấy, chỉ chuyên hóng chuyện của người lớn, vẫn còn nhớ cho tới ngày nay.
Chiều Chủ Nhật tuần trước 25 tháng 6, tôi đến dự đám giỗ nhà văn Nguyễn Mộng Giác tại nhà của anh ở Westminster, Nam California. Từ nhiều chục năm qua nơi đây vẫn là nơi hội họp của anh em văn nghệ, nhờ nhà cửa và lòng người đều rộng rãi thoáng đãng, vả lại nhà anh Giác cũng là trụ sở của tạp chí Văn Học. Như thường lệ, năm nay tôi cũng được gặp nhiều nhà văn nhà thơ đến ăn giỗ như tôi, và tôi hào hứng thực hiện một cuộc thăm dò văn học: “Chắc anh/chị còn nhớ bài
Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ? Anh/chị nhớ câu ‘Duyên trăm năm...’ như thế nào?” (tôi cố tình chỉ mớm ba chữ thôi). Tất cả những người được tôi hỏi, ở các lứa tuổi khác nhau, nếu nhớ đều trả lời giống nhau: “Thì Duyên trăm năm đứt đoạn, Tình một thủa còn vương.”
Lúc đó tôi “ngộ” ra ngay một điều: về sự lưu truyền bài
Màu thời gian, có hai dòng văn học đi song song nhau, một là văn học sách báo với ‘dứt đoạn’ và ‘còn hương’; và một nền văn học truyền miệng, với ‘đứt đoạn’ và ‘còn vương’. Dứt khoát chia làm hai, cái phi chính thống là truyền miệng nhất định không chịu phục tùng chính thống. Và trong cuộc “điều tra” của tôi - với sự chứng kiến của vong linh anh Nguyễn Mộng Giác, tôi tin như thế -- tất cả mọi người đều nhớ giống nhau không một ngoại lệ nào. Ngay ông bạn Ngự Thuyết của tôi, một người có rất nhiều sách vở và chăm đọc sách, đã trả lời tôi một cách dứt khoát: “Còn vương, còn vương chứ. Nhà tôi có cuốn
Thi nhân Việt Nam in năm 1942, tôi lầm thế nào được.” Nhưng anh đã lầm, khuya hôm đó anh đã e-mail cho tôi: “Tôi đã xem lại sách, Đúng là còn hương anh ạ.” Nhưng trước đó trong buổi chiều, anh Ngự Thuyết đã lý luận với tôi: “Tôi nghĩ còn vương mới đúng. Anh xem, cả bài thơ chỉ có hai câu đó là đối nhau, và đối rất hay.
Duyên trăm năm đối với
Tình một thủa, hay quá, phải không.
Dứt đoạn thì phải đối với
còn vương, vì
dứt đoạn là rời ra, trong khi
còn vương là vướng víu giữ lại. Đối thế mới là chỉnh là hay, chứ
còn hương, chữ
hương là danh từ, làm sao đối với
dứt đoạn là động từ được?” Tôi phải chịu phân tích của anh Ngự Thuyết thật là tinh tế.
Trong khi đó, cũng trong buổi chiều Chủ nhật ấy, nhà văn Trúc Chi sau khi nghe tôi đọc câu
Tình một thủa còn hương thì thoạt đầu ngạc nhiên: Từ hồi nào đến nay tôi vẫn nghe “còn vương” mà! Nhưng ngẫm nghĩ một lát, anh Trúc Chi gật gù: “Nhưng chữ
còn hương hay thực anh ạ. Một mối tình đã qua nay còn thoảng lại mùi hương, hay quá!” Tôi lại phục cách thưởng thức của anh Trúc Chi.
Còn một người bạn nữa, thi sĩ Trần Mộng Tú, đang ở mãi trên vùng Tây Bắc nước Mỹ không đến dự lễ giỗ anh Nguyễn Mộng Giác được, khi nghe chuyện này đã gửi email góp ý như sau: “Khi một bài thơ hay bài hát ra đời đến tay độc giả, ca sĩ, thì hình như nó không còn là của riêng tác giả nữa. Độc giả có thể đọc sai một chữ theo ý mình, ca sĩ có thể hát sai một chữ theo sự hiểu của mình. Người ta đọc sai rất hồn nhiên, không một ẩn ý cố tình thay đổi. Năm này sang tháng khác, bản chính không còn cái gốc nguyên thuỷ nữa.”
