Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu... uýt... huýt... tu hìu...

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi

Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi

triu... uýt... huýt... tu hìu...

Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bàn thêm về “Con chào mào” của Mai Văn Phấn

Chuyện cảm nhận nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng nhiều khi cũng giống như chuyện ẩm thực. Rượu ngon sẽ được người sành rượu cảm nhận từ tiền vị, hậu vị cho đến các lớp hương đan cài, nối tiếp nhau, được thưởng thức mĩ tửu như là một thứ khoái cảm nhất trên đời. Thế nhưng với những người không biết uống rượu thì chỉ thấy nó cay xè, nồng hắc, chẳng có gì thú vị, dù chai rượu tiền tỷ hay chai rượu vài chục ngàn thì cũng giống nhau. Ai biết ăn sầu riêng thì sẽ thấy nó thật tuyệt vời và gây nghiện, nhưng ai không ăn được thì chỉ ngửi thôi đã thấy buồn nôn và sợ hãi, sầu riêng lại là một trong những thứ quả đắt đỏ nhất. Thế nên những thứ mà chúng ta không hợp không phải là thứ dở tệ, vô giá trị, thậm chí nó lại là một thứ thượng phẩm mà chúng ta chưa đủ khả năng cảm nhận hoặc vì không thích mà định kiến, ác cảm mà thôi. Trong nghệ thuật, hội hoạ, văn chương cũng vậy. Tranh Picasso đã được đấu giá hàng triệu đô, nhưng nếu đưa cho tôi, một người không am hiểu về hội hoạ, tôi sẽ cho rằng đây là bức hoạ vớ vẩn, vẽ cái quái gì vậy. Đang nghe quen Chế Linh mà cho nghe nhạc thính phòng thì chỉ muốn đập loa, dù nhạc thính phòng là đỉnh cao của âm nhạc nhân loại. Mấy bài Hotel California của Eagles hay Bohemian Rhapsody của Queen là những bản nhạc huyền thoại, nhưng ý nghĩa của chúng thì đến giờ người nghe vẫn tranh cãi vì quá khó hiểu và trừu tượng ngay cả với những người phương Tây, thế nhưng nó vẫn là kinh điển của Rock Balad. Nhiều người sẽ cho Franz Kafka là kẻ điên nhưng ông ấy lại là một tượng đài vĩ đại của văn chương thế giới. Vậy nên, trong bất cứ lĩnh vực nào đều có kẻ yêu, người ghét, tuy nhiên mọi thứ đều có những chuẩn mực để xác định giá trị, và điều này nằm ngoài sự chi phối của cảm xúc.

Quay về chuyện cảm nhận thơ ca, một vấn đề tưởng xưa như trái đất nhưng có lẽ mãi mãi không có sự hoà giải, thống nhất. Bởi bản chất thơ ca như các cụ nói là “ý tại ngôn ngoại”, “vẽ mây nảy trăng”, thế nên một bài thơ hay là một bài thơ hàm súc, đa nghĩa, giàu sức gợi, độc giả có thể hiểu theo cách của mình, đồng sáng tạo cùng tác giả bằng trí tưởng tượng và trải nghiệm của bản thân. Chuyện độc giả cảm nhận tác phẩm hay hơn cả ý tưởng của tác giả là điều rất bình thường. Thơ mà cứ tồng tộc nói ra hết thì còn gì là thơ nữa. Thời nào cũng vậy, sự dễ dãi không bao giờ làm nên một tác phẩm có giá trị, sự dễ dãi không chỉ cấm kị trong sáng tạo mà còn cả trong thưởng thức nghệ thuật. Chưa kể thơ luôn vận động, phát triển, luôn xuất hiện cái mới. Các nhà thơ Việt thời nào cũng vậy, luôn có ý thức cách tân, đổi mới, dù sự đổi mới đó chưa chắc đã được chấp nhận, thậm chí bị “ném đá”, vùi dập phũ phàng. Nói một ví dụ kinh điển là “cuộc chiến” giữa thơ cũ và thơ Mới đầu thế kỉ XX, đó là sự đấu tranh không khoan nhượng giữa thi pháp thơ trung đại, ảnh hưởng sâu sắc của văn học Trung Quốc và thi pháp thơ hiện đại đến từ Châu Âu mà chủ yếu là thơ Pháp. Ban đầu thơ Mới xuất hiện, người ta dè bỉu, châm biếm, tìm mọi cách phủ nhận. Nhưng cuối cùng, thơ Mới vẫn giành chiến thắng tuyệt đối và đạt được những thành tựu rực rỡ trong giai đoạn 1932-1945. Thế nhưng, đến hiện tại thơ Mới lại trở thành thơ cũ, khi thơ luôn tìm đến những cách biểu hiện và diện mạo mới mẻ, đó là quy luật dễ hiểu và không thể thay đổi. Cả người sáng tác và người thưởng thức phải chấp nhận điều đó dù nó không dễ chịu.

