Nguyễn Du được xếp vào hàng những cây bút lớn nhất của văn học Việt Nam trung đại. Tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy với thời lượng đáng kể ở cả Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Cùng với kiệt tác
Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du còn để lại ba tập thơ chữ Hán:
Thanh Hiên thi tập,
Nam trung tạp ngâm và
Bắc hành tạp lục. Các thi tập này không chỉ góp phần làm nên diện mạo thơ ca trung đại mà còn là nguồn tư liệu giúp chúng ta tìm hiểu thế giới nội tâm của chính tác giả. Vì vậy, tìm hiểu sáng tác chữ Hán của Nguyễn Du có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu và giảng dạy tác gia này.
Có thể nói, Nguyễn Du sáng tác thơ chữ Hán trước hết là để gửi gắm nỗi niềm riêng. Cho nên, số lượng bài thơ, câu thơ có tính chất tự thuật trong các thi tập của Nguyễn Du rất lớn. Chúng vượt xa một số tác giả cùng thời: 107 bài (chiếm đến 43%) - trong khi Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Thì Nhậm... chỉ có từ 7 đến 25 bài (trên dưới 10% tác phẩm). Bộc lộ tâm trạng đã trở thành một yếu tố đặc trưng cho thơ chữ Hán Nguyễn Du. Những vần thơ tự thuật không chỉ phản ánh cách Nguyễn Du hình dung về bản thân mình mà còn cho thấy quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của một nghệ sĩ lớn. Quá trình này tương ứng với những biến động trên đường đời của tác giả. Đây cũng là một qui luật của thơ ca thời trung đại. Chỉ có điều với Nguyễn Du, sự biến đổi ấy không phụ thuộc vào những thăng trầm trên đường hoạn lộ mà chủ yếu bắt nguồn từ những trải nghiệm nhân sinh.
1. Thanh Hiên thi tập và những bi kịch cá nhânĐây là tập thơ được sáng tác trong những năm tháng bi thương nhất của cuộc đời tác giả: Nơi non Hồng không còn nhà, anh em tan tác/ Cả hùng tâm lẫn sinh kế đều mờ mịt/ Đường dài, trời chiều, bạn mới ít... Nhu cầu tự bộc lộ mãnh liệt nên số lượng thơ tự thuật xuất hiện rất nhiều: 59 lần (76%). Thanh Hiên thi tập chủ yếu mang tính hướng nội và chất chứa buồn thương, u uất. Tâm trạng cô đơn, bế tắc được phản chiếu rất rõ nét qua hệ thống hình ảnh mà chúng tôi đã thống kê: 77 lần tả trạng thái cô độc, lẻ loi thì riêng tập thơ này đã chiếm 37 lần (48%); 45 lần tả mái đầu bạc thì ở đây là 23 lần (51%); 24 lần xuất hiện hình ảnh cùng đồ, tắc đồ thì ở đây là 15 lần (63%); 44 lần nói nỗi đau sống thừa thì Thanh Hiên thi tập đã chiếm đến 29 lần (66%). Hiện tượng ấy chứng tỏ cơn dâu bể của thời đại đã làm đổ vỡ mọi ước mơ, hi vọng, tước đoạt tất cả những điểm tựa tinh thần... khiến Nguyễn Du không thể không bàng hoàng, đau đớn. Vì những biến cố lịch sử dữ dội, nhà thơ luôn phải đối diện với những bi kịch cá nhân: gia đình tan tác, anh em chia lìa, tiền đồ bản thân mù mịt... Những mất mát, đổ vỡ liên tiếp, dồn dập ấy dội vào cuộc đời ông, làm nảy sinh trong tâm hồn bao nỗi buồn thương. Hiện lên trong các bài thơ tự thuật là hình ảnh một con người cô độc, mệt mỏi, u sầu. Nhà thơ như không dám tin tưởng vào điều gì ở phía trước, không tìm được cho mình chút hy vọng và niềm vui sống... Nhưng qua nỗi đau riêng của một tâm hồn lớn, ta vẫn thấy được nỗi đau chung của con người trong thời đại Nguyễn Du. Trái tim người nghệ sĩ ấy không chỉ tủi buồn cho thân phận của mình mà còn đau đớn trước những đổ vỡ, tan hoang của quê hương, đất nước:
Thập tải trần ai ám ngọc trừ,
Bách niên thành phủ bán hoang khư.
Yêu ma trùng điểu cao phi tận,
Trỉ uế càn khôn huyết chiến dư.
Tang tử binh tiền thiên lí lệ...
(Bát muộn)
(Bụi trần mười năm che tối thềm ngọc,
Thành phủ trăm năm một nửa thành gò hoang.
