Hôn nhân bắt nguồn từ sự luyến ái giữa gái trai. Nó là bước đầu nảy sinh chế độ gia đình, làm nền móng cho xã hội, ràng buộc con người vào lẽ sống của tổ chức tập thể có qui củ. Trái lại, hôn nhân cũng chịu ảnh hưởng ngược chiều do lẽ sống con người chi phối. Bởi vậy từ nghìn xưa, không ai có thể phủ nhận tính chất quan trọng của nó.

Chúng ta đi tìm quan niệm hôn nhân của người xưa tức là chúng ta đi tìm ý thức sống chung giữa trai gái, ước vọng tạo lập gia đình, và gầy dựng sự nghiệp.

Ý thức ấy rải rác trong ca dao, tục ngữ rất nhiều. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam vừa bước vào thời ký bán khai đã bị lệ thuộc vào nước Tàu, chế độ phụ hệ của người Tàu gieo ảnh hưởng vào chế độ cai trị ở Việt Nam, khiến dân tộc ta từ khi bắt đầu nhận thức được lẽ sống, nói lên tiếng nói của tâm tư mình, thì cũng là lúc bắt đầu thu nhận một chế độ gia đình đã thành hình sẵn.

Đó là một đau khổ, một bất công cho nữ giới mà người đàn bà Việt Nam suốt mấy nghìn năm đã phải cam chịu.

Từ chế độ phụ hệ đi đến chế độ phụ quyền, tập trung quyền lực vào đàn ông, vào kẻ làm cha mẹ, khiến con cái mất hẳn quyền định đoạt cuộc đời mình, mà trong lĩnh vực hôn nhân, người đàn bà chịu thiệt thòi hơn hết.

Nếu có một nhà cách mạng nào đã nói một cách xác đáng: “Con người là một con vật với cái gì rồi nó cũng quen”, cho nên, dù chịu dưới áp lực của chế độ xã hội, nhưng ai ngăn cấm được tiếng lòng của gái trai rào rạt dâng lên theo tiếng chày khua trong những đêm trăng dằng dặc, tiếng liềm xào xạc trên ruộng lúa, tiếng chèo khuấy lăn tăn mặt nước, tiếng võng kẽo kẹt lúc trưa hè....

Từ những tiếng động gợi tình, những cảnh vật huyền ảo bao quanh cuộc sống của những tâm hồn vừa chớm nở hoa xuân, khiến họ cảm thấy dồi dào nguồn sống, sự luyến ái nảy nở, lòng họ khao khát yêu đương, vì họ mơ màng ước ao một đối tượng yêu đương, một ý trung nhân, hay rõ hơn, một người chồng lý tưởng. Do đó mà quan niệm hôn nhân đã được bộc lộ, cởi mở bằng những lời ca dao mộc mạc, cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn được nghe âm thanh ấy vang vang trên lòng đất Mẹ.

Đừng tưởng tiền nhân chúng ta, những người bình dân khổ cực ấy không có ý thức đối với lẽ sống! Tuy phải làm lụng vất vả suốt ngày trong nắng hạ mưa đông, mặt cháy mày nám, nhưng tâm hồn họ vẫn vươn lên tìm cho mình một sức sống.

Sức sống ấy chính là ý thức phản lại những gì đang bóp chết tâm hồn và thể xác họ.

Con người và lẽ sống là hai yếu tố tương quan và hiện diện mãi, dù ở thời đại nào, con người cũng vẫn tranh đấu cho hai yếu tố ấy. Chúng ta không thể phủ nhận một trong hai yếu tố ấy mà bảo vệ được sự tồn tại của tổ chức sinh hoạt của con người. Cho nên, chế độ hôn nhân là của xã hội, của một ý thức hệ, của guồng máy cai trị, mà quan niệm hôn nhân là của con người, của ý sống. Nhưng con người lại bị ràng buộc trong xã hội, lẽ dĩ nhiên quan niệm hôn nhân hay ý sống vẫn phải chịu ảnh hưởng theo trình độ sinh hoạt xã hội, song bản chất của nó vẫn không xa rời con người.

