Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Xa trông mây nước ngậm ngùi,
Tấm lòng thương nhớ, mấy lời viếng thăm.
Nhớ ai: vấn vít tơ tằm,
Nước non bao kẻ đồng tâm hẹn hò.
Thơ đầy túi, rượu lưng bồ,
Dẫu nho kiết, cũng danh nho nước nhà.
Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Bác với tôi… Bác với tôi,
Tuy không quen biết, cũng người đồng bang.
Lại thêm cùng mối văn chương,
Chung tình non nước, tơ vương bên lòng.
Bấy lâu tôi những ước mong,
Có phen dun dủi tương phùng hai ta.
Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Làm chi vội mấy, bác ơi!
Chí cao, nghiệp cả, ai người nối theo?
Thuyền Nan ai giữ mái chéo?
Con tàu Bản quốc ai liều sóng khơi?
Bức Dư đồ rách, ai bồi?
Báo An Nam nghỉ, ai rồi lại ra?
Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Than ôi! Còn đất, còn trời,
Còn non, còn nước, đâu người nước non?
Đà dù cạn, Tản dù mòn,
Danh thơm Thi sĩ vẫn còn truyền lâu.
Hồn thơ phẳng phất nơi đâu?
Chút tình có thấu cho nhau chăng là?
Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!


Hoàng Mai, hè 1933

Bài thơ này đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy khi tác giả (ở Cao Bằng) nghe nhầm tin là Tản Đà qua đời. Tản Đà sau đó đã hoạ bằng bài thơ Cười ông Mai Lâm cũng đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy.

Sách Thi nhân Việt Nam hiện đại chép thời gian của giai thoại này là năm 1933, bài của Mai Lâm tiêu đề là Viếng Tản Đà, bài hoạ của Tản Đà tiêu đề là Cười ông Mai Lâm (Tiểu thuyết thứ bảy số 33); sách Tản Đà toàn tập chép là năm 1934, bài của Mai Lâm tiêu đề là Viếng thi sĩ Tản Đà, bài hoạ của Tản Đà tiêu đề là Cười bác Mai Lâm.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]