Những côn trùng, chim chóc nhỏ bé đều bay đi hết,
Đất trời nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến.
Giọt lệ nơi nghìn dặm khóc cho cuộc binh đao ở quê hương) (1).
Nguyễn Du chán chường, thất vọng đâu chỉ vì sự dở dang của cuộc đời ông mà còn vì bao ngang trái, bất công của một xã hội đang thời hỗn loạn: “Bốn bể gió bụi, lệ rơi vì tình nhà nợ nước” (
My trung mạn hứng), “Đêm tối sói hổ kiêu ngạo/ Trăng sáng chim hồng chim nhạn tản tác” (
Biệt Nguyễn đại lang)... Ông bàng hoàng, tiếc nuối không chỉ vì sự đổ vỡ của gia đình, của dòng họ mà còn vì cảnh thương hải tang điền của cuộc đời:
Nhất tự y thường vô mịch xứ,
Lưỡng đề yên thảo bất thăng bi.
Bách niên đa thiểu thương tâm sự,
Cận nhật Trường An đại dĩ phi.
(Giang đình hữu cảm)
(Từ khi áo xiêm không còn tìm đâu thấy,
Khói trên ngọn cỏ hai bờ sông khiến lòng khôn xiết bi thương.
Trăm năm của cuộc đời biết bao việc thương tâm,
Ngày gần đây Tràng An đã khác xưa nhiều)
Như vậy, bao trùm
Thanh Hiên thi tập là nỗi đau buồn của một con người bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời dâu bể. Tâm hồn Nguyễn Du chìm trong những bàng hoàng, day dứt, sầu muộn mênh mông. Song chính niềm thương thân ấy đã khơi nguồn cho sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về những mất mát, khổ đau của con người trong thời đại mình.
2. Nam trung tạp ngâm và nỗi thất vọng về chốn quan trườngSo với
Thanh Hiên thi tập, thơ tự thuật ở
Nam trung tạp ngâm tuy có giảm song vẫn chiếm số lượng khá lớn: 26 lần trên tổng số 40 bài thơ, chiếm 65% (ở Thanh Hiên thi tập là 59 bài chiếm 76%). Giờ đây, nhà thơ không còn chìm trong bế tắc, tuyệt vọng như trước. Song tác giả cũng chưa từng có được sự thanh thản khi bước chân vào chốn quan trường. Có đến 20 lần ông bày tỏ ước nguyện qui dư, qui cố hương (trên 45 lần của cả ba tập thơ chiếm 44%). Điều đó chứng tỏ Nguyễn Du luôn cảm thấy day dứt, ân hận, luôn bị giằng xé trong nhiều mâu thuẫn nội tâm. Dường như ông thấy mình đã chọn lầm đường- con đường mà càng dấn thân vào, con người càng mất dần đi thiên tính tốt đẹp: “Chiếc áo xanh đi khắp đường bụi hồng/ Con vượn, con hạc làm sao nhận ra được láng giềng cũ?” (
Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn). Điểm nhìn nghệ thuật của Nam trung tạp ngâm vẫn mang tính hướng nội song cảm nhận của nhà thơ về bản thân đã có nhiều đổi khác. Ông không còn phải khóc thương cho sự cùng đường, bế tắc của một con người lỡ thời, thất thế nhưng lại phải đau xót, tủi thẹn vì nguy cơ đánh mất mình. Thơ tự thuật của Nguyễn Du thời kỳ này chất chứa những mệt mỏi, chán chường, thất vọng. Ông thất vọng về mình - vì đã không giữ vẹn được tấm tình thuỷ chung với non xanh, với tùng cúc, hươu nai. Ông thất vọng về chốn quan trường - vì những tưởng khi nhập thế sẽ làm nên sự nghiệp, sẽ giúp ích cho đời nhưng cuối cùng cũng chỉ là kẻ bị trói buộc bởi năm đấu gạo. Ông giống như một người không muốn trôi theo dòng chảy kia nhưng chẳng thể nào thoát khỏi được vòng xoáy dữ dội của nó nên đành chấp nhận. Điều đau xót nhất là, khi bước chân vào nẻo thanh vân cũng là khi hoài bão, ước mơ dần nguội tắt.
