Trường ca Con đường của những vì sao (hay Trường ca Đồng Lộc, NXB Lao động, 2008).

 

 

Ảnh đại diện

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tập trường ca Đồng Lộc - con người của những tri ân

Nhân ngày 27/7 (2008), nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho tái xuất bản lần 2 tập “Trường ca Đồng Lộc” để cùng thế hệ trẻ hôm nay hâm nóng lại lịch sử xưa. Hai lần cho in trường ca, hai lần tôi sống lại với người xưa, với cảm xúc chân thật ngày tháng chiến đấu chống Mỹ - nhà văn tâm sự…

- Nguồn cảm hứng nào để anh cho ra đời “Trường ca Đồng Lộc”?

- Sau thống nhất 1975, nhà thơ Nguyễn Quốc Anh đưa tôi đi xe đạp thăm Đồng Lộc. Chúng tôi tha thẩn rất lâu bên những ngôi mộ của Mười cô gái Anh hùng, trong tôi trào dâng những cảm xúc khó tả. Khi Nguyễn Quốc Anh chỉ về phía 10 cây bạch đàn và nói: “Hồi trước đây trồng nhiều bạch đàn, nhưng sau bom đạn chỉ con lại 10 cây này. Nó cứ sống như có một linh ứng nào đấy với 10 cô gái Đồng Lộc trong hiện tại và tương lai”. Câu nói ấy đã khiến tôi muốn viết một bài thơ về 10 cây bạch đàn như là sự tồn tại linh hồn mười nữ thần tiêu biểu cho Đồng Lộc những năm chiến tranh ác liệt. Và tôi nghĩ: Phải viết trường ca mới nói được sự lớn lao của những con người ở đây. Năm 1978 tôi hoàn thành “Con đường của những vì sao”, năm 1980, trường ca này chính thức xuất bản lần đầu.

- Lý do nào khiến anh chọn thời điểm vào tháng 7 để tái xuất bản tác phẩm “Trường ca Đồng Lộc”?

- Năm 2008 là năm kỷ niệm 40 năm ngày hi sinh của 10 cô gái Đồng Lộc. Nhà nước cùng Hà tĩnh tổ chức lễ hội lớn để kỷ niệm như một điển hình để nhớ về những thương binh liệt sĩ. Tái xuất bản lần này với số lượng 2000 cuốn, là một món quà tri ân để tặng lễ hội, nhớ về những người lính năm xưa.

- Tái xuất bản lần 2, anh hi vọng được bạn đọc trẻ đón nhận tác phẩm như thế nào?

- Tôi muốn cho mọi người biết rằng Đồng Lộc cũng có 1 trường ca. Đọc “Con đường của những vì sao” để hiểu hơn quá khứ thông qua một thể loại giàu cảm xúc. Bạn đọc trẻ sẽ hiểu hơn về chiến tranh, hiểu chiến tranh bằng cảm xúc chứ không chỉ đơn thuần là những bài học lịch sử. Những con người sau chiến tranh tiếp nhận quá khứ bằng cảm xúc và bằng tâm hồn. Tôi muốn hâm nóng lên một tinh thần đối với quá khứ, đối với sự hi sinh. Mọi người hãy nhớ về Đồng Lộc linh thiêng.

- Hoàn thành trường ca trong 3 tháng, anh hài lòng nhất với điểm nào trong “con đường của những vì sao”?

- Trường ca có 10 chương, trong đó có 2 hình tượng gây xúc động là: những đứa trẻ và những con bê (chương 5) và mười cây bạch đàn (Khúc hát mười cây xanh - chương 9). Trong chiến tranh, Đồng Lộc trồng rất nhiều cây bạch đàn để nguỵ trang và che giấu cuộc vận chuyển hàng hoá cho chiến trường miền Nam. Sau chiến tranh chỉ còn lại 10 cây bạch đàn còn xanh tươi như một sự linh ứng diệu kỳ. Tôi rất xúc động về những gương chiến đấu dũng cảm tuyệt vời như Anh hùng dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, Anh hùng La Thị Tám, và đặc biệt là sự hy sinh bất tử của mười cô gái thanh niên xung phong làm chấn động năm châu. Khi đọc được những lá thư các cô gửi về gia đình trước khi chết, tôi đã trào nước mắt. Cả một thế hệ trẻ đã biết gác tình riêng tự nguyện ra đi vì nghĩa lớn. Đấy là chương “Đỉnh cao”.

