Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Phùng Quán
Đăng bởi Vanachi vào 05/03/2007 03:39
Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết
Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải ra mặt trận
Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.
Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Thânthơ ngày 03/09/2008 07:23
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi karizebato ngày 08/06/2009 00:43
Tác giả: Ngô Minh
Nhà thơ Phùng Quán để lại nhiều bài thơ hay, được hàng triệu người đọc Việt Nam thuộc nằm lòng như Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Say… Trong đó Hôn là bài thơ hay được nhắc đến nhiều nhất. Bài thơ Hôn có trong hành trang của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được tuyển đi tuyển lại trong hàng chục tuyển tập thơ từ 50 năm nay. Được in trong tuyển tập Panorama de la Littérature Vietnamism do nhà văn hoá Hữu Ngọc dịch. Bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.
Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận!
Nhưng:
Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu!
Bài thơ được coi như là tuyên ngôn tình yêu của người lính khi Tổ quốc đang bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược: Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em với đôi môi/ Của một người nô lệ! Âm hưởng bài thơ giống như khẩu khí thơ của các nhà thơ cộng sản Nadim Hikmet, Pe-tơ-pi. Bài thơ viết năm 1954, khi Phùng Quán 22 tuổi. Đọc bài thơ tôi cứ ngỡ nhà thơ viết tặng một cô gái nào đó mà anh từng yêu thương, nhớ nhung dọc đường ra trận. Nhưng không phải! Sự tích bài thơ bi hùng hơn rất nhiều. Tôi dùng chữ “sự tích” vì đây là một câu chuyện dài, đầy chất anh hùng ca, liên quan đến “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán.
Mới đây nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã cung cấp cho tôi lai cảo một bài viết dài của Phùng Quán viết tại Chòi Ngắm Sóng Hồ Tây năm 1992, có tựa đề: “Bản anh hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt…”. Tôi đọc và bàng hoàng vì câu chuyện được kể lại vô cùng lẫm liệt về cuộc chiến đấu và sự hy sinh dũng cảm, khí phách của 17 chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Vệ quốc quân Trần Cao Vân giữa lòng thành phố Huế năm 1946. Bài viết cũng nói rõ xuất xứ của bài thơ Hôn. Nhà thơ Phùng Quán viết: “… Cách đây trên ba mươi năm có lẻ, trong những ngày gian khó nhất của đời mình, trong nỗi buồn bã và thất vọng khôn cùng, tôi khởi viết một thiên hùng ca… Thiên hùng ca kể lại một câu chuyện có thật, những người anh hùng có thật, hơn nữa những người anh hùng mà tôi quen biết, và tôi có mối hàm ơn sâu nặng vì một lần họ đã cứu tôi thoát khỏi đạn đại liên giặc ăn thịt trong trận đánh kinh hồn vào vị trí Miễu Đại Càng… Thiên anh hùng ca gồm 10 chương, khoảng nghìn câu thơ, với một Khai từ và một Hậu từ. Từ năm 1958 đến 1988, tôi bị mất quyền in sách nên thiên hùng ca chịu chung số phận với nhiều tác phẩm khác của tôi: Mối xông! Nghìn câu thơ nay không còn nhớ nữa. Nhưng cốt truyện, đoạn khai từ và lác đác dăm câu thơ, đoạn thơ khắc hoạ ý tưởng chính tôi vẫn còn nhớ như in… Thiên hùng ca ấy có tên là Huyệt lửa chôn chung”. Xin gác lại chuyện các chiến sĩ Trung đoàn 101 Trần Cao Vân đã cứu sống và đã phạt roi Phùng Quán như thế nào, để tập trung vào sự tích bài thơ Hôn. Điều cực kỳ thiêng liêng và cảm động là bài thơ Hôn là một đoạn được trích ra từ Thiên hùng ca ấy, viết về tình yêu của người chiến sĩ thật có tên là Phùng Huấn!
Tháng 7-1992, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân có bài viết Tìm được hài cốt của 17 liệt sĩ hy sinh từ năm 1946 in trên báo Lao động. Bài báo kể lại, ngày 4-6-1992, trong lúc đào móng cải tạo công trình nhà của Uỷ ban Khoa học kỹ thuật tỉnh TT-Huế tại 18 - Hà Nội - Huế, người ta phát hiện ra 17 bộ hài cốt Vệ quốc đoàn. Trong đó có một bộ hài cốt có sợi dây chuyền nhỏ có đeo lủng lẳng một miếng nhôm, rửa sạch miếng nhôm hiện lên dòng chữ khắc: “Phùng Huấn - VQĐ - Thuận Hoá”. “VQĐ” là Vệ Quốc Đoàn. Còn Phùng Huấn là anh con bác của Phùng Bốn (tức ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư tỉnh uỷ TT-Huế) chú ruột của Phùng Quán. Tức Phùng Quán gọi liệt sĩ Phùng Huấn là bác! Đọc bài báo đó, Phùng Quán bàng hoàng nhớ lại thiên anh hùng ca mình đã viết 30 năm trước…
… Nhân vật mà tôi mất nhiều công sức nhất để miêu tả và khắc hoạ tính cách với cả trăm câu thơ, là nhân vật chiến sĩ. Anh tên là Phùng Huấn, xuất thân nông dân, quê ở làng Thanh Thuỷ Thượng. Phùng Huấn yêu một cô gái làng, sắp làm lễ cưới. Mặt trận Huế bùng nổ, anh hoãn ngày cưới, cùng nhiều trai làng xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh được tuyển chọn vào cảm tử quân… Bài thơ Hôn là tôi trích ra từ Thiên hùng ca ấy:
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!
