Lời huyết lệ gởi về trong nước,
Kể tháng ngày chưa được bao lâu,
Nhác trông phong cảnh Thần châu
Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ...
5. Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn,
Khôn tìm đường dò nhắn hỏi han.
Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn,
Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau.
Nghĩ nông nỗi đồng bào thêm ngán,
10. Tưởng thân mình dám quản một hai.
Tiện đây thưa cật mấy lời,
Lại xin tỏ giãi cùng người quốc nhân:
May người nước lâu dần hối ngộ,
Đem lời này khuyên nhủ cùng nhau:
15. Nước ta mất bởi vì đâu?
Tôi xin kể hết mấy điều tệ nhân:
Một là vua sự dân chẳng biết,
Hai là quan chẳng thiết gì dân,
Ba là dân chỉ biết dân,
20. Mặc quân với quốc, mặc thần với ai.
Nghìn, muôn, ức, triệu người chung góp,
Gây dựng nên cơ nghiệp nước nhà,
Người dân ta, của dân ta,
Dân là dân nước, nước là nước dân.
25. Trên chín bệ ngôi thần tự chủ.
May thừa cơ giấc ngủ ly long,
Giang sơn mặc sức vẫy vừng,
Muôn người luồn cúi cho vòng phúc, uy.
Đem lịch sử suy đi xét lại:
30. Ai vì dân hưng lợi, trừ tai?
Chuyện đâu chuyện có lạ đời:
Mùa hè mưa tuyết, ban ngày mọc sao!
Toà y viện, thuốc nào chẳng có!
Dân ốm đau, hề chớ hỏi han!
35. Cơm ngự thiện, bữa nghìn quan,
Ngoài ra dân đói, dân hàn mặc dân.
Hỏi đến kẻ phùng quân du mị
Hỏi đến người kiều mỹ cung phi,
Còn dân khốn khổ trăm bề,
40. Cầm như tai mắt chẳng nghe thấy nào!
Chắc lũ dại đen đầu không biết,
Cậy quyền trên lấy thịt đè người.
Thuế dân, dân nộp xác rồi,
Tiền kho, thóc đụn, sẵn ngồi ăn không!
45. Suốt một lũ trong vòng cung khuyết,
Của ăn chơi cao huyết muôn người.
Tội oan có thấu đến trời,
Trời sa nước mắt bể trôi ngược dòng.
Khi giặc đến người trong phản trước,
50. Đem của dân vạch chước hoà thân.
Dần lâu các tỉnh mất dần,
Mười phần thổ địa, nhân dân còn gì!
Nào có nghĩ “dân duy bang bản”,
Của muôn dân là vốn nước nhà.
55. Kìa xem Nhật Bản người ta,
Vua dân như thể một nhà kính yêu.
Chữ bình đẳng đặt đầu chính phủ,
Bấy lâu nay dân chủ cộng hoà.
Nghĩ như nông nỗi nước ta,
60. Đến giờ mới mất cũng là trời thương.
Vua như thế, nói càng thêm bực,
Hoạ nhân thần có chắc một hai;
Nhờ tay xoay núi vá trời,
Dòng dây, xây đá tính bài vị nguy?
65. Chẳng may lại gặp hồi truân bĩ:
Rặt những đồng xu mị phùng nghinh,
Hại dân để lợi lấy mình
Coi dân hờ hững như hình chẳng can.
Ngày mong mỏi vài con ấm tử,
70. Tối vui chơi mấy đứa hầu non.
Trang hoàng gác tía lầu son,
Đã hao mạch nước lại mòn xương dân.
Sực đến lúc phong trần biến cố,
Thôi bấy giờ mộ Á, triêu Âu
75. Trời nghiêng, đất lở mặc dầu,
Cốt thân phú quí là đầu sự lo.
Bài thiện sách sao cho khéo lạy,
Cửa cường quyền nhờ cậy kêu van.
Nay đắc tội, mai cảm ơn,
80. Cái thân thôi thế là toàn một thân.
Dân mặc dân, chẳng dân thì chớ,
Cứ của mình, mình giữ khư khư!
