Gần đây, trong chuyến đi thực tế Nam Hà, chúng tôi được đọc một cuốn sách Nôm tại nhà cụ Mai Viết Chức ở thôn Hưng Nhân, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Thuỷ. Sách gồm 63 tờ giấy bản đã cũ, khổ 21x14,5cm, viết tay, chữ dễ đọc. Bìa sách không thấy ghi gì. Lật xem bên trong, trang đầu có bốn chữ “Trần Thị gia tàng” (Sách của gia đình họ Trần). Các trang tiếp theo là những bài bàn về Hà đồ, Bát quái, Lịch số... rồi đến phần thơ Nôm, nhiều nhất là của Nguyễn Khuyến (
Hỏi thăm quan tiến sĩ Châu Cầu bị lụt;
Hỏi thăm quan tiến sĩ mất cướp;
Khuyên người lấy chồng làm lẽ...) và thơ của một số người khác nữa.
Đáng chú ý, trong cuốn sách có chép 10 bài thơ kèm theo dòng chú thích: “Bà Thành Thái làm tập thơ này, mười bài, đưa vua Thành Thái cùng con là vua Duy Tân”.
Các thông tin trên đây tự nó đặt lại vấn đề tác giả và văn bản 10 bài thơ mà lâu nay ta vẫn tưởng không có chuyện gì phải bàn nữa.
Trước hết là vấn đề tác giả. Trần Trung Viên trong bộ sưu tập
Văn đàn bảo giám của mình, có công bố 10 bài thơ trên dưới tiêu đề
Khuê phụ thán, và ghi rõ tác giả là “Thượng Tân Thị Phan Quốc Quang” (1). Trong khi đó, cuốn
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam mới ra gần đây, ở mục Phan Quốc Quang, lại nói Thượng Tân Thị Phan Quốc Quang chỉ là tác giả 10 bài
Tục khuê phụ thán “hoạ y nguyên vận 10 bài trước mà có người cho đó là của vua Thành Thái, sau đấy thành một thi thoại nổi tiếng trong văn học” (2). Vậy rốt cục ai là tác giải 10 bài
Khuê phụ thán? Phan Quốc Quang, Thành Thái, hay bà Thành Thái như tài liệu chúng tôi mới sưu tầm?
Mọi người đều biết, Thành Thái (1877-1954) huý Bửu Lân, vua thứ 9 của triều Nguyễn. Năm 1907, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương dò biết ông có quan hệ với phong trào Đông du, đã gây sức ép, buộc ông phải nhường ngôi cho con là Thái tử Vĩnh San (tức vua Duy Tân sau này) rồi đưa ông vào giam tại Vũng Tầu đến năm 1915, bí mật đưa ông đi an trí ở đảo La Réunion bên châu Phi. Vĩnh San lên ngôi lúc 8 tuổi, được phong trào yêu nước cổ vũ, vẫn nuôi chí giải phóng cho dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại nhân. Ông ngầm liên kết với các nhà hoạt động trong phong trào Việt Nam Quang phục hội, định chiếm các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi làm căn cứ, phát động cuộc nổi dậy chống Pháp tại các tỉnh miền Trung vào năm 1916. Công việc bại lộ, ông bị bắt Pháp giam ở đồn Mang Cá (Huế), rồi đưa sang đầy tại đảo Réunion cùng nơi với vua cha (3). Bài thơ
Khuê phụ thán nói lên cảnh bơ vơ, nỗi nhớ nhung, đau xót của người vợ đối với chồng, con đang lênh đênh nơi quê người đất khách... được người đời hiểu như là tâm sự của bà Thành Thái đối với vua Thành Thái và vua Duy Tân trong những ngày xa cách.
Vua Thành Thái khó có thể là tác giả bài thơ, dù hiểu theo nghĩa “thác lời” chăng nữa, vì một lẽ đơn giản là ông đã sống tách khỏi đất nước từ 1915, trước khi xảy ra chuyện Duy Tân cũng bị bắt.
Tác giả bài thơ cũng không thể là Thượng Tân Thị. Ông sinh năm 1889 tại Huế. Nhưng đến năm 20 tuổi, tức vào khoảng 1909, ông đã vào Nam sống với người dì tại Vĩnh Long và mất tại đó năm 1966. Có thể tin vào sự ghi chép của Nguyễn Bá Thế trong
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam rằng Thượng Tân Thị chỉ là tác giả của 10 bài
Tục Khuê phụ thán mà thôi.