*
Nhưng những câu chuyện của ngày Chủ nhật ấy chưa hết. Tối đó về nhà tôi báo cáo mọi chuyện với người bạn hoài cổ đã gửi cho tôi bài
Màu thời gian để tôi phải vất vả suốt mấy ngày điều tra sự khác biệt giữ văn bản và lời truyền khẩu, thì cô bạn ấy, với sự nhạy bén của phụ nữ, đã gửi ngay cho tôi đường link để vào YouTube nghe Thái Thanh hát bản
Màu thời gian do Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc năm 1942 và cũng đã đăng trong
Xuân Thu nhã tập cùng một lần với bài thơ
Màu thời gian. Chao ôi, người phổ nhạc cũng như người hát đều quá tinh tế và tài hoa để vẽ lại một cái màu không bao giờ có thực, nhưng người thưởng thức thì đắm mình trong cái hương thanh thanh và màu tím ngát tưởng tượng ấy, và lạ lùng thay trong khoảnh khắc mất ý niệm hiện tại, hương ấy, màu ấy lại là những điều có thực nhất trong tâm tưởng lãng đãng của tôi. Thái Thanh khi hát vẫn có lối phát âm rõ từng chữ, tôi lắng nghe, không lầm được... “duyên trăm năm đứt đoạn... tình một thủa còn vương...” và tôi bừng tỉnh: phải tìm cho được bản nhạc
Màu thời gian của Nguyễn Xuân Khoát để xem vào thời 1942 ấy ông đã sử dụng các câu ấy thế nào.
Người bạn của tôi đã giúp tôi không mấy khó khăn, vì Google là thế giới của cô ấy, tôi nghĩ Tôn Ngộ Không ngày xưa biết đằng vân đi núi này đảo nọ cũng không thể nhanh bằng bạn tôi đi kiếm tài liệu giúp tôi. Tôi đã có ngay
Màu thời gian bằng nốt nhạc và lời ca sau một cái bấm nút để in ra: phần lời không khác các bản của
Ngày nay và TNVN. Chỉ có Thái Thanh hát theo bản truyền khẩu.
Rồi tiếp theo, tôi còn được “bonus” thêm bản nhạc Phạm Duy phổ
Màu thời gian do Thái Hiền hát, vẫn là đứt đoạn và còn vương như dì Thái Thanh của mình đã hát hồi trước 1975. Chỉ có, trên bản nhạc in ra, tôi thấy Phạm Duy đã dùng đúng chữ của truyền khẩu là
đứt đoạn và
còn vương. Đây là văn bản duy nhất viết giống như lời truyền khẩu, nhưng được viết về sau này, khi cái truyền khẩu đã lấn át hẳn các bản in cách xa đã bảy tám thập niên.
Về hiện tượng “sai một ly đi một dặm này” ông bạn thi sĩ Đỗ Quý Toàn kể tôi nghe câu chuyện Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin năm 1924 tại
Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc), nhưng rất nhiều sách báo Việt Nam cứ viết lầm là
Sa Điện. Nguyên do? Chỉ vì khi đăng tin đó trong thời gian sự kiện xảy ra, một tờ báo Việt Nam đã viết lầm là
Sa Điện, sau đó, bao nhiêu sách báo của bao nhiêu thế hệ sau cứ thế viết là
Sa Điện.
*
Kể ra những điều trên đây, tôi chỉ muốn trình bày lại một hiện tượng khó hiểu từ một bài thơ nổi tiếng của văn học cận đại Việt Nam. Ngay trong thời gian mới ra đời, nó đã bị sửa chữa, chỉ mấy chữ thôi, nhưng rồi cả xã hội, ngay cả những người quan tâm đến văn học, đều theo các sửa chữa “khuyết danh” đó. Hẳn nhiên tác giả biết điều đó, nhưng có vẻ không có phản ứng gì. Tại sao? Tại chỗ sửa hay hơn? Tác giả có phần đồng ý với nó? Hoặc đành buông xuôi khi xã hội có sự chọn lựa riêng của nó? Chỉ biết là từ đó đến nay, “dị bản” đã âm thầm trở thành “chính bản”, quần chúng (vô danh và hữu danh) ai cũng dùng cái bản văn không chính thức đó. Gần tám mươi năm đã qua. Làm sao giải thích điều này?
Little Saigon ngày 3 tháng 7, 2015
Phạm Xuân Đại