Trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức từ 2010 đến 2014, Quảng Ninh có 4 người được trao giải. Trần Đình Nhân được giải tư với chùm thơ
Người ở mỏ. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông...
- Đây là lần thứ 3 ông được giải trong một cuộc thi thơ viết về người thợ do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Cảm xúc có còn nguyên vẹn như những lần trước không, thưa ông?Tôi vẫn nhớ lần thứ nhất, tôi được giải nhất là vào năm 2005. Cuộc thi lần ấy hơi “khác thường”, đó là Ban Tổ chức đánh số báo danh, rọc phách tên tác giả. Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt Ban Giám khảo viết nhận xét thế này: “Chúng tôi chấm trên bản tác phẩm đã bị rọc phách, không biết thân thế và nghề nghiệp tác giả là gì nhưng chùm thơ của tác giả mang báo danh số 41 (là của Trần Đình Nhân - PV) viết rất chắc tay và có nghề, có thể chọn tới 4 bài để trao giải nhất!”. Sau đó, lần thứ 2 tôi được giải tại cuộc thi này là vào năm 2011 và lần này là lần thứ ba. Tất nhiên, những cảm xúc ban đầu của tôi vẫn vẹn nguyên. Cho dù hai lần sau đều không được giải cao như lần đầu, song dù sao thế cũng là may mắn chán. Như vậy nghĩa là mình cũng chưa đến độ quá già nua… để bị loại khỏi cuộc chơi (cười)…
- Ông dành cho người thợ mỏ vị trí như thế nào trong sáng tác của mình?Bản thân tôi là thợ mỏ. Vì thế những trang viết trong sáng tác dành cho thợ mỏ chính là tôi viết cho tôi và cho bạn bè tôi…
- Có vẻ như những năm tháng lăn lộn của “Người ở mỏ” (tên một sáng tác của Trần Đình Nhân - PV) đã khiến ông thích viết về cái vất vả mệt nhọc, thậm chí dữ dằn của nghề này hơn các mặt khác trong cuộc sống của họ?Không phải thích viết, mà đó là điều bắt buộc! Nếu không, chẳng khác nào người lính viết về chiến tranh mà bạn đọc lại chẳng thấy được cái tàn khốc của chiến tranh ở đâu. Những trang sáng tác về người thợ mỏ mà không thấy được đâu là nỗi lo toan, vất vả, lam lũ, cực nhọc của họ, đâu là cái dữ dằn của nắng, của mưa, của gió, của rét đến bợt bạt và thâm tím mặt người ở một vùng đất... thì những tác phẩm đó có thể nói là chưa chạm được đến bản chất đích thực của cuộc sống người thợ mỏ, thậm chí chưa hiểu được tâm tư, tình cảm và khát vọng của họ. “Luôn phải ngược chiều gió/ Mở vách những đường lò/ Luôn phải ngược chiều gió/ Với tiếp tầm moong sâu/ Thợ mỏ/ Chưa bao giờ dừng bước/ Ngay giữa chiều bão giông...” - Có lần tôi đã viết như thế về họ, tuy đây chưa phải là những câu thơ thực sự hay, nhưng cuộc sống của họ thì đúng là như thế! Sự vất vả, lam lũ như đã ngấm vào máu, vào hơi thở và đã thành ý chí, thành tinh thần bất khuất của người thợ mỏ. Họ cũng có niềm vui thật lớn và cũng “chịu chơi” hết tầm đấy chứ, nhưng đằng sau là trách nhiệm của một công dân mang sứ mệnh của giai cấp tiền phong! Nếu không hiểu được tình cảm, tinh thần và những nhọc nhằn của họ thì người sáng tác làm sao mong chạm được vào hồn, cốt người thợ! Đó chỉ là hình thức trải lòng mình cũng như của đồng đội tôi trên từng trang viết mà thôi! Chỉ mong sao những trang viết này đến được với bạn đọc để thấu hiểu, để cùng chia sẻ gánh nặng lẫn trách nhiệm và đánh giá đúng hơn về giá trị của người thợ…
- Xin được hỏi thêm đôi chút về công việc sáng tác của ông, tôi biết ông là người viết nhiều thể loại, từ thơ, truyện cho thiếu nhi, truyện dài v.v.. Vậy đâu là sở trường của ông?Tôi đã từng tham gia nhiều thể loại như anh đã thấy. Có thể nói, khi đồng hành với thể loại nào, tôi đều có đam mê nhất định. Nhưng công bằng mà nói, tôi vẫn là người “chung tình” với thơ hơn. Tôi không dám nói đó là sở trường nhưng xem ra nàng thơ quyến rũ tôi mất rồi (cười)…
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Hải Dương