Trong thời gian gần đây, giáo dục là vấn đề rất nóng, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Một trong những bất cập mà nền giáo dục đang gặp phải là câu chuyện sách giáo khoa trong chương trình GDPT 2018. Ở đây tôi chỉ bàn những “hạt sạn” mà mạng xã hội đang có phản ứng gay gắt chứ không bàn đến vấn đề mang tính chất vĩ mô, cần có những kiến giải khoa học chuyên sâu. Đó là câu chuyện những văn bản nhật dụng và tác phẩm văn chương được đưa vào giảng dạy trong các cấp học. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những “hạt sạn” mà dư luận nhặt ra là đúng và rất khó nuốt, nhưng cũng có những điểm phê phán mang tính chất định kiến, và hiệu ứng đám đông nhiều hơn là những kiến giải thuyết phục. Một “nạn nhân” trong số đó là bài thơ Con chào mào của nhà thơ Mai Văn Phấn, in trong sách giáo khoa lớp 6, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Dạo một vòng qua Facebook, đọc các bài viết, tôi tổng hợp được những ý kiến phê phán hướng đến những điểm sau: Hình ảnh thơ không đúng như hiện thực và khó hiểu, ngôn ngữ, giọng điệu thiếu chất thơ, không có giá trị giáo dục, thiếu nhân văn... Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin chia sẻ một vài cảm nhận với tư cách là một độc giả, cũng là một giáo viên, đồng thời cũng đặt mình vào tâm thế tiếp nhận của học sinh để tiếp cận bài thơ này, qua đó có cách nhìn nhận khách quan và công bằng với tác phẩm. Kính mong các thầy cô giáo bỏ qua nếu có trót “Múa rìu qua mắt thợ”.