Nhưng trong chính khoảng thời gian này, tác giả
Nam trung tạp ngâm bắt đầu có những nhận thức sâu sắc về bản chất xã hội đương thời. Đó không phải là nơi cho những con người có hùng tâm, tráng chí cất cánh bay cao. Người nghệ sĩ trong ông khi nhìn lại những biến động của thời đại đã không thể không đau đớn cho cuộc đời trong cảnh “Hán cướp Tần tranh”: Tạc giả đại khuy sinh vật đức (Trước kia đã thương tổn rất nhiều đến cái đức hiếu sinh của tạo hoá -
Pháo đài), Tam quân cựu bích phi hoàng diệp/ Bách chiến tàn hài ngoạ lục vu (Trên luỹ cũ ba quân lá vàng bay lả tả / Xương tàn trăm trận đánh vẫn nằm trong bãi cỏ xanh -
Độ Linh giang), Khoáng dã biến mai vô chủ cốt (Trên đồng ruộng khắp nơi vùi thân vô chủ -
Ngẫu đắc), Phong xuy cổ trủng phù vinh tận/ Nhật lạc bình sa cốt chiến cao (Gió thổi vào nấm mồ xưa, vinh hoa hư ảo tan hết/ Mặt trời tà trên bãi cát, đống xương chiến trận đã cao -
Ngẫu thư công quán bích)... Tâm sự của Nguyễn Du trong
Nam trung tạp ngâm đã không còn giới hạn trong những bất hạnh, đổ vỡ riêng tư mà phản chiếu cách nhìn nhận, đánh giá về bản chất của một xã hội trong chiều đi xuống.
3. Bắc hành tạp lục và niềm trăn trở trước số phận con ngườiHệ thống thơ tự thuật ở Bắc hành tạp lục cho ta thấy những biến đổi lớn trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du. Số lần tự thuật đã giảm đi rất nhiều so với hai tập thơ đầu: 132 bài thơ mà chỉ có 22 câu, đoạn tự thuật xen giữa các đề tài vịnh sử, vịnh cảnh (chiếm 16,7%). Đặc biệt, ở đây không có bài nào nhà thơ chỉ viết riêng về mình. Các hình ảnh thơ phản chiếu bi kịch trong tâm hồn ông cũng giảm đi đáng kể so với hai tập thơ đầu: bế tắc, tuyệt vọng chỉ còn 3 lần, đầu bạc 14 lần, mong về 11 lần. Còn lại, hầu hết là các bài thơ viết về con người và cuộc sống bên ngoài - tái hiện và bình luận vạn sự cổ kim. Tâm hồn Nguyễn Du giờ đây đã rộng mở để “đón nhận những vang động của đời”. Hình tượng “tự hoạ” trong Bắc hành tạp lục gắn liền với những biến đổi sâu sắc trong cái nhìn của nhà thơ khi đối diện với bản thân, với cuộc đời. Hiện lên dưới ngòi bút Nguyễn Du vẫn là người lữ khách mang nặng mối sầu tha hương song không nhuốm tủi hờn, đau đớn như ở
Thanh Hiên thi tập mà nghiêng về nỗi nhớ nhung da diết... Nhưng hành trình ấy còn mang đến cho Nguyễn Du một cơ hội quí giá để mở rộng tầm nhìn. Bao nhiêu kiến thức thu nhận từ sách vở và những số phận con người từng ám ảnh tâm hồn nhà thơ- giờ đây đang hiện lên ngay trước mắt: “Dấu cũ từ nghìn năm trước xa xôi/ Điều sách chép rành rành nay hiện rõ trước mắt” (
Thương Ngô tức sự).