- Anh cũng đưa những năm tháng chiến tranh của anh vào trong trường ca?

- Từng là người lính, có những chuyến hành quân qua trọng điểm ác liệt này, nhiều lần chứng kiến những trận oanh tạc của lực lượng không quân Mỹ. Từng chứng kiến chiến tranh đi qua “tuyến lửa” khu Bốn ác liệt như thế nào, những trận địa pháo… tất cả đã lưu vào bộ nhớ tôi như những ký ức ấn tượng. Tôi sống lại cái cảm giác chiến tranh thuở nào, và nhiều chương của trường ca này đã được viết ra trên cảm xúc ấy. Tôi đã viết trường ca với sự trân trọng và biết ơn quá khứ.

- Anh là một nhà văn, Anh có chạnh lòng không khi công chúng biết đến anh nhiều với những tác phẩm âm nhạc hơn là những tác phẩm văn học?

- Điều ấy không quan trọng gì. Nhà thơ khác nhạc sĩ, nhưng họ đều là những người sáng tác. Những nhà thơ có tư tưởng lớn, bằng một ngôn ngữ riêng đem cảm xúc tới cho công chúng. Tôi là một nhà thơ, một nhạc sĩ. Tôi hạnh phúc khi được công chúng ưu ái dành tình cảm cho tôi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Một bài thơ để đời sẽ được mọi người nhớ mãi, một bài hát hay sẽ được hát trong một tập thể lớn. Tôi có gặp những độc giả đọc thuộc lòng trường ca Đồng Lộc ngay từ lần xuất bản lần đầu. Tôi cảm ơn tất cả mọi người.

- Dịp này anh có về Hà Tĩnh dự lễ hội Đồng Lộc chứ? Anh nghĩ gì về lễ hội này?

- Trước lễ hội có Đêm Thơ ở Hà Tĩnh, tôi không về được vì phải lo khâu cuối cho việc tái bản Trường ca Đồng Lộc. Tiếc lắm. Nhưng lễ hội thì tôi sẽ có mặt, không phải với tư cách của tác giả từng viết về Đồng Lộc, mà với tư cách một người lính về với những người lính năm xưa, tôi sẽ đặt lên mộ các liệt sĩ cuốn trường ca máu thịt của mính, như một sự biết ơn và tri ân cùng đồng đội. Hy vọng qua lễ hội này, cả thế giới sẽ hiểu Đồng Lộc hơn, hiểu Hà Tĩnh hơn…


Thu Hằng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nhân tái bản “Trường ca Đồng Lộc”

LỜI TÁC GIẢ
NHÂN TÁI BẢN TRƯỜNG CA

Cho đến khi viết những lời này, Đồng Lộc chiến tranh vẫn ám ảnh tôi suốt bốn chục năm qua. Nói như nhà thơ Nguyễn Hoa là “Cuộc chiến tranh vẫn không chịu ra khỏi tôi”.

Những năm chiến tranh ác liệt ấy, khi tôi đến Ngã Ba Đồng Lộc thì Mười cô gái Anh hùng bám trụ giữa trọng điểm này đã hy sinh, thế mà tôi và đồng đội vẫn không kịp thắp một nén hương. Những người lính chúng tôi vẫn tiếp tục đi về phương Nam. “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Câu thơ của Phạm Tiến Duật lúc ấy là vô cùng chân thực, nó đúng với tâm trạng người lính, đúng với tâm trạng những người đi vào cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” lúc bấy giờ. Dù chỉ đi qua, nhưng những địa danh quanh Đồng Lộc vẫn ghi vào trí nhớ của tôi, đến nỗi sau đó đọc được bài thơ Qua cầu Tùng Cốc của Phạm Tiến Duật, một cây cầu nhỏ gần ngã ba Đồng Lộc, là tôi bị ấn tượng ngay, rồi lập tức hát lên thành một bài hát đến giờ tôi vẫn nhớ: “Tùng Cốc! Tùng Cốc! Qua cây cầu này rồi ta lên dốc/ Đêm hoa xoan hoa khế một màu/ Qua cầu Tùng Cốc! Ta qua cầu Tùng Cốc/ Đạn trên xe và sao sáng trên đầu…”.

