Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.
Lòng riêng riêng những bàng hoàng,
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.
Thuyền về, trời đã rạng đông,
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.


Ngày 18-8-1949

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Vẻ đẹp của bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”

Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc ta. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Người, thơ luôn là người bạn đường thuỷ chung và thân thiết. Một trong những bài thơ hay được Hồ Chí Minh viết vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp là bài Đi thuyền trên sông Đáy.

Bài thơ tiếng Việt được mở đầu bằng thể thơ lục bát dân tộc:

Dòng sông lặng ngắt như tờ
Trước mắt ta hiện lên dòng sông quê thân thuộc trong cảnh vắng lặng “như tờ”. Vẫn là “tỷ” của thơ xưa, có điều đây là lối so sánh rút từ cách nói thường ngày của người lao động Việt Nam, chân quê và hồn hậu. Dẫu thế nào thì cái vẻ im ắng của dòng sông trải dài phía trước trong đêm khuya khoắt kia vẫn dễ gợi ra một nỗi buồn trống trải và cô quạnh. Câu kế theo đã đẩy lùi được tâm trạng có phần u ám ấy:
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo
Liên tiếp những hoạt động của sao, của trăng và của thuyền (nghĩa là của con người). Từng cặp, từng cặp sinh động và hài hoà: “Sao đưa thuyền chạy”, đồng thời “thuyền chờ trăng theo”. Đã nhiều lần ta bắt gặp ánh trăng trong thơ Bác, song trăng, sao lần này hiện lên có khác: sao tỏ và trăng sáng đến lạ lùng! Thêm nữa Bác không “đối nguyệt” mà Bác nhìn hình ảnh của trăng sao qua sự phản chiếu của mặt sông trong vắt. Sự sáng trong của sông nước, cảnh vật chính là sự phản chiếu cái vẻ sáng trong của tâm hồn và cảm xúc đấy thôi! Ngoại cảnh và tâm tư chan hoà đến độ không thể tách rời. Khi phân tích bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên gia thi có người cho rằng Bác phê phán việc biểu hiện cảnh đẹp thiên nhiên trong thơ cổ. Quả câu dịch không sát góp phần tạo ra cách hiểu lệch lạc này:
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Nguyên văn chữ Hán là: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ”. Bác chỉ không tán thành cái sự “thiên ái” ấy mà thôi. Còn cảnh đẹp nói chung của thiên nhiên thì quý lắm chứ, chúng xứng đáng trở thành nguồn cảm hứng vô tận của nghệ thuật nhất là của thi ca (kể cả nghệ thuật và thi ca cách mạng). Cái quan trọng là nhìn cảnh trí thiên nhiên ra sao kia! Ở đấy, quả có điều gì thật sự mới mẻ. Trong mắt Bác cảnh vật luôn vận động. Lại luôn biến đổi nữa, biến đổi theo quy luật khách quan: “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Nắng sẽ đến thay mưa, ngày sẽ đến thay đêm, vậy có gì là đáng buồn, đáng bi quan đâu! Hơn thế sự tuần hoàn của tự nhiên đi đôi với những hoạt động, những hành động có chủ đích, có ý thức của con người. Trong câu thơ có trăng, có sao nhưng trên hết và trước hết là có thuyền, thuyền được đặt ở vị trí trung tâm, mọi cái đều hoạt động xoay quanh nó, nhờ sự vận hành của nó. Cấu trúc câu thơ thật rõ: sao – thuyền, thuyền – trăng. Cái nhìn nhân bản của người viết thấm tự bên trong, sâu xa và thấm thía.

Ý thơ được tiếp nối, mở rộng và nâng cao:
Bốn bề phong cảnh vắng teo
Không hiểu sao đọc đến đây, tôi tự nhiên nghe văng vẳng cái vần “eo” trong câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Đó là sự kế thừa hay gặp gỡ, có ý thức hay tình cờ? Thật khó đoán định rạch ròi. Câu đầu: “Dòng sông lặng ngắt như tờ” và đến đây: “Bốn bề phong cảnh vắng teo”. Có cảm giác như ý thơ có phần lặp lại. Nghĩ kỹ thì không phải thế. Từ cái “lặng ngắt” của dòng sông đã chuyển sang sự “vắng teo” của bốn bề chung quanh. Nhưng cái then chốt có lẽ lại không nằm ở đó. Hình như đang có sự chuyển biến tự bên trong, tự sâu thẳm suy tư và cảm xúc. Cảm xúc này đặc biệt rõ khi đọc tiếp câu sau:
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan
“Chỉ nghe”! Nổi lên trong sự im ắng của đêm khuya của dòng sông duy nhất là tiếng chèo “cót két” của thuyền nan. Câu thơ như lắng lại ẩn chứa nhiều tâm sự. Rất tự nhiên, không chút đường đột, bài thơ chuyển từ “hướng ngoại” sang “hướng nội”:
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Vâng, Bác đã lẩy Kiều như bao người con yêu quý của đất Việt khác. Tôi nói vậy vì có người Việt Nam nào lại không thuộc, không thấm dù chỉ một đôi câu Kiều. Câu 771 Truyện Kiều:
Nỗi riêng riêng những bàn hoàn
Gần như nguyên văn. Tuy nhiên trong nghệ thuật cái đó không mấy quan trọng. Cũng như trong những trường hợp tương tự, làm nên thành công không phải ở chỗ “lẩy” Kiều mà ở chỗ biết “lẩy” Kiều. Câu Kiều được Bác rút ra thật đúng lúc, đúng chỗ. Thử hỏi có câu nào lại đắc địa hơn câu ấy! Đây là “nỗi riêng” là “lòng riêng”. Từ “riêng” được láy lại để luyến, để nhấn: vâng, chỉ là nỗi ưu tư rất riêng của một người. Có điều, con người ấy ngay từ buổi thiếu thời đã nguyện hiến cả đời mình cho dân tộc này, không hề do dự đắn đo, nên cái riêng ấy thực sự đã hoà quyện vào cái chung, hơn thế đã thực sự hoá thành cái chung tự bao giờ. Không lấy làm ngạc nhiên khi Bác viết tiếp:
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng
Hai câu thơ gắn bó làm một, không thể tách rời, để nói về một sự thật mà chính sự thật này đã biến cuộc đời của một con người trở thành bất tử.

