Đăng bởi Vanachi vào 24/08/2005 05:30, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 06/03/2006 18:23

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.


1948-1955

Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được chuyển thành đọc thêm trong SGK Ngữ văn 12 từ 2007.

Bản chép ở trên được in trong tập Tia nắng (NXB Văn học, 1983) và tập Người chiến sĩ (NXB Văn nghệ, 1956). Theo Thơ Việt Nam 1945-1960 (NXB Văn học, 1960) thì sau câu “Lòng dân ta yêu nước thương nhà” còn có thêm bốn câu:
Những làng xóm mọc lên luỹ thép
Những ruộng vườn thành bể dầu sôi
Quân giặc kinh hoàng trên đất chết
Mỗi bước đi lạnh toát mồ hôi
Và câu “Lòng ta bát ngát ánh bình minh” in là: “Đây những người con Hồ Chí Minh”.

Dưới đây là bản chép tay của Nguyễn Duy năm 1948 theo bản được phổ biến lần đầu tiên, trước khi được tác giả sửa lại như trên vào năm 1955:
Sáng mắt trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy
Ôi nắng dội chan hoà
nao nao trời biếc
Nắng nhuộm hương đồng ruộng hương rừng chiến khu
Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
mấy cánh chim non trông vời nghìn nẻo
Mây trắng nổi tơi bời
Mấy đứa giết người hung hăng một buổi
Tháng Tám về rồi đây
hôm nay nghìn năm gió thổi
Đàn con hè phố môi hồng hớn hở
ngày hẹn đến rồi
Hôm nay nghìn năm trời muôn xưa
Các anh ngậm cười bãi núi ven sông.
Hà Nội ơi núi rừng.


[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Phân tích vẻ đẹp hình ảnh đất nước Việt Nam từ trong đau thương đứng lên chiến đấu trong bài thơ Đất nước

Sau những vần thơ cảm nhận đất nước từ mùa thu truyền thống lịch sử ở phần 2 tác giả đã tạc hình đất nước từ trong đau thương đứng lên chiến đấu với tất cả sức mạnh và niềm tin yêu ngời sáng.

Đất nước được thể hiện trong đau thương qua những vần thơ bi tráng.

Đất nước đau thương bởi chiến tranh bởi tội ác của bọn thực dân phong kiến. Cảm hứng về đất nước của nhà thơ được thể hiện qua nhiều hình ảnh độc đáo có tính sáng tạo vừa cụ thể vừa mang tính khái quát:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Câu thơ có cảm hứng trực tiếp trên chặng đường hành quân. Khi hành quân qua những vùng thuộc tỉnh Bắc Giang tác giả chứng kiến cảnh đồng quê hoang tàn những vùng bị chiến tranh tàn phá không còn màu xanh sự sống. Những cánh đồng quê dưới ánh mặt trời chiều đỏ ối gợi lên bao nỗi đau nhức buốt.

Từ cảm hứng trực tiếp cụ thể câu thơ Nguyễn Đình Thi vươn tới tầm khái quát. Hai câu thơ là bức tranh đặc tả Việt Nam đau thương bởi chiến tranh. Những cánh đồng quê dưới nắng mặt trời chiều đỏ ối qua cái nhìn ngược sóng có cảm giác như đang chảy máu. Dây thép gai đồn giặc tua tủa in lên nền trời có cảm tưởng như đang đâm nát cả trời chiều. Biện pháp nghệ thuật nhân hoá "cánh đồng quê chảy máu đã vật chất hoá cụ thể hoá nỗi đau tinh thần tình cảm đem đến sự cảm nhận như thân hình Tổ quốc đang bị cào xé đang ứa máu. Đằng sau bức tranh quê hương là bức tranh tâm cảnh có nỗi đau xót và có cả niềm uất hận. Đau xót và uất hận vì giặc đà cướp đi đã làm đảo lộn cuộc sống bình yên. Những cánh đồng cho ta hạt lúa củ khoai thì giờ đây rớm máu. Bầu trời cho ta sự bình yên cho ta không khí trong lành thì giờ đây bị đâm nát.

Với nghệ thuật ngược sáng của điện ảnh với trí tưởng tượng phong phú tác giả đã tạo dựng một hình ảnh về đất nước đau thương đầy ấn tượng. Những động từ "chảy máu, đâm nát" vừa nói lên nỗi đau xót xa vừa chứa đựng sức mạnh tố cáo tội ác của quân thù.

Sau hai câu thơ nói về nỗi đau đất nước trong chiến tranh là hai câu thơ nói lên tâm trạng người lính trên đường hành quân:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Câu thơ như giải thích động lực tinh thần của người chiến sĩ. Họ lên đường chiến đấu với cả khối căm hờn với cả tình yêu thương. Căm hờn và yêu thương đều nấu nung đều cháy bỏng. Tâm trạng này tình cảm này về sau cùng được nói đến trong thơ của Xuân Diệu trên chặng đường hành quân, cùng là tâm hồn của người chiến sĩ:
Yêu với căm hai đợt sóng ào ào
Vỗ bên lòng dội mãi đến trăm sao.
Ở người lính tình yêu riêng và lý tưởng chung đã hoà làm một. Trên nền đất nước đau thương bởi chiến tranh bỗng vụt sáng long lanh trong tâm tưởng người lính hình ảnh đôi mắt người yêu. Đôi mắt người thương như ngôi sao xanh soi tỏ bầu trời đêm soi sáng bước đường hành quân của người chiến sĩ. Đó cũng là ngôi sao của niềm tin niềm hy vọng. Hình ảnh đôi mắt người yêu như ngôi sao xanh của tình yêu thương của niềm tin hy vọng đã trở thành một khái niệm đẹp thành một ấn tượng không thể phai mờ nên thường trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Đình Thi:
Ngôi sao nhờ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cày.
(Nhớ)
Tia lửa nơi ta bay lên cao
Trong mắt người yêu thành ngôi sao
(Em bảo anh)
Sự quyện hoà giữa tình riêng và lý tưởng chung giữa yêu thương và cám giận đã tạo nên sức mạnh phi thường để người chiến sĩ có thể vượt qua những ngày nắng cháy những đêm mưa dội để tin tưởng vào ngày mai chiến thắng:
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Không chỉ người lính mà cả đất nước đã đau thương đứng lên chiến đấu với tất cả sức mạnh và niềm tin yêu.

Kẻ thù gây ra bao tội ác thì những con người hiền lành cũng cháy bỏng hờn căm:
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.
Đất nước đứng lên chiến đấu trong sự gắn bó với nhân dân:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
Động từ ôm nói lên sự gắn bó thân thiết sâu sắc của mỗi người dân đối với đất nước mình. Câu thơ không chỉ nói lên một tư tưởng mới về mối quan hệ giữa đất nước và nhân dân mà còn nói lên một quan niệm mới về con người anh hùng. Con người anh hùng có ở những con người bình thường giản dị. Những người áo vải, những người lao động khi cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc họ đã trở thành những anh hùng chân chính của thời đại.

Cảm hứng về đất nước lên tới cao trào trong 4 câu thơ trên.

Chính ở 4 câu thơ này tác giả đã dựng tượng đài Tổ quốc với vẻ đẹp trong đau thương vẫn sáng ngời sức mạnh và niềm tin:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ trong máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà,
Câu thơ có cảm hứng trực tiếp từ không khí sôi động của chiến trường Điện Biên trong khí thế tổng phản công mà tác giả từng được chứng kiến. Trong mưa bom bão đạn bộ đội ta đào hào tiến công đồn thù. Người trước ngã người sau tiếp bước cứ ào ạt dâng lên như nước vỡ bờ hết lớp này đến lớp khác. Những chiến sĩ sống trong lòng tự hào trong bùn đất khi chiến hào tới sát đồn giặc. Họ rũ bùn nhảy lên mặt đất xung phong trong ánh sáng chói loà của lửa đạn công đồn.

Từ những cảm hứng trực tiếp, từ những hình ảnh thực cụ thể thì câu thơ Nguyễn Đình Thi lại vươn tới tầm khái quát mang tính biểu tượng. Hình ảnh người chiến sĩ trên chiến trường Điện Biên đã được bao bọc trong hào quang của cảm hứng lãng mạn để trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp đất nước: Việt Nam từ trong đau thương máu lửa của chiến tranh, từ trong bùn nhơ nô lệ đã đứng lên chiến đấu chói loà ánh sáng tương lai.

Để dựng lên một tượng đài đất nước uy nghi lồng lộng tác giả đã sử dung nghệ thuật sử thi, nghệ thuật anh hùng ca. Tính chất sử thi, tính chất anh hùng ca này thể hiện qua ngôn ngữ qua hình ảnh qua nhịp điệu câu thơ.

Về ngôn ngữ: những động từ mạnh liên kết với nhau tạo nên những chuyển rung dữ dội: "súng nổ rung trời giận dữ", "nước vỡ bờ", "rũ bùn đứng dậy".

Về hình ảnh: những hình ảnh kỳ vĩ mang tầm vóc và sức mạnh của thiên nhiên. Súng nổ rung trời mang sự căm giận của lòng dân. Sự trừng phạt của nhân dân đối với kẻ thù cũng là sự trừng phạt của trời đất. Sức mạnh của nhân dân cũng là sức mạnh của đất trời như nước vỡ bờ. Những hình ảnh được đặt trong sự đối lập tương phản: máu lửa/ bùn đất/ sáng loà tạo nên hai mảng màu sáng tối vừa khắc hoạ được nỗi đau đất nước vừa thể hiện được sức mạnh và niềm tin yêu.

Về nhịp điệu, trong cả bài đất nước về cơ bản tác giả dung thể thơ tự do nhưng đến 4 câu thơ cuối này thì tác giả lại sử dụng những câu thờ 6 chữ. Những câu thơ đã ngắn nhịp điệu lại càng ngắn càng dồn dập:
Súng nổ/ rung trời/ giận dữ Người lên/ như nước vỡ bờ.
Đó là nhịp của triều dâng lũ cuốn tạo nên những lớp sóng thần tiếp nối nhau hết lớp này đến lớp khác. Đó là nhịp của gió lay, của bão giật hết trận này đến trận khác.

Cảm hứng anh hùng ca rầm rập bốc cao lên đã đem đến cho bài Đất nước một vẻ đẹp sử thi.
Viết Đất nước Nguyễn Đình Thi đã thể hiện một cảm hứng thi ca mang tính chất tổng hợp, cảm hứng này rất đậm nét trong phần 2 của bài thơ khi tác giả tạc hình Tổ quốc trong đau thương đứng lên chiến đấu.

