Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Đoàn Phú Tứ
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Vanachi ngày 18/03/2016 17:40
Có 1 người thích
Cả đời tôi chưa bao giờ thuộc bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Nhưng tôi biết bài thơ ấy rất sớm, có lẽ từ thuở tôi chưa biết đọc, hoặc ít ra chưa biết đọc thơ. Tôi sống một thời thơ ấu chịu ảnh hưởng hoàn toàn của các anh chị tôi, hai chị và hai anh lớn, họ ca hát bài gì thì tôi lặp lại đúng bài đó, họ ngâm nga bài thơ nào thì tôi nhớ lõm bõm mấy câu của bài đó. Bây giờ kiểm điểm lại, về các bài hát tôi nhớ nhiều, gần như trọn vẹn ca điệu và ca từ của mỗi bài, còn thơ chỉ thuộc đây đó một số câu. Lớn lên đi học, tôi có thuộc một số bài thơ, phần nhiều trong chương trình học. Khi gặp và đọc lại Màu thời gian, tôi mừng như gặp một cố nhân mà mình đã có phần quen biết từ lâu rồi, và thấy đó là bài thơ lạ, hay, biết tác giả của nó là Đoàn Phú Tứ, nhưng sau đó cũng chỉ nhớ một số câu mà mình đã nghe quen từ thuở còn bé.
Gần đây chắc do một cơn hoài cổ, một người bạn của tôi đột nhiên gửi bài thơ Màu thời gian cho tôi và một số bạn khác qua email. Do thấy một số chữ hơi lạ so với những gì mình nhớ, tôi giở cuốn Thi nhân Việt Nam (TNVN) của Hoài Thanh-Hoài Chân ra coi lại.
Tôi khám phá ra vài chỗ khác biệt với trí nhớ của tôi. Theo tôi nhớ thì: Duyên trăm năm đứt đoạn (chứ không phải dứt đoạn), Tình một thủa còn vương (thay vì hương). Tôi nhớ sai chăng? Chắc là không, từ nhỏ tôi nghe thế nào bây giờ tôi nhớ y như thế. Tôi đã nghe người lớn đọc hay ngâm nga bài thơ này vào thời gian nào? Có lẽ vào khoảng giữa đến cuối thập niên 1940, lúc tôi trên dưới mười tuổi.
Tôi phân vân. Cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1942, chỉ độ năm bảy năm trước khi tôi nghe và nhớ được mấy câu trên. Có thể nào bản in trong TNVN đã bị sai? Còn có thể tìm bản nào khác không? Tôi đọc lại bài thơ thì thấy cuối bài trong TNVN có ghi hai chữ Ngày nay trong ngoặc đơn, và đọc phần viết về Đoàn Phú Tứ của Hoài Thanh có câu: “Viết văn từ năm 1925, lúc còn học lớp nhất. Những bài văn đầu tiên là những bài từ khúc đăng báo Đông pháp. Sau này thỉnh thoảng viết giúp Phong hoá, Ngày nay.”
Và tôi nghĩ chắc bài Màu thời gian đã được đăng lần đầu trên báo Ngày nay. Nếu tìm được bài ấy trên báo Ngày nay thì có thể đó là bản gốc xưa nhất để có thể so sánh với những sai lệch về sau. Và tôi đã bỏ ra cả một buổi chiều vào Thư viện của báo Người Việt Online, bắt đầu xem từng số Ngày nay từ đầu năm 1938 trở đi, tôi đoán chừng bài thơ chỉ được sáng tác vào thời gian đó trở về sau. Ngày nay là một tờ tuần báo, một năm có 52 số, nếu xem những tờ báo giấy được in cách đây ngót 80 năm thì hẳn phải gượng nhẹ từng tờ, sẽ mất nhiều thời giờ lắm. Nhưng báo Ngày nay trên Thư viện Người Việt Online là báo dạng điện tử, đã được “số hoá” (digitalized), tức chụp hình từng trang, nên việc tìm kiếm rất nhanh và dễ dàng. Tới mỗi số, tôi cứ bấm để lật từng tờ, nhìn thấy bài thơ nào cũng dừng lại xem có phải Màu thời gian không, rồi lại đi tiếp. Thì ra báo Ngày nay thời đó ít đăng thơ lắm, mỗi số chỉ có một bài trong mục thơ trào phúng của Tú Mỡ, và thêm một bài khác, thường là của Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, Thế Lữ...
Người xưa nói có tìm thì có thấy, với điều kiện phải... kiên nhẫn. Tôi đã đi hết một năm 1938, rồi 1939, hơn 100 số báo mà vẫn chưa thấy gì, bắt đầu thấy hơi nản chí rồi. Nhưng tôi bỗng tự khuyến khích mình: năm 1940 là năm rất hấp dẫn, vì mở đầu một thập niên mới. Thử đi hết năm này nữa, nếu không có thì thôi, nghỉ chơi. Hương hay Vương thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới, tôi nhớ lại câu thường nói đùa thời thập niên 1960 tại miền Nam. Tôi bắt đầu đi vào những số đầu của năm 1940: 195, 196 rồi 197 đề ngày 20 Janvier 1940, vẫn chưa thấy gì. Tôi bấm số kế tiếp, bỗng hiện ra một bức tranh bìa tuyệt đẹp, vẽ ba cô gái mặc áo dài màu sắc lộng lẫy ký tên Tô Ngọc Vân, với những chữ: “NGÀY NAY Số Tết 1940”.
