Thế là cuộc kháng chiến chống Pháp đã được bốn năm. Mùa thu năm 1949, Bác Hồ lại làm thơ ghi lại một chuyến công tác đáng nhớ. Nhan đề bài thơ đã nói rõ:
Đi thuyền trên sông Đáy.
Nhìn lên bản đồ Tổ quốc, ta thấy có tên hai con sông Đáy: sông Đáy ở Hà Tây và sông Đáy ở Tuyên Quang. Sông Đáy trong bài thơ có lẽ là sông Đáy ở Tuyên Quang trên chiến khu Việt Bắc.
Bài thơ gồm có tám câu thơ lục bát, vừa tả cảnh con thuyền chạy giữa một vùng sông nước trăng sao, vừa nói lên suy nghĩ khôi phục đất nước và niềm tin tưởng đẹp tươi của Bác vào một ngày mai thắng trận.
Bốn câu thơ đầu tả cảnh đẹp của dòng sông Đáy, dòng sông chiến khu. Sông “lặng ngắt như tờ”, phong cảnh về khuya thêm “vắng teo”. Chỉ nghe tiếng “cót két”, tiếng chèo thuyền. Bút pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh rất đặc sắc. Hình ảnh con thuyền, vầng trăng và ngàn sao hiện lên rất đẹp, một vẻ đẹp hữu tình thơ mộng. Con thuyền và trăng sao được nhân hoá có tâm hồn, có chuyển động. Trăng sao vằng vặc sáng. Dòng sông xanh phẳng lặng. Trăng sao chiếu xuống in bóng trên lòng sông. Phía trước, phía sau, xung quanh con thuyền đều có trăng sao. Có lúc tưởng như “sao đưa thuyền chạy”, có lúc lại cảm thấy “thuyền chờ trăng theo”. Vừa thực vừa mộng ảo. Phải có tình yêu thiên nhiên, phải có tâm hồn thi sĩ mới viết được những vần thơ đẹp như vậy:
Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cốt két tiếng chèo thuyền nan.
Đoạn thơ gợi lên không khí tĩnh mịch huyền ảo như dẫn hồn ta trôi vào thế giới cổ tích.
Nhà thơ ngồi trong con thuyền lặng ngắm cảnh sông nước trăng sao mà bàn hoàn, mà xao động, mà vương vấn cả tâm hồn. Nhiệm vụ phục quốc là sự lo lắng, là nỗi bàn hoàn khôn nguôi:
Lòng riêng riêng những bàn hoàn,
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.
Bác đã vận dụng hình thức tập Kiều để diễn tả một tình cảm đẹp: lo lắng đánh giặc để cứu dân.
Hai câu kết nói về cảnh rạng đông trên chiến khu:
Thuyền về, trời đã rạng đông,
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.
Con thuyền và cảnh rạng đông mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Con thuyền kháng chiến vượt phong ba bão táp trở về bến trong rạng đông tráng lệ. Cảnh màu hồng đẹp tươi bao la đất trời tượng trưng cho ngày chiến thắng, đất nước bước vào một kỉ nguyên mới: độc lập, hoà bình. Hai câu kết có hình tượng đẹp, thể hiện tinh thần lạc quan của nhà thơ về một ngày mai thắng trận.
Thơ là tâm hồn, tiếng lòng của thi sĩ. Bài thơ
Đi thuyền trên sông Đáy là tâm hồn, tiếng lòng của nhà thơ Hồ Chí Minh: rất lạc quan yêu đời, tin tưởng, chan hoà với thiên nhiên, nặng lòng vì Tổ quốc.
Con thuyền, dòng sông và rạng đông là ba biểu tượng rất đẹp trong bài thơ của Bác.