Tố Hữu viết về Bác rất đúng rằng:
Bác sống như trời đất của ta
Đó là bởi:
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Đúng vậy, chỉ có hoà vào đại dương giọt nước mới hoá thành vĩnh cửu. Chân lý thật giản dị! Vậy mà chỉ khi tôi đặt chân lên ngôi nhà sàn của Người, dừng thật lâu trước chiếc giường đơn, chiếc chăn đơn, tấm gối đơn của Người tôi mới có điều kiện cảm nhận đến tận củng chân lý ấy! Vì biết quên mình đi nên Bác đã hoá thành tất cả: sông núi này, sự nghiệp này, quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc này. Nhắc đến con Rồng cháu Tiên câu thơ đã gợi nên những tình cảm thiêng liêng mà bền chặt nhất từng gắn bó con người Việt Nam lại với nhau vì một mục đích duy nhất: Độa lập và Tự do.

Triển khai cảm nghĩ như vậy là đủ, bài thơ đi đến kết thúc:
Thuyền về trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi
“Thuyền” đã “về”, đã cập bến, đã tới đích trong một ngày mới với bao dự cảm tốt đẹp. Đây không phải là con thuyền trôi nổi vô định. Nó đã vượt qua đêm để tới ngày – một ngày rực rỡ ánh bình minh; nó đã vượt qua bóng tối để đi ra ánh sáng – một thứ ánh sáng rạng ngời hy vọng. Cái lô gích tự nhiên dễ dàng được chấp nhận vì nó gắn liền với lô gich lòng người – nỗi ưu tư trăn trở trước nỗi lo chung của dân tộc. Mà người ấy lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng chỉ huy Hồ Chí Minh thì rạng đông ắt sẽ đến với cuộc đời của mỗi người và cuộc sống của cả dân tộc. Lịch sử đã không đợi chờ lâu. Chỉ 4 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy đã chấm dứt ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ, và 25 năm sau với chiến dịch Đại thắng mang tên Người, ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân mới cũng bị đập tan, đưa dân tộc ta bước sang một thời kỳ mới với bao thời cơ và vận hội tốt đẹp.

Đi thuyền trên sông Đáy có vẻ đẹp thật giản dị trong sáng mà giàu ý tứ, giàu ý nghĩa. Đó vốn là một trong những biểu hiện nổi bật của phong cách thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ cho ta thêm một lần thấm thía tư tưởng và tấm lòng lớn lao như trời bể của Bác. Càng hiểu Bác, càng yêu thương, tự hào về Bác, lòng mỗi người chúng ta càng được thanh lọc để trở nên trong sạch, cao đẹp hẳn lên.

Ngoài ý nghĩa nội tại, bài thơ còn mang những giá trị khách quan khác nhưng không phải không đáng lưu tâm. Hãy nhớ lại thời điểm ra đời của bài thơ. Bác viết vào mùa thu năm 1949. Nhiệm vũ giữ nước được đưa lên hàng đầu, song nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng được đặt ra không cấp thiết bằng nhưng lại là cơ bản và lâu dài. Một trong những yêu cầu trọng yếu là phải xây dựng cơ sở cho nền văn hoá mới của dân tộc trong tương lai. Hai vấn đề có trực tiếp liên quan đến văn nghệ và văn nghệ sĩ là sử dụng tiếng Việt ra sao? Và tiếp thu vốn cổ như thế nào? Bác đã nói và Bác cũng đã làm. Giữa lời nói và việc làm của Bác không hề có khoảng cách. Bài thơ hầu như dùng toàn từ thuần Việt, đôi khi thật dân dã. Bác chỉ sử dụng có hai từ Hán Việt trong bài thơ, một thì rút từ Kiều (bàn hoàn), một thì không thể thay thế (giang san). Chẳng phải Bác đã từng căn dặn là nếu tiếng ta không có thì có thể vay mượn từ tiếng nước ngoài đó sao! Đâu cố chấp, hẹp hòi. Bài thơ còn là mẫu mực của sự tiếp thu và sáng tạo truyền thống văn chương tốt đẹp của dân tộc. Rõ ràng, quá khứ vẻ vang của ông cha được khơi dậy, tiếp sức cho chúng ta không chỉ trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà còn trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Những bài học lịch sử đó luôn sống động trong thực tiễn hôm nay và sẽ còn có ý nghĩa lâu dài mai sau.

