Một số bài cùng tác giả

Đăng bởi Tuấn Khỉ vào 04/09/2012 17:15, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 17/08/2021 15:12

Ba vua, bốn chúa, bảy thằng con,
Trên chửa lung lay, dưới chửa mòn.
Chí chưa thành, danh cũng hổ,
Hòm sẵn đó, chết thì chôn.
Giang hồ lang miếu, trời đôi ngả,
Bị gậy cân đai, đất một hòn.
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,
Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn.


Bản ở trên căn cứ theo Tài trẻ nước Nam (1933).

Bản in trong Văn đàn bảo giám (1932):
Ba vua, bốn chúa, bảy thằng con,
Thấm thoát xuân thu bảy chục tròn.
Ơn nước
chưa đền danh cũng hổ,
Quan tài sẵn chết thì chôn.
Giang hồ lăng miếu, trời đôi ngả,
Bị gậy cân đai, đất một hòn.
Cũng muốn sống thêm mười tuổi nữa,
Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn.
Bản trong Chương Dân thi thoại (1936):
Hai vua, ba chúa, bảy thằng con,
Răng chửa lung lay, dái chửa mòn.
Nhân vật thời giờ sinh cũng uổng,
Quan tài
sẵn đó chết thì chôn.
Lâu đài thành quách, trời muôn dặm,
Bị gậy cân đai, đất một hòn.
Cũng muốn sống chơi đôi tuổi nữa,
Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn.
Bản trong Gương hiếu học thời xưa (2008):
Ba vua, bốn chúa, bảy thằng con,
Trên chửa lung lay, dưới chửa mòn.
Công nghiệp không thành sinh cũng hổ,
Quan tài sẵn đó chết thì chôn.
Giang hồ lang miếu, trời đôi ngả,
Bị gậy cân đai, đất một hòn.
Cũng muốn sống thêm mươi tuổi nữa,
Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn.
Về ý nghĩa bài thơ, tương truyền là viết về chúa Trịnh Tùng và người anh Trịnh Cối. Theo quan điểm này, bài thơ ra đời năm 1623 là năm Trịnh Tùng mất, nếu điểm lại trong đời Nguyễn Văn Giai sống qua thì có 3 vua Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông và 2 đời chúa là Trịnh Tùng và Trịnh Tráng. Nếu đặt vào địa vị Trịnh Tùng, thì có thể hiểu 3 vua là Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông, còn “bốn chúa” là 4 vua nhà Mạc, mà trong con mắt Trịnh Tùng không xem là “vua”, gồm Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn, Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung. Cả bốn vị vua Lê và 4 “chúa” họ Mạc đều nhỏ tuổi so với Trịnh Tùng (người lớn tuổi nhất là Mậu Hợp cũng kém ông hơn 10 tuổi), bị Trịnh Tùng xem thường như hàng con nít, nên gọi chung họ là “7 thằng con”. Câu 2 ám chỉ cơ cấu thể chế lưỡng đầu mà Trịnh Tùng khởi đầu cho họ Trịnh: họ Trịnh và họ Lê dựa vào nhau cầm quyền, cùng mạnh cùng yếu. Câu 3 và 4 nói về Trịnh Cối tự bỏ hỏng cơ nghiệp, bị dồn vào “đất chết” buộc phải hàng kẻ thù là nhà Mạc. Câu 5 và 6 nói về thân phận trái ngược của 2 anh em, 2 người hai con đường, Trịnh Cối phải đi ở nhờ kẻ thù như kẻ “bị gậy” và cuối cùng chết ở đất nhà Mạc. Hai câu cuối nói về vị chúa vừa qua đời Trịnh Tùng.

Văn đàn bảo giám đề tác giả là Nguyễn Khuyến và tiêu đề Già đời, nhưng hiện tượng “ba vua, bốn chúa” không đúng với trường hợp Nguyễn Khuyến. Nếu Nguyễn Khuyến làm bài thơ năm ông bảy mươi tuổi (1905) thì tính từ khi ông ra làm quan năm 1871 cho đến lúc ấy đã là bảy đời vua mà chúa thì không có.

[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]