Bài thơ đã thể hiện được nét đặc sắc trong phong cách thơ nghệ thuật của Nguyễn Đinh Thi phát hiện vẻ đẹp của con người, của đất nước trong những đau thương, trong đau thương vẫn ngời sáng lên vẻ đẹp của tình yêu, của hy vọng và niềm tin. Với bài Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi trữ tình mà chính luận hiện thực mà lãng mạn, mà sử thi.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
203.90
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng khổ thơ cuối trong bài thơ Đất nước

Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi được sáng tác trong khoảng thời gian dài (1948-1955) là cảm hứng thi ca mang tính tổng hợp về chủ đề đất nước. Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bài thơ là niềm tự hào kiêu hãnh về Tổ quốc Việt Nam từ trong đau thương nô lệ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên đấu tranh giành thắng lợi huy hoàng với niềm tin yêu sáng ngời được kết thúc bằng bốn câu thơ đầy hào hứng:

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà
Ngay câu thơ đầu tiên của khổ thơ tác giả đã cho người đọc thấy một loạt hình ảnh tiếng súng. Đó không phải là những tiếng súng nổ lẹt đẹt mà là tiếng súng nổ giận dữ, đó là tiếng súng nổ rung trời đồng thời đó cũng là sự giận giữ của lòng người. Những dàn súng lớn của quân ta vào đồn bốt của giặc không chỉ bắn ra bằng những viên đạn đồng mà còn được bắn bởi những viên đạn nhồi bằng thuốc nổ căm hờn của lòng người dân Việt Nam được nén chặt từ hàng năm nay dưới ách xâm lược của thực dân Pháp “Thằng giặc Tây thằng chúa đất đứa đè cổ, đứa lột da” chính vì thế mà chúng mới có sức rền vang mạnh mẽ đến mức làm rung chuyển cả trời đất. Hình ảnh đó làm ta liên tưởng đến những câu thơ của Nguyễn Trãi khí thế tiến công mạnh như vũ bão của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh:
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lan trúc chẻ tro bay
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Nếu câu thơ trên nhà thơ miêu tả sức mạnh của dân tộc qua hình ảnh tiếng súng thì đến câu thơ này là hình ảnh con người hiện lên “như nước vỡ bờ”. Câu thơ vừa mang đậm ý nghĩa hiện thực mà lại giàu ý nghĩa tượng trưng, diễn tả hình ảnh từng binh đoàn xông lên chiếm lấy cao điểm cuối cùng trong một trận đánh nào đó vừa diễn tả sức mạnh quật khởi của cả dân tộc bị áp bức nô lệ. Hình ảnh này được thể hiện thật rõ rệt qua bút pháp so sánh tài tình của tác giả với cách vận dụng thành ngữ giản dị dễ hiểu mà giàu ý nghĩa tượng trưng “Người lên như nước vỡ bờ”.

Hai câu thơ trên với nhịp thơ ngắn, nhanh, mạnh:
Súng nổ rung trời / giận dữ
Người lên / như nước/ vỡ bờ
Như những bước chân đang dồn dập xông lên với khí thế chiến đấu vô cùng mạnh mẽ quyết liệt của quân và dân ta.

Nếu hai câu thơ trên là khí thế chiến đấu, sức mạnh thần kỳ của quân và dân ta trong khí thế tiến công giành chiến thắng thì hai câu thơ cuối cùng của bài thơ ngòi bút của tác giả như làm sống dậy sức sống của người dân Việt Nam từ kiếp nô lệ tâm hồn đau thương đã vượt qua những trận chiến ác liệt đầy “máu lửa” để làm nên những chiến công chói lọi huy hoàng:

Nước Việt Nam từ trong máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng loà Hai câu thơ tạo nên hai hình ảnh đối lập đã làm nổi bật sự quật khởi vĩ đại của đất nước. Động từ “rũ” chỉ tác động mạnh mẽ dứt khoát mau lẹ. Trong phút chốc chúng ta đã rũ sạch mọi quá khứ bùn nhơ và hiện lên với một tư thế như một dũng sỹ thật oai phong lẫm liệt “đứng dậy sáng loà”, sáng loà là ánh sáng của hào quang, nó còn gợi cho ta cảm giác từ bóng tối đột ngột bước ra ánh sáng. Đó là ánh sáng của chiến công, của tư thế làm chủ đất nước.

Bốn câu thơ đã tạo được một bức tranh hào hùng với bối cảnh vừa rộng lớn vừa hiện thực vừa tượng trưng phảng phất màu sắc thần thoại và cảm hứng lãng mạn. Và có lẽ đó cũng là những hình ảnh thực mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng chứng kiến ở chiến trường Điện Biên Phủ lịch sử. Trong tiếng súng đại bác dồn dập rền vang các chiến sỹ của ta từ các chiến hào đầy bùn đỏ ào ạt xông lên như những thác người tràn vào chiếm lấy cố thủ cuối cùng của quân Pháp ở đồi Him Lam:
“Tôi thấy các anh mình đầy bùn nhưng khi nhảy lên trên mặt đất, các anh hiện ra chói loà trong ánh nắng”

Trong giờ phút lịch sử huy hoàng ấy, trước mắt nhà thơ như sừng sững vụt lên chân dung của nước Việt Nam mới, chói ngồi trên cái nền lửa máu bùn lầy, khói đạn trong không gian dồn dập rền vang tiếng súng nổ rung trời. Phải chăng đó là hình ảnh thu nhỏ của không khí Cách mạng tháng Tám của cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt và hào hùng đã đi vào sử sách:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
(Tố Hữu)
Và chỉ trong những giây phút lịch sử ngắn ngủi, dân tộc đất nước ta đã hoá thân lột xác từ địa vị nô lệ không tên tuổi bỗng chốc trở thành:
Việt Nam dân tộc anh hùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Sau này cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy hi sinh gian khổ hoàn toàn chiến thắng nhà thơ Tố Hữu cũng có những câu thơ đầy tự hào như Nguyễn Đình Thi:
Ôi Việt Nam từ trong biển máu
Người vươn lên như một thiên thần
(Việt Nam máu và hoa)
Chỉ có bốn câu thơ với hai mươi tư chữ đã kết tinh được chủ đề tư tưởng của bài thơ Đất nước. Đoạn thơ có những câu thơ ngắn ngắt nhịp đều đặn tạo được một âm hưởng dõng dạc hùng tráng. Nó xứng đáng là một bức điêu khắc bằng thơ đựng lên được một tượng đài hào hùng của dân tộc, trong những giây phút huy hoàng chói sáng nhất của lịch sử.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
84.12
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng khổ thơ thứ 5 trong bài thơ Đất nước

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Bài làm

Đất nước (1948-1955) là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ mang rõ phong cách thơ Nguyễn Đình Thi. Chủ đề bao trùm của bài thơ là lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha, ý thức độc lập tự chủ, lòng tự hào về nhân dân đất nước anh hùng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong đau thương nô lệ đã quật khởi đứng lên chiến thắng huy hoàng. Trong đoạn thơ viết về đất nước từ trong đau thương nô lệ, căm hờn đã đứng lên ngời sáng; bỗng nổi bật lên 4 câu thơ với những hình ảnh, từ ngữ thật đặc sắc gợi cảm “Ôi những... người yêu”.

Hai câu thơ đầu là một bức tranh về đất nước trong chiến tranh đau thương. Theo lời kể của tác giả “Trên đường hành quân cùng bộ đội, một buổi chiều muộn, qua cánh đồng miền trung du, nhìn lên trời cao trước mặt, đồn giặc có dây thép gai nhọn sắc in lên bầu trời có ráng đỏ như máu chiếu xuống cánh đồng một màu đỏ ối” nhà thơ đã viết nền hai câu thơ thật đau đớn xót xa:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Hai câu thơ có sức khêu gợi lớn. Nó diễn tả một cách cô đọng và tập trung cảnh làng xóm quề hương chảy máu: “Những cánh đồng quê chảy máu” – Chỉ có sáu tiếng gợi lên trong tâm tư chúng ta nhiều mối liên tường khác nhau: Cảnh những trận càn trên đồng lúa, cảnh giặc đuổi người, bắn người trên cánh đồng, cảnh những vụ gặt giành tay giặc từng hạt thóc, từng bông lúa và mỗi hạt thóc bông lúa đều thấm máu nhân dân. Đó còn là cảnh những người du kích đổ máu để bảo vệ đồng quê, ruộng lúa xóm làng. Nhà thơ dùng biện pháp nhân hoá đơn sơ mà diễn tả được tình cảnh đau thương, tinh thần anh dũng của đồng bào và quê hương trong chiến đấu.

Sức khêu gợi của câu tiếp theo càng lớn hơn nữa. Hình ảnh ở đây gợi lên ách chiếm đóng nặng nề của giặc. Qua lời thơ tưởng chừng như làng xóm đồng quê không còn cây cối nhà cửa nữa, chỉ có dây thép gai của giặc như móng vuốt của thú dữ trùm lên tất cả, in trên nền trời. Cùng với hai chữ “chảy máu” ở trên, hai chữ “đâm nát” ở dưới gợi lên biết bao đau đớn... Trong tương quan ngôn ngữ đó, hai tiếng “trời chiều” không còn gợi lên sự thanh bình yên ả nữa.
Chiều mộng hoà thơ trông nhánh duyên...
(Thơ duyên - Xuân Diệu)
Việt Nam, đất nước ta ơi
(Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi)
Mà nó lại gợi lên màu máu đỏ. Chúng ta hình dung một mảnh trời chiều đỏ rực khi mặt trời vừa lặn in những hình dây thép gai lởm chởm nhọn hoắt tưởng chừng như đâm nát cả trời chiều, làm cho nền trời càng ứa máu. Câu thơ của Nguyễn Đình Thi gây ấn tượng mạnh bằng thủ pháp ngược sáng điện ảnh, làm cho những đường nét, màu sắc tương phản gay gắt. Từ một hình ảnh thực thu vào tầm mắt trong một chiều hành quân qua vùng Bắc Giang, hình ảnh thơ đã được nâng lên thành hình ảnh biểu tượng sâu sắc cho đất nước đau thương trong chiến tranh bị quân thù chiếm đóng.

