1. Người có trí nhớ tuyệt vờiNgay từ nhỏ, cậu bé Huỳnh Hanh (về sau, trong khoa thi Hương năm Canh Tý 1900 đổi tên thành Huỳnh Thúc Kháng) đã nổi tiếng là có trí nhớ đặc biệt. Huỳnh Hanh bắt đầu đi học từ năm 8 tuổi. “Nhà nghèo, không sách, nhưng nhờ có tiếng thông minh, đọc sách nào thì nhớ quyển ấy” (tự truyện của cụ Huỳnh, trang 11). Năm lên 11 tuổi, theo học với cậu là Tế tử Nguyễn Đình Tựu, Huỳnh Hanh học thuộc rất nhanh các sách cậu dạy “thập ngũ Quốc phong cùng Nhã, Tụng đều thuộc làu” (tự truyện trang 13). Càng lớn trí nhớ của Huỳnh Thúc Kháng càng tuyệt vời. Trong hồi ký
Nhớ nghĩ chiều hôm cụ Đào Duy Anh nhận xét rằng: “Trí nhớ của cụ (tức Huỳnh Thúc Kháng) thì đặc biệt, bài văn đọc qua một lần là nhớ, hỏi đến sách xưa thì cụ biết ngay rằng câu ấy, đoạn ấy là ở chỗ nào mà giở ngay ra cho người ta xem” (Hồi ký trang 22). Nhận xét đó quả là không ngoa tí nào. Bởi vì mọi người đều biết rằng khi bị bắt đi đày ở Côn Lôn, cụ Huỳnh đã thủ sẵn một cuốn
Lecture-langage, một cuốn từ điển Pháp-Việt của Trương Vĩnh Ký và một quyển ngữ pháp grammaire. Lúc ngồi tù ở Côn Đảo cụ còn mua thêm cả cuốn l’Histoire nationale Francaise để đem ra đọc vào những giờ nghỉ trưa, khiến cho số tù hình sự phải phàn nàn: “Tụi quan to ở nhà cha mẹ cho đi học không lo học, nay ra tù học cái gì phá giấc ngủ người ta”. Thế mà chỉ sau một thời gian, Huỳnh Thúc Kháng đã học thuộc lòng cả cuốn từ điển Pháp-Việt, và được ra làm việc ở nhà giấy nhờ biết… Pháp văn! Điều này càng khiến cho số tù thường phạm lấy làm lạ, lại bảo nhau: “Té ra học trong tù mà cũng làm việc nhà giấy được kìa!” Từ đó, họ không mắng chửi nữa, lại có người sắm giấy bút để học.
Sau khi đọc xong cuốn
Thi tù tùng thoại dày 272 trang (do nhà Nam Cường xuất bản năm 1951), ghi lại những sự kiện diễn ra ở Côn Lôn trong suốt 13 năm ngồi tù của Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta càng kinh ngạc trước trí nhớ phi thường của cụ. Lời cuối sách cụ ghi rõ: “Bản
Thi tù tùng thoại trên chính tự tôi tai nghe mắt thấy, chép trong trí nhớ được hoàn toàn - có lầm chăng một đôi chữ”.
Nhân đây, chúng tôi xin ghi lại một giai thoại về trí nhớ tuyệt vời của Huỳnh Thúc Kháng khi cụ còn là cậu bé Huỳnh Hanh. Nhân dân địa phương kể rằng vào một hôm cuối đông, cũng như nhiều nhà khác, gia đình Huỳnh Hanh bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phụng chuẩn bị đón xuân. Để cho trong nhà thêm vẻ khang trang, cụ Huỳnh Tấn Hữu đưa tiền bảo Huỳnh Hanh xuống chợ huyện mua một cuốn lịch về treo. Hanh vâng lời cha ra đi từ sáng sớm, mãi tới trưa mới về nhưng trong tay không có tờ lịch nào cả mà chỉ toàn tranh ảnh Tứ Quý. Thấy con không làm theo lời mình bảo, cụ Huỳnh Tấn Hữu giận lắm. Đoán biết ý cha, Hanh thưa trước “Thưa cha, con đã sẵn một tấm lịch cho cha”. Nói xong Hanh vào bàn lấy giấy cắt xén ngay ngắn rồi chăm chú viết lại y như cuốn lịch mà cậu đã xem kỹ trong một tiệm bán hàng tết ở chợ.
