Trên vòm trời thơ Việt, mỗi nhà thơ chỉ xẹt ngang trời như một vì sao đổi ngôi, để lại vài tia hồi quang đã là điều may mắn. Một trong những vì sao đó: thi sĩ Phạm Hầu, người gốc Điện Bàn, Quảng Nam, sinh năm 1920, đã từng học trường Quốc học Huế và trường Mỹ thuật Đông Dương. Sinh thời, ông chỉ có một số bài thơ in báo Tao Đàn và Mùa gặt mới. Nhờ mắt xanh của hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân, tên ông đã được ghi vào thi sử Thi nhân Việt Nam. Nếu không có cuốn sách này, chắc chắn lớp độc giả ngày nay không thể biết Phạm Hầu là ai. Thơ in sách thì còn thọ lâu, thơ in báo là dễ… “hồng nhan bạc phận”.

Dù có bài Chiều buồnVọng hải đài, người đọc lại chỉ nhớ có Vọng hải đài, lùi xa nữa, lại chỉ nhớ hai câu:

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?
Hai câu đó thành cái neo của con tàu Phạm Hầu neo vào lòng người đọc. Cảm giác vũ trụ mênh mang vẫy tay vào vô tận phải đứng trên đài cao Vọng hải với một tâm hồn thi sĩ mới có được. Tôi đã từng dùng bộ óc duy lý để thắc mắc ý nghĩa của câu thứ hai “Chẳng biết xa lòng có những ai?”

Tri kỷ tri âm tìm mới khó, mới phải đặt ra câu hỏi như vậy, còn (cách mặt) xa lòng thì đầy rẫy, việc chi Phạm Hầu phải hỏi. Nhà thơ Tế Hanh từng giải thích cho tôi: Theo cách hiểu của người miền Trung, xa lòng có nghĩa là người một lòng với mình mà phải xa cách.

Câu thơ hay có cái lạ là toàn bộ tiết điệu, hơi thở, cảm xúc của nhà thơ chiếm lấy ta, ám ảnh ta ngay khi ta chưa kịp hiểu trọn vẹn ý nghĩa. Trước khi nghe anh Tế Hanh giải thích, hai câu ấy đã xâm chiếm tôi với sự cảm nhận không khác anh Tế Hanh là mấy.

Nhân nhắc đến Phạm Hầu, anh Tế Hanh có nhắc đến cái chết thê thảm của nhà thơ: trước Cách mạng thành công ít lâu, ông bị mật thám Pháp bắt ở Hà Nội, bị đánh đến trọng thương sọ não, bị giam vào nhà thương Vôi. Ông bị chết dọc đường trên tàu hoả khi mật thám Pháp giải ông về quê Quảng Nam.

Nhà thơ Tế Hanh tuy chưa được gặp Phạm Hầu, vẫn cảm thông một tài thơ yểu mệnh, đã viết một bài báo về Phạm Hầu sau khi ông chết. Anh có nhắc đến một số câu thơ của Phạm Hầu in trên báo Bạn đường, một tờ báo xuất bản ở Thanh Hoá (1944) theo trí nhớ:
Trong đày ải mình trần tê ngọn lửa
Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn
Hai câu cuối bài này vằng vặc trong tâm tưởng nhà thơ Tế Hanh, nhất là khi mắt nhà thơ đã không còn đọc được sách, anh chỉ bạn cùng ký ức với những câu thơ thuộc tự thiếu thời:
Nếu tôi đau, trời đẹp, nếu tôi đau
Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau!
Thơ Phạm Hầu lúc nào cũng đau đáu một nỗi cô đơn. Hình tượng sự cô đơn cao thượng của Prométhée lấy lửa của trời bị chim ác rỉa thịt thật kiêu hãnh! Đó là ngọn lửa cách mạng ông góp phần mang lại cho nhân dân, sẵn sàng nhận sự tra tấn tù đày của thực dân Pháp. Nếu còn sống, hẳn ông đã đứng trong hàng ngũ thơ kháng chiến, thơ cách mạng như các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…

Tôi được tiếp xúc với nhà thơ Phạm Hầu nhiều hơn ở dạng bản thảo (26 bài) khi được anh Hoàng Minh Nhân cho xem do anh sưu tầm được trước khi xuất bản. Hoá ra sau nửa thế kỷ câu hỏi Chẳng biết xa lòng có những ai? vẫn có lời đáp, sau Tế Hanh là Hoàng Minh Nhân, là những độc giả đọc bài báo này và tập Vẫy ngoài vô tận (Nxb Thanh Niên 6-2001).