Sống trên một đất nước thường xuyên phải đương đầu đủ loại ngoại xâm: từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, từ Đông vào, cha ông ta đã thấm thía thế nào là “Nước mất nhà tan”, “Giặc sa nhà cháy”. Cho nên lịch sử văn học Việt Nam có hẳn một mảng thơ ca viết về tội ác quân thù trong chiến tranh xâm lược. Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi viết:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Tàn hại cả côn trùng thảo mộc
Độc ác thay trúc Nam Sơn...
Không rửa hết mùi
Trong bài Chạy Tây, Nguyễn Đình Chiều cũng đã viết:
Bỏ nhà lũ trẻ lơ thơ chạy
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Trong bài Bà má Hậu Giang, Tố Hữu đã dựng lên được cả một bức tranh sinh, động về cảnh “Đốt sạch, giết sạch” mà thực dân Pháp đã dành cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ:
Hỡi ôi việc chửa thành công
Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang
Giặc lùng giặc đốt xóm làng
Xác xơ cây cỏ tan hoang cửa nhà
Một vùng trắng bãi tha ma
Lặng im không một tiếng gà gáy trưa.
Sau này, Chế Lan Viên đã có một câu thơ đầy trí tuệ về tội ác kẻ thù:
Chúng nhân số dân ta lên cùng với số đạn
Khô cằn xuân và tuyệt tự cả trăm vùng
Hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi như tả ngoại cảnh mà thực ra là tả tình. Cho nên mới có tiếng “Ôi!” ở đằng trước. Biết bao tình cảm xót xa đau đớn nhức nhối căm thù trong lòng người chiến sĩ được chứa đựng trong những hình ảnh thơ ấy. Vì thế:
Những đèm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Nếu hai câu đầu thiên về ngoại cảnh thì đến hai câu thơ này đã đi sâu hơn vào tâm trạng. Trên cái nền của cảnh đất nước đau thương, của những gian lao anh dũng trong chiến tranh, bỗng vụt sáng long lanh trong tâm tưởng của người chiến sĩ hình ảnh đôi mắt người yêu dõi theo sau những ô cửa sổ như những ngôi sao xanh của hy vọng và khát vọng, soi tỏ bầu trời đêm:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây
Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau tương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi bữa anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yếu nhau kiêu hãnh làm người
(Nhớ – Nguyễn Đình Thi)
Hình ảnh người lính, qua hai câu thơ là hình ảnh “những con người đẹp nhất” vì họ đã “biết căm thù và biết yêu thương”. Biết bao nỗi căm hờn ẩn chứa trong trái tim như được dồn nén lại qua từ “nung nấu” và cũng có biết bao tình cảm yêu thương nồng nàn, thiết tha cháy bỏng của người chiến sĩ đối với người thương được đúc lại trong hai chữ “bồn chồn” ấy. Hai từ đó đi sóng đôi với nhau, bổ sung cho nhau làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Họ vừa có ý chí quyết tâm tiêu diệt kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho Tổ quốc vừa có trái tim lãng mạn mộng mơ. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận sâu sắc những rung động tinh tế trong tâm hồn người lính ra trận. Từ “dài” đi với từ ‘nung nấu" trong câu thơ trên cùng với từ “bồn chồn” ở câu thơ sau cũng đã diễn tả rất thành công mối quan hệ giữa tình cảm thường trực và đột xuất, thể hiện thật hoàn thiện và sâu sắc sự hoà hợp giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước của người chiến sĩ.

Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn nhà thơ đã diễn tả được tình cảnh đau thương, tinh thần anh dũng của đồng bào và quê hương trong chiến đấu. Và nổi bật lên là tình cảm xót xa đau đớn nhức nhối căm thù giặc trong lòng người chiến sỹ. Song cái đẹp của hình ảnh ấy là tâm hồn của các anh bộ đội cụ Hồ vừa biết căm thù vừa biết yêu thương, biết gắn tình yêu Tổ quốc với tình yêu lứa đôi, biết gắn cái riêng với cái chung để làm nên chiến thắng.

Là một dân tộc có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, chúng ta không thể chìm đắm mãi trong đau thương, nô lệ tăm tối mà cả đất nước đã quật khởi đứng lên với gương mặt quê hương ngời sáng:
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Bằng thủ pháp đối lập..., tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp Việt Nam, tinh thần bất khuất kiên cường Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp Tố Hữu đã từng viết:
Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi
Và sau này trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, suy ngẫm về sức sống diệu kì của dân tộc, Tố Hữu cũng lại viết nên những câu thơ đầy tự hào:
Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hoá vàng nhân phẩm lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm;
Việt Nam! Ơi Tổ quốc thương yêu
Trong khổ đau Người đẹp hơn nhiều
Việt Nam trong lửa đạn sáng ngời
Việt Nam vốn là dân tộc giàu phẩm chất “hồn hậu, nhân ái, chan hoà” nhưng “lành với bụt không ai lành với ma”. Mỗi khi kẻ thù ngoại xâm đặt bàn chân bẩn thỉu cùng với những mưu đồ đen tối lên đất nước ta thì lập tức “tre thành chông – sông là lửa mà Điện Biên mới chỉ là bài học đầu tiên”:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da
“Bát cơm” hiện thân sự sống hàng ngày của ta, ta phải giành giật từ bàn tay khắc nghiệt của thiên nhiên, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Thế mà khi ta đã bưng lên miệng, giặc còn giằng một cách thô bạo. “Thằng giặc Tây, thằng chúa đất – Đứa đè cổ, đứa lột da”. Sự cấu kết giữa phong kiến và đế quốc thực dân là đặc trưng của một nước thuộc địa. Đây là một liên minh ma quỷ để nhằm tiêu diệt những dân tộc vô tội. Hình ảnh “đứa đè cổ, đứa lột da” là một hình ảnh ẩn dụ đã làm nổi bật được tội ác của kẻ thù xâm lược và số phận bi thương tội nghiệp của dân ta. Qua lời thơ, số phận người dân Việt Nam có khác gì con chim con cá chúng vặt lông làm thịt lúc nào chẳng được:
Chúng coi mình như trâu như chó
Chúng coi mình như cỏ như rơm
(Phan Bội Châu)
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao
(Tố Hữu)
Giặc ỷ thế vào sức mạnh của vũ khí, của sự tàn bạo “xiềng xích, súng đạn” tối tân. Nhưng “Máu không thể dìm được chân lí” (Gooc-ki). Chúng dù hung ác bạo tàn đến đâu cũng không huỷ diệt được “những dòng sông của thơ ca nhạc hoạ, những cánh đồng bốn mùa hoa lá” xanh tươi, thơ mộng, cũng không thể bắn được tấm lòng của những người dân vốn sống trên đất nước “Bao giờ hết cỏ; Việt Nam mới hết người đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực):
Xiềng xích chúng bay không khoẻ được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
(Hình ảnh xiềng xích đối lập vói trời; súng đạn: hữu hình đối lập với lòng dân ta: vô hình).
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Bằng một hình ảnh “khói” và âm thanh “kèn”, tác giả cũng đã dựng được một cách sinh động bức tranh của đời sống kháng chiến. “Kèn” là âm thanh vang vọng nhất của cả dân tộc lúc bấy giờ. Đó là tiếng kèn của chiến trận thôi thúc, giục giã để chuẩn bị cho một cuộc ra trận của cả dân tộc "Những đường Việt Bắc của ta “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Động từ “nhòm” diễn tả động tác vòng hai tay bao lấy đối tượng và giữ sát vào người, nuôi mãi trong lòng (từ điển). Nhờ thế, câu thơ đã làm nổi bật được lòng yêu nước thiết tha sâu nặng của những người nông dân “Những người áo vải”, lực lượng chủ yếu, trụ cột của phong trào kháng chiến, giải phóng dân tộc:
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên
Từ nay trở đi họ không còn là “con ong cái kiến, cái cò, cái vạc, cái nông” nữa mà là người anh hùng vĩ đại của thời đại mới sẽ viết nên những trang sử vàng chói lọi nhất:
Dân ta gan dạ anh hùng
Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng
Bằng sự từng trải của chính bản thân, Nguyễn Đình Thi đi đến những khái quát cao độ về những gian khổ, những mất mát hy sinh to lớn của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
“Ngày nắng đốt dội”, khó khăn nối tiếp khó khăn, thử thách nối tiếp thử thách. “Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh”. Điệp từ “mỗi” tạo nên sự hô ứng làm nổi bật sự hy sinh lớn lao. Đúng là con đường đi đến đích độc lập tự do đâu phải là con đường đầy hoa thơm quả ngọt mà “Đường qua máu chảy – Máu đọng chưa khô. Máu lại đầy Trăm đắng nghìn cay”. Nhưng trên con đường đi tới, bước tiếp ấy, con người Việt Nam vẫn hiện lên trong một tư thế thật kiêu hãnh, một vẻ đẹp tuyệt vời.
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
“Trán” là biểu hiện của sự suy nghĩ, của trí tuệ; còn “lòng” ở câu thơ này là biểu hiện của tư tưởng, tình cảm, tâm hồn. Vầng trán của con người mới đã cháy bỏng và rực sáng ý nghĩ về đất trời, quê hương mới để tiến lên “Con đường sáng tuyệt vời” (Chế Lan Viên). Còn tấm lòng của họ cũng toả sáng bao la ánh bình minh của lịch sử và tương lai. Con người có khối óc và trái tim ấy sẽ trở thành những bông hoa của đất nước trong thời đại ta. Ở trong chiến đấu cũng như trong xây dựng họ đều xuất hiện với tư thế, tầm vóc thật kì vĩ, phảng phất màu sắc thần thoại:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo
(Lên Tây Bắc – Tố Hữu)
Yêu biết mấy những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ những loài sen
(Mùa thu mới – Tố Hữu)


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
64.17
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng khổ thơ 2,3,4 trong bài thơ Đất nước

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi:

Mùa thu nay khác rồi!
.....
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Bài làm

Bài thơ Đất nước được hình thành trong cả một quãng thời gian dài (1948-1955). Lần đầu tiên được đưa vào tập Chiến sĩ (1956). Bài thơ được tổ hợp từ một số bài thơ khác như Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Đây là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi nói riêng của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ mang rõ phong cách Nguyễn Đình Thi. Chủ đề bao trùm của Đất nước là lòng yêu nước nồng nàn, thiết, tha, ý thức độc lập tự chủ, là lòng tự hào về đất nước và nhân dân anh hùng, từ trong đau thương nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quật khởi vùng lên chiến thắng huy hoàng. Trong đó có những đoạn thơ đó là Tổ quốc hồi sinh tràn đầy, sức sống, ý thức độc lập tự chủ và niềm tự hào về Tổ quốc giàu đẹp, có truyền thống bất khuất kiên cường:
Mùa thu nay khác rồi!
....
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Sau khi hồi tưởng đến mùa thu của những ngày rời Hà Nội ra đi vì nghĩa lớn với cảm xúc “Buồn buồn lặng lặng” (Hoài Thanh), tác giả bộc lộ cảm nghĩ của mình về mùa thu mới, mùa thu trên đất nước nhân dân đã làm chủ vận mệnh của mình, mùa thu kháng chiến ở núi rừng Việt Bắc: “Mùa thu nay khác rồi”. Lời thơ đầy tính chất khẳng định. Đó là sự khác rồi về không gian, thời gian và tâm trạng con người trước mùa thu. Nhưng cái khác trước hết của mùa thu này được người đọc nhận ra ngay ở nhịp điệu, tiết tấu, hình ảnh thơ: từ những câu thơ thất ngôn sâu lắng, cổ kính mang đậm màu sắc Đường thi, bài thơ bỗng chuyển sang những câu thơ tự do, tạo nên một nhịp điệu hối hả phơi phới làm cho đoạn thơ như hát vang lên từ một trái tim chất chứa niềm vui.

Đứng giữa không gian bao la, giữa đất trời bát ngát thoáng đãng, với trái tim reo vui, tác giả đã lắng nghe, cảm nhận sắc thu, hồn thu mới “Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”. “Vui nghe” chứ không phải là nghe vui. Nghe vui là niềm vui từ bên ngoài còn vui nghe là niềm vui từ trái tim trỗi dậy, dâng lên, lan toả, nhuốm lên tất cả cảnh vật, đất trời, cỏ cây mây nước “Gió thổi rừng tre phấp phới”. “Phấp phới” là một từ láy rất gợi hình, gợi cảm và giàu ý nghĩa diễn tả. Phấp phới rừng tre gió thổi hay phấp phới của lá cờ đỏ tung bay giũa chiến khu tự do hay còn gợi cho ta niềm vui phơi phới của con người đang bay lên cùng với đất trời giải phóng?

