Đăng bởi tôn tiền tử vào 02/01/2019 22:37
Thuở thầy Đại Pháp mới sang chơi,
Thương Bạc là đây chỗ rước mời.
Võng bác thượng thư ra trước bến,
Thuyền ông nguyên soái đậu ngoài khơi.
Giảng hoà mực ký xong hai chữ,
Bảo hộ cờ treo đã sáu đời!
Nhớ lại tích xưa vì cảnh mới,
Vì hoa khoe thắm liễu khoe tươi.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 01/01/2019 22:38
Giọng văn ngó thản nhiên, nhưng ý thơ thật mỉa mai chua chát. Mỉa mai chua chát nhất là câu kết! Chửi đời quên cái nhục vong quốc, bằng lời thơ mềm như liễu dịu như hoa! Đó là những điểm sâu sắc, tế nhị trong thơ Thúc Giạ. Nhưng vì vẻ phong lưu của văn chương và cuộc đời của tác giả đã làm cho phần đông độc giả không nhận thấy được tâm sự thầm kính gởi gắm trong thơ.
Thúc Giạ Tiên sinh là người có địa vị trong xã hội. Các tập thơ của tiên sinh cũng được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc. Song thời Tuyền Chiến cũng như thời Hậu Chiến, các nhà soạn sách Thi Tuyển, các nhà phê bình Thi Ca, các nhà viết Văn Học, Sử…, ít nhà nhắc nhở đến Tiên Sinh, đến văn chương của Tiên Sinh.
Tại sao vậy?
Nếu tôi không lầm thì Tiên Sinh dùng thơ làm món tiêu khiển trong nhất thời, chớ không dùng làm nơi gởi tâm sự vào thiên cổ. Vì nhắm mục đích gần, khi làm thơ Tiên sinh không cần chọn đề tài, không cần đi sâu vào cảnh vật vào nội tâm để tìm những nét độc đáo những niềm u ẩn, mà thường bằng lòng diễn tả những sự vật những tình ý phổ thông, miễn sao nghĩa nghe xuôi văn đối chỉnh đủ làm vui tai mắt bạn bằng là được. Do đó phần nhiều thơ của Tiên Sinh thiếu chất thơ thiếu sức truyền cảm, không đủ năng lực lôi cuốn lòng người và cầm giữ lòng người. Những bài giai tác như những bài thượng dẫn thuộc vào số ít. Chúng bị số đông những bài thù tạc vãng lai che khuất, khiến các nhà viết sách coi các tập Tình Thúc Giạ, đời Thúc Giạ là những tập vận văn chớ không phải là những thi phẩm, nên không đề cập đến.
Như vậy kể cũng có chỗ bất công và quá nghiêm khắc.
Thúc Giạ Tiên sinh là một cây Gió cổ thụ có trầm hương. Trầm hương chỉ nằm một nơi nào đó trong thân cây, chớ đâu phải chạy khắp ngọn ngành lá rễ. Chúng ta nên cưa khúc nào có trầm mà lấy, còn bao nhiêu thì bỏ lại cho người làm nhan.
Thế là làng thơ đã khỏi mất những vần thơ hay, mà người làm thơ cũng được vui lòng nơi chín suối.