“Невыразимая печаль...”
Невыразимая печаль
Открыла два огромных глаза,
Цветочная проснулась ваза
И выплеснула свой хрусталь.
Вся комната напоена
Истомой - сладкое лекарство!
Такое маленькое царство
Так много поглотило сна.
Немного красного вина,
Немного солнечного мая -
И тоненький бисквит ломая,
Тончайших пальцев белизна.
Bài thơ này được viết năm 1909 và được đưa vào tuyển tập đầu tay Đá xuất bản năm 1913. Các sáng tác thời kỳ này của nhà thơ trẻ thường tập trung vào sự đối lập giữa cái vĩnh cửu vô diện và sự tồn tại mong manh. Đối với nhà thơ trẻ điều quan trọng nhất là cảm thấy mình còn sống và không bị gò bó trong băng giá vĩnh cửu và không hoà làm một với vũ trụ vô biên. Với ông, cái nhất thời nhỏ bé của con người – nhân vật trữ tình quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều so với sự vĩnh cửu.
Bài thơ thuộc thể loại bi ca. Chủ đề của bài thơ là những suy ngẫm về cái chết và nhận thức về hiện thực. Qua sự miêu tả những đồ vật dễ vỡ, dễ bị phá huỷ nhà thơ suy tư về sự mong manh của cuộc sống, về nỗi buồn nhân thế và cái chết. Bi ca nhưng không bi luỵ nhờ những mô tả nội thất của một căn phòng thanh lịch và ấm cúng, đầy màu sắc như chìm trong một giấc mơ, đồng thời cũng thể hiện niềm vui được sống trong căn phòng ấm cúng ấy. Rõ ràng mọi thứ được mô tả đều rất dễ chịu đối với nhân vật trữ tình, tuy trong tác phẩm này ông từ bỏ cốt truyện, tính hợp lý và tính trọn vẹn. Ồng tạo ra một bức tranh, một phác thảo hội hoạ từ những chi tiết – cái bình hoa pha lê trên bàn hoặc trên giá, ánh sáng đẹp chiếu vào phòng, cả căn phòng như biến thành một vương quốc nhỏ mơ màng, rượu vang đỏ và những ngón tay trắng ngần... Nhà thơ chỉ đưa ra những chi tiết để người đọc tự xây dựng, tự hoàn thiện nốt bức tranh của mình.
Bài thơ mở đầu với mô tả nỗi buồn thật sống động với đôi mắt mở to. Nhà thơ chiêm ngưỡng thế giới, xây dựng hệ thống hình ảnh dựa trên kinh nghiệm giác quan, đó là lý do tại sao những hình ảnh gắn liền với cơ thể thường xuyên xuất hiện trong văn bản của Mandelstam. Hình ảnh phổ biến nhất trong tác phẩm của Mandelstam là đôi mắt. Cơ quan cảm giác này cho phép người ta nhận thức thế giới, nhìn thấy người khác và được người khác nhìn thấy.
Một hình ảnh cơ thể khác là ngón tay. Thông qua bàn tay và làn da, con người tiếp xúc với thực tế. Không rõ các ngón tay thuộc về ai trong bài thơ này điều quan trọng hơn ở đây là chúng có thể tượng trưng cho cả những cuộc gặp gỡ vui vẻ với bạn bè hoặc bạn gái và cái chết, cuộc sống kết thúc một cách bất ngờ như thế nào. Trước khi những ngón tay xuất hiện là rượu vang và ánh nắng – một ngày mùa xuân nắng đẹp. Điều này có thể được giải mã như một lời kêu gọi hãy tận hưởng vẻ đẹp của thế giới khi còn cơ hội.
Chủ đề về cái chết được hiện thực hoá ở khổ thơ cuối, qua hình ảnh những ngón tay bẻ một chiếc bánh quy. Cuộc sống có thể bị gián đoạn một cách bất ngờ, và một người biến mất vào quên lãng. Cũng như hình ảnh một chiếc bình ngay khổ thơ đầu tiên, rất có thể đã bị vỡ, do đó “Tung ánh pha lê sáng choang”. Tuy nhiên trong bài thơ này cái chết chưa hề hiện hữu, ít nhất là không được đề cập đến một cách trực diện.
Cảm giác về sự tồn tại mong manh được tạo ra thông qua dòng hình ảnh không ổn định cho bức tranh được vẽ. Một chiếc bình pha lê, một ngày nắng, một chiếc bánh quy mỏng, những ngón tay trắng trẻo - tất cả những thứ này đều có thể biến mất, và nhà thơ đang cố gắng nắm bắt nó trước khi sự lãng quên, sự vĩnh hằng băng giá ập đến. Con người chỉ có thể tận hưởng tất cả những màu sắc, hình ảnh, mùi vị... một khi còn sống, và niềm vui sống thể hiện trong những đồ vật quen thuộc trong một khung cảnh quen thuộc. Hạnh phúc có thể tìm thấy chính trong những chi tiết nhỏ nhặt đó.
(Nguyễn Quỳnh Hương)
Nỗi buồn không gì tả xiết
Mở đôi mắt thô lố nhìn,
Bình hoa mơ màng tỉnh giấc
Tung ánh pha lê sáng choang.
Cả căn phòng đang tràn ngập
Vị ngọt đê mê mệt nhừ.
Vương quốc này thì quá nhỏ
Đắm chìm quá nhiều trong mơ
Một chút rượu vang đỏ thắm
Thêm chút nắng vàng tháng năm
Những ngón tay dài trắng muốt
Bẻ miếng bánh giòn mỏng tang.
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)