Đăng bởi Vanachi vào 31/05/2004 22:16, đã sửa 7 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 24/08/2021 11:27

Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.


1936

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc thành bài hát Hương đồng gió nội.


[Thông tin 5 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời bài hát "Chân quê" của Trung Đức

Chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đuỗi nhuộm hồi sang xuân.
Nào đâu cái áo tứ thân,
Cái khăn mỏ quạ
Cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa.
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh.
Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
393.18
Trả lời
Ảnh đại diện

Ai hat bài Chân Quê?

Xin Bác Vannachi xem lại băng hát hình như không phải giọng Trung Đức thể hiện bài này?

253.24
Trả lời
Ảnh đại diện

Làm rõ ý kiến cho rằng “Chân quê” là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính được viết bằng thơ

Mỗi lần đọc Chân quê của Nguyễn Bính, tôi vẫn thường băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ bài thơ chỉ là nỗi lo âu thảng thốt của nhà thơ trước sự thay đổi trong cách ăn mặc của một cô thôn nữ từ thành thị trở về sao?

Phải chăng bài thơ còn ngầm chứa một ý nghĩa sâu kín nào khác? Thế rồi, khi ai đó nhận xét Chân quê là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính được viết bằng thơ, tôi mới chợt giật mình nhận ra ý nghĩa của bài thơ ẩn sâu trong từng câu chữ.

Đi suốt bề mặt chữ nghĩa, bài thơ kể về sự thay đổi trong cách ăn mặc của một cô gái nông thôn sau những ngày ra thành thị. Sự đổi thay tưởng chừng rất nhỏ nhặt, cứ ngỡ là sẽ không ai để ý đến vậy mà trong cái nhìn tinh ý và nhạy cảm của thi sĩ, chiếc áo cài khuy bấm kia dự cảm biết bao điều chẳng lành:

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi.
Chiếc áo cài khuy bấm, tưởng rằng bình thường lắm, chỉ là một thứ trang phục mà thôi, thế nhưng trong cảm nhận của tâm hồn thi nhân lại là biểu trưng của nền văn minh thành thị. Nó chiếm mất, choán chỗ của cái áo tứ thân, cái yếm lụa sồi, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen, những trang phục truyền thống quen thuộc của người thôn nữ. Nó khiến nhân vật trữ tình phải cuống quýt, thảng thốt tự hỏi một cách ngẩn ngơ, nuối tiếc:
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen.
Sự đổi thay ngỡ là rất nhỏ ấy thôi cũng đủ để nhà thơ phải hốt hoảng lo âu, phải cất lên những lời van xin thống thiết:
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa.
Dường như, ta có cảm giác phải chăng thi sĩ đã cường điều phóng đại mọi chuyện. Chỉ là một vài thay đổi nhỏ trong cách ăn mặc có đáng gì đâu mà khiến nhà thơ phải lo sợ đến thế, phải thốt ra những lời nặng nề đến thế.
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Nhưng bài thơ đâu phải chỉ có vậy. Một bài thơ lục bát giản dị, mộc mạc đến đơn sơ, vậy mà hàm chứa bao ý nghĩa sâu xa. Vâng, đúng là ở bề nổi, bài thơ kể về sự đổi thay trong trang phục của cô gái nhưng thăm thẳm trong bề sâu câu chữ, hình tượng, nó gióng lên một hồi chuông cảnh báo thật khẩn thiết: văn minh thị thành đang lấn át văn hoá đồng quê, cái áo cài khuy bấm kia đang lấn dần, át dần cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ và sâu xa hơn, hồn dân tộc, bản sắc dân tộc đang bị phai nhoà. Có phải tuyên ngôn nghệ thuật dung dị, mà sâu sắc không ngờ của Nguyễn Bính hàm ẩn trong những câu thơ chân chất, đơn sơ như hơi thở đồng nội này không:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Lời tuyên ngôn ngắn gọn nhưng thật thiết tha, sâu lắng: Hãy gìn giữ lấy hồn dân tộc đang bị phôi phai bởi nền văn minh đô thị!.

Sẽ có người đặt câu hỏi cơ sở nào để coi Chân quê là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính được viết bằng thơ. Liệu làm như thế có phải là sự suy diễn gượng ép, tuỳ tiện hay không. Vâng, đúng là có nhiều bài thơ đã bị suy diễn quá xa. Nhưng đối với Chân quê cho rằng bài thơ là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính thì theo tôi không phải là không có cơ sở.