Tôi cảm thấy hồi hộp với linh cảm là mình đang đến đích. Vội bấm vào các trang trong, bỗng một trang đầy các bài thơ hiện ra, tôi lướt nhanh, từ bên trái qua: Hồn xuân của Huy Cận, Rạo rực của Xuân Diệu, và đây rồi Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ! Thở phào. Ngay dưới bài Màu thời gian còn có một bài nữa có cái tên hơi lạ Ma Tuý, nửa viết tay nửa xếp chữ của Thế Lữ. Như vậy trong một trang thơ của số Tết năm 1940 của báo Ngày nay đã hiện diện bốn tên tuổi có thể nói là rất lớn trong nền thi ca cận đại Việt Nam.
Tôi vừa làm một cuộc du hành về quá khứ, đi tìm một cái cột mốc không biết đích xác ở đâu trên con đường thăm thẳm, rồi bỗng nhiên tìm thấy, như một việc không khó quá mà cũng không dễ quá. Một việc bây giờ có vẻ bình thường, có vẻ tất nhiên nữa, có tìm thì sẽ thấy.
Việc đầu tiên là tôi đọc vội bốn câu cuối của bài thơ: nó giống y chang như trong TNVN, vì bài trong sách ấy đã được chép ra từ nơi này, trong đó hai câu này là “dị bản” đối với trí nhớ của tôi:
Duyên trăm năm dứt đoạnTôi cảm thấy yên tâm về mặt tài liệu rồi, vì đã tìm tới bản gốc xưa nhất của bài Màu thời gian. Nhưng thắc mắc của tôi vẫn chưa được giải quyết, nếu không nói còn tăng thêm: những chữ đứt đoạn và còn vương mà tôi nhớ, đã từ đâu mà ra?
Tình một thủa còn hương
Gửi bởi Vanachi ngày 03/12/2005 21:42
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi ngày 18/09/2006 06:58
Có 1 người thích
Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngũ ngôn cổ phong, một lối thơ cũ mà thi nhân gần đây thường dùng. Bỗng chuyển sang thất ngôn; điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa, với những chữ "phụng quân vương" và những chữ lấy lại ở câu Kiều "tóc mây một món, dao vàng chia hai". Nhưng với hai câu thất ngôn ở câu dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ "thiếp phụ chàng" đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ lại trở lại ngũ ngôn với hương màu trên kia.
Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn, câu thơ đẹp vô cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ (Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có phổ bài thơ này vào đàn. Đoạn đầu bài nhạc đi rất mau rồi chậm dần. Đến đoạn thất ngôn nhạc lên giọng majestuoso. Cuối cùng còn thêm một đoạn láy lại âm điệu mấy câu đầu).
Trong thơ ta, có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế.
Gửi bởi Người tình không chân dung ngày 22/05/2009 09:46
Màu Thời Gian (1)
Đoàn Phú Tứ
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương (2) ấm thoảng xuân tình
*
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi (3)
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian (4)
*
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát (5)
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh (6)
*
Tóc mây một món chiếc dao vàng (7)
Nghìn trùng e lệ phụng (8) quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng (9)
*
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Mầu thời gian tím ngát (10)
("Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh & Hoài Chân)
Bài này đã được Phạm Duy và Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc với cùng tựa.
CHÚ:
(1) Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình.
(2) Hãy để ý cái âm điệu vương vấn của mấy chữ này
(3)Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua Hán Võ-đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần Phi thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng.
Ngàn xưa không lạnh nữa: Chuyện xưa đã hầu quên nay nhớ lại lòng thấy nôn nao.
(4) Thi nhân muốn nói dâng hồn mình cho người yêu. Song nói như thế sẽ sỗ sàng quá. Vả người thấy mình không có quyền nói thế, vì tình yêu ở đây chưa từng được san sẻ. Nên phải mượn cái hình ảnh "Trời mây phảng phất nhuốm thời gian" để chỉ hồn mình. Chữ "nhuốm" có vẻ nhẹ nhàng không nặng nề như chữ "nhuộm". Chữ "dâng" hơi kiểu cách.
(5) Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẫn với màu yêu.
(6) Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng.
(7) Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại vời nàng vào cung.
Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương.
Ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy.
(8) Chữ "phụng" rất kín đáo, chữ "dâng" sẽ quá xa vời, chữ "tặng" quá suồng sã.
(9) Ý nói: thà phụ lòng mong mỏi của chàng, còn hơn gặp chàng trong lúc dung nhan tiều tụy để di hận về sau.
(10) Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. "Tím ngắt" sẽ đau đớn quá.
Gửi bởi Bảo Huy ngày 09/11/2011 05:15
Có 1 người thích
Có một lỗi kỹ thuật nhỏ:
Lời bình:
"Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình"
là dành cho tiêu đề "Màu thời gian" của bài thơ chứ không phải là cho câu đầu "Sớm nay tiếng chim thanh".