Cũng trên con đường đi sứ, Nguyễn Du đã phát hiện nhiều điều mới mẻ về thiên nhiên, con người và cuộc sống trên đất nước Trung Hoa. Có lúc nhà thơ không khỏi bàng hoàng trước cảnh sóng thác gầm thét dữ dội: “Mọi người đều nói đường trên đất Trung Hoa bằng phẳng/ Hoá ra đường Trung Hoa lại thế này/ Sâu hiểm quanh co giống lòng người” (
Ninh Minh giang chu hành). Có lúc, ông thảng thốt trước những điều trông thấy hoàn toàn tương phản với những gì mình hằng nghe nói: “Thường chỉ nghe ở Trung Nguyên ai cũng no ấm/ Ngờ đâu Trung Nguyên cũng có người như thế này” (
Thái Bình mại ca giả), “Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ Sao ở đây hương khói lạnh lẽo thế này?” (
Quế Lâm Cù các bộ)... Đặc biệt, Nguyễn Du đã tìm thấy trên những nẻo đường đầy cố cảnh, cựu tích kia lời giải đáp cho nhiều câu hỏi lớn về cuộc đời, về thân phận con người từng khiến ông day dứt... Ông không ngợp mắt trước phồn hoa, không đắm mình vào cảnh đào hồng, liễu lục nơi xứ lạ mà thường kiếm tìm dấu cũ, bia xưa... của những con người có phẩm cách phi thường, có số phận bất hạnh. Dường như với Nguyễn Du, Trung Hoa trước hết là đất nước của những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Dự Nhượng, Nhạc Phi... Cho nên, cái nhìn của người nghệ sĩ trong ông đã xuyên qua lớp vỏ của thực tại kia để thấu suốt bản chất của hiện thực - một hiện thực được phản chiếu rõ nét qua từng dấu tích đau thương, oan trái từ quá khứ. Để rồi từ đó, nhà thơ cất lên tiếng nói cảm thương, đau đớn, phẫn uất cho thân phận con người trên suốt dòng thời gian kim cổ. Cái tôi trữ tình Nguyễn Du luôn xuất hiện với trái tim mang nhiều cung bậc của niềm thương cảm: liên, sầu, bi, cảm, ai, thán, trướng, bồi hồi, thương tâm, kham ai... Vì vậy, khả năng khái quát hiện thực của Bắc hành tạp lục là rất to lớn - vượt xa tất cả các tập thơ đi sứ thời trung đại. Đồng thời, tập thơ này còn thể hiện cảm hứng nhân đạo độc đáo, cao cả của tác giả Đoạn trường tân thanh. Nguyễn Du đã đi từ cõi lòng ngổn ngang những thất vọng, khổ đau của riêng mình để đến với bao nhiêu khắc khoải của nhân sinh và cõi người. Trong đó, cung bậc buồn thương, đau đớn nhất chính là nỗi tiếc hận muôn đời trước số phận của những kiếp tài hoa, trung nghĩa.
Có thể nói, các bài thơ tự thuật đã lưu giữ lại cho chúng ta diện mạo tâm hồn của chính Nguyễn Du. Ông đã “tự hoạ” chân dung như một con người lẻ loi, nếm trải nhiều cay đắng, thất vọng song cũng thật cứng cỏi, kiêu hãnh khi gìn giữ sự trong sạch, thanh cao của lòng mình. Và giữa bao nhiêu ngổn ngang, bế tắc vẫn thấy ngời lên ánh sáng của một trái tim chưa bao giờ nhầm lẫn trong yêu thương, đau đớn, phẫn nộ... Hình tượng “tự hoạ” của Nguyễn Du không chỉ thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của một nghệ sĩ lớn mà còn có khả năng phản ánh và khái quát hiện thực sâu sắc. Bởi vì, ông đã không hề tách rời cuộc đời mình khỏi số phận của một lớp người, một thời đại. Trái lại, mọi đau buồn, phẫn uất mà Nguyễn Du bộc lộ đều gắn liền với những nỗi đau thương bao trùm lên thân phận con người lúc bấy giờ. Chúng bắt nguồn từ bao nhiêu biến cố của lịch sử. Trong những giọt lệ âm thầm thấm trên trang thơ chữ Hán có nước mắt Nguyễn Du khóc cho Tố Như, có nước mắt Tố Như khóc cho con người, cho cuộc đời trong cơn hưng phế: Trải trăm năm đã bao phen nương dâu biến thành ruộng muối, Đất trời nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến, Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay thành đường cái quan/ Một toà thành mới xoá đi cung điện cũ... Trong “điệu thanh thương” bao trùm các thi tập của Nguyễn Du có dư âm của tiếng nói người trồng dâu, trồng gai, tiếng khóc nơi đồng nội, có nỗi đau Tiếng đàn sáo nhất loạt thay đổi chen vào những âm điệu mới... Bằng cách cảm nhận và thể hiện chân thành, sâu sắc những nỗi khổ đau, day dứt của mình, người nghệ sĩ ấy đã trở thành “khí quan của xã hội và đại biểu của thời đại, của nhân loại” (Biêlinxki). Đồng thời, hình tượng tự hoạ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du còn là bằng chứng về sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học thời trung đại. Nguyễn Du đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thành tựu của một giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử văn học dân tộc- bằng chính cái tôi “tự ý thức về nỗi đau khổ của mình, cái tôi đòi quyền sống cho mình...”(2).
NCS. Nguyễn Thị Nương - Đại học Sư phạm Hà Nội
(1) Xin xem: Nguyễn Du toàn tập, tập I (Mai Quốc Liên chủ biên), Nxb Văn học, H, 1996. Các trích dẫn thơ trong bài đều theo sách này.
(2) Nguyễn Đình Chú, “Vấn đề ngã và phi ngã trong văn học Việt Nam trung cận đại”, Tạp chí Văn học, số 5-1999, tr.31.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]