Đó là lời của Phùng Huấn nói với vợ chưa cưới của mình trước giờ xung trận. Phùng Huấn là bác họ của tôi. Trong Thiên hùng ca tôi không nói chi tiết này, chỉ miêu tả mỗi lần chúng tôi đứng cạnh nhau, cả đơn vị ai cũng lầm là hai anh em ruột vì chúng tôi giống nhau như hai cục bùn móc dưới ruộng sâu lên… Trong đội cảm tử quân, Phùng Huấn được phân công vào “Tổ vũ khí nặng”. “Vũ khí nặng” Phùng Huấn phụ trách là một cặp đầu đạn đại bác 75 ly tịt ngòi được công binh xưởng biến báo thành mìn đánh xe tăng… Tổ “vũ khí nặng” là siêu cảm tử, nên mỗi chiến sĩ được Mặt trận phát một chiếc “lập lắc” bằng nhôm cứng, trên mặt khắc tên họ, giây đeo bằng thép không rỉ, để lỡ hy sinh xác người nọ khỏi lẫn xác người kia…
Một buổi sáng, Phùng Huấn ngoắc tay gọi tôi: “Bê! Bê!” (tên gọi tôi ngày còn ở nhà) ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Tối ni đơn vị tau đi cảm tử vị trí nhà hàng Sap-phăng-giông (Cửa hàng bách hoá số 1, đường Hà Nội, Huế hiện nay). Mặt trận sẽ đãi tụi tau một bữa thịt bò, thịt heo với xôi, ở sân chùa Vạn Phước, để lỡ có chết thì anh em được chết no! Tắt mặt trời mi nhớ chạy xuống mà ăn chực…”
Bữa ăn đó, cũng được kể trong bài báo Lao động nói trên, qua lời kể của người vợ chưa cưới của liệt sĩ Phùng Huấn: “Vợ chưa cưới của đồng chí Phùng Huấn, đã 70 tuổi, từ xã Thuỷ Dương (tên mới của làng Thanh Thuỷ Thượng), chống gậy lên thăm hài cốt của người yêu xưa. Bà kể: Chiều đó tôi lên thăm anh ấy, rủ anh đi ăn. Anh ấy nói: “Tối nay đi đánh Pháp, thế nào cũng được ăn một bữa thịt bò, bây giờ ăn ngang bụng”. Anh ấy không đi. Thấy trên tay anh có đeo một cái “lập lắc”, tôi hỏi: “Người ta đeo vòng vàng xuyến bạc, còn anh đeo chi miếng thiếc ni?” Anh nói: “Đơn vị bảo đeo. Đi đánh giặc lỡ có chết người ta biết tên mà nhận xác”. Tôi tưởng anh nói chơi, ai ngờ anh chết thiệt. Từ sau đó gia đình cứ lấy ngày 10 tháng chạp giỗ anh ấy”.
Trận “cảm tử” vào nhà hàng Sáp-phăng-giông đêm ấy không kết quả. Toàn đơn vị rút ra căn cứ cả, còn Trung đội cảm tử bị mắc kẹt lại ở trong ngôi nhà hai tầng. Địch bắn như điên, kêu gọi đầu hàng, các anh vẫn chống trả quyết liệt. Giặc phun xăng đốt ngôi nhà. Các chiến sĩ đã xuống tầng trệt, dùng bộc phá nổ tung ngôi nhà, biến ngôi nhà thành ngôi mộ chôn chung của 17 anh em! Ôi, 46 năm sau, cô gái trong bài thơ Hôn của Phùng Quán mới gặp lại hài cốt người yêu của mình! Ngày xưa ở Huế, đối với con gái nhà lành, chuyện hôn nhau vô cùng hệ trọng, nhà trai đi hỏi rồi vẫn chưa dám hôn nhau, chờ khi cưới. Cho nên:
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn
Hiểu “sự tích” tích bài thơ ta càng muôn lần cám ơn nhà thơ Phùng Quán, anh đã lấy “tuổi thơ dữ dội” của mình làm chất liệu để viết nên những câu thơ tình thế kỷ, đẹp như kinh cầu nguyện!
(Theo Kiến Thức Ngày Nay)
Gửi bởi bahungnt ngày 04/05/2009 19:59
Nghe Quốc ANh ngâm
http://bahung.violet.vn/d...ent/show/entry_id/1111550
Gửi bởi Khoi Dinh Bang ngày 15/12/2009 14:44
Hôn không đúng lúc cũng phiền
Hôn không đúng chỗ đảo điên cuộc đời