Trong niềm vui lâng lâng ấy, nhà thơ đã cảm nghe được sự chuyển đổi rất mực tinh tế của hồn thu:
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Nhờ sử dụng biện pháp nhân hoá đặc sắc, nhà thơ không chỉ diễn tả được sự thay đổi của sắc thu mà còn diễn tả được sự thay đổi của lòng người, hồn người. Qua câu thơ của Nguyễn Đình Thi, dường như mùa thu đất nước đã được hồi sinh và hiện lên như một cô gái đầy sức trẻ, trẻ cả hình sắc, trẻ cả tâm hồn. “Trong biếc nói cười thiết tha”. Câu thơ có 6 chữ mà dồn nén biết bao nhiêu cảm xúc và ấn tượng: âm thanh thì “nói cười” tươi trẻ, màu sắc thì “trong biếc”, tình cảm thì “thiết tha”. Nhớ lại cảnh mùa thu cũ hiện về như thiếu nữ “đứng chịu tang. Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” với “áo mơ phai dệt lá vàng” còn thu nay đã được thay bằng chiếc áo màu tươi sáng, bình dị, ta càng thấm thía thu từ đây “không thu thảm thu sầu” mà là “thu sướng nhuộm màu xuân mát mát”:
Mùa thu vàng sáng tới rồi đây
Áo mới em phơi gió thổi đầy
Áo trắng đôi tà phơ phất hoá
Áo vàng em mặc cánh thu bay
(Xuân Diệu)
Đoạn thơ trên được tác giả sử dụng nhiều động từ “đứng, nghe, gió thổi, thay áo, nói, cười” đã gợi được không khí nhộn nhịp sôi nổi rộn ràng của mùa thu, Cảnh sắc thiên nhiên ở đây vừa bình dị khoẻ khoắn, vừa trong trẻo tươi sáng hoà hợp với tâm trạng vui hồ hởi của thi nhân tạo nên một vẻ đẹp mới cho mùa thu đất nước. Nguyễn Đình Thi đã đưa đến một nét mới cho những bài thơ về mùa thu Việt Nam muôn đời.

Đứng trước khung cảnh mùa thu đất nước như đang hồi sinh, trào dâng sức sống, niềm vui, với tình yêu thương nồng thắm, tác giả đã bộc lộ ý thức độc lập, tự chủ và niềm tự hào về Tổ quốc giàu đẹp. Thông qua tình cảm nồng thắm yêu thương và chói đỏ tự hào của tác giả, bức tranh đất nước cứ lần lượt được mở ra với không gian ba chiều bát ngát và hiện lên với những đường nét, màu sắc, hình khối và cả hương vị nữa, thật nên thơ, nên hoạ. Ngẩng đầu lên là bầu trời “thu xanh ngắt mấy từng cao”. Dường như không nén nổi cảm xúc, tác giả phải reo lên “Trời xanh đây là của chúng ta”. Trời ta xanh mắt ai mà chẳng thấy, vốn rất xanh từ cái thuở xa xưa. Bầu trời ấy qua thơ ca của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà... đã cao xanh, giờ đây càng trở nên xanh cao hơn nữa. Vì trong sắc xanh muôn thuở của bầu trời, này có thêm sắc xanh của lòng người được hưởng độc lập, tự do. Đúng như Chế Lan Viên đã viết:
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu
Trời thu xanh ngắt sáng tuyên ngôn
Trời bỗng xanh hơn nắng chói loà
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
(Tố Hữu)
Nhìn sang bên kia là những dãy núi, những cánh rừng trùng trùng điệp điệp “Núi rừng đây là của chúng ta”. Hai chữ “núi rừng” không hề gợi lên cảnh ma thiêng nước độc mà chỉ gợi lên sự giàu có của Tổ quốc, ẩn chứa biết bao tài nguyên phong phú “Rừng vàng bể bạc đất phì nhiêu”. Nhớ lại cảnh quê hương làng xóm trong máu lửa chiến tranh, bầu trời cánh đồng như ứa máu, rách nát bởi dây thép gai, móng vuốt của kẻ thù “Ôi những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đâm nát trời chiều!” chúng ta mới thấm thía cái vang hưởng của lòng tự hào, niềm kiêu hãnh và ý thức độc lập tự chủ toát ra từ hai câu thơ:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đầy là của chúng ta
Những câu thơ khẳng định, những đại từ chỉ định “đây” cùng với điệp từ ngữ “của chúng ta” đã vang lên dõng dạc niềm tự hào kiêu hãnh về quyền làm chủ đất nước. Cảm hứng này là một cảm hứng mà ta thường gặp trong thơ ca Việt Nam sau ngày giải phóng:
Của ta trời đất, đêm ngày
Núi kia đồng nọ, sông này của ta
(Tố Hữu)
Những câu thơ “Tôi nhớ lại; Tôi đứng vui nghe” là những lời độc thoại của nhân vật trữ tình. Sau lời độc thoại, đến đây dường như nhà thơ hát chung với dàn đồng ca của nhân dân, hoà trong cảm hứng vui sướng, tự hào được làm chủ đất trời thiên nhiên Tổ quốc tươi đẹp:
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Bằng hàng loạt từ “những” một từ chỉ số nhiều không xác định mở đầu các đòng thơ, trước hết tác giả như muốn kể thêm nhiều hơn vẻ giàu đẹp của đất nước, sau nữa đoạn thơ gợi cho người đọc bức tranh đất nước cứ lần lượt được mở ra lộng lẫy, bát ngát. Nguyễn Đình Thi sử dụng nhiều tính từ chỉ cảm xúc “thơm mát, bát ngát, đỏ nặng”. Điều đó vừa diễn tả được tình cảm yêu nước thiết tha, nồng nàn của tác giả vừa làm cho bức tranh đất nước như có thêm đường nét, màu sắc, hình khối. Với tấm lòng yêu nước thiết tha sâu nặng, dường như tác giả cảm nhận được cả cái vị “thơm mát” của cánh đồng, tận mắt thấy được cái “bát ngát” tự do của những ngả đường mở ra, như trông thấy được cả những dòng sông đỏ nặng phù sa cuộn chảy về xuôi. Câu thơ của Nguyễn Đình Thi thật trĩu nặng suy tư. “Những dòng sông đỏ nặng phù sa” hay đỏ nặng tấm lòng yêu thương và tự hào đối với đất nước của tác giả? Ở đây nhà thơ sử dụng nhiều nguyên âm mở “a, at” cuối dòng thơ cùng đã góp phần diễn tả thành công cái cảm xúc thơ nói trên (Từ cuộc sống có phần tù túng trong năm cửa ô, các văn nghệ sĩ mang ba lô hành hương lên đất thánh Việt Bắc. Qua bao nhiêu nẻo đường kháng chiến, cảm nhận về đất nước được mở ra theo chiều rộng không gian với bầu trời thu trong xanh, những núi rừng bát ngát của Việt Bắc, những cánh đồng lúa thơm mùi sữa, những dòng sông Lô, sông Thao, sòng Hồng cuồn cuộn phù sa).

Từ những cảm nhận về cái hữu hình của đất nước với không gian, bầu trời, cánh đồng, dòng sông, câu thơ đang náo nức, dồn dập reo vui bỗng như trầm lắng hẳn xuống, đượm vẻ thiêng liêng thành kính khi nghĩ về cái vô hình là hồn thiêng đất nước trên chiều dài của thời gian 4000 năm lịch sử:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
“Nước chúng ta”, câu thơ có ba chữ mà như nổi bật lên giũa bài thơ giống như dòng nước đang cuộn chảy bỗng chững lại, dồn nén lại. Câu thơ bình dị mà chất chứa bao nhiêu cảm xúc yêu thương và tự hào.

Nghĩ về quá khứ của đất nước chúng ta, điều làm tác giả cảm phục nhất là truyền thống bất khuất kiên cường. Truyền thống ấy nổi bật lên tạo thành gương mặt rạng rỡ nhất của lịch sử cha ông “Nước những người chưa bao giờ khuất”. Câu thơ giản dị như một lời nói thường nhưng đã làm sống dậy trước mắt ta cả một quá khứ oanh liệt của tổ tiên. Ta như thấy trong đó tư thế của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... luôn luôn hiên ngang bất khuất trước mọi đợt sóng ngoại xâm hung tàn: Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh.

Sức mạnh anh hùng bao đời của dân tộc đối với hiện tại là một sự thực lớn lao hùng hồn. Nhưng ở đây đã được nhà thơ diễn tả thông qua việc sáng tạo ra một hình tượng âm thanh như không thật, một âm thanh của tâm tưởng hơn là của thính giác: âm thanh rì rầm đêm đêm trong lòng đất vọng từ nghìn xưa vọng tới mai sau. “Rì rầm” là một từ láy tượng thanh rất gợi cảm. Nó không ồn ào vang động, vang xa nhưng liên tục đều đặn như dòng suối chảy bất tận. “Rì rầm” trong lòng đất “đêm đêm” còn gợi lên không khí thầm lặng thiêng liêng. “Đất” là hình ảnh tượng trưng cho đất nước, của sự khổng lồ, vĩnh hằng. “Đất” cũng là cái được dựng lên từ mồ hôi nước mắt, kể cả xương máu của biết bao thế hệ cha ông. Với hình ảnh thơ độc đáo này, tác giả đã hình tượng hoá được truyền thống anh hùng của đất nước thành một hình ảnh đầy sức sống, thiêng liêng và vững bền muôn thuở, trở thành nhịp đập của con tim lịch sử Việt Nam bất khuất anh hùng:
Tim Việt Nam có Bạch Đằng ca hát
Có đường gươm “sát thát” chém Toa Đô
Có Nguyễn Trãi trong hồn thơ ý nhạc
Sang sảng ngân trong “Đại cáo bình Ngô”
Đúng là một hình ảnh thơ đầy sáng tạo, vừa mang yếu tố cảm xúc cụ thể vừa có ý nghĩa tượng trưng khái quát sâu xa “Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Nhờ sự kết hợp khéo léo giữa các từ “những... xưa... vọng... về”, câu thơ của Nguyễn Đình Thi cũng đã diễn tả được tính chất liên tục truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc. Cả quá khứ sâu thẳm của lịch sử đất nước dường như cũng đều có mặt với con cháu hôm nay, luôn luôn nhắn gửi về những lời thiêng liêng tha thiết. Đúng như Lê Anh Xuân đã từng viết:
Nghe như tiếng của cha ông thuở trước
Truyền con cháu hãy ngẩng cao đầu mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa
Hãy viết tiếp bài ca bất khuất ngày xưa
Bằng những câu thơ giàu tính chất suy tư và cảm xúc, bằng những hình ảnh nhân hoá vừa cụ thể vừa tượng trưng, đoạn thơ trên không chỉ thể hiện được niềm vui, niềm tự hào về Tổ quốc giàu đẹp và ý thức độc lập tự chủ mà còn bày tỏ được niềm biết ơn thành kính với tổ tiên. Vì hơn ai hết, nhà thơ đã ý thức được những chiến công vẻ vang hôm nay là kết quả của sức mạnh tổng hợp giữa quá khứ oanh liệt của cha ông với cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta:
Thời đại lớn cho ta đôi cánh
Không gì quý hơn độc lập tự do.
Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận
Có Đảng ta đây, có Bác Hồ
(Tố Hữu)


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
I see the light of love in your eyes
The love is forever no more goodbyes
54.80
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cánh đồng chảy máu một hình ảnh ấn tượng trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Đó là hai câu thơ với hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, được viết và sửa trong thời gian từ năm 1948 đến năm 1955.