Sẽ không là khiên cưỡng nếu ta tìm về với bối cảnh lịch sử, thời đại mà bài thơ ra đời. Lẽ nào ta không biết, không hay Chân quê và những bài thơ khác của Nguyễn Bính chào đời trong một thời kì lịch sử đầy biến động khi cơn gió á, mưa Âu đang khuynh đảo cả xã hội. Thực dân Pháp bình định xong Việt Nam và bắt tay vào cuộc khai thác thuộc địa. Cũng chính vì vậy, bộ mặt của xã hội Việt Nam thay đổi từng ngày, từng giờ. Đô thị Việt Nam xuất hiện và phát triển thổi lại một luồng gió mới - luồng gió văn minh thành thị vào xã hội Việt Nam vốn hàng ngàn năm nay được bao bọc bởi cái nôi văn hoá đồng quê.

Và điều tất yếu phải đến đã đến: văn minh thị thành cứ lấn át dần văn hoá đồng quê, con người thành thị choán chỗ, làm lu mờ con người đồng nội. Bởi thế, những gì bài thơ viết trong Chân quê đâu có xa lạ gì với thực trạng xã hội lúc ấy.

Còn trong văn học thì sao? Nền văn minh thành thị tràn cả vào văn chương, đẩy lùi đi cái cũ, cái truyền thống. Hàng loạt xu hướng đang đi tìm những cách diễn đạt mới mẻ, có người tìm đến với văn học lãng mạn phương Tây, có người lại tiếp thu ảnh hưởng của các trường phái tượng trưng, siêu thực. Duy chỉ có một số nhà thơ, đặc biệt là Nguyễn Bính vẫn giữ bản chất nhà quê đặc sệt, vẫn là một người chân quê lạc giữa những con người thành thị. Phải chăng bối cảnh thời đại và văn học bấy giờ đã thôi thúc Nguyễn Bính sáng tác Chân quê, như thốt lên những lời tâm sự gan ruột nhất của lòng mình?

Vẫn biết tuyên ngôn nghệ thuật là những phát biểu nêu lên quan niệm của nhà văn về tư tưởng và phương pháp sáng tác của chính mình, vẫn biết có những nhà văn, nhà thơ phát biểu những tuyên ngôn nghệ thuật của mình bằng những câu nói, những luận đề. Và bởi thế, càng thấy yêu Chân quê hơn bởi vẻ đẹp độc đáo của bài thơ lục bát giản dị ấy. Chứa đựng một tuyên ngôn nghệ thuật, một quan niệm mang tính tư tưởng như vậy nhưng bài thơ lại được chắp đôi cánh của tư duy nghệ thuật để bay lên trên cánh đồng khô hạn của tính duy lí, mang về một nguồn nước mát trong. Nói cách khác, giọng điệu tâm tình với lời thủ thỉ của anh vói em đã lan toả vào bài thơ lục bát một giai điệu trữ tình.

Bài thơ hàm chứa một tuyên ngôn nghệ thuật nhưng lại không phải là lời tư biện hay những lập luận logic với sự hiện diện của một cái tôi đang hùng hồn tranh luận thuyết minh. Không cần lên giọng, không cần đưa ra những lí lẽ sắc sảo, Nguyễn Bính đã kín đáo phát biểu những quan niệm sáng tác của mình bằng hình tượng bằng thơ ca và bởi vậy, bài thơ thuyết phục người đọc không phải bằng con đường lí trí mà bằng cây cầu nối trái tim đến với những trái tim, từ tâm hồn đến với những tâm hồn. Có phải vì thế mà tuyên ngôn nghệ thuật ấy của Nguyễn Bính thấm sâu vào lòng ta đến lạ kì?.

Thế nhưng, một tuyên ngôn nghệ thuật liệu sẽ có giá trị gì nếu như bản thân nhà văn, nhà thơ ấy không trung thành vói những phát biểu của mình. Tuyên ngôn nào cũng vậy chỉ có giá trị khi nó được chứng minh bằng chính sáng tác của tác giả tuyên ngôn. Vì thế ta càng trân trọng Chân quê bởi Nguyễn Bính đã suốt đời trung thành với những quan niệm của mình. Thơ ông đã nâng niu và nuôi giữ cái phần quí giá vô ngần, đó là hồn xưa của đất nước như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã từng nhận xét. Giữa bao nhiêu con người của văn minh đô thị, thi sĩ Nguyễn Bính xuất hiện với tư cách một nhà thơ chân quê, chân quê trong thể loại, trong thế giới nghệ thuật, chân quê đến cả trong ngôn ngữ diễn đạt. Mỗi câu thơ của ông luôn thấm đượm cái hồn, bản sắc dân tộc đậm đà.