Mấy năm sau, đơn vị tôi đóng quân ở Hà Tĩnh, nhà thơ Nguyễn Quốc Anh đưa tôi đi xe đạp thăm lại Đồng Lộc. Tôi thấy những ngôi mộ liệt sĩ ở đây đều được dựng bia nhỏ và trên mỗi tấm bia được khắc một ngôi sao. Chúng tôi tha thẩn rất lâu bên những ngôi mộ của Mười cô gái Anh hùng, lòng trào lên những cảm giác khó tả, vừa thương cảm vừa kính trọng. Nhưng khi Nguyễn Quốc Anh chỉ về phía 10 cây bạch đàn và nói: “Hồi trước đây trồng nhiều bạch đàn, nhưng sau bom đạn chỉ con lại 10 cây này. Nó cứ sống như có một linh ứng nào đấy với 10 cô gái Đồng Lộc”. Câu nói ấy đã khiến tôi muốn viết một bài thơ về 10 cây bạch đàn như là sự tồn tại linh hồn mười nữ thần tiêu biểu cho Đồng Lộc những năm chiến tranh ác liệt. Đêm đó tôi viết nháp bài thơ mà không thành. Và tôi nghĩ: Phải viết trường ca mới nói được sự lớn lao của những con người ở đây.
Mấy năm sau, đất nước thống nhất, tôi được Tổng cục Chính trị gọi về Hà Nội tham gia Trại viết văn quân đội để viết về chiến tranh. Lúc này ở Khu 5, Thanh Thảo đang viết trường ca Những người đi tới biển. Trại chúng tôi cũng đua nhau viết trường ca. Hữu Thỉnh viết Đường tới thành phố, Nguyễn Đức Mậu viết Trường ca Sư Đoàn, và tôi, cũng đặt bút lên cuốn sổ giấy trắng viết một dòng chữ lớn: CON ĐƯỜNG CỦA NHỮNG VÌ SAO hay TRƯỜNG CA ĐỒNG LỘC.

Trước khi viết trường ca này, tôi tìm đọc khá nhiều tư liệu về Đồng Lộc thời chiến tranh. Tôi rất xúc động về những gương chiến đấu dũng cảm tuyệt vời như dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, Anh hùng La Thị Tám, và đặc biệt là sự hy sinh bất tử của mười cô gái thanh niên xung phong làm chấn động năm châu. Khi đọc được những lá thư các cô gửi về gia đình trước khi chết, tôi đã trào nước mắt. Cả một thế hệ trẻ đã biết gác tình riêng tự nguyện ra đi vì nghĩa lớn!

Có nhiều câu chuyện có thể viết thành truyện, nhưng tôi đã lựa chọn thể loại trường ca, bởi cảm hứng anh hùng ca về Đồng Lộc đã xâm chiếm hồn tôi.

Trường ca có thể có cốt truyện (tự sự) hoặc không có cốt truyện (trữ tình), nhưng tôi đã kết cấu trường ca đan xen tự sự và trữ tình. Câu chuyện tình yêu do tôi hư cấu nên cũng là chuyện phổ biến của thanh niên thời chống Mỹ: Chàng trai đi lính vào chiến trường, cô gái ở hậu phương sản xuất và chiến đấu. Nhưng cô gái trong trường ca này lại là thanh niên xung phong, tham gia chiến đấu ngay dưới mưa bom bão đạn của quân thù, và chàng trai là một người lính lái xe vận tải chở hàng vào tiền tuyến. Họ xa nhau mà vẫn gặp nhau dọc con đường đầy hy sinh ác liệt của dân tộc. Tôi chọn tên cô gái là La như biểu tượng sông La của Hà Tĩnh (mà trong đó cô gái họ La - La Thị Tám - luôn ám ảnh tôi khi nhớ về Đồng Lộc), tên chàng trai là Mùa, một cái tên điển hình của người lính xuất thân từ nông thôn. Thông qua hai nhân vật này, tôi muốn làm hiện lên thân phận và tâm trạng của người công dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong trường ca này còn có những nhân vật khác như Mười cô gái thanh niên xung phong, những đứa trẻ tìm bê, Nhân Dân, mười cây bạch đàn, v.v... nhằm chống lại những thế lực đen tối đứng đầu là tổng thống Giôn-xơn và những quả bom. Nhưng dù câu chuyện có hư cấu thì Sự Thật tinh thần của thời kháng chiến ở Ngã Ba Đồng Lộc luôn được trân trọng, đúng như lời mở đầu trường ca tôi đã tuyên ngôn:

Không đùa đâu, thơ tôi nói thật lòng
trước niềm đau, trước niềm vui có lẽ nào dối trá
(thật kinh tởm sau cơn đau trở dạ
lại sinh ra một con búp bê vàng!)
Vâng, dù là “con búp bê vàng”, vàng ròng đi nữa, thì cũng chỉ là một phiên bản của con người mà thôi!