Trước tiên, bài thơ này khi được lựa chọn vào chương trình đã được hội đồng biên soạn cân nhắc rất kĩ lưỡng, nó phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là nó phải là một tác phẩm văn chương đích thực và có giá trị giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh. Tiếp đến là, bên cạnh tính kế thừa là việc duy trì các tác phẩm hay, kinh điển của các giai đoạn văn học trước thì sách giáo khoa mới đã đưa một số tác giả tiêu biểu của văn học đương đại để tạo tính kết nối và cập nhật xu hướng phát triển của văn học. Một trong số đó là nhà thơ Mai Văn Phấn, một đại diện tiêu biểu cho xu thế đổi mới và cách tân thơ Việt. Phải thừa nhận rằng, việc tiếp cận thơ Mai Văn Phấn nói riêng và cách nhà thơ Việt theo xu hướng đổi mới không dễ nếu người đọc không có những nguyên tắc tiếp nhận, đó là tạng thơ không dành cho kiểu đọc “cỡi ngựa, xem hoa”. Muốn hiểu tường tận thì người đọc phải vận dụng tư duy, trí tưởng tượng, trải nghiệm của bản thân để lí giải, thậm chí đôi khi cần cả yếu tố linh giác. Tất nhiên sẽ có người nói, đọc thơ để cảm thụ sao mà mệt thế, nhưng như đã nói ở trên, sự dễ dãi chưa bao giờ làm nên một tác phẩm giá trị. Một bài thơ ngắn nhưng có thể dựng lên cả một thế giới, một không gian rộng lớn, phức tạp, bí ẩn và quyến rũ. Bởi sức mạnh của thơ nằm ở sức gợi, ở việc kích thích trí tưởng tượng của người đọc, dẫn dắt họ vào một thế giới vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, hấp dẫn. Thơ Hai-ku của Nhật Bản chỉ có 17 âm tiết mà sức gợi của nó không có giới hạn (Mai Văn Phấn cũng kế thừa cảm thức trong thơ Hai-ku, càng về sau càng đậm đặc). Tôi không bàn sâu vào thi pháp thơ Mai Văn Phấn mà chỉ mạo muội đưa ra một vài những chia sẻ về cách cảm nhận thơ của ông mà thôi. Nói một cách hình tượng rằng, nếu chúng ta đang quen đọc thơ dễ hiểu, tức là cấu tứ tường minh giống như đang nhìn thấy hình vuông, cả bốn cạnh đều hiện lên trước mắt người đọc. Thơ đương đại thì khác, đó là không gian ba chiều, không phải hình vuông nữa mà là hình lập phương, người đọc sẽ không nhìn thấy một số cạnh bị ẩn đi mà phải tự kết nối chúng lại với nhau bằng khả năng liên tưởng tưởng tượng của mình (ý của MVP). Nói cách khác, thơ đương đại giống như nghệ thuật sắp đặt, các hình ảnh thơ nằm cạnh nhau và có những mối liên hệ được tác giả ẩn đi, nhiệm vụ của người đọc là tìm được sự kết nối đó để nắm bắt được vẻ đẹp, hiểu được nội dung và thông điệp của bài thơ, đơn giản là vậy. Thế nên ban đầu tiếp xúc với kiểu thơ này, người đọc sẽ gặp khó khăn vì chưa quen, thấy khó chịu vì đọc chẳng hiểu gì, khó nắm bắt nội dung, không biết tác giả muốn nói gì. Tuy nhiên khi nắm được quy luật rồi thì sẽ thấy rất thú vị, đọc nhiều sẽ hình thành một năng lực cảm thụ thẩm mĩ cao cấp hơn. Chúng ta đọc thơ các tác giả nước ngoài cũng có cách biểu hiện tương tự và học sinh của họ cũng học những tác phẩm như vậy, và điều này đã diễn ra hàng trăm năm, trong khi ở ta mới chỉ bắt đầu. Trong thời đại toàn cầu hoá, thì thơ cũng nằm trong guồng quay đó. Chính vì thế việc đưa bài thơ Con chào mào, một bài thơ mang đậm dấu ấn thơ Mai Văn Phấn là cần thiết, vì nó góp phần thay đổi tư duy tiếp cận thơ của cả giáo viên và học sinh, nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật trong xu thế hội nhập văn hoá với thế giới.

Bài thơ Con chào mào khá tiêu biểu cho cảm thức thơ giai đoạn sau của nhà thơ Mai Văn Phấn, sau rất nhiều những thử nghiệm nhiều trường phái, ông đã tìm cho mình một lối thơ riêng, giản dị hơn, nhẹ nhàng hơn, hướng về thiên nhiên để khám phá sự kì diệu của tạo hoá cũng như đi tìm mối tương giao bí ấn, thiêng liêng của con người với tạo vật. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh trực diện về khách thể trữ tình:

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…
https://www.thivien.net/attachment/e_KsmNzZCZjijbo4gwWq8w.1698030083.jpg
Chim chào mào mũ đỏ