Không, chân quê sao được khi mà các thi nhân thơ mới say sưa đi tìm những hình thức thể loại mới mẻ cho thơ ca, người thì đề xuất thơ hai chữ, ba chữ, có người lại sáng tạo ra thể thơ mươi hai chữ, thậm chí đến bốn bẩy chữ, chỉ riêng Nguyễn Bính vẫn một mực thuỷ chung với thơ lục bát, thể thơ truyền thông của dân tộc. Đấy là con đường riêng để thi nhân hội nhập với thơ mới, hội nhập mà vẫn giữ cái dáng vẻ chất phác, quê mùa. Nguyễn Bính là một trong số ít những nhà thơ lưu lại dấu ấn của mình với thơ với đời bằng những vần thơ lục bát ngọt ngào, nồng đượm hồn quê, chất quê. Thơ lục bát truyền thông phô diễn ý tình bằng giọng kể lể, than thở, thổ lộ. Phải chăng vì thế đọc những câu thơ lục bát Nguyễn Bính thấy gần gũi lắm, thân thương lắm:
Cành dâu cao, lá dâu cao
Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em.
Đã mấy ai quên được bài thơ Người hàng xóm - một khúc lục bát thiết tha kể lể, thở than về một mối tình bi thương, một bi kịch tình yêu không lời mà kết thúc là nước mắt và cái chết. Thơ Nguyễn Bính mang âm vang sâu nặng của truyền thống cũng bởi người đã sử dụng thật nhuần nhuỵ giá trị phô diễn ý tình của những giai điệu lục bát thấm đậm chất trữ tình. Đấy chẳng phải là mảnh hồn xứ sở thân thương đó sao?

Trước làn sóng của văn minh thành thị, thi nhân đã dũng cảm chọn lựa “giữ nguyên quê mùa” như bông hoa chanh nở giữa vườn chanh, giữ mãi sắc hương mộc mạc, bình dị mà trắng trong, tinh khiết của mình, một sự lựa chọn tựa như là một thách thức nhằm bảo tồn cái giá trị có tính ổn định chân quê. Bởi thế chăng nên khi đến với thế giới thơ Nguyễn Bính, ta tìm về hồn quê trong thế giới nghệ thuật rất Chân quê. Vâng, cái thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính chẳng xa vời, hư ảo như cái thế giới tiên trong thơ Thế Lữ, cũng chẳng xa lạ như thế giới nước Chàm uất đọng bi thương của thơ Chế Lan Viên, thế giới nghệ thuật ấy gần gũi lắm, thân thuộc lắm với mỗi tâm hồn người con đất Việt. In đậm trong thế giới ấy là cái chất quê mộc mạc. Nào đâu những cô thiếu nữ tân thời, những mối tình lãng mạn giữa những anh sinh viên, trí thức với một cô thôn nữ,... vốn ta vẫn gặp trong văn thơ lãng mạn thời ấy.

Không, trong thế giới nghệ thuật chân quê của thi sĩ làng Thiện Vịnh, chỉ hiện diện những con người của quê hương, những con người đẹp vẻ đẹp bình dị chất phác như hơi thơ ruộng đồng, mộc mạc đơn sơ như hương đồng gió nội mà thắm thiết, chân tình, ấy là những người mẹ tần tảo hôm sớm, những người chị giàu đức hi sinh, những cô thôn nữ trẻ trung, đầy mộng ước, những anh trai làng chân chất. Họ bình thường lắm, nhiều khi còn quê mùa nữa giữa cuộc đời này: một anh lái đò, một cô hái mơ giữa rừng Hương Sơn, một người con gái quanh năm dệt lụa, một anh khoa đang thuở hàn vi. Họ mang trong mình vẻ đẹp và sức sống của đồng nội.