Và TRƯỜNG CA ĐỒNG LỘC đã được khởi bút từ tháng 1.1978. Khi tôi đang viết những chương đầu thì Trại sáng tác có chương trình đi thâm nhập thực tế. Tôi không chọn về Hà Tĩnh mà chọn đi theo một Sư đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang Lào, nơi tiếng súng “hậu chiến tranh” vẫn còn chưa dứt. Lại những tháng ngày sống cùng những người lính luôn cặp kè khẩu súng bên mình sẵn sàng chiến đấu với “phỉ” Vàng Pao. Những ngã đường rừng núi đầy bom mìn cạm bẫy bên cạnh những phố phường tưng bừng lăm vông lễ hội. Có những chuyến đi về những điểm ác liệt, ông anh tôi là Chính uỷ Sư đoàn 324 lúc ấy phải ngần ngừ mãi mới cho tôi đi cùng. Mấy lần cả hai anh em đều gặp địch phục kích… Tôi sống lại cái cảm giác chiến tranh thuở nào, và nhiều chương của trường ca này đã được viết ra dọc đường như thế. Cái cảm giác chơi vơi giữa sự sống và cái chết, của tình yêu và biệt ly:

nếu anh được nói lời sâu kín nhất
rất có thể em nghe, em sẽ khóc:
“- ước gì chúng mình cưới nhau hôm qua
ước gì chúng mình cưới nhau bữa trước
để trong đêm ly biệt
nói chuyện tương lai
em ước con trai
anh mong con gái...”
Nhờ thế mà tôi luôn giữ được cảm xúc chân thật và liền mạch suốt thời gian mấy tháng liền khi viết trường ca này. Có thể nói là mỗi khi viết, tôi thực sự sống lại thời chiến tranh mà mình đã trải qua. Và có khác chăng là sau mỗi hiện thực được miêu tả là cái nhìn chiêm nghiệm khái quát:

đất và đá
yếu mềm và cứng rắn
cán xẻng với tay người
đòn gánh với vai người
con đường và trái núi
phá và xây ngày tháng đỡ đần nhau...
Thật bất ngờ, gần đây tôi vào Vũng Tàu ngồi uống rượu với nhà thơ Tùng Bách người Hương Sơn, bỗng anh nhắc lại câu thơ “phá và xây ngày tháng đỡ đần nhau” thật tâm đắc, khiến tôi xúc động đến ngỡ ngàng về những câu thơ giản dị viết từ 30 năm trước vẫn còn lưu lại trong lòng bạn đọc một thời.

Những chương viết mệt nhất là viết về sự ác liệt của chiến tranh. Viết về kẻ thù càng thâm hiểm tàn bạo bao nhiêu thì viết về sự chống trả của những con người kháng chiến càng hào hùng và bi tráng bấy nhiêu. Tôi đã chọn những chủ đề tương phản để thể hiện tính chất ác liệt của chuộc chiến diễn ra tại Đồng Lộc cũng như cuộc chiến tranh đất đối không những tháng năm Mỹ ném bom miền Bắc. Chiến sách tấn công “cuống xoong Khu Bốn”của tổng thống Mỹ và lòng quả cảm yêu đời yêu nước của những cô gái trẻ. Sự tàn bạo của đạn bom và những đứa trẻ ngây thơ tìm bê lạc ngay trên vùng bom chờ nổ. Và cuối cùng là đau thương và chiến thắng của những con người yêu nước. Tôi đã dành trọn chương “Độc thoại của máu” để viết về sự hy sinh vĩ đại của những người chiến đấu cho Tổ quốc.