Bài thơ mở ra một không gian thiên nhiên cao rộng mà trung tâm của bức tranh là con chim chào mào, với tín hiệu là tiếng hót lảnh lót của nó, mọi chú ý đều hướng về sinh thể nhỏ bé này, dù có thể nó lẩn khuất trong những tán cây. Chim chào mào là loài chim quen thuộc, sống ở nông thôn các vùng đồng bằng rất nhiều. Nhưng chính vì ai cũng biết nên mới xảy ra vấn đề, có rất nhiều ý kiến mà tôi thu lượm được đã cho rằng, tái hiện hình ảnh con chim chào mào như vậy là sai so với những đặc điểm sinh học của loài chim này ngoài tự nhiên. Bởi loài chim này thường màu xám, hai má đỏ, cái mào mà tác giả gọi là chiếc mũ màu đen hoặc xám đen. Tôi xin có vài lí giải sau: Đúng là thông thường chim chào mào thường có màu xám, mào (mũ) đen, nhưng đó chỉ là loài chúng chúng ta nhìn thấy, còn nhiều loại chào mào khác mà chúng ta chưa thấy. Trong đó, đặc biệt là loài chào mào lửa hay còn gọi là chào mào hồng y, loài này có thể có màu đỏ rực toàn thân, cũng có thể có con pha trắng đỏ rất đẹp (như con trên hình). Đặc biệt chúng có chiếc mào (mũ) đỏ chót rất rực rỡ. Thế nên Newton có câu nói rất hay “Những điều chúng ta biết chỉ là giọt nước. Những điều chúng ta không biết là cả một đại dương”. Trên đời này, không gì không thể xảy ra, phải rất cẩn trọng khi khẳng định một điều gì đó mà mình không chắc. Thứ hai là lí giải dưới góc độ đặc trưng của nghệ thuật trong việc tái hiện hiện thực. Mọi ngành nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng đều có những nguyên tắc trong việc tái hiện đời sống trong tác phẩm, không nhất thiết phải “bê” nguyên xi hiện thực ngoài đời vào tác phẩm. Trái lại người nghệ sỹ có quyền hư cấu, thêm bớt, gọt rũa, thay đổi sao cho phù hợp với ý đồ nghệ thuật của mình. Thậm chí có những hình tượng nghệ thuật nếu so sánh với đời thực thì rất phi lý, thế nhưng nó vẫn tồn tại và có sức sống lâu bền, người đọc vẫn chấp nhận như một sự hiển nhiên. Tôi có thể lấy vài ví dụ trong văn học dân gian để xem các cụ ngày xưa sáng tạo như thế nào. Trong ca dao, có những câu mới nghe tưởng như rất vô lý, điển hình là cái màu xanh biếc của hoa tầm xuân “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”. Trong thực tế thì hoa tầm xuân màu hồng nhạt, khi sắp tàn hoa có màu trắng. Nhưng thử hỏi có ai vặn vẹo các cụ là tại sao lại có loại hoa tầm xuân màu xanh biếc bởi họ biết, màu hoa đó là màu của tâm tưởng, màu đã được khúc xạ qua lăng kính của tâm hồn. Còn nhiều trường hợp tương tự như vậy, ví dụ:
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em đi lấy chồng, trả yếm cho anh
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm của em, em mặc, của anh đâu mà anh đòi!
Đó, sai lè lè ra như thế, vô lý như thế mà có ai thắc mắc vì sao đâu. Bởi đơn giản đó là ý đồ của tác giả, sự phi lý đó đôi khi lại là điểm nhấn khiến tác phẩm thăng hoa. Thế nên quay trở lại bài thơ Con chào mào, việc con chim màu gì không quan trọng, quan trọng là nhà thơ muốn nói điều gì qua hình tượng đó. Màu đỏ của cái mũ (mào) có thể có thật, nhưng cũng có thể chỉ trong tâm tưởng. Nó có thể là điểm bừng ngộ, như một ngọn lửa để định vị trong thế giới riêng của nhà thơ, thế nên việc soi xét mũ (mào) của chú chim màu gì là một cách nhìn dung tục với văn chương. Trong khi dạy, nếu học sinh không hiểu, giáo viên có thể lí giải thêm về điều này, bởi nó không phải hiện tượng mang tính cá biệt, trái lại rất phổ biến trong văn học. Hơn nữa hình tượng chiếc mũ (mào) gợi lên sự ngộ nghĩnh, đáng yêu, rất thú vị với học sinh lớp 6, các em dễ hình dung vì chính các em cũng hay đội kiểu mũ chào mào của đội viên.

Hình ảnh con chào mào xuất hiện trong ba câu thơ đầu đã hội tụ hết những gì cần nói, đó là vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên. Vẻ đẹp đó đến từ màu sắc, cái mũ đỏ chót như ngọn lửa, pha lẫn những đốm trắng, hai gam màu phối hợp rất nổi bật và ấn tượng. Hơn thế còn là âm thanh lảnh lót mà nhà thơ đã ngôn ngữ hoá để mô phỏng tiếng chim (được cộng hưởng với gió, vang vọng trong không gian cao rộng) rất độc đáo (tuy rằng cũng có nhiều người không hài lòng vì cho rằng, tiếng chào mào không như vậy). Tất cả tinh thần của nhà thơ đều tập trung vào âm thanh tiếng chim hót và mê đắm trước vẻ đẹp của nó. Cảm xúc này chắc hẳn rất dễ hình dung với những người yêu thiên nhiên, sống hoà nhập với thiên nhiên. Đặc biệt với những người thành phố, tiếng chim như một dòng nước mát lành phá tan cái bức bối, ngột ngạt của những khối bê tông. Đây cũng chính là một lời nhắc nhở với người đọc về mặt trái của xu thế đô thị hoá ồ ạt, thiếu tầm nhìn, và hậu quả con người sẽ bị cầm tù trong chính không gian sống của họ khi thiếu sự kết nối của thiên nhiên, đó là thông điệp thứ nhất.

