Tạo ngày 20/07/2008 21:02 bởi
Vanachi Nguyễn Văn Giai 阮文階 (1554-1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần “khai quốc” thời Lê Trung Hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê-Trịnh.
Ông sinh vào đêm 22 tháng Chạp năm Giáp dần, tức 14 tháng Giêng năm 1555, là người thôn Phù Lưu trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình có tổ tiên từng nhiều đời đỗ đạt nhưng đến đời người bố Nguyễn Văn Củng, thì chỉ còn là một khoá sinh nghèo. Vốn có sức khoẻ bẩm sinh, Nguyễn Văn Giai vừa làm đủ các nghề khó nhọc vừa theo học.
Khi đã có vốn liếng chữ nghĩa, cần học lên, ông tìm đường ra xứ Bắc, làm thuê để tiếp tục học ở Thăng Long. Ông học rất thông minh, nổi tiếng về thơ Nôm và về tài ứng đối.
Năm 1571, nhân khoa thi của nhà Mạc mở ở trấn Sơn Nam, Nguyễn Văn Giai dự thi và đỗ Giải nguyên. Nhưng trong thâm tâm, ông không thích nhà Mạc nên không nhận quan chức của Mạc mà bỏ về quê quán.
Năm 1579, nhà Lê Trung Hưng mở khoa thi ở Thanh Hoá, ông lại ra thi và lại đỗ Giải nguyên.
Năm 1581, nhà Lê mở khoa thi Hội đầu tiên ở sách Vạn Lại, ông đi thi tiếp, đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình đỗ luôn Đình nguyên Hoàng giáp. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của triều đại Lê Trung Hưng. Ngay trong năm này, Nguyễn Văn Giai được nhà Lê bổ chức Hàn lâm hiệu lý nhưng chỉ một thời gian sau bị cách chức, bèn trở về nhà dạy học.
Khi Trịnh Tùng lên năm binh quyền, giao chiến với quân Mạc nhiều phen bị đại bại. Được người tiến cử, Trịnh Tùng cho triệu Nguyễn Văn Giai ra nơi màn trướng, phong chức Lễ khoa phụng sai tiết chế, một tay trù hoạch kế sách đánh Mạc. Từ đấy, với tài thao lược của ông, quân Lê chuyển bại thành thắng. Nguyễn Văn Giai cùng Trịnh Tùng mang 5 đạo quân tiến dần ra Bắc, đánh chiếm Thăng Long, san phẳng thành trì của Mạc rồi lại rút quân về cố thủ ở Thanh Nghệ.
Năm 1592, dưới quyền chỉ huy của Trịnh Tùng và Nguyễn Văn Giai, quân nhà Lê lại hành tiến ra Bắc lần thứ hai, đánh bại quân Mạc ở Ý Yên (Nam Định). Thuỷ quân Mạc bị đánh tan ở Bình Lục, Thanh Oai, Hát Giang. Vua Mạc bỏ chạy về Hải Dương thì bị bắt, đem vào Tây Đô xử chém. Nhiều bề tôi Mạc ra hàng. Nhà Lê thu phục lại Thăng Long, làm lễ khao binh thưởng tướng. Năm sau, Nguyễn Văn Giai được thăng chức Đề hình Giám sát Ngự sử.
Trong hai năm 1596 - 1597, Nguyễn Văn Giai được cử cùng với Thượng thư Đỗ Uông và Công bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan sang sứ nhà Minh, nhằm thương nghị, mềm mỏng chối từ việc nhà Minh mượn cớ con cháu nhà Mạc sang cầu cứu để thừa cơ xâm lấn. Cuộc thương thảo thành công, ông có công rất nhiều nên được phong tước Bá, giữ chức Hộ bộ Hữu thị lang. Trong năm này, ông được giao soạn thảo văn từ thông cống với phương Bắc và thông thương với các nước láng giềng.