ở đâu hạt máu lang thang
ở đâu hạt máu huy hoàng muôn năm?
…máu ta không chịu đeo xiềng
máu ta không chịu chia niềm đau thương
máu đi về phía chiến trường…
Cuộc chiến đấu ấy là cuộc chiến đấu chấp nhận hy sinh cho thắng lợi cuối cùng. Tôi dồn bút vào chương “Đỉnh cao” viết về sự hy sinh của Mười cô gái Anh hùng, và cuối cùng phải buông một câu đầy tính lãng mạn như là an ủi cho chính mình:

mái tóc bay trong đất - tóc hai mươi
tóc trong đất, gió thời gian thổi mãi...
Và nhận ra sức mạnh cùng lòng nhân hậu vô bờ của Nhân Dân những ngày kháng chiến:

La nhìn Nhân Dân, cô muốn khóc
“Không thể nào ra lệnh được Nhân Dân
khi chưa hiểu hết lòng dân rộng lớn
Nhân Dân sống Nhân Dân làm lụng
áo vá vai lòng thơm thảo lành nguyên
Nhân Dân căm hờn như núi dựng chông
Nhân Dân yêu thương đồng dâng gạo trắng
bom đạn giặc từ trời cao ném xuống
Nhân Dân từ ruột đất trồi lên!”...
Sau chuyến đi Lào về lại Hà Nội, tôi ngồi viết chương kết thúc trường ca. Tôi muốn đặt cho trường ca này một cái tên thật ấn tượng, nhưng không có cái tên nào ưng ý hơn cái tên tôi đã viết ra từ ban đầu: CON ĐƯỜNG CỦA NHỮNG VÌ SAO hay TRƯỜNG CA ĐỒNG LỘC. Vâng, những con người xả thân cứu nước mà cụ thể là những con người xuất hiện trên Ngã Ba Đồng Lộc những năm sống chết ấy, họ chính là những vì sao sáng của đất nước, những vì sao đã làm nên con đường sáng, con đường đi tới thống nhất non sông thân yêu của chúng ta. Nhà thơ Chế Lan Viên đọc bản thảo của tôi, ông tán thành với cái tên ấy, nhưng ông bảo tôi nên bỏ chữ “hay” mà thêm vào dấu ngoặc đơn cho bốn chữ sau: TRƯỜNG CA ĐỒNG LỘC. Tôi đã làm theo ý ông, và nhà thơ Tú Sót – Chu Thành (biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên) đã nhận làm “bà đỡ” cho cuốn sách này tới tay bạn đọc.

Sau khi cuốn trường ca này được phát hành, tôi nhận được nhiều niềm vui từ các bạn yêu thơ, đặc biệt là những người lính trên biên cương những ngày “chiến tranh biên giới”. Đầu tháng 7 năm nay, nhà thơ Mai Nam Thắng làm báo Quân Đội bỗng điện cho tôi nhắc lại cuốn Trường ca Đồng Lộc và đề nghị tôi viết hồi ức về trường ca này cho báo. Và trong cuộc họp báo công bố Lễ hội 40 năm Đồng Lộc, nhiều bạn bè đề nghị tôi tái bản cuốn sách 30 năm trước. Thật vui khi tôi nói điều này, các anh Nguyễn Đình Phú (sở Thông tin Truyền thông), anh Đức Ban, anh Hồng Hải (Sở Văn hoá Thể thao Du lịch) và đặc biệt là chị Phạm Thanh Ngà (TGĐ công ty CPĐTTM Đông Dương) cùng nhà văn Đoàn Tử Huyến (GĐ Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây) sẵn sàng in lại cuốn sách này.

***

Năm 1998, cùng đoàn Nhạc sĩ Việt Nam thăm lại Ngã Ba Đồng Lộc, tôi cứ đứng trào nước mắt rất lâu trước khu mộ Mười cô gái Anh hùng. Mọi người đã đi hết, tôi vẫn còn đứng lại sau tấm bia lớn ghi tên Mười cô gái. Không làm sao lau khô được dòng nước mắt. Phải chăng tôi quá yếu mềm? Có lẽ không phải thế. Có một điều gì đó thật sâu xa từ những thân phận bi tráng này đã xúc động sâu thẳm lòng tôi. Và đêm đó tôi đã viết đươc ca khúc Đồng Lộc thông ru như một tiếng gọi hồn, một sự nhập hồn.

Nhớ một thời kháng chiến
Con đường trên tay em…
Tôi hiểu ra rằng, quá khứ đầy bi tráng đã biến thành máu thịt trong mỗi con người hôm nay khi trở về với Ngã Ba Đồng Lộc. Và cuốn trường ca nhỏ của tôi được tái bản lần này, hy vọng được đồng hành cùng bạn đọc khi trở về với Đồng Lộc linh thiêng.


Hà Nội, ngày 1 tháng 7 năm 2008
Nguyễn Trọng Tạo
13.00
Chia sẻ trên Facebook