2. Tiếng cười của nhà chí sĩ- Tiếng cười xem thường uy vũ:
Huỳnh Thúc Kháng là một người “uy vũ bất năng khuất”. Trong tự truyện, ông kể rằng: khi ông đang vận động thành lập thương hội ở Hội An thì phong trào xin giảm sưu thuế đã nổ ra. Biết mình không tránh khỏi liên luỵ nên ông đã tránh về quê nhà tại Thạnh Bình.
Ngay sau đó, quan binh Pháp-Nam đã kéo đến bắt ông. Nhưng, “để bắt một chàng thư sinh tay trơn chân trần, phải dùng đến một đề đốc tỉnh, hai quan đồn binh, lại đèo hai chục lính tập, chia đường lục đục kéo đến, xem tôi như một lãnh tụ dân đảng nào, một địch tướng, phòng có việc gì xảy ra bất trắc chăng”. Thấy vậy Huỳnh Thúc Kháng vẫn “có thái độ thản nhiên, cười nói như thường” (
Tự truyện trang 29).
- Tiếng cười đồng chí:
Lúc xảy ra vụ chống thuế Trung Kỳ, Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội liền bị bắt giải về Huế kết tội mưu loạn đày ra Côn Đảo. Ngày 28 tháng 8 năm ấy (1908) Huỳnh Thúc Kháng cùng 26 người nữa cũng bị đày ra Côn Đảo. Cũng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị kết tội mưu loạn đày ra Côn Lôn ngộ xá bất nguyên. Tại đây, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng đã gặp nhau. Trong giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa đảo, hai ông chỉ nhìn nhau… cười! Chẳng cần hỏi “vì sao lại phải đến Côn Lôn”. Huỳnh Thúc Kháng đã ứng tác hai câu thơ:
Tóc tơ bạc phơ răng bác rụng
Gặp nhau không nói, ngó nhau cười!
Quả là tiếng cười lạc quan của những người đã cảm thông nhau một cách sâu sắc.
- Tiếng cười xem thường danh lợi:
Năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng ra tù. Thực dân Pháp và Nam triều nghĩ rằng, với 13 năm tù đày gian khổ đã làm nhụt chí nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng chúng đã lầm.
Năm 1923, Khải Định dùng ngón “khôi phục hàm tiến sĩ hàn lâm viện biên tu cho Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời sai Nguyễn Bá Trác và Phạm Quỳnh Lâm trung gian đem thư của khâm sứ Pasquire đến mời ông ra soạn bộ Hán Việt từ điển. Huỳnh Thúc Kháng đến Kinh gặp khâm sứ Pasquire để nói rõ nội tình ngoại thể Đông Dương và chính sách bảo hộ của thực dân Pháp. Nhưng khi Pasquire đem chức quan ra nhử, cụ liền nghiêm sắc mặt nói: “Tôi là một quốc dân Việt Nam, đã thăm dò rõ việc dân, nên phải nói rõ, còn việc làm quan chẳng phải là điều sở nguyện!”. Sau bốn tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện, Huỳnh Thúc Kháng “cười một cái, cáo biệt” (
Tự truyện trang 43).
Rồi cả Phạm Liễu, người bạn đồng châu, từng ở trong số “Quảng Nam tứ hổ”, lại vốn có chân trong “Ngũ phụng tề chi” cũng đem chuyện quan trường ra nói với Huỳnh Thúc Kháng nhưng cụ chỉ cười mà trả lời “việc ấy ở ngoài sự mộng tưởng của tôi”.
Đến khi có chỉ bổ ông vào làm quan tại cổ học viện, trong đó ghi rõ lương mỗi tháng 60 đồng, nhằm đánh vào sự nghèo túng của ông nhưng ông đã viết đơn từ chức, trong có câu: “Ngày trước từ chức giáo thọ Điện Bàn, đã sinh ra luỵ tới thân gia, nay nhận chức thuộc viên tại cổ học, còn mặt mũi nào? Chỉ vì 60 đồng bạc lương, đem cán bút cùn mơ mộng cảnh hoa tàn còn trổ lại, nhìn lại trên 13 năm tù đày sống thừa, hai mái tóc rối bù, há dám thò đầu ra khỏi núi?” (
Tự truyện trang 47).