Nỗi niềm tưởng đến bao giờ,
Mây tuôn tẻ ngắt, mù sa tối dầm!
85. Lũ sống sót còn năm mươi triệu,
Thịt dầu sao, chắc liệu toàn không?
Vì đâu nước khốn dân cùng,
Hỡi ai sướng miệng, cam lòng hay chưa?
Có như thế, có thừa vô ích,
90. Vua với quan, thôi trách làm chi!
Trách vì một nỗi dân kia,
Số người trong nước lại thì phần hơn.
Để đến nỗi nên cơn cớ thế,
Trách dân mình có lẽ trách ai!
100. Tôi xin kính chúc lâu dài,
Khóc than xin kể mấy lời trước sau.
Nay thử đứng trên đầu đỉnh núi,
Cõi đông nam ngoảnh lại mà trông:
Sông xứ bắc, bể phương đông,
105. Nếu không dân, cũng là không có gì!
Khoảng khoáng dã rậm rì cây cỏ,
Vùng sơn lâm sài, hổ, hồ, ly.
Chiêm Thành, Lâm Ấp chi chi,
Nước non chẳng có, có gì nước Nam?
110. Kể như thế, ai làm nên nước?
Giang sơn này khai thác từ xưa:
Công trình kể tự bao giờ,
Nghìn năm quanh vẫn nước nhà tổ tiên.
Ta là lũ cháu con một họ,
115. Nước dân ta là của gia tài.
Chữ rằng “Tổ nghiệp lưu lai”
Của ta ta giữ, chắc ai giữ cùng!
Chẳng may lúc thành long, xã lở,
Một hai điều trách cứ vua tôi.
120. Còn năm mươi triệu con người,
Chỉ quanh quanh đám lợi tài không xong!
Hỏi đến nước còn không, không biết,
Gọi đến tên Nam Việt, không thưa!
Gia tài tổ nghiệp mình xưa,
125. Tay đem quyền chủ mà đưa cho người!
Chắc đã có người cai quản hộ,
Cơ nghiệp mình, mình bỏ không coi.
Hỏi xem khắp cả gầm trời,
Coi ai quái gở lạ đời thế không?
130. Thử giương mắt mà trông sự thế:
Cơn phong lôi, sóng bể rập rình.
Bấy lâu trời những bất bình,
Phen này cuộc ấy hẳn đành trời xoay!
Năm mươi triệu số người trong nước,
135. Ai chẳng là chú bác, anh em?
Lòng nào ghét bỏ cho cam,
Yêu nhau thì phải tính làm sao đây?
Đừng như trước đã hay rằng dại,
Đến bây giờ trách tại dân ta.
140. Nhưng mà dại mãi ru mà,
Người ta há phải ngù ngờ mãi ru?
Quyền quân chủ trên đầu ức chế,
Trải nghìn năm dân trí còn gì!
Mà xem gương truyện xưa kia,
145. Kể công hùng vũ, ai bì được đâu!
Nọ thuở trước đánh Tàu mấy lớp.
Cõi trời Nam cơ nghiệp mở mang.
Sông Đằng lớp sóng Trần vương,
Núi Lam rẽ khói mở đường nhà Lê.
150. Quang Trung đế từ khi độc lập,
Khí anh hùng đầy lấp giang sơn.
Lòng trời mở rộng nước non,
Ta nay may vẫn hãy còn nước ta.
Song chước ấy nghĩ ra chẳng khó,
155. Trong vòng trời riêng có một câu.
Thử ngồi suy trước nghĩ sau,
Cốt rằng người nước cùng nhau một lòng.
Bởi lúc trước, của chung chẳng giữ,
Đến bây giờ, sức chửa làm xong,
160. Sao cho cái sức cho cùng,
Sức cùng là bởi cái lòng cùng nhau.
Năm mươi triệu đồng bào đua sức,
Năm mươi nghìn giống khác được bao!