Năm 1599, vua Lê Thế Tông mất, Lê Kính Tông lên nối ngôi, chịu sức ép của Trung Quốc, phải nhường đất Cao Bằng cho con cháu nhà Mạc. Mạc Kính Cung tự xưng là vua Mạc thừa cơ cấu kết với một số loạn thần, đem quân kéo về vây Thăng Long. Lê Kính Tông phải chạy về Thanh Hoá. Nguyễn Văn Giai lại cưỡi voi cùng Trịnh Tùng đốc chiến, đuổi được quân Mạc rút về Cao Bằng, hộ giá nhà vua trở lại Thăng Long. Ông được phong Lại bộ hữu thị lang.
Năm 1600, Mạc Kính Cung lại cất quân đánh phá Thăng Long. Đang ở nhà cư tang cha, Nguyễn Văn Giai được lệnh ra Bắc cầm quân đánh Mạc. Đại thắng, ông được phong Ngự sử đài Đô ngự sử.
Năm 1604, Nguyễn Văn Giai được phong Thượng thư Bộ Hộ và hai năm sau được gia phong Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, tước Hầu. Đến năm 1612, được đặc phong Quận công.
Năm 1617, thăng lên Thiếu phó và chỉ một năm sau được giao quyền Tể tướng cai quản cả lục bộ.
Năm 1619, Mạc Kính Khoan làm phản, ông cất quân dẹp loạn, giúp dân yên ổn làm ăn. Nhờ đó ông được phong chức Thiếu uý. Năm 1625, ông tiếp tục thân chinh đánh tan quân Mạc Kính Khoan áp đảo kinh đô, đưa Trịnh Tráng về lại Thăng Long. Năm này ông được phong Dực vận tán trị công thần tri nội điện, quyền Phủ sự Tham tụng triều đường. Rồi chỉ ít lâu sau được phong tiếp tước Thái bảo.
Sau khi dẹp yên loạn lạc, tận mắt chứng kiến Trịnh Tráng lộng hành, Nguyễn Văn Giai xin cáo lão, nhưng chẳng bao lâu lại được vua Lê vời ra tham chính. Ông mất khi đang tại chức ngày 13 tháng Giêng năm Mậu thìn, tức 27 tháng Hai năm 1628, thọ 74 tuổi.
Dưới quyền cai quản của Nguyễn Văn Giai, triều đình Lê Trung Hưng còn giữ được sự thống nhất nội bộ, mặc dầu xu hướng suy thoái đã không tránh được. Tuy không ngăn cản được Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông vào năm 1619 nhưng ông ra sức nắm cương triều chính, không để xẩy ra chuyện lục đục, năm bè bảy mảng. Khi có những mâu thuẫn tranh chấp giữa hai con Trịnh Tùng là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân, Nguyễn Văn Giai đã cố sức dập tắt, cuối cùng bắt được Xuân về cho Tùng trị tội, nhờ đó các thế lực phản loạn bị dẹp yên.
Để chia bớt quyền hành của chúa Trịnh, ông đã có sáng kiến lập ra Phủ Thừa tướng bên cạnh Phủ chúa, ngấm ngầm bảo vệ vua Lê.
Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là người thanh liêm, tự ông nêu gương cho các quan noi theo, ngay cả chúa Trịnh cũng kiềng nể. Gia phả còn chi lại lời ông răn bảo triều thần: Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy. Nhưng ông cũng là người mang tư tưởng chính thống cứng nhắc, đem tài sức mình dựng lại một thế lực thực tế đã mất vai trò lịch sử.
Ông còn là một nhà thơ Nôm nổi danh, có cái cười trào tiếu và triết lý thâm thuý về mọi sự ở đời, tuy số lượng thơ để lại không nhiều.
Nguyễn Văn Giai 阮文階 (1554-1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần “khai quốc” thời Lê Trung Hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê-Trịnh.
Ông sinh vào đêm 22 tháng Chạp năm Giáp dần, tức 14 tháng Giêng năm 1555, là người thôn Phù Lưu trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình có tổ tiên từng nhiều đời đỗ đạt nhưng đến đời người bố Nguyễn Văn Củng, thì chỉ còn là một khoá sinh nghèo. Vốn có sức khoẻ bẩm sinh, Nguyễn Văn Giai vừa làm đủ các nghề khó nhọc vừa theo học.
Khi đã có vốn liếng chữ nghĩa, cần học lên, ông tìm đường ra xứ Bắc, làm thuê để tiếp tục…