Hãy chú ý đến từ chảy máu trong câu thơ thứ nhất. Tại sao tác giả không viết cánh đồng quê đẫm máu, ngập máu, loang máu, đầy máu? Viết như thế chỉ nói được máu người bị giặc giết loang trên đồng, ngập trên đồng. Nhưng viết “chảy máu” thì khái quát hơn, vừa nói được cánh đồng đẫm máu người bị giết, và sâu xa hơn, còn nói được chuyện cũng bị giặc giết, cánh đồng này cũng bị giặc tàn sát. Lũ giặc giết người đã ác, nhưng chúng còn giết cả những cánh đồng, chúng còn tàn sát cả thiên nhiên, đất đai, cây cỏ... Vì thế, cách viết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi có sử dụng nghệ thuật nhân hoá; sức gợi, sức khái quát của câu thơ lớn hơn nhiều.

Bây giờ ta thử hỏi vì sao nhà thơ lại chọn trời chiều? Vì sao không viết chẳng hạn “Dây thép gai đâm nát bình minh?”, “Dây thép gai đâm nát trời trưa?” Đây là thời gian hành quân của người chiến sĩ, tiếp sau đó là câu thơ “Những đêm dài hành quân nung nấu”.

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” bởi vậy thời gian chuyển từ chiều sang đêm gần gũi. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ bình minh lên hồng chân mây hay trời trưa trong trẻo sẽ không thích hợp với không khí cánh đồng chảy máu. Trời chiều thường có ráng đỏ, thường tím tái; khi dây thép gai đâm nát, gợi một không gian ứa máu. (trong Nhớ rừng, Thế Lữ cũng chọn thời gian và không gian chiều để diễn tả: “Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng. Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”). Cánh đồng quê chảy máu. Trời chiều bị dây thép gai đâm nát cũng ứa máu. Sự diễn tả như thế tạo ấn tượng mạnh mẽ về tội ác của kẻ thù, về những đau thương và mất mát của quê hương trong chiến tranh. Đây là một chứng cứ về sự tài hoa của ngòi bút Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực thơ ca.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
55.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng khổ thơ 2,3 trong bài thơ Đất nước

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ:

Mùa thu nay khác rồi
...
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Bài làm

Là một trong những bài thơ tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đất nước đã hoà được tiếng nói riêng của mình vào dàn hợp xướng những khúc ca về Tổ quốc, về dân tộc trong một phần ba thế kỉ chống ngoại xâm. Đến với thi phẩm này, người ta nhận ra một bức tranh đất nước rất mới mẻ mang đậm dấu ấn lịch sử của thời đại, đồng thời thể hiện rõ những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của một cây bút tài hoa như Nguyễn Đình Thi. Trong đó, người ta khó có thể quên được vẻ đẹp bức tranh mùa thu đất nước gần gũi bình dị mà tươi đẹp, giàu có đầy sức sống, một mùa thu đất nước mà mỗi con người Vỉệt Nam đã giành được chủ quyền trong những câu thơ:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh dây là của chúng ta
Núi rừng day là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Với nhan đề Đất nước, bài thơ đã được khơi nguồn những rung chuyển tinh tế của nhà thơ và bức tranh mùa thu dân tộc để triển khai trực tiếp thi đề. Vì thế bài thơ mơ đầu bằng những dòng thơ chứa đựng những chi tiết thâu tóm được đặc trưng mùa thu Việt Nam – mùa thu xứ sở:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Với giọng thơ hoài niệm sâu lắng gợi nhớ về bức tranh mùa thu Hà Nội nên thơ, thi vị trong lòng một người từng gắn bó sâu nặng với thủ đô. Cũng chính chi tiết ấy đã bắc nhịp cầu nối liền hai khoảng thời gian quá khứ và hiện tại, hai miền không gian xa cách Việt Bắc và Hà Nội. Từ đó, làm cho bức tranh mùa thu nơi chiến khu Việt Bắc hiện ra một câu năm chữ bình dị tự nhiên như một câu nói hàng ngày lại gợi một sự thay đổi lớn lao đột ngột và có sức lay động sâu xa đối với mỗi tâm hồn Việt Nam. Bởi sức mạnh truyền cảm của thơ không phải chỉ là nghệ thuật ngôn từ mà là vấn đề nhà thơ phản ánh được thể hiện qua sự rung động mãnh liệt của tâm hồn nghệ sĩ. Dường như tiếng reo vui của tâm hồn thi sĩ và của mỗi người lại được thể hiện qua mấy chữ “khác rồi” ấy. Không còn hoài niệm lắng sâu phảng phất, một chút buồn vắng khi tái hiện bức tranh mùa thu trong thời điểm xưa. Chủ thể trữ tình – nhà thơ dường như không kìm nén được niềm vui lớn của mình giữa đất trời tự do nên đã bộc lộ trực tiếp:
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Và Nguyễn Đình Thi không chỉ vui nghe mà còn say xưa – cảm nhận cái không khí của mùa thu độc lập bằng nhiều giác quan đặc biệt nhạy cảm của tâm hồn thi nhân. Trong niềm vui say sưa ấy của thi nhân, mùa thu, Việt Bắc hiện lên tươi mới, đầy sức sống. Không còn hình ảnh một mùa thu nô lệ mất nước với “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu” như trong thư Nguyễn Khuyến. Cũng chẳng còn một mùa thu với “Khí tròi u uất hận chia li” như trong thơ Xuân Diệu. Mà là cả một “rừng tre” đang “phấp phới” trong nắng gió thu chan hoà. Bầu trời thu như khoác một chiếc áo mới thanh, tàn và như đang “nói cười thiết tha” của bầu trời chính là niềm vui phấp phới trong lòng người và tiếng nói cười thiết tha trong mỗi tâm hồn Việt. Có nhớ lại những ngày thu tháng Tám trong niềm vui quê hương, được giải phóng của Tố Hữu, ta mới thấy hết “tiếng nói cười thiết tha” trong thơ Nguyễn Đình Thi.
Ôi thiên đường ta miên man lắng nhạc
Đó chính là niềm vui của người thi sĩ dạt dào bất tận, một niềm vui tràn ngập cả bầu trời, không gian. Người đọc cảm nhận được niềm vui ấy qua cách bộc lộ trực tiếp “Tôi đứng vui nghe” và qua mỗi hình tượng, ngôn ngữ thơ. Và đặc biệt là qua nhạc điệu rộn rã, tươi vui trong sáng của đoạn thơ. Người ta không còn thấy ở đây những hình ảnh thơ thu ước lệ và xa lạ như thơ thu cổ điển. Nó cũng không mang vẻ đài các mùa thu trong thơ mới mà rất đỗi bình dị thân thuộc. Hình tượng đất nước hiện diện trong những hình ảnh mà chúng ta tiếp xúc, chung sống, nhìn ngắm mỗi ngày. Tất cả hội tụ tạo thành không gian thu đầy màu sắc, ánh sáng, âm thanh, đầy ắp sự sống và tràn căng sinh lực.

Từ xúc cảm về mùa thu đất nước, cảm xúc của Nguyễn Đình Thi lại đưa người đọc tới những rung động thơ từ niềm tự hào chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ dân tộc, không gian thơ từ “rừng tre” và “bầu trời” Việt Bắc đã mở rộng ra tới mọi miền Tổ quốc:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đãy là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Trong cái nhìn mê say của nhà thơ, đất nước ta nơi nào cũng tươi đẹp, cũng dài rộng bát ngát, cũng màu mỡ phì nhiêu. Điệp cấu trúc câu “của chúng ta” vang lên dõng dạc, tự hào cùng biện pháp tu từ liệt kê “...những... những... những...” như khẳng định thêm một lần nữa chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Rất tự nhiên, cách xưng hô của chủ thể trữ tình có sự chuyển đổi sâu sắc, bắt đầu từ tiếng nói trữ tình của cái “tôi” dần dần chuyển hoá thành cái “ta” cộng đồng dân tộc. Cách gieo vần chân âm mở “ta., ta., mát., ngát., sa. ta” gựi cảm giác của tiếng reo vui, vang xa như tiếng đồng vọng ngân nga trong lòng người có nhớ lại những cuộc chiến đấu ác liệt giành giật từ tay quân thù, từng góc phố, con đường, từng khúc sông, ngọn núi. Tạ mới hiểu vì sao Nguyễn Đình Thi lại say sưa khẳng định về bầu trời, mặt đất, cánh đồng, dòng sông, con đường – những cái hùng vĩ lớn lao tượng trưng cho đất nước. Có nhớ lại bao đầu rơi máu chảy, có đặt mình vào vị trí của những người dân bị “Thằng giặc Tây, thằng chúa đất: Đứa đè cổ, đứa lột da”, có đặt mình vào địa vị của người chiến sĩ với “những đêm dài hành quân nung nấu”... ta mới hiểu được niềm vui sướng tự hào của Nguyễn Đình Thi khi viết những dòng này.

Chỉ một đoạn thơ ngắn, Nguyễn Đình Thi đã góp vào khúc tráng ca về đất nước một bức tranh thu vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa truyền thống vừa hiện đại. Ta vẫn gặp ở đây những nét, dáng thu chứa đựng bản sắc mùa thu Việt Nam, chứa đựng linh hồn đất nước. Nó là mảng màu hoàn chỉnh về bức tranh đất nước giúp nhà thơ cắt nghĩa và lí giải tâm trạng đầy ngạc nhiên về mạch sống, sức sống dân tộc trong suốt trường kì lịch sử.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
35.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm xúc về đất nước trong “Đất nước”

Cảm hứng về đất nước là nguồn cảm hứng lớn, bao trùm nền văn học cách mạng Việt Nam. Với bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi đã tìm thấy tiếng nói riêng, thể hiện cảm xúc riêng của mình trong nguồn cảm hứng đã trở thành truyền thống này.

Bài thơ Đất nước được hình thành vào năm 1955, sau khi dân tộc ta đã dành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Song thời điểm sáng tác toàn bộ bài thơ lại không hoàn toàn chỉ là năm 1955. Phần đầu của bài thơ có sử dụng một số đoạn của 2 bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949) của chính tác giả Từ dòng 1 đến dòng 7, tác giả sử dụng lại những câu thơ của bài Sáng mát trong như sáng năm xưa, tuy có thay đổi một số từ và riêng dòng 3 đã thay đổi hẳn; nguyên văn là:

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ non thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngỗ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy.
Từ dòng 13 đến dòng 21 là sử dụng lại của bài Đêm mít tinh, tác giả chỉ thay trời sao thành trời xanh trong câu “Trời xanh đây là của chúng ta” và xóm đồng thành cánh đồng trong câu “Những cánh đồng thơm mát”.

Mặc dù giữa phần đầu và phần cuối bài thơ có sự khác nhau về thể thơ, nhịp điệu, cách gieo vần,… nhưng bài thơ Đất nước vẫn đem lại cho người đọc sự nhất quán trong cảm nhận. Điều đó trước hết là bởi vì các phần của bài thơ có sự thống nhất về nội dung cảm xúc. Nguồn cảm xúc về đất nước bắt đầu bằng những rung động trước nét thu của thiên nhiên, đất trời gọi nhắc về một mùa thu xưa của Hà Nội (từ đầu cho đến Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy). Từ những ấn tượng trong hoài niệm về vẻ đẹp của mùa thu của thiên nhiên ấy, mạch thơ chuyển sang cảm xúc về mùa thu đất nước, mùa thu của cách mạng với cảm hứng ngợi ca đầy tự hào trong tư thế làm chủ đất nước. Ở phần sau bài thơ, tác giả thể hiện những suy nghĩ, trải nghiệm về đất nước trong chiến tranh với những đau thương, mất mát, căm hờn, những kí ức sâu đậm, khó quên của những tháng ngày kháng chiến gian lao mà bất khuất, anh hùng.

Dù là những rung động tinh tế hay sự khái quát biểu tượng thì Đất nước của Nguyễn Đình Thi đều toát lên vẻ đẹp từ nguồn cảm hứng về một đất nước đẹp đẽ trong đau thương, một đất nước anh hùng trong tranh đấu gian lao.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
35.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ Đất nước

Nguyễn Đình Thi – một tâm hồn, một con người đa tài với những tác phẩm, bài viết đủ mọi thể loại. Văn học, soạn nhạc, triết học, lí luận phê bình… mặt nào cũng rất tài hoa. Về thơ ca, ông đã có những đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam với giọng thơ sôi nổi, đằm thắm và sâu lắng nhưng lại tao nhã, giản dị gần gũi với mọi người. Tác phẩm nổi bật trong thời kì này là bài thơ Đất nước. Được sáng tác từ 1948-1955, sự kết hợp hai bài thơ Đêm mít tinhSáng mát trong như sáng năm xưa đã giúp tác giả hình thành thái độ trân trọng, một cái nhìn đầy đủ về hình ảnh đất nước. Đất nước thực sự là cuốn biên niên sử bằng thơ hào hùng, oanh liệt, vinh quang và rực rỡ của dân tộc.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi đã lấy hình ảnh mùa thu đã xa, một mùa thu với những kí ức và hình ảnh đã thuộc về quá khứ.

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Nguyễn Đình Thi đứng trước mùa thu của hiện tại và hồi tưởng về mùa thu quá khứ. Với hình ảnh thu trong lành, mát trong của sáng sớm, với gió mùa thu mang theo hương cốm, tác giả khiến người đọc cảm nhận một mùa thu quen thuộc, một mùa thu xưa đẹp đẽ. Vẻ đẹp của mùa thu, với tác giả, muôn đời vẫn vậy chẳng đổi thay, nỗi nhớ thương về cùng hoài niệm.

Chỉ với một câu thơ “gió thổi mùa thu hương cốm mới” đà đánh thức trong lòng người đọc hình ảnh mùa thu Hà Nội với vẻ đẹp truyền thống, tao nhã, bền vững và cổ xưa. Một chút gió héo may, một chút hương cốm thơm nức. Một hình ảnh quen thuộc kéo dài từ năm này qua năm khác không đổi thay.

Câu thơ “tôi nhớ những mùa thu đã xa” giống như câu thơ bản lề, chuyển hướng, đẩy tâm sự người đọc hướng về hiện tại:
Sáng chớm, lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Khổ thơ sau vẫn là nhịp điệu chậm rãi, tràn đầy nhung nhớ. Nguyễn Đình Thi lại nhắc lại hình ảnh “sáng”. Nhưng ánh thu Hà Nội của hiện tại đẹp mà buồn, gợi bao sự thương nhớ. Sáng mùa thu chớm lạnh trong lòng Hà Nội, hay đúng hơn là cái chớm lạnh của lòng người trước mỗi đợt, mỗi khoảnh khắc thu về. Cái tinh tế của nhà thơ được thể hiện qua câu chữ “trong lòng Hà Nội”. Liệu có phải đây thực ra là nỗi nhớ qua những câu thơ đầy khắc khoải và ám ảnh.

Ở đây, còn gợi thêm một hình ảnh nữa về đặc trưng của Hà Nội: “Con phố dài” và, thêm một nét tinh tế nữa của nhà thơ, đó là việc sử dụng từ láy “xao xác”. Tất cả đều gợi ra sự vắng vẻ, hiu quanh. Sự “xao xác” của lá thu hay là nỗi tâm sự đong đầy. Hình ảnh gió xao xác kết hợp với hình ảnh con phố dài đã tạo ra sự thu hút, sự sâu thẳm.

Và, thật đột ngột, mạch cảm xúc của tác giả thay đổi, với hình ảnh người ra đi. Câu thơ thứ ba như một cái hất đầu ngạo nghễ, một sự quyết tâm đầy kiêu hãnh với chí lớn mang trong người. Nhưng câu thơ cuối lại là một tình cảm sâu lắng, trực tiếp, cảm xúc được dàn trải đều qua trang giấy qua cách ngắt nhịp của tác giả.

Có người nói, hình ảnh của Hà Nội đã thu lại trong câu thơ cuối: “thềm nắng lá rơi đầy”. Câu thơ đẹp và giàu sắc thái thẩm mĩ. Bức tranh thu Hà Nội thấm đầy nắng, gợi nên sắc thái quyến rũ trong tâm trí người ra đi. Mà có khi làm sao mà đi nổi khi một Hà Nội đẹp thế, quyến rũ như thế cứ níu chân chẳng cho đi, làm sao không khỏi mềm lòng.

Đó là mùa thu của quá khứ, còn mùa thu của bây giờ, của hiện tại rực rỡ hơn, tươi mát hơn. Và tự hào hơn trong lòng tác giả
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Một lời khẳng định đầy kiêu hãnh, gợi mở cho người đọc hướng về hình ảnh mùa thu trong sự đổi mới với mùa thu xưa. Chữ “khác” dường như không chỉ là sự khác biệt về thời gian, không gian như xưa, nay mà còn là sự khác biệt trong nhận thức và tư tưởng của con người. Vì một lẽ đơn giản là muôn đời thu vẫn thế, vẫn gió heo may cùng hương cốm. Vấn đề là cảm nhận của con người mà thôi. Mùa thu xưa là mùa thu của dân tộc nô lệ. Kiếp người khổ đau, vì vậy mà thu có vẻ ảm đạm và thê lương. Khi đã độc lập, mùa thu như rạng rỡ hơn, chan hoà hơn. Giữa sự thay đổi của đất trời, của cuộc đời mới, mỗi người cũng hoà vào tiếng vui chung. Con người giao hoà với đất trời và vũ trụ. Con người lắng nghe được âm hưởng vui mừng của niềm vui độc lập, đó là niềm hạnh phúc tột độ.

Ở đây, không gian thu được mở rộng khoáng đạt hơn. Với tiếng gió thổi rừng tre phấp phới. Vẫn là gió thu, nhưng không phải lặng lẽ, buồn bã, mà là tiếng gió (thổi vào rừng tre) phấp phới. Như muốn gửi trọn niềm vui của con người vào thiên nhiên, vũ trụ.

Hình ảnh rừng tre tượng trưng cho sức mạnh Việt Nam, vẻ đẹp của Việt Nam, niềm vui của thu độc lập. Tất cả như muốn cất lên tiếng reo ca tột độ.

Và trong xúc cảm thăng hoa, Nguyễn Đình Thi có những câu thơ hết mực tài hoa:
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Mùa thu như được nhân hoá. Và người đọc cảm thấy mùa thu như một thiếu nữ điệu đà, thướt tha đang khoác tấm áo mới rạng rỡ, tươi tắn và dịu dàng. Phải chăng tấm áo ấy là của sự độc lập, tự do của dân tộc.

Mùa thu ở đây vừa có nét tươi trong trẻo của một mùa thu muôn đời, lại vừa có sự phấn khởi, vui mừng. Câu thơ đã gợi ra tất cả xúc cảm, sâu lắng, huyên náo… tạo ra sự giao hoà giữa niềm vui của con người và niềm vui của đất trời trong ngày độc lập.

Và cảm xúc của nhà thơ như trải dài qua khổ thơ:
Trời xanh đay là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Các câu thơ như cuốn vào nhau. Với cách ngắt nhịp mạnh mẽ, ngắn, tạo ra âm hưởng hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào.

Nguyễn Đình Thi bây giờ như đang là một hướng dẫn viên, giới thiệu và tỏ bày với mọi người về cảnh sắc quê hương. Đây là núi rừng, trời xanh, kia là cánh đồng, ngả đường, xa hơn nữa là dòng sông.

Tất cả như đang phơi bày vẻ đẹp, sự mỹ lệ vốn có của bản thân. Hay nói đúng hơn, đây là sự háo hức, tất cả sự hãnh diện, vinh dự với tư cách là “người làm chủ”. Tác giả nhấn mạnh vào quan hệ từ “của” như muốn khẳng định sự sở hữu và quyền tự chủ của bản thân.

Ở đây đã có sự thay đổi về cách xưng hô, có sự hoà nhập giữa cái tôi của Nguyễn Đình Thi, của người nghệ sĩ với cái chung của cả dân tộc. Nguyễn Đình Thi không chỉ nói tiếng nói chung của mình mà còn nói tiếng nói chung của cả dân tộc, của mọi người bằng hai tiếng "chúng ta” đầy kiêu hãnh.

Vào thời Pháp thuộc, không hề có chuyện quan niệm “chúng ta”. Tất cả đều đặt dưới sự kiểm duyệt gắt gao của bọn thực dân. Chỉ có thời đại mới, chỉ có xã hội và cái chung “của chúng ta”, chỉ có thời đại mới, chúng ta mới có thể hít thở không khí mát lành của thu tự do, chứ không còn bức bối ngột ngạt như trước. Nguyễn Đình Thi như muốn, khẳng định tính ưu biệt của xã hội mới.

Cảm xúc dâng trào khi nghĩ về sự tự do, độc lập, niềm vui mừng hân hoan bỗng nhiên trầm lắng trong sự suy tưởng.
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Nhịp thơ bỗng thay đổi, mang xúc cảm trầm lắng, ẩn chứa thái độ thành kính thiêng liêng, hướng người đọc trở về quá khứ lịch sử của quê hương.

Khi con người ta vui mừng, hân hoan về một chiến thắng thì bao giờ, sau đó cũng sẽ là những giây phút trầm mặc suy nghĩ về cái giá của chiến thắng đó.

Tứ thơ của Nguyễn Đình Thi về đất nước tạo nên một chiều sâu không cùng. Đất nước ở đây không chỉ được cảm nhận ở hiện tại mà được nhìn nhận trong chiều sâu quá khứ. Quá khứ là bệ phóng, điểm tựa của hiện tại. Theo ông, đất nước ở đây là đất nước của những con người bất tử, chưa bao giờ khuất phục. Chữ “rì rầm” kết hợp với từ “vọng” tạo ra sự hô hứng, cộng hưởng kì diệu. Như thể người cảm nhận được cái cao cả, thiêng liêng, sự gần gũi và thân thiết.

Nguyễn Đình Thi như muốn nêu lên bài học lịch sử cha ông, đạo lý của cha ông được ghi tạc lại trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam, ngỡ như lời trò chuyện, tâm tình, thú vị của những người xưa. Tạo nên xúc cảm thiêng liêng thành kính nhưng lại thân thiết và gần gũi. Khổ thơ như khúc nhạc trầm trong bản Instrumental (hoà tan) của Đất nước.

Khi suy nghĩ về tự do, độc lập, về bài học lịch sử của cha ông, Nguyễn Đình Thi hướng dòng suy nghĩ của mình về quá khứ đấu tranh của dân tộc, với những khốc liệt vốn có của nó:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quần nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Những câu thơ tràn ngập cảm xúc đau thương sâu lắng. Hai câu đầu, có thể coi là hai câu đặc sắc thể hiện tài hoa của nghệ sĩ. Thơ của Nguyễn Đình Thi không chỉ giàu hình ảnh mà đầy ắp tính nhạc và hội hoạ. Các hình ảnh thơ mang giá trị hiện thực cao, sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc: cánh đồng quê chảy máu, dây thép gai đâm nát trời., gợi ra một nỗi đau khôn cùng.

Vẻ đẹp bình yên của làng quê đã bị lãng quên, cái yên ả của không gian không còn. Thay vào đó là hình ảnh dây thép gai với tội ác chồng chất của kẻ thù và cánh đồng máu đầy sự đau thương. Câu thơ diễn tả sự khốc liệt của chiến tranh và tội ác ghê ghớm của quân thù, bộc lộ một nỗi đau lên đến tận cùng. Nỗi đau càng lớn, niềm căm thù càng sâu sắc.

Cái tài của tác giả là tự gửi vào thơ chất điện ảnh và hội hoạ đặc tả. Đọc thơ, người đọc như thấy trước mắt mình là cả hiện thực khốc liệt của những năm tháng khổ đau một cách tường tận và chi tiết. Ngòi bút của Nguyễn Đình Thi như một máy quay phim tài ba và đặc biệt giúp cho người đọc nhận ra một bức tranh ngập đầy máu của chiến tranh.

Nỗi đau của con người và màu của ráng chiều đổ xuống gợi nên một màu tang tóc, đau thương. Màu máu đỏ là thay thế hoàn toàn cho sắc xanh của bầu trời, màu vàng óng của cánh đồng lúa.

Nhưng ở hai câu sau, mạch cảm xúc có sự chuyển đổi. Tác giả nói tới hình ảnh của người chiến sĩ ra trận từ trong đau thương, đã quyết tâm nung nấu một ý chí mạnh mẽ. Câu thơ giàu chất hiện thực và chất lãng mạn. Vẽ nên hình ảnh sống động của người lính kiên cường bất khuất, lại vừa sâu lắng và lãng mạn của bài thơ.

Và ở khổ thơ tiếp, Nguyễn Đình Thi đã lí giải sâu xa về sức sống, tinh thần ý chí chiến đấu của người dân.
Từ những nam đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Câu thơ ngắt nhịp khoẻ, rắn rỏi, thể hiện sâu sắc niềm tự hào, kiêu hãnh của tác giả về sức sống và vẻ đẹp của cả dân tộc. Từ “ngời” và “bật” được dùng rất hay, sự trỗi dậy, hồi sinh kỳ diệu, sự toả sáng, sức sống của dân tộc.

Vẻ đẹp quê hương, sức sống dân tộc được khơi nguồn sâu xa từ năm tháng thương đau. Từ hình ảnh con người bình dị, chân lấm tay bùn đã vươn lên thành anh hùng dũng cảm trong hành động, kiên định trong ý chí. Tứ thơ gợi ra chiều sâu của suy tưởng ở khổ thơ tiếp:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đe cổ, đứa lột da
Đã khắc hoạ trực tiếp tội ác của kẻ thù với niềm căm thù, nỗi đau tột cùng của nhân dân. Hình ảnh “bát cơm chan đầy nước mắt” là hình ảnh mang tính biểu tượng. Mồ hôi hoà quyện với nước mắt. Câu thơ gợi ra nỗi đau. Sự xót xa của con người trong nô lệ, Cách xưng hô đối lập giữa một bên là chính nghĩa: ta, cùng với một bên là sự phi nghĩa: bọn thằng, đứa… như bao căm thù và uất hận được dồn lại.

Nhưng cho dù chiến tranh có khốc liệt như thế nào, dù quân thù tàn bạo đến dâu, chúng ta vẫn mang trong mình một khí phách anh hùng.
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
Cấu trúc “không”, “đầy” như muốn phủ định lại những gì mà quân đội Pháp đang cố gắng làm ở Việt Nam và khẳng định khí phách ngạo nghễ rất cao của dân tộc.

Nhịp thơ mạnh mẽ, đanh thép làm cho câu thơ trở nên giàu sức biểu tượng. Sự đối lập giữa hai hình ảnh thơ “xiềng xích” và “trời đầy chim, đất đầy hoa” đã thể hiện tinh thần lạc quan của nhân dân, khí phách anh hùng của dân tộc bất chấp sự tàn khốc của chiến tranh và quân thù. Thể hiện sự tin tưởng vào chiến thắng sau này.

Nguyễn Đình Thi đã chạm đến mạch nguồn sâu xa của truyền thống dân tộc và đã khẳng định rằng: dân tộc Việt Nam không chỉ có khí phách anh hùng mà còn có khát vọng tự do và hoà bình.

Ở hai khổ tiếp theo, Nguyễn Đình Thi đã miêu tả cuộc chiến đấu của nhân dân ta:
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Đó là niềm tin và hi vọng chiến thắng mạnh mẽ trong lòng tác giả.

Nhịp thơ như giục giã, vẫy gọi mỗi con người trên con đường ra trận, tạo ra âm hưởng hào hùng của những con người anh hùng trong một đất nước anh hùng.

Đó còn là sự tự hào của tác giả, những câu thơ đậm chất lãng mạn và sử thi. Thể hiện một cảm xúc tươi mới đầy tin tưởng. Tràn đầy âm hưởng hào hùng. Hai hình ảnh “nắng đốt” và “mưa dội” là quá trình gian khổ thăng trầm của dân tộc. Song từ trong gian khổ, khó khăn ấy, dân tộc vẫn đứng lên.

Hai câu thơ kết giàu hình ảnh tráng lệ. Hình ảnh “trán cháy rực” và "bát ngát ánh bình minh” gợi lên nét vẽ rạng ngời về những đứa con của Tổ quốc. Dù có hi sinh, vất vả thì vẫn quyết tâm giành lại độc lập. Hình ảnh rất độc đáo, diễn tả sự thăng hoa của cảm xúc, niềm tin được thắp sáng. Người đọc hình dung được hình ảnh ngọn lửa của thất vọng. Câu thơ cuối tràn đầy kiêu hãnh, niềm vui, khát vọng bùng nổ hi vọng. Sự bát ngát của trời đất là sự bát ngát của niềm tin con người.

Và giờ đây, qua bao nhiều khó khăn, khốc liệt, bao hi sinh, đất nước ta đã được độc lập.
Súng nổ rung trời giận giữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà
Hai câu đầu tái hiện sinh động không khí của cuộc chiến, cùng với khí phách anh hùng của con người Việt Nam.

Câu thơ thứ nhất ngập tràn tiếng rung, khiến người đọc cảm nhận được sự dữ dội. Động từ “rung” được dùng khá chính xác, không chỉ là sự rung chuyển, khuynh đảo mạnh mẽ mà còn diễn tả niềm căm thù tột cùng đối với quân thù.

Nguyễn Đình Thi đã sử dụng biện pháp nhân hoá và so sánh tài tình. Ông khiến cho người đọc, ngay lập tức sau khi đọc song hai câu đầu, cảm nhận được sự khốc liệt và sự mạnh mẽ, khí thế của quân đội ta phải ngập trời đất.

Đến tận cuối bài thơ, tác giả mới gọi tên Việt Nam với sự tự do, tự chủ, sự kiêu hãnh. Ông cảm nhận được hình ảnh đất nước trong lòng.

Từ máu lửa và bùn đen đã bật dậy và sáng loà, rực rỡ huy hoàng. Câu thơ giàu giá trị biểu tượng và tính khái quát, cộng với tính nghệ thuật rất cao. Nhịp thơ 2/2/2. Vận động khoẻ khoắn, sự vươn lên của dân tộc bởi một sức sống kì vĩ và bất tử.

Bài thơ kết thúc bằng ánh sáng, thể hiện niềm tin và khát vọng mạnh mẽ, vinh quang. Đất nước đã ghi lại và vẽ nên một hình ảnh đất nước Việt Nam với bao thăng trầm, khói lửa để đến được ngày độc lập. Đất nước xứng đáng dược coi là cuốn biên niên sử nước ta bằng thơ. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sử thi và sáng tạo nghệ thuật tài năng của Nguyễn Đình Thi.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng khổ thơ đầu trong bài thơ Đất nước

Bài thơ Đất nước được hình thành trong cả một quãng thời gian dài (1948-1955). Lần đầu tiên được đưa vào tập Chiến sĩ (1956). Bài thơ được tổ hợp từ một số bài thơ khác như Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Đây là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ mang rõ phong cách Nguyễn Đình Thi. Chủ đề bao trùm của Đất nước là lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha, ý thức độc lập tự chủ, là lòng tự hào về đất nước và nhân dân anh hùng, từ trong đau thương nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quật khởi vùng lên chiến thắng huy hoàng. Trong đó Nguyễn Đình Thi đã viết đoạn mở đầu bài thơ vẻ hình ảnh Hà Nội thật đặc sắc. Đó là một bức tranh thu Hà Nội những ngày tác giả rời thủ đô đi chiến đấu và hình ảnh người ra đi rất kiên quyết mà lưu luyến qua những nét vẽ tinh tế chân thực và thấm đẫm cảm xúc:

Sáng mát trong như sáng năm xưa
……
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Bài thơ Đất nước không viết về mùa thu nhưng khởi nguồn cảm hứng cho nhà thơ nghĩ về đất nước là một buổi sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc mang đậm đặc trưng thu của Việt Nam với bầu trời trong xanh, làn gió mát thổi nhẹ hoà lẫn với hương cốm ngạt ngào. Là một nghệ sĩ – chiến sĩ của thời đại cách mạng, Nguyễn Đình Thi không cảm nhận mùa thu bằng những hình ảnh ước lệ trong thơ cổ điển “Sen tàn, cúc nở hoa, lá ngô đồng rụng”, “Ngô đồng nhất lạc diệp – Thiên hạ cộng tri thu”; cũng không đón mùa thu bằng những tín hiệu “rặng liễu rủ” như thiếu nữ buông tóc dài yểu điệu thướt tha. Ở đây, nhà thơ cảm nhận mùa thu bằng hương cốm mới. Các nghệ sĩ đặc biệt yêu món ăn Việt Nam đều ca ngợi vẻ đặc sắc, độc đáo của cốm “Mỗi năm cứ thấy gió mùa thu nổi sóng trên đồng lúa miền Bắc là nhiều người lại nhắc đến cốm Vòng – cái món quà thơm lành của ruộng lúa nếp ngoại thành Hà Nội” (Nguyễn Tuân). “Nhưng thơm ngọt ngào mùi đất nước quê hương, đó có cái gì sánh được với cốm Vòng” (Vũ Bằng). Và Thạch Lam trong bài “quà Hà Nội” cũng viết “Cốm… mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam”. Như vậy, chỉ với hình ảnh “hương cốm mới”, Nguyễn Đình Thi vừa gọi được thời gian, không gian thu, vừa bộc lộ được tấm lòng yêu nước thật bình dị mà không kém phần sâu lắng; thiết tha của mình.