Đi thuyền trên sông Đáy xứng đáng đi vào lịch sử văn chương dân tộc như một bằng chứng của một nhân cách lớn lao – nhân cách Hồ Chí Minh, của một tâm hồn cao đẹp – tâm hồn Hồ Chí Minh. Bài thơ cùng với tên tuổi, sự nghiệp của Người sẽ trường tồn mãi với thời gian.


B’ Lao, 10-1994
Phạm Quang Trung
tửu tận tình do tại
33.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích từ loại và cụm từ theo sơ đồ hình chậu trong bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”

Thế là cuộc kháng chiến chống Pháp đã được bốn năm. Mùa thu năm 1949, Bác Hồ lại làm thơ ghi lại một chuyến công tác đáng nhớ. Nhan đề bài thơ đã nói rõ: Đi thuyền trên sông Đáy.

Nhìn lên bản đồ Tổ quốc, ta thấy có tên hai con sông Đáy: sông Đáy ở Hà Tây và sông Đáy ở Tuyên Quang. Sông Đáy trong bài thơ có lẽ là sông Đáy ở Tuyên Quang trên chiến khu Việt Bắc.

Bài thơ gồm có tám câu thơ lục bát, vừa tả cảnh con thuyền chạy giữa một vùng sông nước trăng sao, vừa nói lên suy nghĩ khôi phục đất nước và niềm tin tưởng đẹp tươi của Bác vào một ngày mai thắng trận.

Bốn câu thơ đầu tả cảnh đẹp của dòng sông Đáy, dòng sông chiến khu. Sông “lặng ngắt như tờ”, phong cảnh về khuya thêm “vắng teo”. Chỉ nghe tiếng “cót két”, tiếng chèo thuyền. Bút pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh rất đặc sắc. Hình ảnh con thuyền, vầng trăng và ngàn sao hiện lên rất đẹp, một vẻ đẹp hữu tình thơ mộng. Con thuyền và trăng sao được nhân hoá có tâm hồn, có chuyển động. Trăng sao vằng vặc sáng. Dòng sông xanh phẳng lặng. Trăng sao chiếu xuống in bóng trên lòng sông. Phía trước, phía sau, xung quanh con thuyền đều có trăng sao. Có lúc tưởng như “sao đưa thuyền chạy”, có lúc lại cảm thấy “thuyền chờ trăng theo”. Vừa thực vừa mộng ảo. Phải có tình yêu thiên nhiên, phải có tâm hồn thi sĩ mới viết được những vần thơ đẹp như vậy:

Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cốt két tiếng chèo thuyền nan.
Đoạn thơ gợi lên không khí tĩnh mịch huyền ảo như dẫn hồn ta trôi vào thế giới cổ tích.

Nhà thơ ngồi trong con thuyền lặng ngắm cảnh sông nước trăng sao mà bàn hoàn, mà xao động, mà vương vấn cả tâm hồn. Nhiệm vụ phục quốc là sự lo lắng, là nỗi bàn hoàn khôn nguôi:
Lòng riêng riêng những bàn hoàn,
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.
Bác đã vận dụng hình thức tập Kiều để diễn tả một tình cảm đẹp: lo lắng đánh giặc để cứu dân.

Hai câu kết nói về cảnh rạng đông trên chiến khu:
Thuyền về, trời đã rạng đông,
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.
Con thuyền và cảnh rạng đông mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Con thuyền kháng chiến vượt phong ba bão táp trở về bến trong rạng đông tráng lệ. Cảnh màu hồng đẹp tươi bao la đất trời tượng trưng cho ngày chiến thắng, đất nước bước vào một kỉ nguyên mới: độc lập, hoà bình. Hai câu kết có hình tượng đẹp, thể hiện tinh thần lạc quan của nhà thơ về một ngày mai thắng trận.

Thơ là tâm hồn, tiếng lòng của thi sĩ. Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy là tâm hồn, tiếng lòng của nhà thơ Hồ Chí Minh: rất lạc quan yêu đời, tin tưởng, chan hoà với thiên nhiên, nặng lòng vì Tổ quốc.

Con thuyền, dòng sông và rạng đông là ba biểu tượng rất đẹp trong bài thơ của Bác.

tửu tận tình do tại
23.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời