I

Vâng! Đúng vậy! Đây chỉ là một thoáng Hồ Hoàng Đông trong cảm nhận của tôi, khi tôi cùng quý vị và bạn đọc nâng trên tay tập thơ Hạ ca này.

Đối với nhiều bạn đọc yêu thơ, Hồ Hoàng Đông không còn là một cái tên lạ lẫm nữa. Anh là một nhà thơ sung sức. Hồ Hoàng Đông còn trẻ. Rất trẻ. Nhưng anh đã là tác giả của 5 tập thơ dày dặn: Tuổi 20 hát; Sương khuya; Rêu phủ thềm rồng; Trần gian, đêm rất buồnHạ ca, tập thơ mới nhất đang trên tay các quý vị.

Tôi đã đọc cả 5 tập thơ này cùng Hạ ca. Đọc với sự trân trọng và yêu mến.

Xưa nay, các tài năng trẻ luôn được các thế hệ đi trước quan tâm. Sinh thời, các nhà thơ lớn như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông luôn tuyển chọn, giới thiệu các cây bút trẻ trong các tuyển tập thơ có tên là “Sức mới”, xuất bản trong nhiều năm, rồi đến từng tốp 5 người, 3 người, 2 người in chung trong một tập. Thế rồi, chỉ một thời gian sau, nhiều cây bút trong “dàn đồng ca” ấy đã trở thành người lĩnh xướng, là trụ cột của cả nền văn học. Nhiều người còn được trao những giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Bây giờ, sự xuất hiện của các tác giả trẻ còn thuận tiện hơn. Việc đánh giá các tác phẩm cũng cởi mở, khoáng đạt. Ai cũng có thể tự quảng bá được các tác phẩm của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà không vướng bất cứ một rào cản nào. Có người còn tự dịch, hoặc tổ chức dịch tác phẩm của mình ra nhiều thứ tiếng thế giới. Nghĩa là chỉ một bước đã gặp được nhân loại rồi. Còn thực sự có tới được bạn đọc hay không, chỉ còn phụ thuộc vào tài năng của người viết.

Ta lại ngậm ngùi, thương kiếp tài hoa xưa, nói một cách đắng đót như thi sĩ Trần Dần:
Tôi tiếc những chân trời không có người bay
Lại tiếc những người bay mà không có chân trời…
Bây giờ, ở đâu cũng là chân trời cả. Chân trời ở ngay dưới chân. Chỉ có điều, ta có bay được hay không mà thôi.


II

Thi sĩ Hồ Hoàng Đông cũng đang bay. Anh có những đường bay khá ngoạn mục. Và hiểu anh, có lẽ chẳng ai hơn được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bảo: “Trong năm 2019, tôi không nhớ mình đã đọc bao nhiêu tập thơ đã xuất bản và bao nhiêu bản thảo thơ gửi đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trong những tập thơ và bản thảo thơ tôi đã đọc, có những tập thơ hay, có những tập thơ chưa hay nhưng rất ít những tập thơ tạo được sự khác biệt cả về giọng nói và nội dung. Nhưng khi đọc bản thảo tập thơ Rêu phủ thềm rồng của tác giả Hồ Hoàng Đông thì tôi thực sự ấn tượng bởi sự rất khác lạ của tập thơ này so với rất nhiều những tập thơ khác”.

Tìm được cho mình một giọng nói riêng, một góc nhìn riêng để không lẫn với ai là vô hạn quan trọng. Nhà phê bình nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh cũng đã có lần bàn rất sâu sắc. Cứ như quan niệm của Nguyễn Đăng Mạnh, thì muốn xét một tác giả nào đó có thực sự giá trị hay không thì phải đặt anh ta vào cả nền văn học, rồi sau đó lại phải nhấc anh ta ra, rồi xem có vì sự thiếu hụt của anh mà cả nền văn học xộc xệch đi không. Nếu chẳng có gì thay đổi thì anh ta chẳng có giá trị gì cả.

Nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật, một thi sĩ có giọng điệu ngang tàng, hóm hỉnh, rất riêng biệt, cũng có lần bảo, đại ý rằng, anh có một cái mũi rất khác người. Mà quả ở ngoài đời, Phạm Tiến Duật có cái mũi cũng khác người thật, nó hơi nhọn và khoằm khoằm như mỏ một con quạ non. Bởi thế khi làm thơ, anh cứ phải dí cái mũi khoằm ấy xuống trang giấy, để nhờ vệt mũi riêng biệt ấy mà bạn đọc nhận ra anh.

Hồ Hoàng Đông, cũng đã tạo được cho mình một diện mạo riêng với tiếng nói riêng khiến nhà thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nhiều bạn đọc nhận ra anh. Anh như thế nào thì cứ tự nhiên đến với ta như thế. Rất nhẹ nhàng và thanh thoát. Anh như vị thiền sư nhưng lại gắn bó mật thiết với đời sống. Đến với anh, ta như bước vào một thế giới không thời gian và không gian. Anh đẩy hiện tại vào quá khứ và viết về nỗi ám ảnh của quá khứ, khi mối tình của tuổi học trò đã tan, làm mùa hè giá buốt. Một nỗi buồn dịu dàng và trong vắt. Đọc anh, ta như ngồi trong quán Nhạc Trịnh. Lại có lúc mát lành như vừa bước lên từ một ao sen sau buổi toạ thiền. Một làn hương tỉnh thức bay trong hiên chùa với mùi sương sớm ban mai. Một vẻ đẹp thâm thấm niềm xa vắng, khiến ta muốn sống chậm để tận hưởng nhứng giây phút an lạc. Còn nếu cứ sốt ruột, muốn tò mò khám phá, muốn biết nó là cái gì, thì có khi sẽ chẳng thấy gì, vì tất cả sẽ tan biến như một làn hương…

Thơ Hồ Hoàng Đông là thế. Lẽ ra, như rất nhiều đồng nghiệp của mình, tôi phải trích ra đây những câu thơ hay của anh. Nhưng rồi, tôi đã không làm thế. Tôi sợ trong đời sống vội vàng sống sít này, bạn đọc sẽ chỉ để ý đến những câu thơ tôi trích mà lại bỏ qua những phần rất đáng đọc khác của chàng thi sĩ tài hoa này. Và tôi tin, rất tin những câu thơ mỏng mảnh sương mai của anh sẽ làm bạn đọc yêu thích…

Hà Nội 15-5-2023
Trần Đăng Khoa