Cùng nhau bên ít, bên nhiều,
165. Lọ làm gươm sắc, súng kêu mới là...
Cốt trong nước người ta một bụng,
Nghìn muôn người cùng giống một người.
Phòng khi sưu thuế đến nơi,
Bảo nhau không đóng, nó đòi được chăng?
170. Gọi đến lính, không thằng nào chịu,
Bắt một người, ta kéo muôn người.
Bấy giờ có lẽ giết ai?
Hẳn thôi, nó cũng chịu lui nước mình.
Việc gì phải bài binh dụng kế,
175. Cứ thi gan, kiện lý cho già:
Của nhà ta, phải trả ta,
Dẫu tham muốn nuốt, ắt là chẳng trôi!
Song trong nước mỗi người một khác,
Vốn cùng nhau xung khắc bất hoà.
180. Những là ta lại hại ta,
Những thân dị chủng mà xa đồng bào.
Quắc đã diệt, Ngu sao còn vẹn?
Vạ đồng căn lửa bén dây dưa!
Người ta ai chẳng biết lo,
185. Cùng nhau sao vẫn thờ ơ cái lòng!
Nỗi ngu dại nói không kể xiết,
Lại ngờ nhau, chẳng biết tin nhau;
Coi nhau như thể quân thù,
Thù mong nhau hại, ghét cầu nhau hư.
190. Bụng có hợp thì nhà mới hợp,
Lòng đã tan thì nước cũng tan!
Bằng nay tay mỏi chân chồn,
Còn hơi còn thở may còn sống lâu.
Nếu chẳng biết bảo nhau nghĩa ấy,
195. Tổ tông mình chắc cậy nhờ ai!
Thương ôi trăm sự tại người,
Chữ “đồng” ai dám ngăn rời chữ “tâm”.
Thôi chẳng kể sự trăm năm trước,
Xin từ đây cả nước một niềm:
200. Người kiếm củi, kẻ đun cơm,
Này em xẻ gỗ, này anh đắp đường.
Việc dầu nặng, chia mang cũng nổi,
Xúm tay vào, kéo lại non sông.
Làm cho sáng rõ tổ tông,
205. Tôi xin kể hết cách dùng như sau...
Nào là kẻ phú hào trong nước,
Nào là người quan tước thế gia.
Nào là sĩ tịch bây giờ.
Nào là lính tập, nào là Gia tô.
210. Nào những kẻ côn đồ, nghịch tử,
Nào những người nhi nữ, anh si
Bếp, bồi, thông, kí chi chi,
Cừu gia tử đệ nào thì những ai?
Ấy kể bậc số người trong nước,
215. Còn người đi du học mọi nơi
Người trong cho đến người ngoài
Chữ “tâm” cốt phải ai ai cũng “đồng”.
Vùng trời đất núi sông nung đúc,
Lũ anh hùng không lúc nào không.
220. Giang sơn há chẳng vẫy vùng.
Bởi chưng thế bức, lực cùng lẽ nao?
Lấy thóc đâu mà cầu Công Cẩn,
Lấy vàng đâu mà vận Tử Phòng?
Anh hùng lại giúp anh hùng,
225. Xin riêng một chiếu đãi ông phú hào.
Hiện trong nước kẻ giàu cũng có,
Còn khư khư ngồi giữ gia tài.
Huống chi những lũ dông dài.
Sướng mình, còn nghĩ đến ai bao giờ?
230. Cuộc tán tụ ngẫm cơ tạo hoá,
Sự bất bình vạ gió tai bay.
Sao bằng gặp được lúc này,
Đem lòng phổ tế ra tay anh hùng?
Khơi bốn bể, nuôi rồng thành vũ
235. Đeo nghìn vàng tậu ngựa truy phong.
Người giúp của, kẻ giúp công,
Xin ai hào phú, trước cùng bụng cho.
Cũng có kẻ hàn Nho, toan Hán,
Việc nước nhà, bụng vẫn không quên,
240. Bởi chưng phúc bạc, phận hèn,
Mắt xanh ai biết bạn hiền là ai?