Điều nhà thơ hướng đến không phải là những mối tình lãng mạn tiểu tư sản mà là “khối tình lỡ dở của người chân quê” những mối tình quê trong sáng nảy nở trong những đêm hội làng, trong những đêm trăng hò hẹn hay những buổi mưa xuân làm ướt áo, có khi là những buổi chiều đưa nhau sang bãi tước đay. Những mối tình dẫu dở dang nhưng sao mà đẹp hồn nhiên trong trắng đến e ấp, thánh thiện:
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình... với nhau.
Và không gian cho những mối tình quê chớm nở nào đâu xa lạ, vẫn là những gì thân thuộc đến nao lòng với tâm hồn Việt, một con đê đầu làng, một dòng sông quê, một vườn chè hay một gốc gạo ngày xuân. Đọc thơ Nguyễn Bính, một góc quê hương xứ sở cứ hiện về đằm thắm trong ta những vườn cau, bụi chuối, giàn giầu, những nương dâu, gốc xoan, cây gạo... Mỗi hình ảnh đều lưu giữ một mảnh hồn dân tộc sao mà gần gũi đến thế, thân thương đến thế!

Nhưng có lẽ chẳng ở đâu, chất chân quê lại in dấu ấn đậm sâu như trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính, thứ chất liệu kiến tạo nên mọi tác phẩm văn chương. Đấy chính là “chiếc áo tứ thân”, “cái khăn mỏ quạ”, “cái quần nái đen” quê mùa giản dị che dấu “trong ngọc trắng ngà” mà những người đi tìm cái dáng tân kì của thơ hiện đại Pháp sẽ chẳng phát hiện thấy.

Đến với thơ Nguyễn Bính, ta bắt gặp một thế giới từ ngữ của người nhà quê, Thi sĩ đã thổi hồn, làm sống dậy cả một thế giới ngôn ngữ quê chân mộc. Hình như, chưa ở đâu, những từ ngữ của “người nhà quê” lại được dùng một cách đắc địa như trong thơ Nguyễn Bính:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
hay: Hội làng mơ giữa mùa thu
Giời cao gió cả giăng như ban ngày
Lợn không nuôi đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.
Những từ ngữ giời, giăng, gió, giầu, giếng thơi, giông... đọc lên nghe mộc mạc quá, dân dã quá, nó như là lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê vậy. Nó làm nên chất quê kiểng trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính lưu giữ hương đồng nội nguyên trinh phong nhuỵ.

Có phải vì thế, đọc thơ Nguyễn Bính ta dễ liên tưởng đến giàn thanh âm trong trẻo của “hương đồng gió nội”, của cái nôi văn hoá thuần Việt đậm đà ngân vang trong khi nền văn minh phương Tây đang len lỏi vào từng ngõ ngách sâu kín nhất của thôn quê. Khá dễ thấy cái dấu ấn quê trong việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong thơ của thi sĩ chân quê:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
(Tương tư)
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
(Lỡ bước sang ngang)
Cây đũa thần của nhà thơ tài hoa chạm vào những thành ngữ tục ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân lao động khiến cho những con chữ ấy bừng sống dậy, sinh động, uyển chuyển. Thành ngữ, tục ngữ đi vào thơ Nguyễn Bính thật tự nhiên, nhuần nhị, tạo nên một thứ ngữ điệu thân quen, dịu ngọt và giàu nhạc tính, toả lan cái âm hưởng của ca dao, dân ca, làm nên linh hồn dân tộc.

Ngay cả số từ trong thơ Nguyễn Bính cũng làm thành “tính cách quê” của thơ ông. Số từ trong thơ Nguyễn Bính không hề nâng đỡ cái tư duy rạch ròi trong thời buổi đô thị mà nó thể hiện sự chất phác, mộc mạc, thật như đếm của người quê.
Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn núi cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng.
Em van anh đấy anh đừng thương em.
Bốn - ba - đôi, cái cách đếm phát lộ sự trong trắng đến hồn nhiên của người con gái quê trong tình yêu.