Nếu nhận định trên đây không xa với sự thật, thì việc quy tác giả 10 bài
Khuê phụ thán cho bà Thành Thái, như lời ghi nhận trong tài liệu do chúng tôi vừa sưu tầm, không phải không có chỗ hợp lý của nó.
Cũng cần nói thêm rằng khi tái bản
Văn đàn bảo giám, Nam Ký thư quán trong mục
Việt văn lược biểu đã không còn quy 10 bài
Khuê phụ thán cho Thượng Tân Thị nữa, nhưng lại nói là của tác giả Nguyễn Thị Phí (4). Vậy giữa Nguyễn Thị Phí và bà Thành Thái có quan hệ gì không, là 2 người khác nhau hay chính cùng một người, đây là vấn đề cần tiếp tục tìm hiểu.
Về mặt văn bản, hiện có 3 dị bản về bài thơ
Khuê phụ thán: bản do chúng tôi sưu tầm được bằng chữ Nôm như trên kia đã nói, gọi là Bản A; bản in trong
Văn đàn bảo giám bằng chữ Quốc ngữ như đã đề cập, gọi là Bản B; và 1 bản nữa, cũng ghi bằng chữ Quốc ngữ, do cụ Nguyễn Song Tùng cung cấp (5), gọi là Bản C. Lời văn giữa các bản không phải bao giờ cũng nhất trí với nhau, một hiện tượng thường thấy giữa các truyền bản. Bản A do được chép khá sớm và bằng chữ Nôm, cố nhiên có một ý nghĩa nào đó so với hai bản còn lại. Nói như thế, không phải là Bản A thỉnh thoảng không có những câu chữ lủng củng. Với tinh thần tồn cổ, chúng tôi phiên am lại toàn bộ Bản A, có đối chiếu với Bản B (gọi tắt là B) và Bản C (gọi tắt là C) để bạn đọc tiện tham khảo.
Khuê phụ thán (1)
Bà Thành Thái làm tập thơ này 10 bài, đưa vua Thành Thái cùng con là vua Duy Tân.
(I)
Chồng hỡi chồng ôi(2), con hỡi con,
Cùng nhau chia rẽ mấy năm(3) tròn.
Bóng chim tăm cá trông trời bể(4),
Rày gió mai mưa(5) thẹn(6) nước non.
Mông điệp khéo xui(7) ai tin tiếc(8)
Hồn quyên luống để thiếp bôn chôn(9)
Ngày qua tháng lại trông đằng đẵng(10),
Muôn dặm xa xa mắt đã(11) mòn.
Khảo dị:
(1) Bản A và Bản C đều không có đầu đề này. Đây theo Bản B, dùng một đầu đề mà nhiều người quen thuộc. (2) B: Thiếu chữ “ôi”. (3) B: trăng khuyết lại trăng; C: Xa cách mấy năm. (4) B: Bên trời góc bể nơi chim cá; C: Chân trời góc bể lơi chim cá. (5) B: Sương. (6) B: Tưởng. (7) B,C: Vì (8) B,C: Lẻo đẻo. (9) B,C: Chon von. (10) B: Coi đằng đẵng; C: Trông đăm đắm. (11) C: Mỏi.
(II)
Đã (1) mòn con mắt một phương âu,
Chả biết chồng con đâu (2) ở đâu.
Mờ mịt non xanh cùng nước biếc (3),
ủ ê gió thảm mấy mưa (4) sầu.
ấy ai ngoắt ngéo khôn lừa lọc (5),
Để thiếp bơ vơ chịu dãi (6) dầu.
Non bể chênh chênh trời một góc(7),
Tấm lòng bứt rứt (8) suốt canh thâu.
Khảo dị:
(1) C: Mỏi. (2) B: Có thấy chồng con đâu; C: Nào thấy chồng đâu con (3) B: Dầu được non xanh cùng bến tốt; C: Góc biển chân trời căm dạ giận. (4) B: Khó ngăn gió thảm với mưa; C: Chân non khuya sớm héo gan. (5) B: Trách ai dắt nẻo khôn lừa lọc; C: Ba sinh lở dở dòng duyên nợ. (6) B: Khiến thiếp ra thân chịu dãi; C: Muôn dặm phun phun đám lửa. (7) B: Hỡi đức cao xanh sao chẳng đoái; C: Bớ bớ xanh kia sao chẳng đoái. (8) B: Trằn trọc.
(III)
Canh thâu chưa ngủ hãy còn ngồi,
Gan ruột như dầu sục sục sôi.