Túi hào kiệt một tay xơ xác,
Chân giang hồ giữa bước long đong,
Lấy ai vận dụng cho cùng?
245. Phải người lỗi lạc lại trong con nhà.
Họp chí sĩ liệu cơ thành bại,
Máu anh hùng đợi hội vân lôi
Đem thân đại biểu cho người,
Dựng nền độc lập, xướng bài tự do,
250. Nghĩa thần tử trước cho phải đạo,
Công phục thù sau báo tổ tiên,
Con nhà dòng dõi bậc hiền,
Đồng tâm chữ ấy nên biên vào lòng.
Song những kẻ ngoài vòng rất dễ,
255. Người trong vòng có lẽ khó hơn.
Sao cho vững dạ bền gan,
Kìa xem Y Doãn khi còn Hạ vương
Hán Chu Bột khi còn sự Lã
Tâm sự này ai tỏ cho ai?
260. Mới hay trung trí đại tài,
Khư khư tiểu tiết nhất thời mà chi!
Xin những kẻ đừng vì quyền thế,
Đừng chê câu “nhẫn sỉ, sự thù”.
Chắc đâu cái lũ bạch nô,
265. Mà trong bọn ấy Y, Chu có người?
Sự phản gián nay ngồi nghĩ mẹo,
Mai thừa cơ đảo giáo, gieo gươm.
Giang sơn nay lại trời Nam,
Đỉnh chung khắc để tiếng thơm lâu dài.
270. Sức ai cố nâng mây, dẹp gió,
Lòng tôi mong đốt lửa, châm hương.
Khuyên ai những kẻ đường đường,
“Đồng tâm” chữ ấy nên càng khuyên nhau.
Kìa những kẻ lưng đeo súng đạn,
275. Dưới cường quyền theo bọn Pháp binh,
Mũ vàng lẫn với khố xanh,
Ấy là rặt lũ tập binh nước mình.
Mặt nam tử tranh vanh trong nước,
Vì thần tiền phải bước chân ra,
280. Có đâu ta lại giết ta,
Cũng là một gốc mọc ra nỡ nào!
Tưởng những lúc đương đầu, giáp trận,
Bụng không đành, mắt cũng không đang.
Há vì tháng mấy đồng lương,
285. Mà quên làng nước, họ hàng hay sao?
Nay gặp hội đồng bào phấn khởi,
Hội phong vân là buổi lập công.
Bây giờ lòng mới tỏ lòng,
Quyết đem bụng nước giúp cùng người Nam.
290. Vả trông thấy anh em làng mạc,
Bởi xưa nay xơ xác vì đâu?
Nhọc nhằn theo trót bấy lâu,
Oán sâu quyết báo, thù sâu quyết đền.
Phút một chốc làm nên công lớn,
295. Cứu cho ta mấy vạn đồng bào.
Này rồi ra mới biết nhau,
Chỉ xem một phút trên đầu ngọn gươm.
Đâu có lẽ chịu cam cả nước,
Mắc lừa câu “lấy bạc nhử người”!
300. Thôi thôi ta chẳng dại rồi,
Tập binh ta cũng là người họ ta.
Tính sự thế nay vừa gặp hội.
Việc kíp rồi phải liệu mau mau.
Cùng nhau mấy vạn đồng bào,
305. Quyết đem tính mệnh mà liều một phen.
Cho người dưới hoàng tuyền mừng bụng,
Chớ để quân bạch chủng cười mình.
Tôi xin các bạn tập binh,
Cùng nhau một bụng như anh em nhà.
310. Còn một lũ gọi Gia Tô giáo,
Dẫu cùng ta là đạo bất đồng,
Nhưng cùng đất nước cùng chung,
Quyết không có lẽ nào không vì mình.
Chớ thấy khác mà sinh hình tích,
315. Để cho rằng cừu địch Nam nhân.
Chữ rằng “Đồng loại tương thân”,
Giáo dân xem với lương dân khác gì!
Ngộ gặp lúc gian nguy tận khổ,
Nên cùng nhau cứu đỡ vẻ thay.