Bản chất ấy dậy men và bốc lên thành tiếng hát từ ngàn xưa vọng lại, mà tâm hồn chúng ta ngày nay còn cảm thông được nỗi ray rứt trong lòng tiền nhân đã phân vân khi đứng trước tình yêu và lẽ sống con người.

Thân em như tấm lụa đào.
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Em ngồi cành trúc, em dựa cành mai,
Đông đào tây liễu biết ai bạn cùng?​
Tâm trạng ấy ở thế hệ ngày nay, những người con gái đang yêu, và đang lựa chọn tình yêu, dù được hưởng một chế độ xã hội tự do cởi mở hơn, nhưng chắc đã không một lần bối rối trước quan niệm hôn nhân của mình.

Làm thế nào xây dựng đời mình đây? Làm thế nào để khỏi trợt chân khi bắt đầu bước vào cuộc sống?

Dè đặt ư? Thận trọng ư? Nhưng cái nghĩa thời gian thì sao?

Khi tâm tư chúng ta chưa quyết định, thì ngoài kia, trong buổi sáng tinh sương, ánh mặt trời mềm dịu như nhung tơ đang sưởi ấm những cành hoa vừa hé nhuỵ, và những cành hoa ấy cứ âm thầm lớp lớp nở rồi tàn.

Thử trèo lên mặt đê, nhìn về những cây mạ non chúng ta vừa mới cấy ngày nào, bây giờ đã ngậm đòng trổ gié. Nguồn sống của lúa non vươn lên theo dung lượng chồng chất của thời gian khiến lòng người vì đó mà luyến tiếc tuổi xuân xanh.

Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
Còn duyên đóng cửa kén chồng,
Hết duyên ngồi gốc cây hồng nhặt hoa!
Còn duyên kén cá chọn canh,
Hết duyên củ ráy dưa hành cũng trôi.
Còn duyên kén những trai tơ,
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng!​
Duyên! Một vấn đề quan hệ đối với hôn nhân! Nhưng một chàng trai thời xưa đã quan niệm duyên như thế nào? Dĩ nhiên họ không coi ý nghĩa “duyên” như ý nghĩa của tôn giáo. Ý nghĩa duyên của họ, chúng ta thường được nghe giải thích qua câu hát của những mục đồng:

Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có duyên
Đồng tiền có lỗ...​
Vậy “duyên” ở đây có thể là một mái tóc huyền, một nụ cười hàm tiếu, một vành khăn nâu, một làn da trắng một chiếc yếm điều… hoặc tất cả những gì đưa họ vào luyến ái. Chúng ta có thể hiểu theo ý nghĩa rộng hơn thì “duyên” là mức sống, là cái gì đang vươn lên tràn ra ngoài thể chất, là hấp dẫn lực lôi cuốn tâm hồn đối tượng chìm đắm trong cảm khoái say sưa, có khi khứu giác ta còn bắt gặp mùi vị ngọt lịm của hương yêu. Trong phút giây ngây ngất ấy, sự phân tích thẩm mỹ của nhìn quan dường như giao trách vụ lại cho tự nhận định cái duyên của tâm hồn. Và khi chúng ta muốn làm kẻ hưởng thụ cái duyên tức là chúng ta muõn đi tìm sức sống ấy.

Thời gian đem đến cho mỗi con người chúng ta một sức sống thì thời gian cũng sẽ đoạt mất trong con người chúng ta sức sống ấy. Người bình dân trước kia không cần suy luận như chúng ta, nhưng vẫn quan niệm được điều đó.