Con chào mào là biểu tượng cho vẻ đẹp, ham muốn thưởng thức cái đẹp là ham muốn chính đáng của con người. Nhưng trong bài thơ này, nhà thơ không chỉ dừng lại ở sự thưởng thức mà còn muốn kết nối và chiếm lĩnh cái đẹp.
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi.
Những ham muốn của con người luôn được coi là tầm thường, nó biểu hiện của sự tham lam, ngắm một bông hoa đẹp, chúng ta muốn hái, ngắm một cô gái đẹp ta nhiều khi lại có ý nghĩ “xấu xa” trong tưởng tượng hòng chiếm đoạt sở hữu cái đẹp, đó là đặc tính rất “người”. Nhà thơ vội vã vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ nhằm “nhốt” con chào mào, nhốt cái vẻ đẹp rất tức thời kia thành vĩnh cửu cho mình. Cái gì càng đẹp thì càng mong manh, càng dễ mất vì thế thi sỹ khao khát muốn lưu giữ khoảnh khắc này cho riêng mình, một chút ích kỉ, một chút hồn nhiên, một chút đáng yêu. Chiếc lồng của sự tưởng tượng, chiếc lồng của tâm hồn đẹp như vậy, thế mà có người lại bảo nó ngớ ngẩn, dở hơi. Chưa hết, chiếc lồng tâm hồn đó cứ mở rộng mãi ra để hòng “phong toả” cái đẹp của tạo hoá. Thế nhưng, cuộc đời luôn đầy rẫy những bất toàn, những bi kịch, càng khao khát lại càng xa tầm với. Vừa vẽ chiếc lồng ý nghĩ xong, con chào mào cất cánh bay mất:
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Con người thường rất tự tin vào khả năng của mình trong việc kiểm soát mọi thứ. Nhà thơ đã để trí tưởng tượng của mình đan một chiếc lồng thật đẹp, chiếc lồng mênh mông, khoáng đạt, nó được đan bằng nắng, bằng gió, bằng những nhành cây. Chiếc lồng đó dường như bao trùm cả thiên nhiên, đất trời. Lẽ dĩ nhiên, trong suy tính của thi sỹ, con chim không thể nào vượt thoát được chiếc lồng tâm hồn rộng lớn của mình, giống như bàn tay quyền năng của Phật tổ. Tác giả hăm hở đuổi theo trong sự tự tin, sự “ngông cuồng” đầy ảo tưởng. Đây chính là điểm nút của bài thơ, nó là “kịch tính” để dẫn đến một nhận thức khác, một chân lí khác, phá sản hoàn toàn những tham vọng ban đầu:
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
Chiếc lồng dù có to lớn bao nhiêu, rộng lớn bao nhiêu, tự tin bao nhiêu thì cuối cùng bóng dáng chim chào mào không còn nữa, nó đã vô tăm, vô tích trong cái vô thuỷ, vô chung của đất trời, vũ trụ. Chiếc lồng ý nghĩ không bắt kịp cánh chim đã bay vút vào không trung thăm thẳm đầy nắng gió. Thế nhưng loài người hiếu thắng dễ gì chịu thất bại. Tâm hồn thi sỹ ngay lập tức có một phương cách khác để cứu vãn: sự hoá thân. Không phong toả được con chào mào bằng chiếc lồng vừa đan và để mất dấu nó, nhưng trí tưởng tượng của nhà thơ đã bắt kịp được đôi cánh chào mào để biết nó ở đâu và đang làm những gì. Đây là một điểm nhấn, nó thể hiện sợi dây tương giao giữa con người và vạn vật, đặt mình vào nó để suy đoán điều hạnh phúc của nó là gì. Nhà thơ nhìn thấy con chào mào mổ những con sâu, thưởng thức những trái cây chín đỏ, ngọt lành, uống những ngụm nước thanh sạch, tinh khiết, tận hưởng những giây phút tự do giữa thiên nhiên, ngôi nhà thân yêu của nó. Vậy mà bằng một cách nào đó, con người vẫn không chấp nhận sự thật, không thừa nhận sự bất lực của mình, vẫn ảo tưởng và kiêu ngạo cho rằng, những thứ tươi đẹp đó là “của tôi”. “Của tôi” nghĩa là vẫn khẳng định sự hiện diện của mình, những thứ nước ngọt quả ngon kia vẫn nằm trong chiếc lồng ý nghĩ, được đan bằng nắng gió, cây cối kia. Đó là cuộc chạy đua, chạy đua giữa cánh chim và trí tưởng tượng để rồi con người vẫn vui sướng vì cảm giác chiến thắng. “Phép thắng lợi tinh thần” này chúng ta thường sử dụng “quá liều” để ru ngủ mình, cố tình từ chối hiện thực đã rành rành trước mắt. Đôi khi cần những chấn động để chúng ta tỉnh ra mà trở về với hiện thực. Và tiếng hót lanh lảnh: “triu... uýt... huýt... tu hìu...” chính là chấn động đánh thức tác giả và đưa ông vào một trạng thái khác, một trạng thái, bừng ngộ, giác ngộ những chân lý lớn lao. Tiếng chim từ phương trời nào vọng lại nhưng một sự đáp hồi đầy mỉa mai: Loài người kiêu ngạo, tham lam kia ơi, sự tự tin, và những tham vọng của các ngươi thật nhỏ bé, tầm thường trước sự bí ẩn và kì vĩ của thiên nhiên, các ngươi mãi mãi sẽ không hiểu và chế ngự được thiên nhiên bằng sự hạn hẹp của mình. Tiếng hót đã chấm dứt cuộc hành trình theo đuổi cánh chim, theo đuổi cái đẹp. Để rồi cái đẹp đã chuyển hoá sang một trạng thái khác.
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ
Cánh chim sinh học đã bay mất, tiếng hót lanh lảnh trên không trung cũng không còn, cái đẹp ngoại hiện đã biến mất. Thay vào đó một cái đẹp khác nảy mầm từ bên trong, vĩnh cửu. Tiếng chim chào mào cứ vang mãi trong tâm hồn nhà thơ không phải bằng một trí nhớ cơ học, mà nó cứ như mạch nước ngọt lành len lỏi bởi đó là tiếng chim đó là tiếng chim của tự do, tiếng chim của giác ngộ quy luật thiêng liêng của trời đất, vạn vật. Nhà thơ nhận ra rằng, dù du dương đến mấy thì tiếng hót của con chào mào bị nhốt trong lồng, dù là cái lồng trong suy nghĩ cũng không thể tuyệt diệu hơn tiếng chim hót vang trong bầu trời tự do, được làm những điều nó muốn. Đó cũng là quyền bất khả xâm phạm của nó, bởi tạo hoá sinh ra vạn vật trong đó có con người, thì tất cả sẽ có quyền sống, quyền bình đẳng như nhau. Từ đây một suy ngẫm sâu sắc nữa lại được rút ra, tự do với con người là thứ quý giá nhất, đặc biệt là sự tự do trong tâm hồn, người nghệ sỹ không có tự do sẽ không thể sáng tạo những đỉnh cao. Trong bài thơ này, chính một tâm hồn rộng mở tự do mới có thể đồng cảm được niềm vui sướng của cánh chim đang ca hát trên bầu trời, và giữa nó ngân vang mãi trong lòng. Trong quá trình dạy học, giáo viên gợi mở, dẫn dắt học sinh đi tìm ý nghĩa của những tín hiệu nghệ thuật, sự kết nối giữa các hình ảnh thơ, cùng với nó là tự rút ra những thông điệp có ý nghĩa với bản thân. Đó là bài học về sự trân trọng cái đẹp, về cách ứng xử với thiên nhiên, hướng về lối sống hoà hợp với thiên nhiên để di dưỡng tâm hồn mình.