Cách đo lường thời gian, không gian trong thơ ông thật độc đáo nhưng cũng xiết bao gần gũi, quen thuộc như cách nói của người nhà quê, tạo nên một nét đặc sắc trong hệ thống ngôn ngữ chân quê của thơ Nguyễn Bính:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng giập miếng trầu em sang
Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan
(Cuối tháng ba)
Khái niệm thời gian trừu tượng có lẽ không hợp lắm với lối suy tưởng của người quê. Bởi vậy, khái niệm thời gian trong thơ Nguyễn Bính có xu hướng “vật thể hoá” cho thành cụ thể. Đến cả cách đo không gian trong thơ ông cũng hết sức chân mộc, cụ thể:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
Mặc cho ai đó say sưa với ánh đèn màu lấp lánh của chôn thị thành, Nguyễn Bính vẫn mãi ru hồn vào điều quê đã ăn sâu trong tâm thức. Và trong lớp các nhà thơ chân quê, gương mặt Nguyễn Bính vẫn nổi bật chẳng phai nhoà bởi dáng vẻ riêng của mình. Nếu Anh Thơ đem được vào thơ mình cảnh quê, Đoàn Văn Cừ giúp người đọc hiểu được tục quê, còn Bàng Bá Lân nhập hồn thơ vào cảnh quê, tục quê thì có lẽ Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ hiếm hoi đã nuôi giữ, nâng niu cái hồn quê, hồn xứ sở như lời tuyên ngôn nghệ thuật của ông trong Chân quê để mỗi lần đọc thơ ông, người ta thấy vẫn nguyên một cái tôi bản địa Nguyễn Bính, thấy thân quen như gặp lại một mảnh hồn mình.

Thực ra, Nguyễn Bính không phải là người duy nhất gióng tiếng chuông cảnh tỉnh vào thực trạng phôi phai của nền văn hoá đồng quê, của bản sắc dân tộc trong thời buổi nền văn minh thị thành len nhập vào mọi ngõ ngách sâu kín của đời sống xã hội. Ta gặp trong lời thề cỏ may của Phạm Công Trứ hình ảnh cô thôn nữ “áo chẽn quần bò” một biến thế của “áo cài khuy bấm” ngày xưa. Ám ảnh mãi trong người đọc hình ảnh đám ma trinh nữ trong Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp, một biểu tượng đau đớn, nhức nhối nhắc nhở mọi người nền văn minh đô thị đang giết chết văn hoá đồng quê. Song, điều đáng quí phải chăng vì Nguyễn Bính là một trong những người đầu tiên dự cảm được vấn đề xã hội ấy và nói bằng thơ thật kín đáo, ý nhị.

Tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính giản dị lắm nhưng cũng thật dứt khoát, như một thách thức, cần phải thấy Nguyễn Bính không phải là người thời xưa, càng không phải là người bảo thủ không chịu tiếp thu luồng gió mới từ trời Tây thổi tới. Thơ ông không hiếm những câu thơ “mô đu” nhưng ông đã sống bằng cả tâm hồn mình với những giá trị vĩnh viễn của di sản dân tộc và vì thế, thơ ông nghiêng về tính truyền thống hơn là sự cách tân. Đó cũng là dấu ấn Nguyễn Bính trong thơ, trong đời.

Đặt tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính trong lịch sử văn học nhân loại mới thấy nó đúng đắn và tiến bộ làm sao. Những nhà văn, nhà thơ lớn bao giờ trước hết cũng phải là người nghệ sỹ của dân tộc mình. Thơ Êxênhin sống mãi trong lòng người đọc bởi thơ ông đã thấm đẫm tâm hồn Nga, tính cách Nga. Những trang văn của Kaoabata (Xứ tuyết, Cố đô, Ngàn cánh hạc,...)sẽ chẳng xúc động lòng người đến thế nếu không phải thắm đượm trong đó cái hồn dân tộc Nhật, cái chất văn hoá Nhật truyền thống tiềm ẩn trong mỗi con người, mỗi nghi thức trà đạo... Thơ Nguyễn Bính dù không có những tìm tòi cách tân theo hướng hiện đại hoá nhưng vẫn là hành trang cùng mỗi con người chẳng phải bởi thơ ông luôn đậm đà bản sắc dân tộc đó sao.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hai câu thơ giản dị là thế mà gói trọn cả một quan niệm nghệ thuật suốt đời Nguyễn Bính trung thành theo đuổi. Và đó cũng chính là sức sống của thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ “chân quê” trên tao đàn văn học Việt Nam bởi ông đã sống thuỷ chung bằng cả tấm lòng mình với những di sản tinh thần truyền thống của dân tộc, xứng dáng với danh hiệu người nghệ sỹ của dân tộc.

tửu tận tình do tại
394.72
Chia sẻ trên FacebookTrả lời