Sau những lần khước từ trên của Huỳnh Thúc Kháng, thực dân và Nam triều biết rằng không thể đem mồi danh lợi ra nhử một con người “phú quý bất năng dâm” như ông.
3. Thơ mừng đám rước tuyển sinhHuỳnh Thúc Kháng là người “cả đời không cần danh vị, không cần lợi lộc, không cần làm giàu”. Vì vậy mà cụ rất ghét những kẻ bon chen danh lợi. Có lần, một người ở làng Tứ Chánh đỗ tuyển sanh (tương đương lớp 3 hiện nay) đã tổ chức đón rước ầm ĩ nhằm phô trương học lực của mình. Thấy vậy, cụ Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng liền viết ngay một bài thơ đem dán trước cổng nhà:
Tuyển sanh Tứ Chánh rước ra bề
Đánh trống từ Nha đánh trở về
Ba ngọn cờ xài bay xấp xí
Vài con ngựa ốm chạy xàng xê
Thầy cha dạy sinh làng có bụng
Khen ai khéo tập một đoàn mê
Khi đến ngang ngõ nhà Huỳnh Thúc Kháng, thấy bài thơ vẽ lên cái “khí thế” đám rước mình như vậy, cậu tuyển sanh xấu hổ quá, bèn cho người đến lén bóc ngay bài thơ.
4. Quẳng quan tri huyện xuống đấtTrước năm 1917, các huyện Trà My, Tiên Phước và Tam Kỳ đều thuộc huyện Hà Đông. Có lần tri huyện là Tôn Thất Củng hành hạt đến các xã. Đến đâu y cũng bắt dân chúng đón rước phục dịch. Khi đến Thạnh Bình, lính lệ thấy một nông dân trên đường gọi lại bảo cáng quan. Người nông dân ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng không ngờ, mới cáng được một đoạn anh đã… quẳng quan xuống đồng, nói: “Ăn cái đếch chi mà nặng dữ rứa”.
Ki lính lệ xông vào người nông dân thì cũng là lúc quan huyện lồm cồm bò dậy, và sững sờ người nông dân cáng mình chính là Mính Viên Tiến sĩ!
5. Câu đối mừng quan tri huyệnLúc mới đến nhận chức tri huyện Tiên Phước, một huyện từng có 3 Phó bảng và 1 Tiến sĩ cùng nhiều nhân vật kiệt hiệt khác, Bửu Bảo tỏ ra tự đắc lắm.
Thời gian này, cụ Huỳnh vừa mãn tù về sống tại quê nhà, liền được Bửu Bảo mời đến huyện đường để “tâng bốc”:
- Thưa ngài, tôi rất vinh dự khi được về cai quản một huyện có vị tiến sĩ hán học (ý Bửu Bảo muốn nói y cai quản cả Huỳnh Thúc Kháng) Bửu Bảo còn xin Huỳnh Thúc Kháng một vế đối dán trước cổng huyện đường để mừng tân quan.
Biết Bửu Bảo ngạo mạn, Huỳnh Thúc Kháng bỏ ra ngoài một lát rồi quay lại bảo:
- Được, tôi đi đái đã nghĩ ra được vế đối rồi. Quan bảo lính đem giấy bút ra đây.
Khi giấy bút đã được đặt lên bàn, Huỳnh Thúc Kháng cất tiếng đọc và bảo người viết lại vế đối:
Tích Phước Tài Đa thành Phú Hữu
Đại Đồng Thọ Đức đắc Bình An
Mới nghe qua, nội dung vế đối thật hay, nhất là Huỳnh Thúc Kháng đã ghép tên làng của 4 tổng thuộc huyện Tiên Phước để nói lên những đức tính quý báu của người dân trên quê hương này: Chăm lo việc phúc, nhiều tài, giàu có, rộng lượng nên hưởng đức và được sống yên ổn.
Nhưng khi nghĩ đến ý nghĩa của một vế đối mừng tân quan, Bửu Bảo mới tái mặt. Thì ra, quan muốn được yên thân hưởng đức ở huyện này thì phải có những đức tính như trên. Nếu không thì… liệu chừng!