Nghĩa giữ ấp ôm đành đã nhỡ(1),
Bổng cho(2) bú mớm chắc(3) thôi rồi.
Quyết gìn giữ dạ khi âu yếm(4),
Biết cậy cùng ai tỏ(5) khúc nhôi,
Bớ bớ trời kia sao chẳng đoái(6),
Ôi chồng ôi! Ôi hỡi con ôi (7)!
Khảo dị:
(1) B: Cả ấp iu đành đã nhỡ; C: Cả ấp yêu đành lở dở. (2) B: Công to; C: Công lao. (3) B,C: ắt. (4) B: Quyết gìn giữ dạ tròn sau trước; C: Má hồng hứng để ai cam phận. (5) B: Biết cậy nhờ ai tỏ; C: Con trẻ đành lừa nỗi. (6) B: Non nước xanh xanh trời một góc; C: Tạo hoá đa đoan ghê ghớm nhỉ. (7) B: Chồng hỡi chồng con hỡi con; C: Chồng hỡi chồng con hỡi con ơi.
(IV)
Con ôi ruột mẹ nát như (1) tương,
Bảy nổi ba chìm mấy(2) thảm thương.
Tươi (3) héo lá gan cây đỉnh Ngự.
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.
Quê nhà(4) đành gửi thân trăm tuổi,
Đất khách mong đền dạ(5) bốn phương.
Mẹ vẫn mong con tròn một tiết(6),
Mong cho trọn vẹn chữ(7) cương thường.
Khảo dị:
(1) B: Ruột mẹ nẫu như; C: Không ngớt giọt dòng. (2) B: Bảy nổi ba chìm tất; C: Nghĩ đến con đau xót. (3) B,C: Khô. (4) B,C: Người. (5) B: Cuộc thế mong gì dạ; C: Cuộc thế mong gì nợ. (6) B: Cũng trông mau rồi một kiếp; C: Cũng trông mong rồi một kiếp. (7) B: Để cho vẹn vẽ mối; C: Để cho trọn vẹn mối.
(V)
Cương thường gánh(1) nặng cả đôi(2) vai,
Biết ngỏ (3) cùng ai, ai hỡi ai?
Để dạ (4) chỉ e tằm đứt ruột,
Ngỏ (5) môi lại sợ vách liền(6) tai.
Canh(7) khuya tựa gối(8) chênh chênh một,
Gương vỡ (9) soi hình lẻ tẻ (10) hai.
Nhắn hỏi từ đây ai biết (11) đó,
Đường đi non nước độ bao dài?
Khảo dị:
(1) B: Chất. (2) B,C: Hai. (3) B: Tỏ, C: Nói. (4) B,C: Bụng. (5) B,C: Hở. (6) B,C: Nghiêng. (7) B,C: Trăng. (8) B: Nghiêng bóng; C: In bóng (9) B: Kính nể; C: Kính vỡ. (10) B,C: tẻ tẻ. (11) B: Nhắn thử từ đây qua tới; C: Nhắm mắt thử từ đây đến.
(VI)
Bao dài non nước chẳng hay cùng,
Muốn(1) gửi hồn ta đến ở chung.
Khuya(2) sớm cho tròn in(3) một tiết,
Trước sau chả thẹn chữ(4) ba(5) tòng.
Quê nhà sẵn(6) kẻ lo săn sóc.
Đất khách theo(7) nhau luống(8) lạ lùng.
Mộng tỉnh chia(9) xong vừa chợp mắt,
Trống thành(10) đâu đã thấy tùng tùng(11).
Khảo dị:
(1) B,C: Xin. (2) B,C: Hôm, (3) B,C: Luôn. (4) B: Chẳng thẹn chữ; C: không phụ với. (5) C: Bá. (6) B: Nhà có; C: Người ai. (7) B,C: Nương. (8) B: Khỏi; C: Đỡ (9) B: Mộng tỉnh chưa; C: Mẳng tính chưa. (10) B,C: Lầu. (11) B,C: Đổ tung tung.
(VII)
Đã thấy tùng tùng(1) tiếng trống thành,
Giật mình thức dậy mới tan(2) canh.
Sương sa lác đác trên đầu(3) lá,
Gió thổi đìu(4) hiu chạnh (5) bức mành.
Cảnh ấy tình này khôn xiết muộn(6),
Trời kia đất nọ nỡ sao(7) đành.
Thương nhau chả đặng(8) cùng nhau trọn,
Xin hãy(9) cùng nhau(10) kiếp tái sinh.