320. Nào ai có vị gì Tây,
Mà coi người đạo ra ngay người thù.
Chẳng qua vị giáo đồ, giáo chủ,
Đạo Gia Tô cũng đạo cứu dân.
Thấy quân tàn ngược bất nhân,
325. Dẫu cùng một giáo nhưng thân nỗi gì!
Dẫu cho có bụng vì người Pháp,
Nên lấy điều thảm thiết nói ra.
Bởi vì ta lại với ta,
Lẽ đâu lương giáo toan mà hại nhau?
330. Suy một bụng đồng bào tương ái,
Người cùng người ai dại gì đâu?
Đã là đồng chủng, đồng cừu,
Yêu nhau thì quyết cứu nhau phen này!
Này đua sức, ra tay tạo phúc,
335. Cứu cho ta địa ngục thoát vòng.
Phúc mình mà cũng phúc chung,
Khuyên ai đi đạo một lòng khăng khăng.
Kìa những kẻ khe rừng, góc bể,
Cũng là người mạnh sĩ tài năng.
340. Xưa nay quen thói hung hăng,
Súng con trong túi, dao lưng bên mình.
Cậy hào khí tung hoành vũ trụ,
Tự xưng mình là lũ du côn.
Họp nhau mấy bọn con con,
345. Ơn đền oán trả, há còn sợ ai!
Coi sinh tử như chơi chẳng nghĩ,
Khí đương hùng, ai kẻ dám tranh?
Tôi xin trăm lạy các anh,
Mấy lời khuyên nhủ đinh ninh sau này.
350. Thói sài hổ khi này đắc chí,
Đem tư hiềm, tiểu khí mà chi?
Gẫm xem nào có hay gì!
Mà thương đồng loại nữa thì làm sao?
Đường sá để má đào ô huyết,
355. Rượu chè quen sinh nết tự do.
Tổn gì đến lũ quân thù,
Mà coi tính mệnh trượng phu làm thường!
Ngươi Kinh Kha cùng chàng Nhiếp Chính,
Ấy vì ai vong mệnh phục thù?
360. Anh hùng tiếng để nghìn thu,
Sử xanh còn chữ “trượng phu” lưu truyền.
Chết như thế cũng nên cái chết,
Chết vô danh, người ghét ai thương?
Anh em ta phải tính đường,
365. Này xem sự thế Tây dương với mình.
Đã phu dịch trăm vành ức chế,
Lại thuế sưu lắm vẻ lấy tiền...
Vậy thì giết nó cũng nên,
Còn thằng vị nó mà quên quốc thù,
370. Rước voi đến giày mồ ông vải,
Cõng hổ về làm hại người nhà,
Thế thời quyết hẳn không tha,
Gián đồ, mật thất, là ta tính liền!
May sự được vạn tuyền cũng thoả,
375. Chẳng may ra trơ ngỡ cũng đành.
Trước làm cho nó thất kinh,
Sau là để tiếng cao danh muôn đời.
Lẽ vinh, sỉ có hai đường ấy,
Anh em ta đã nghĩ cho chưa?
380. Gió tanh xông mũi khó ưa,
Gươm sao cắp nách mà ngơ cho đành?
Hòn máu uất chất quanh đầy ruột,
Anh em ơi xin tuốt gươm ra!
Có trời, có đất, có ta,
385. Đồng tâm như thế mới là đồng tâm!
Nào nữ kiệt nước Nam đâu tá?
Trải xưa nay chuyện lạ bao giờ!
Tự ngày nội thuộc khi xưa,
Họ Trưng hai ả là vua anh hùng.
390. Việc nữ tướng xem trong sử lược,
Bùi Thị Xuân thuở trước đem quân.
Cùng phường cân quắc thoa quần,
Mày râu lắm kẻ chịu phần kém thua.
Kể lực ấy bây giờ ít có,
395. Nào là ai anh vũ nữ tài?
Hỏi ra hoạ có một vài;
Mẹ ông Bá Bích là người Hưng Nguyên,
Huyện Thanh Chương nay còn chép để:
Ông Tú Quang có mẹ rất hiền.
