Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Bính » Tỳ bà truyện (1942)
Đăng bởi Vanachi vào 11/10/2008 08:24
Chàng đọc sách, thiếp xe tơ,
Đêm đêm trăng sáng, làm thơ đầu giường.
325. Nhà thanh đắp đổi bữa thường,
Quản chi sớm nắng, chiều sương phai nhoà,
Tròn nội trợ, vẹn tề gia.
Ra đường vội vội, về nhà chăm chăm.
Trồng dâu để đợi chăn tằm,
330. Dậy từ tối đất, đêm nằm lặn sao.
Ông bà gương sáng thềm cao.
Đứng ngồi phụng dưỡng, ra vào thần hôn
Cùng chồng duyên sắt tình son,
Vợ hiền dâu thảo tiếng đồn gần xa.
335. Tháng ngày đầm ấm bay qua,
Sánh đôi loan phượng đã tà hai trăng.
Tháng giêng vừa tiết đầu xuân,
Xanh un lá mạ, trắng ngần hoa cam,
Mưa xuân rắc bụi quanh làng,
340. Bà già sắm sửa hành trang đi chùa.
Ông già vào núi đề thơ,
Trai tơ đình đám, gái tơ hội hè.
Trường An nẩy quế đan trì
Nhà vua xuống chiếu mở kỳ ân khoa
345. Truyền rằng sĩ tử gần xa,
Thu đèn sách lại để mà tiến kinh.
Thi hương, thi hội, thi đình,
Thơm danh kim bảng, thoả tình vũ môn.
Một ngày nghe tỏ chiếu son,
350. Thái ông vội vã giục con đăng trình.
Ngậm ngùi một nỗi Thái sinh,
Thanh niên ai chẳng nặng tình thê nhi?
Má đào không thuốc mà mê,
Lửa hương hai tháng bỏ đi sao đành,
355. Ngũ nương hay rõ sự tình,
Nửa đêm vấn lại tóc xanh khuyên chồng.
Làm trai chí ở tang bồng,
Đền ơn cha mẹ phụ công học hành.
Bây giờ gặp bước khoa danh,
360. Trời cho cơ hội đầu xanh bảng vàng.
Nhờ chồng thiếp cũng vẻ vang,
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau
Cớ chi đắm mận, say đào,
Trượng phu giam mãi thân vào buồng hương.
365. Hãy xin kíp kíp lên đường,
Tài chàng ắt hẳn không nhường một ai
Ví như chàng chẳng chịu lời,
Tội này thiếp gánh trọn đời sao xong.
Thái sinh ý chẳng đẹp lòng,
370. Đưa tay gỡ rối lại vòng tóc xanh.
Ngũ nương châu lệ hai hàng,
Vai non thổn thức, ướt tràn cánh tay:
“Ngũ nương ơi! Rõ đắng cay!
Thuốc bùa chi để chồng mày say mê?
375. Để chồng quấn quít buồng khuê,
Để cho thiên hạ, kẻ chê, kẻ cười.
Tàn đi nhan sắc cho rồi,
Vướng chân chồng, sống ở đời làm chi?
Mai ngày thiên hạ vinh quy,
380. Biển cờ rợp ngõ, ngựa xe đầy đường.
Ông Nghè toàn những người dưng
Học trò Đức Khổng còn đương ngủ ngày.
Tưởng rằng cá nước rồng mây,
Ngờ dâu thiếp đến nỗi này hỡi ơi!”
385. Thái sinh nghe bấy nhiêu lời,
Mười phần mới cả quyết cả mười phần đi:
“Thôi đừng than khóc làm chi,
Rồi xem anh cũng vinh quy như người,
Ngặt vì đường sá xa xôi,
390. Tiền lưng bị gạo cậy ai bây giờ?
Nhà ta thanh bạch từ xưa
Rách lành đắp đổi, muối dưa lần hồi
Lấy đâu nén bạc tiền rời
Vậy nên anh mới chịu ngồi bó tay.”
395. Ngũ nương nhỏ nhẹ thưa ngay:
“Ý anh đã quyết, việc này em lo.”
Của riêng còn mảnh vườn hoa.
Xin đem mại đoạn ắt là phải xong
Xin anh đừng lấy làm lòng,
400. Của chung: của vợ, của chồng, của ai?
Mong sao chàng được thành tài
Cha mẹ em hẳn ngậm cười cõi tiên.”
Thái sinh cảm nghĩa vợ hiền.
Cầm tay chàng mới thốt nên một lời:
405. “Chứng minh có đất có trời,
Cho anh đỗ để đền bồi công em.
Chuyến này đầu bảng khôi nguyên
Giàu sang bõ lúc nghèo hèn có nhau.”
Thưa rằng: “Nghĩa trọng tình sâu,
410. Vợ chồng ai dám mong đâu đền bồi.
Mai kia thật có như lời,
Phúc nhà và cũng phúc trời cho anh.
Đền ơn đội đức sinh thành
Mười năm đèn sách công trình biết bao,
415. Phấn vua tô đến má đào
Thơm lây được có phần nào mà may.”
Vừng hồng vừa rạng ngày mai
Ngũ nương trình lại với hai ông bà
Xin cho mình được về nhà,
420. Để lo liệu bán vườn hoa cho chồng.
Ông bà nghe nói mủi lòng,
Rằng: “Con hiếu thảo thật không ai bì.
Đầu xanh nào nghiệp duyên gì
Ai xui con lấy làm chi chồng nghèo?”
425. Thưa rằng: “Cha mẹ quá yêu,
Lòng con sợ hãi bao nhiêu cho vừa.
Lẻ loi chút phận trẻ thơ
Trăm thương ngàn mến cũng nhờ mẹ cha.
Vả chăng của cũng của nhà
430. Ra gì một mảnh vườn hoa lối tàn.
Con về vườn tược thành hoang,
Có, không chăm được, sao bằng bán đi
Thêm vào lộ phí một ly.
Cho chồng con kịp khoa thi mai ngày.”
435. Ông rằng: “Thực có là may
Ý con hợp với lòng thầy đang lo.”
Thưa rằng: “Thầy mẹ ưng cho
Con xin về gấp để thu xếp dần.”
Bà rằng: “Phúc đức vô ngần,
440. Dâu tôi thực đã mười phần đảm đang.
Thôi con tuỳ tiện mà làm,
Sao cho ổn thoả mọi đàng thì thôi.
Mẹ cha giờ đã già rồi
Lòng con hiếu thảo ắt trời đền công.”