Tôi từng cảm tác câu thơ “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” của thiền sư Không Lộ:
Một tiếng tâm linh ngàn tiếng vọng
Khoảng không hoá đá tạc thơ Người.
Nếu thực là tiếng tâm linh, tâm huyết thì có thể tạc cả lên khoảng không như tạc vào đá vậy!

Ngoài tấm lòng yêu nước, ông vẫn mang tâm hồn lãng mạn như bao nhà thơ thời ấy. Đọc Chiều buồn, thấy một vẻ buồn sang trọng:
Buồn len lỏi trên đầu cây, thi vị
Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi
Càng quý sự tinh tế của Hoài Thanh - Hoài Chân. Hai ông thấy tâm hồn thơ Phạm Hầu mảnh mai, e dè, khiêm nhường “ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để lại dấu trên đường…” đến mức hai ông không thể cảm nhận được khi tạp chí Tao đàn in thơ Phạm Hầu bằng thứ chữ in to đậm. Hai ông còn cho rằng Vọng hải đài chính là đài lòng của Phạm Hầu, thi sĩ đứng trên điểm cao đó để thẩm định mọi mây sớm gió chiều qua lại.

Khép lại Chiều buồn, thi sĩ thấy:
Nàng và tôi, nhánh sầu chung rễ cội
Và chỉ chờ một duyên cớ, một tác động nhỏ nào đó cũng đủ cho hai nhánh sầu đó hoà tan thành suối lệ:
Khi giọt sương âu yếm nhỏ lên người
Nàng và tôi là hai dòng lệ nối
Phạm Hầu lớn lên trong nhịp sống mòn mỏi đến tẻ nhạt, là người có học, ông càng cố gắng tìm hiểu về nơi mình sẽ đến, nhưng ông không chỉ gặp một sự trống vắng:
Tôi theo tư tưởng vô cùng tận
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu
Sáng sớm rạng đông, chiều chạng vạng
Những giờ mới lạ có bao nhiêu?
(Lý tưởng)
Con người bơ vơ ấy từng thấy hé một chân trời, nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chỉ có thể gợi ra như một biểu tượng:
Giữa trưa bơ vơ
Sầu chi không rõ
Tôi làm câu thơ
Mà vần cũng đỏ
Ai đọc thơ tôi
Đóng giùm cửa ngõ
Trời xanh của tôi
Muốn đầy hoa đỏ
(Màu đỏ đang rung)
Nhưng dù lý tưởng của ông là thế nào, lý do tồn tại của ông cho đến hôm nay, vẫn vì ông là thi sĩ Phạm Hầu, ông tồn tại với tư cách người sáng tạo ra những câu thơ, bài thơ ghi được vào lòng người đọc, những hạt ngọc góp cho kho tàng thi ca đất nước:
Ngập ngừng ai vẫn qua êm nhẹ
Một cái nhìn hương, chỉ thế thôi!
(Mộng cù lao)
Cái nhìn người đẹp toả hương ư? Hay nhẹ như hương?
Thẫn thờ lá trúc rưng rưng lệ
Như mắt đa tình lúc tiễn đưa
(Vọng lâu)
Sau này trong Cuộc chia ly màu đỏ, Nguyễn Mỹ cũng coi lá như mắt:
Nắng còn ngời trên những mắt lá si
Nguyễn Mỹ có thể chưa đọc hai câu thơ trên để bị ảnh hưởng, nhưng người đi bước trước, vẫn là Phạm Hầu.

Lá không chỉ là mắt, với ông, lá còn là chữ của cây, của nhà thơ:
Cái cây thi sĩ vô tình đã
Biên những dòng thơ lá bẽ bàng
(Y Lan)
Sức liên tưởng phong phú cùng với tri thức hội hoạ của Phạm Hầu giúp ông tạo nên những câu thơ kỳ diệu:
Nàng khóc bằng tay trên phím ngà
Những ngón tay dài như lệ sa
(Dạ nhạc)
Có cái nhìn rõ để phân tích, lại có cách nhìn nhoè đi, chỉ để gây cảm giác, quệt một mảng màu trên vải:
Ai về lướt thướt trong đêm trắng
(Nhớ tự nhiên)
Xướng hoạ - thơ của thi sĩ không phải lúc nào cũng chỉ một gam màu dịu nhẹ. Có lúc ông cũng ấn tượng và dữ dội:
Trăng cháy sau màn cây đỏ ối
Máu bầm của một vết thương đau
(Sầu thương)
Từ hai bài thơ Chiều buồnVọng hải đài trong Thi nhân Việt Nam, nay qua cả tập thơ, ta đã hình dung được khái quát một diện mạo của thi sĩ Phạm Hầu.


(Phụ bản thơ - Báo Văn nghệ)
Vân Long
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.