Về một luồng ý kiến nữa cho rằng, bài thơ thiếu đi nhịp điệu, giọng thơ khô cứng không gợi tạo được cảm xúc. Ý kiến này dễ hiểu bởi từ rất lâu, độc giả Việt chủ yếu tiếp xúc và thích loại thơ có vần điệu, quan niệm thơ là phải có vần tồn tại hàng ngàn năm không dễ gì thay đổi, những thể thơ như Đường luật, lục bát, 5 chữ, 7 chữ đã quá quen thuộc trong đời sống văn học. Vì vậy sẽ thật khó chịu khi đọc những câu thơ không vần điệu. Có một câu nói vui đại loại, thơ vần điệu có quyền hay, thì thơ hay có quyền không có vần điệu, nghe rất có lý. Tuy nhiên, khẳng định thơ không gieo vần, ngắt nhịp là thể thơ thiếu nhịp điệu là sai, nó có nhịp điệu riêng của nó, đó là nhịp điệu vận động của mạch thơ, của hệ thống hình ảnh và những phức cảm trong bài thơ đó. Bài thơ Con chào mào là nhịp điệu của cuộc rượt bắt cái đẹp, của sự vận động trong cảm xúc và nhận thức từ: Say mê, ham muốn chiếm lĩnh - ngộ nhận, ảo tưởng - thất bại - giác ngộ chân lý. Nhịp điệu của bài thơ không phải những âm thanh vật lý mà nó là dòng chảy ngầm trong bài thơ, muốn nắm bắt được nó người đọc cần hoà mình vào bài thơ, khơi mở trí tưởng tượng, kích hoạt khả năng đồng sáng tạo mới nắm bắt hết vẻ đẹp của bài thơ. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh hoàn toàn có thể tự dò tìm thấy “mạch nước ngầm” kì diệu đó.