Khảo dị:
(1) B,C: Đổ lung tung. (2) C: Tàn. (3) B: Trên cành; C: Rung tàu. (4) B,C: Hỉu (5) B: Trước; C: Động. (6) B,C: Thôi hết nói. (7) B: Cho. (8) B: Chẳng được. (9) B,C: Hẹn. (10) C: Mai sau.
(VIII)
Kiếp tái sinh ni(1) có gặp không?
Kiếp này đã phụ(2) mấy non sông!
Chiêm bao lẩn thẩn theo hồn bướm,
Tin tức bơ vơ lạc bóng(3) hồng.
Tính tới tính lui thân cá chậu,
Sợ quanh sợ quẩn(4) phận chim lồng.
Đã không chung phúc(5) thì thôi chớ,
So nỡ xa nhau chồng hỡi chồng.
Khảo dị:
(1) B: Biết; C: Mong. (2) B: Đành thẹn; C: Đành phụ. (3) B,C: Cánh. (4) B,C: Lo quanh lo quẩn. (5) B,C: Hưởng.
(IX)
Chồng hỡi có biết(1) nỗi này chăng?
Sóng gió đưa nhau(2) dậy bất(3) bằng.
Non nước chia nhau(4) trời lộng lộng,
Cha con riêng(5) một bể giăng giăng.
Búi sầu(6) kia gỡ quanh chưa dứt(7),
Cuộc(8) thảm này thương thấm(9) khó ngăn.
Ngơ ngáo sự(10) đời khôn gượng gạo,
Câu thề(11) còn ở dưới cung trăng.
Khảo dị:
(1) B: Hỡi chồng có thấu; C: Chồng hỡi chồng thấu, (2) B,C: khi không (3) B,C: Đất. (4) B,C: hai. (5) C: lìa. (6) C: tình. (7) C: hết. (8) B,C: Giọt. (9) B: tuôn cũng; C: tuôn hứng. (10) B: Năm bảy cuộc; C: Ngắm mấy cuộc. (11) B,C: Canh chầy.
(X)
Ở dưới cung trăng luống(1) nỉ non,
Đắng cay như ngậm cái(2) bồ hòn.
Sớm khuya giọng cuốc tai hơi mệt(3),
Sương tuyết mình ve miệng(4) đã mòn.
Lắng mõ làng kia khua(5) cốc cốc,
Nghe(6) chuông chùa nọ dộng(7) boong boong.
Nỗi niềm ta nhớ nào ai biết(8),
Ơi hỡi chồng ôi(9), con hỡi con!
Khảo dị:
(1) C: Bóng. (2) B: Quả; C: Trái. (3) B: Khói mây giọng cuốc nghe hơi mỏi; C: Lời văn ánh nguyệt nghe sao chán. (4) B,C: Ngắm. (5) B: Xa nghe; C: Kia canh. (6) B: Tiếng; C: Hồi. (7) B: Cũ dộng; C: Nọ giọng. (8) C: Biết lấy ai tri kỷ. (9) B: Chồng hỡi chồng; C: Chồng hỡi chồng ơi.
Vũ Thanh Hằng
(1) Văn đàn bảo giám, Nxb. Mặc Lâm tái bản, Sài gòn, 1968 - 1969, Q.II, tr.25.
(2) Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. KHXH, 1991, tr.774.
(3) Nguyễn Huyền Anh: Việt Nam danh nhân từ điển, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, in lần thứ ba, 1972, các tr.46-48 và 526-528.
(4) Văn đàn bảo giám, Sđd, Q.4, tr.224.
(5) Trong tài liệu gửi chúng tôi, cụ Song Tùng có ghi xuất xứ như sau: “Cụ Nguyễn Cảnh Sằn có người cô ruột (em bố) tên là Nguyễn Thị Hoè lấy vua Tự Đức. Thời gian sau khi vua Thành Thái và Duy Tân bị đi đầy, cụ Nguyễn Cảnh Sằn vào Huế ở Nội cung với bà Hoè (sau khi vào cung, Tự Đức đổi tên Hoè thành Hồi). Nhờ ở Nội cung, cụ Nguyễn Cảnh Sằn đã chép được 10 bài thơ của bà Thành Thái gửi chồng và con là Nguyễn Duy Tân bị Pháp bắt đầy đi châu Phi. Tôi là con cụ Nguyễn Cảnh Sằn, được cụ đọc cho ghi chép từ 1932”.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]