400. Ngoài ra quên họ quên tên,
Lấy đâu thanh sử mà biên từng người?
Nào là kẻ tán tài, cấp sĩ,
Nào là người kính nghĩa khuyến phu,
Giang sơn làm nổi cơ đồ,
405. Ấy là bậc nữ trượng phu nước mình.
Sóng hoàn hải mông mênh mặt đất,
Dòng nữ lưu quanh quất năm châu.
Kìa khi Nga Nhật đánh nhau,
Có người nhi nữ mà mưu anh hùng.
410. Vẻ chi phấn vốn dòng Nhật Bản,
Mượn yên hoa kết bạn người Nga.
Bất tình sự ấy ai ngờ,
Thừa cơ lấy được đồ thư đem về.
Nga thua Nhật bởi vì mưu lộ,
415. Nhật được Nga nhờ có nữ công.
Đàn bà thế giới anh hùng,
Chị em ta phải cùng lòng khuyên nhau
Cây đã lớn, cớ sao lại đổ?
Bởi ở trong cũng có nội trùng,
420. Huống chi giặc lớn thế cùng,
Vốn xưa nay cũng nội công có người.
Bằng nay biết lấy ai phản gián?
Phải có tay thủ đoạn anh hùng.
Quyết nhờ bậc ấy mới xong,
425. Nước ta há phải là không có người?
Nào là kẻ bếp bồi có chí,
Nào là ai thông, kí có lòng.
Bấy lâu theo việc làm công,
Vì tiền há phải có lòng vì ai?
430. Vì y thực theo nòi giống khác,
Dẫu ấm no, tiếng ác rửa sao?
Sao bằng ta vị đồng bào,
Công danh cũng có, lẽ nào kém ai?
Tôi xin nghĩ vì người hoạch kế:
435. Người một nơi, bụng để một nơi.
Trước là ích lợi cho người,
Sau là vận nước phúc trời về sau.
Khuyên ai cứ bảo nhau nghĩa ấy,
Cơ hội này trông thấy chẳng xa.
440. Bếp, bồi, thông, kí đâu ta?
Có lòng như thế mới ra đồng bào.
Chàng Dự Nhượng nấp đâu chẳng thấy,
Phù Sai đứng đấy là ai?
Ngẫm xem từ trước mấy người,
445. Phụ huynh ta ấy là người làm sao?
Bởi sự thế vì đâu đến thế?
Nghĩa phục thù chép để một bên.
“Đồng tâm” chữ ấy chớ quên,
Cừu gia tử đệ nên khuyên nhau cùng.
450. Ấy kể số người trong một nước,
Trong mười phần đã được chín phần.
Lại nên tính hết xa gần,
Thử xem sự thế cường lân thế nào?
Đương trong cuộc thắng ưu, bại liệt,
455. Có ra ngoài mới biết văn minh.
Nếu khư khư chỉ biết mình,
Cùng người đua sức, hẳn vành mình thua!
Đi với ở mưu mô chưa vững,
Trong với ngoài hô ứng chưa thông,
460. Đường tây cách trở lối đông,
Kẻ sào, người lái, vẫn không hợp lòng!
Trước chẳng biết vun trồng tân hoá
Sau mong gì kết quả duy tân?
Nào người du học ngoại lân,
465. Mười phần phải có một phần mới xong.
Khuyên ai cứ ra công, gắng chí,
Dẫu đào non, tát bể cũng nên,
Tinh thành tấc dạ như in,
Đá vàng cũng rút một tên bắn nhằm.
470. Nào cha mẹ, anh em, chú bác,
Dẫu trong ngoài ai khác gì ai?
Người trong phải có người ngoài,
Đồng tâm há phải những người ở trong?
Nếu cả nước đồng lòng như thế,
475. Việc gì coi cũng dễ như không.
Không việc gì việc không xong,
Nếu không xong, quyết là không có trời.
Có lẽ nào mặt trời mọc tối?
