Sau những vần thơ cảm nhận đất nước từ mùa thu truyền thống lịch sử ở phần 2 tác giả đã tạc hình đất nước từ trong đau thương đứng lên chiến đấu với tất cả sức mạnh và niềm tin yêu ngời sáng.

Đất nước được thể hiện trong đau thương qua những vần thơ bi tráng.

Đất nước đau thương bởi chiến tranh bởi tội ác của bọn thực dân phong kiến. Cảm hứng về đất nước của nhà thơ được thể hiện qua nhiều hình ảnh độc đáo có tính sáng tạo vừa cụ thể vừa mang tính khái quát:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Câu thơ có cảm hứng trực tiếp trên chặng đường hành quân. Khi hành quân qua những vùng thuộc tỉnh Bắc Giang tác giả chứng kiến cảnh đồng quê hoang tàn những vùng bị chiến tranh tàn phá không còn màu xanh sự sống. Những cánh đồng quê dưới ánh mặt trời chiều đỏ ối gợi lên bao nỗi đau nhức buốt.

Từ cảm hứng trực tiếp cụ thể câu thơ Nguyễn Đình Thi vươn tới tầm khái quát. Hai câu thơ là bức tranh đặc tả Việt Nam đau thương bởi chiến tranh. Những cánh đồng quê dưới nắng mặt trời chiều đỏ ối qua cái nhìn ngược sóng có cảm giác như đang chảy máu. Dây thép gai đồn giặc tua tủa in lên nền trời có cảm tưởng như đang đâm nát cả trời chiều. Biện pháp nghệ thuật nhân hoá "cánh đồng quê chảy máu đã vật chất hoá cụ thể hoá nỗi đau tinh thần tình cảm đem đến sự cảm nhận như thân hình Tổ quốc đang bị cào xé đang ứa máu. Đằng sau bức tranh quê hương là bức tranh tâm cảnh có nỗi đau xót và có cả niềm uất hận. Đau xót và uất hận vì giặc đà cướp đi đã làm đảo lộn cuộc sống bình yên. Những cánh đồng cho ta hạt lúa củ khoai thì giờ đây rớm máu. Bầu trời cho ta sự bình yên cho ta không khí trong lành thì giờ đây bị đâm nát.

Với nghệ thuật ngược sáng của điện ảnh với trí tưởng tượng phong phú tác giả đã tạo dựng một hình ảnh về đất nước đau thương đầy ấn tượng. Những động từ "chảy máu, đâm nát" vừa nói lên nỗi đau xót xa vừa chứa đựng sức mạnh tố cáo tội ác của quân thù.

Sau hai câu thơ nói về nỗi đau đất nước trong chiến tranh là hai câu thơ nói lên tâm trạng người lính trên đường hành quân:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Câu thơ như giải thích động lực tinh thần của người chiến sĩ. Họ lên đường chiến đấu với cả khối căm hờn với cả tình yêu thương. Căm hờn và yêu thương đều nấu nung đều cháy bỏng. Tâm trạng này tình cảm này về sau cùng được nói đến trong thơ của Xuân Diệu trên chặng đường hành quân, cùng là tâm hồn của người chiến sĩ:
Yêu với căm hai đợt sóng ào ào
Vỗ bên lòng dội mãi đến trăm sao.
Ở người lính tình yêu riêng và lý tưởng chung đã hoà làm một. Trên nền đất nước đau thương bởi chiến tranh bỗng vụt sáng long lanh trong tâm tưởng người lính hình ảnh đôi mắt người yêu. Đôi mắt người thương như ngôi sao xanh soi tỏ bầu trời đêm soi sáng bước đường hành quân của người chiến sĩ. Đó cũng là ngôi sao của niềm tin niềm hy vọng. Hình ảnh đôi mắt người yêu như ngôi sao xanh của tình yêu thương của niềm tin hy vọng đã trở thành một khái niệm đẹp thành một ấn tượng không thể phai mờ nên thường trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Đình Thi:
Ngôi sao nhờ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cày.
(Nhớ)
Tia lửa nơi ta bay lên cao
Trong mắt người yêu thành ngôi sao
(Em bảo anh)
Sự quyện hoà giữa tình riêng và lý tưởng chung giữa yêu thương và cám giận đã tạo nên sức mạnh phi thường để người chiến sĩ có thể vượt qua những ngày nắng cháy những đêm mưa dội để tin tưởng vào ngày mai chiến thắng:
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Không chỉ người lính mà cả đất nước đã đau thương đứng lên chiến đấu với tất cả sức mạnh và niềm tin yêu.

Kẻ thù gây ra bao tội ác thì những con người hiền lành cũng cháy bỏng hờn căm:
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.
Đất nước đứng lên chiến đấu trong sự gắn bó với nhân dân:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
Động từ ôm nói lên sự gắn bó thân thiết sâu sắc của mỗi người dân đối với đất nước mình. Câu thơ không chỉ nói lên một tư tưởng mới về mối quan hệ giữa đất nước và nhân dân mà còn nói lên một quan niệm mới về con người anh hùng. Con người anh hùng có ở những con người bình thường giản dị. Những người áo vải, những người lao động khi cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc họ đã trở thành những anh hùng chân chính của thời đại.

Cảm hứng về đất nước lên tới cao trào trong 4 câu thơ trên.

Chính ở 4 câu thơ này tác giả đã dựng tượng đài Tổ quốc với vẻ đẹp trong đau thương vẫn sáng ngời sức mạnh và niềm tin:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ trong máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà,
Câu thơ có cảm hứng trực tiếp từ không khí sôi động của chiến trường Điện Biên trong khí thế tổng phản công mà tác giả từng được chứng kiến. Trong mưa bom bão đạn bộ đội ta đào hào tiến công đồn thù. Người trước ngã người sau tiếp bước cứ ào ạt dâng lên như nước vỡ bờ hết lớp này đến lớp khác. Những chiến sĩ sống trong lòng tự hào trong bùn đất khi chiến hào tới sát đồn giặc. Họ rũ bùn nhảy lên mặt đất xung phong trong ánh sáng chói loà của lửa đạn công đồn.

Từ những cảm hứng trực tiếp, từ những hình ảnh thực cụ thể thì câu thơ Nguyễn Đình Thi lại vươn tới tầm khái quát mang tính biểu tượng. Hình ảnh người chiến sĩ trên chiến trường Điện Biên đã được bao bọc trong hào quang của cảm hứng lãng mạn để trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp đất nước: Việt Nam từ trong đau thương máu lửa của chiến tranh, từ trong bùn nhơ nô lệ đã đứng lên chiến đấu chói loà ánh sáng tương lai.

Để dựng lên một tượng đài đất nước uy nghi lồng lộng tác giả đã sử dung nghệ thuật sử thi, nghệ thuật anh hùng ca. Tính chất sử thi, tính chất anh hùng ca này thể hiện qua ngôn ngữ qua hình ảnh qua nhịp điệu câu thơ.

Về ngôn ngữ: những động từ mạnh liên kết với nhau tạo nên những chuyển rung dữ dội: "súng nổ rung trời giận dữ", "nước vỡ bờ", "rũ bùn đứng dậy".

Về hình ảnh: những hình ảnh kỳ vĩ mang tầm vóc và sức mạnh của thiên nhiên. Súng nổ rung trời mang sự căm giận của lòng dân. Sự trừng phạt của nhân dân đối với kẻ thù cũng là sự trừng phạt của trời đất. Sức mạnh của nhân dân cũng là sức mạnh của đất trời như nước vỡ bờ. Những hình ảnh được đặt trong sự đối lập tương phản: máu lửa/ bùn đất/ sáng loà tạo nên hai mảng màu sáng tối vừa khắc hoạ được nỗi đau đất nước vừa thể hiện được sức mạnh và niềm tin yêu.

Về nhịp điệu, trong cả bài đất nước về cơ bản tác giả dung thể thơ tự do nhưng đến 4 câu thơ cuối này thì tác giả lại sử dụng những câu thờ 6 chữ. Những câu thơ đã ngắn nhịp điệu lại càng ngắn càng dồn dập:
Súng nổ/ rung trời/ giận dữ Người lên/ như nước vỡ bờ.
Đó là nhịp của triều dâng lũ cuốn tạo nên những lớp sóng thần tiếp nối nhau hết lớp này đến lớp khác. Đó là nhịp của gió lay, của bão giật hết trận này đến trận khác.

Cảm hứng anh hùng ca rầm rập bốc cao lên đã đem đến cho bài Đất nước một vẻ đẹp sử thi.
Viết Đất nước Nguyễn Đình Thi đã thể hiện một cảm hứng thi ca mang tính chất tổng hợp, cảm hứng này rất đậm nét trong phần 2 của bài thơ khi tác giả tạc hình Tổ quốc trong đau thương đứng lên chiến đấu.

Bài thơ đã thể hiện được nét đặc sắc trong phong cách thơ nghệ thuật của Nguyễn Đinh Thi phát hiện vẻ đẹp của con người, của đất nước trong những đau thương, trong đau thương vẫn ngời sáng lên vẻ đẹp của tình yêu, của hy vọng và niềm tin. Với bài Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi trữ tình mà chính luận hiện thực mà lãng mạn, mà sử thi.

(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)