Tóm lại, theo quan điểm của tôi, bài thơ Con chào mào của thi sỹ Mai Văn Phấn là tác phẩm văn học xứng đáng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Đây là bài thơ hiện đại, mang tư duy thơ mới mẻ của thơ ca thế giới, vừa mang đậm căn tính Việt, cần thiết cho khả năng tiếp cận các tác phẩm văn chương nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung, hình thành mĩ cảm mới. Đồng thời những ý nghĩa, thông điệp của bài thơ có tính giáo dục sâu sắc, và điều đó không cần phải bàn cãi.


Nguyễn Tuấn (đăng trên trang Facebook của người viết)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
164.12
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

“Con chào mào” Mai Văn Phấn

Thực ra bài thơ này là một bài thơ hay nhưng để cho các em học sinh lớp 6 học thì hơi khó

“Đi qua một góc địa đàng
Mới hay trời đất cũng mang tên mình”
                                              ~Niê A Dũng
113.36
Trả lời
Ảnh đại diện

Một bài thơ hay, nhưng thực sự không phù hợp để đứa trẻ 12 tuổi đọc và cảm thụ

Đây không phải là một bài thơ mô tả đơn thuần mà đan xen yếu tố siêu thực (surrealism). Tác giả chỉ mượn “Con chào mào” để bàn về cái gọi là sự chủ quan trong quá trình phản ánh lại quá khứ (tức là “trí nhớ”).
https://www.thivien.net/attachment/Mr03pKbluOuuEzP6OUUKag.1716302783.jpg
Tác phẩm Tháp Đỏ (La Tour Rouge) do Giorgio de Chirico sáng tác năm 1913, hiện đang trung bày tại Bảo tàng Guggenheim. Bức tranh cho thấy sự tương phản màu sắc rõ rệt. Bầu không khí mơ màng trong tác phẩm là kết quả của phối cảnh phi lý, thiếu nguồn sáng thống nhất, sự kéo dài của bóng tối và tập trung ảo giác vào các vật thể. Sự trống rỗng của khung cảnh gây ra một tâm trạng hoài cổ hoặc u sầu như thể người ta cảm nhận được sự thức tỉnh của một kỷ niệm quan trọng, tạo nên một cảm giác lo lắng, bồn chồn.

Về “chủ nghĩa siêu thực” (surrealism), nó mô tả sự việc hiện tượng có thể có/không có thật, một cách logic/phi logic/ logic trong sự phi logic (như là lúc bạn nằm mơ) và phát triển những tư duy để cho phép “tâm trí vô thức” (Unconscious mind) thể hiện chính nó.