Có lẽ nào nửa buổi mọc sao?
480. Núi kia có lẽ không cao?
Bể kia há có lẽ nào không sâu?
Dẫu gươm sắc kề đầu có hỏi,
Bấy nhiêu lời quyết nói không sai.
Vậy mà tưởng vậy mà thôi,
485. Nhưng ta còn ngại cho người nước ta.
Người nước ta sinh ra còn dại,
Non sông này tuổi hãy còn thơ.
Hãy còn ngơ ngẩn ngẩn ngơ,
Chính không có phủ, giáo chưa ra trường.
490. Bụng ví có phú cường cũng dễ,
Lòng đà không, nô lệ không oan.
Ví người hai nước không quen,
Gặp cơn sóng gió cùng thuyền cứu nhau.
Biết như thế không cầu mà hợp,
500. Chẳng biết ra, dẫu hợp mà tan.
Ví như gà nhốt cùng đàn,
Cá nuôi cùng chậu có toàn được đâu!
Người mình lắm bao nhiêu càng dại,
Lợi đến đâu bâu lại như ruồi.
505. Người ngoài coi bẳng (bằng) như trời,
Người mình coi vẫn như gai cạnh mình.
Cũng biết nghĩa lạc vinh, ô nhục,
Cũng biết đường xu phúc, tị tai.
Cớ sao ai cũng như ai,
510. Điều hay bảo đến tận nơi, không làm?
Bởi cái tội chịu cam ngu nhát,
Đã ngờ nhau lại ghét nhau cùng.
Bảo rằng cũng một cái lòng,
Rùa bay, rắn nhảy, quyết không được nào!
515. Ngồi nghĩ đến càng đau cả ruột,
Ai ngăn dòng, chống cột là ai?
Ấy ai đua sức gắng tài,
Rẽ mây, phẩy gió, quét trời cho quang?
Ngoài muôn dặm mơ màng chiếc bóng,
520. Khách bồ đào giấc mộng tha hương.
Trông về một giải Nam Bang,
Nghìn năm nước cũ tìm phương hồn về.
Nào là kẻ khôi kì danh sĩ,
Nào là người tuấn vĩ cao nhân.
525. Ấy ai nhẹ miệng lanh chân
Cùng tôi giúp một vài phần là ai?
Trách thế đạo hai vai nặng gánh,
Sức vãn hồi, bút mạnh hơn binh.
Kìa xem luật nước văn minh,
530. Báo, thư, ai có cấm mình tự do?
Xin những bậc sĩ phu trong nước,
Có chữ rằng “đạo giác tư dân”.
Đem lòng nghĩ đến quốc dân,
Lựa dần khuyên nhủ nhau dần từ đây.
535. Miệng diễn thuyết, dao này chém quỷ,
Lưỡi hùng đàm, gương ấy soi yêu.
Mình không, cắp súng đeo dao,
Nhưng không nó có làm sao được mình.
Đem những chuyện nhiệt thành ái quốc,
540. Bảo một người tỉnh được một người.
Dần lâu từ một đến mười,
Trăm, nghìn, vạn, ức ai ai tỉnh dần.
Ai cũng biết hợp quần là thế,
Khắp bọn này, bọn ấy hợp nhau.
545. Gió lanh thì sấm cũng mau,
Chữ tâm một phút đâu đâu cũng đồng,
Cờ độc lập xa trông phấp phới,
Kéo nhau ra đòi lại nước nhà.
Của nhà ta, trả chủ ta,
550. Muốn toan cố chấp ắt là chẳng xong.
Cơ sự ấy nói không kể xiết.
Bút truyền thần khôn vẽ cảnh vui,
Hạ đăng sáng khắp mọi nơi,
Bóng sao thấp thoáng, vẻ trời long lanh.
555. Đài kỉ niệm tranh vanh trong nước,
Đèn hoan nghênh kẻ rước người đưa.
Nào người Dụ Cát, Lư Thoa
Nay vừa gặp hội xin ta gắng lòng!


tửu tận tình do tại