Từ buổi sáng mùa thu ấy, nhà thơ bồi hồi nhớ lại “mùa thu đã xa”. Đó là mùa thu phải từ biệt quê hương ra đi vì nghĩa lớn. “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”, câu thơ đã đưa lại cho bức tranh thu một nét vẽ thật cụ thể. Từ “chớm” đặt trước từ “lạnh” đã gợi rất đúng một ngày mới chớm vào thu của Hà Nội. Chớm lạnh là mới bắt đầu trở lạnh, cái lạnh tuy đã đến nhưng vẫn còn sẽ sàng e ấp như một báo hiệu ban đầu của một cảnh sắc thiên nhiên đầy thi vị:
Ơ hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! thu mênh mông!
Cái “chớm lạnh” có giá trị gợi cảm như thế càng khiến cho những từ tiếp theo có sức gợi tả đặc biệt: “trong lòng Hà Nội”. Đó là trong lòng thành phố Hà Nội, trong không gian thu Hà Nội hay cả trong lòng người Hà Nội nữa? Cái “chớm lạnh” trong buổi sáng đầu thu quả có sức lan toả và gây nhiều xúc cảm cho người đọc.

Dường như trong cái buổi sáng chớm lạnh ấy, chỉ có gió thổi trong những phố dài, làm cho phố như dài thêm ra vì vắng lặng; Từ nhạc điệu đến từ ngữ, câu thơ gợi cho ta cảm giác chưa thật phải là gió. Vì không phải là “heo may” mà là “hơi may”. Phải chăng đây là hơi thở nhẹ nhàng đầy thi vị của mùa thu? Từ “xao xác” là một từ láy vừa gợi hình vừa gợi cảm. Nó gợi lên được một âm thanh xao động nhẹ như một thoáng nghi ngờ vọng lên từ phố vắng và vọng lên cả trong lòng người nữa. Từ “xao xác” có người còn hiểu “nó gợi lên âm thanh của những chiếc lá vàng khô theo gió bay trên hè phố; đồng thời còn có giá trị tạo hình, gợi lên sự gầy guộc của những hàng cây trong mùa lá rụng”. Ở đây tác giả sử dụng thủ pháp đảo ngữ đã tạo nên một hiệu quả biểu đạt khá cao. Hình như nghe “xao xốc” rồi mới nhận ra “hơi may”. Câu thơ tả cảnh mà thực ra là tả tình. Một câu thơ chứa đầy tâm trạng: tâm trạng của những người thiết tha gắn bó với quê hương Hà Nội mà phải rời quê hương ra đi vì nghĩa lớn, lòng không thể thanh thản dửng dưng, trái lại luôn luôn trĩu nặng một nỗi yêu thương, bâng khuâng lưu luyến, mong nhớ lặng buồn:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về hình ảnh người ra đi trong hai câu thơ trên. Có người cho rằng đó là những chiến sĩ vệ quốc quân rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Lại có ý kiến gắn hình ảnh người ra đi với sự kiện Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội sau 60 ngày đêm cầm chân giặc. Ý kiến này có vẻ không hợp lý bởi lẽ Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội là vào một đêm mùa xuân 1947, không phù hợp với khung cảnh “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” đúng là hình ảnh người ra đi vì chí lớn mà quyết ra đi. “Đầu không ngoảnh lại” nhưng đã có lòng ngoảnh lại. Trong hình ảnh, ý thơ, qua cái nhìn nhuốm màu sắc lãng mạn của một tâm hồn tiểu tư sản, có cái gì như là một sự nén lòng, nén dạ, một quyết tâm thầm kín nhưng mạnh mẽ:
Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trẻ chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
(Ngày về – Chính Hữu)
Người ra đi kiên quyết từ giã quê hương vì đại nghĩa nhưng trong tâm tưởng, hình ảnh quê hương vẫn hiện ra rất sinh động và cụ thể. Nếu không có một tấm lòng gắn bó yêu thương tha thiết với Hà Nội, Hà Nội tài hoa, Hà Nội thanh lịch, với ngàn năm văn hiến… thì dễ gì có thể nhận ra được một khung cảnh thật tinh tế và nên thơ như vậy: “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Câu thơ này có nhiều cách ngắt nhịp khác nhau. Có ý kiến cho rằng câu thơ nên ngắt tiết tấu 3/4 “sau lưng thềm/ nắng lá rơi đầy”. Nắng vàng và lá vàng cùng một lúc rơi xuống mặt thềm tĩnh lặng. Câu thơ gợi lên một sắc thái riêng của vẻ đẹp mùa thu nhưng hơi cầu kì. Nguyên Đình Thi đã có lần phát biểu về ý thơ này. Ông cho rằng vẻ đẹp của mùa thu là vẻ đẹp giản, dị sâu lắng nên lời thơ ngắt theo nhịp quen thuộc 4/3 “Sau lưng thêm nắng/ lá rơi đầy”. Và chăng cách hiểu này có lẽ đã dựa vào ý mấy câu thơ trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa.
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi Lá rụng đầy
Tuy nhiên, dù nhịp ngắt theo kiểu nào thì câu thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã vẽ lên được một khung cảnh rất thu của Hà Nội trước đây. Câu thơ gợi lên một khung cảnh rất đẹp nhưng có cái gì đó tĩnh lặng, hoang vắng, man mác buồn. Đó là tâm trạng buồn rất thực của những người rời Hà Nội vì mục đích, lẽ sống cao cả. Đúng như Vũ Quần Phương đã nhận xét “Đây là cái buồn của một sự đoạn tuyệt lặng lẽ, tự chủ” (Thơ và lời bình). Hà Nội, qua tâm tưởng của người ra đi hình như chì còn màu vàng rực của nắng, lá rơi đầy thềm. Hà Nội đã vắng hẳn bóng người đi lại tấp nập hồi nào. Trong thực tế chưa hẳn Hà Nội đã hết người. Nhưng hình ảnh thơ lại như vậy. Vì tả cảnh trước hết là để tả tình Và nổi lên trên bức tranh thu Hà Nội với những hình khối, màu sắc và ánh sáng đầy ấn tượng vẫn là hình ảnh người chiến sĩ vừa hiên ngang kiên nghị, vừa có nét hào hoa tinh tế, gắn bó thiết tha vcd quê hương. Hình ảnh này làm ta nhớ đến hình, ảnh tráng sĩ một thuở kiên quyết lên đường vì đại nghĩa với tâm hồn lãng mạn mộng mơ có sức hấp dẫn mạnh mẽ được diễn tả khá sinh động và đẹp đẽ trong thơ Thâm Tâm, Quang Dũng:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi
Nhịp điệu của câu thơ cuối nói riêng, đoạn thơ nói chung cũng đã góp phần diễn tả cái tâm trạng rất thực của người ra đi nói trên: chậm rãi đều đều trầm lắng như nhịp bước của người ra đi, quả quyết và lưu luyến, lặng lẽ, mà xao động. Lá rơi, nắng rơi, rơi đầy thềm và rơi đầy khoảng nhớ mênh mông của người ra đi.

Đoạn thơ trên chỉ có bảy câu thơ nhưng vừa có hình, có tình, có nhạc, có ánh sáng, màu sắc. Nó xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất viết về mùa thu. Đằng sau bức tranh thu nên thơ nên hoạ ấy là tấm lòng gắn bó tha thiết với quê hương đất nước và niềm ngưỡng vọng của thi nhân đối với vẻ đẹp của những con người lên đường theo tiếng gọi của non sông.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Khái quát về bài thơ “Đất nước”

Bài thơ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi về đất nước. Đó là một đất nước phải chịu bao đau thương và mất mát nhưng luôn hiên ngang bất khuất, đất nước vốn có truyền thống anh hùng. Cảm xúc về đất nước ấy được thể hiện bằng nghệ thuật sáng tạo hình ảnh, kết cấu độc đáo, ngôn ngữ và giọng điệu giàu hình ảnh, giàu chất trữ tình, gợi cảm. Bài thơ tuy được sáng tác trong một khoảng thời gian dài nhưng cảm xúc liền mạch và thể hiện rất chính xác logic tình cảm. Hình ảnh và cảm xúc thơ có sự vận động, thể hiện một cách rất tinh tế sự đổi thay của đất nước.

Mạch suy tưởng và cảm xúc của nhà thơ về đất nước được chia làm ba phần:
– Phần 1 (7 câu thơ đầu): Hình ảnh mùa thu Hà Nội được tái hiện trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, đó là một mùa thu đẹp nhưng buồn. Đoạn thơ như một bức tranh đẹp, sinh động, có cảnh, có người. Người và cảnh đều rất đặc trưng cho Hà Nội, có tư thế và tâm trạng của người ra đi vì nghĩa lớn. Biểu tượng cho một thời kì đau thương của đất nước – những ngày chưa có độc lập.

– Phần 2 (từ câu 8 đến câu 21): Hình ảnh đất nước trong một mùa thu mới, mùa thu chiến thắng, mùa thu cách mạng nơi chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người đều vui tươi, nhịp thơ hồ hởi, phấn chấn thể hiện niềm vui của cả dân tộc. Đồng thời khẳng định quyền làm chủ đất nước của dân tộc Việt Nam. Biện pháp lặp cú pháp đã thể hiện một cách tự tin và hùng hồn quyền làm chủ Đất nước của Nhân dân.

– Phần 3 (phần còn lại): Hồi tưởng hình ảnh đất nước đau thương, suy tưởng và tự hào về truyền thống và sức mạnh của dân tộc. Hình tượng đất nước đau thương (câu 22,23), sức mạnh quật khởi (câu 26 đến câu 28, câu 38 đến hết), tinh thần bất khuất (câu 34 đến câu 35).

Ngôn ngữ thơ trong bài Đất nước giàu tính hình tượng, độc đáo và có khả năng khái quát cao. Cảm xúc thơ chân thực, tinh tế và mãnh liệt. Bài thơ vừa có ý nghĩa khái quát, vừa thể hiện được cảm xúc có ý nghĩa lịch sử.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
73.86
Chia sẻ trên FacebookTrả lời