Trẻ con lớp 6 sao mà nghĩ được như vậy. Bài “Hoàng tử bé” đầu quyển sách KNTT cũng như thế, quá khó để học sinh lớp 6 hiểu “được thuần hoá” (apprivoisé) ở đây là gì. Một quyển sách tưởng rằng rất thiếu nhi, ngô nghê, nhiều đoạn viết, câu hỏi của Hoàng tử bé tưởng như vô tri, nhưng mà tác phẩm này chính xác là viết cho người lớn, càng hiểu câu chuyện thì càng buồn.

Nếu các bạn còn nhớ bài “Người ham chơi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường (lớp 8 chương trình 2006, hình như trích 1 đoạn trong phân môn Tập Làm Văn), thì đồ chơi con gà đất cũng đã được nhà văn “thuần hoá”, dành 1 tình cảm đặc biệt. Khi những con gà đất lần lượt bị vỡ dọc theo tuổi thơ của tác giả, nó mãi để lại trong tác giả một nỗi gì sâu thẳm, tựa như linh hồn. Chính sự mong manh của đồ chơi trẻ con (Người ham chơi), của sự xuất hiện rồi sổ lồng của chim chào mào (Con chào mào) hay sự biến mất của Hoàng tử bé trong thâm tâm con rắn (Hoàng tử bé)... đã để lại sự tiếc nuối và nỗi buồn cho từng nhân vật. Nhưng nếu những sự vật đó cứ lì lợm tồn tại, luôn hiển hiện trước mặt thì có lẽ sẽ chẳng có cảm xúc sâu đậm đấy.

Nó có yếu tố “siêu thực” ở đây. Khi nói về ký ức hay trí nhớ thì nó cũng chỉ là phản ánh chủ quan của của người cảm nhận, có thể bị gọt dũa, bị nhớ lầm... Cho nên “con chào mào” (chủ đề ký ức), “đốm trắng mũ đỏ”, “mổ những con sâu” (hình ảnh ký ức), “triu..iu. huýt..tu...hìu” (âm thanh ký ức) cũng có thể đúng nhưng cũng có thể sai. Phản ánh quá khứ một cách chủ quan, đôi khi là lẫn lộn, là một đặc tính của trí nhớ, của kỷ niệm. Nếu quá khứ đó đẹp như thế, màu hồng như thế, liệu có nên (và “có thể”) nhốt “ký ức” trong lồng để xoa dịu sự dữ dội của hiện tại nhằm quên đi thực tại hay không?

https://www.thivien.net/attachment/bitKm9UUu7SlZZgq7XIihQ.1716302797.gif
“– Đời tớ tẻ nhạt. Tớ săn gà, người săn tớ. Tất cả loài gà đều giống nhau, và tất cả loài người đều giống nhau. Vì thế, tớ hơi chán. Nhưng nếu cậu cảm tớ, đời tớ sẽ rực nắng. Tớ sẽ nhận ra một bước chân khác hẳn mọi bước chân khác. Các bước chân khác sẽ làm cho tớ chui ngay xuống đất. Nhưng bước chân của cậu lại sẽ gọi tớ từ hang chạy ra, như là một điệu nhạc. Và cậu hãy nhìn kia! Cậu thấy không, ở kia, những đồng lúa mì ấy? Tớ không ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì đối với tớ chẳng có gì khêu gợi. Cái đó buồn lắm. Nhưng cậu có mái tóc mầu vàng kim. Thế thì sẽ rất tuyệt một khi cậu cảm hoá tớ! Lúa mì, vốn màu vàng kim, sẽ gợi cho tớ kỷ niệm về cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trong lúa mì...“

Tầng nghĩa này lớp 6 khó mà hiểu nổi. Lớp 6 ngày xưa tôi còn chập chững văn tự sự, mô tả người thật việc thật còn chẳng ăn ai, chứ làm sao đủ độ chín để biết được “trí nhớ là phản ánh abczyx???”. Với bài thơ này cho các em học sinh lớp 6 chỉ dừng lại “tình yêu thiên nhiên của tác giả” là quá ok rồi (mặc dù theo nhãn quan của tôi, mục đích của tác giả khi viết bài thơ này không chỉ đơn thuần là mô tả cảnh sắc thiên nhiên và con chào mào)


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]
43.00
Trả lời