Thời gian đối với hôn nhân rất quan hệ; nó thúc bách, cho nên quan niệm kén chọn của người xưa nhiều lúc tỏ ra bâng khuâng trước định mệnh:

Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần,
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ!
Chắc về đâu trong đục mà chờ,
Hoa thơm mất tiết biết nương nhờ vào đâu!​
Đâu đã hết! Sức sống thoát ra trên con người chưa hẳn là yếu tố quyết định! Hôn nhân còn chịu ảnh hưởng vào sức sống của xã hội, sức sống thực tại bằng áo, bằng cơm, bằng mồ hôi, nước mắt nữa. Cho nên nhiều lúc cái duyên của luyến ái bị sức sống xã hội ám ảnh, làm cho quan niệm hôn nhân của người xưa dồn vào chỗ mung lung bất định. Trạng thái tâm tư ấy, chúng ta có thể ghi nhận ở những câu hát sau đây:

Rắp mong trời tề xuống cõi trần,
Hỏi xem duyên kiếp nợ nần sa sao?
Tím gan thay, khách má đào,
Mông mênh bể Sở dễ vào khó ra,
Hươu trót đã mắc phải chà,
Khi vào thì dễ, khi ra hiểm nghèo.​
Hai sức sống trên con người và ngoài xã hội tuy tương quan nhưng lại mâu thuẫn nhau. Chính sự tương quan trong mâu thuẫn ấy tạo thành dòng lịch sử tâm tư trong quan niệm hôn nhân từ sơ cổ đến đến thế hệ chúng ta, và có lẽ còn mãi mãi chưa biết bao giờ dứt.

Thật vậy, từ ngàn xưa, trong tâm tư con người, quan niệm hôn nhân đã chia thành hai chiều hướng: quan niệm hôn nhân vị luyến ái và quan niệm hôn nhân vị mưu sinh.

1) Quan niệm hôn nhân vị luyến ái cho đời sống hôn nhân là cái gì cao đẹp về tinh thần, cái gì hoà hợp của tình cảm giữa trai gái. Đôi vợ chồng không thể sống chung nhau trong dị biệt về tư tưởng, về mỹ quan, v.v... Do đó, họ chủ trương vợ chồng phải xứng lứa vừa đôi:

Màn hoa lại trải chiếu hoa,
Bát ngọc đũa ngà thì phải mâm son.​
Những người chủ trương cho luyến ái là thiết yếu đối với hôn nhân, họ chối bỏ mọi ràng buộc về sinh sống trong quan niệm hôn nhân. Nguồn hạnh phúc gia đình đối với họ không phải ở chỗ giàu sang, mà ở chỗ đẹp duyên. Đẹp duyên ở đây có nghĩa là xứng vợ xứng chồng, hoà hợp tình cảm.

Phải duyên, thì bám như keo,
Trái duyên, trái kiếp như kèo đục vênh.​
Họ bảo: “Nhân nghĩa khó kiếm, tiền bạc dễ tìm”. Sự hoà hợp tình cảm lứa đôi sẽ là năng lực tạo nên sự nghiệp vật chất:

Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.​

Bởi vậy nghèo khổ đối với họ không quan trọng bằng chênh lệch lứa đôi. Một cô thôn nữ khi đã có quan niệm hôn nhân vị luyến ái tất nhiên sẽ xem nhẹ tiền của, địa vị, mặc dù cô ta đang sống trong khổ cực:

Số em giàu lấy khó cũng giàu,
Số em nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo.
Phải duyên phải kiếp thì theo,
Thân em có quản khó nghèo làm chi.
Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì,
Giàu ăn khó chịu lo gì mà lo.​
Với quan niệm ấy, họ chọn vợ kén chồng không căn cứ vào địa vị xã hội, không cần đặt vấn đề con dòng cháu giống. Họ chủ trương:

Trai khôn tìm vợ chợ đông,
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.​
Nguồn giao cảm giữa cá nhân quyết định tất cả. Chẳng những họ chú trọng phương diện cân xứng về tinh thần, mà còn chú trọng về mặt thăng bằng thể chất nữa.

Về tinh thần, họ nhằm trọng tâm chỗ khôn dại, như:

Vợ khôn lấy thằng chồng dại,
Tỷ như hoa lài cắm bãi cứt trâu.
Tiếc thay con người da trắng tóc dài,
Bác mẹ gả bán cho người đần ngu.
Rồng vàng tắm vũng ao tù,
Người khôn ở với đứa ngu bực mình.​
Sự chênh lệch về tinh thần đối với vợ chồng xưa cũng như nay, chúng ta thấy quả là một trở ngại lớn lao trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Những cảm nghĩ của người xưa không phải tự nhiên mà có, chính họ đã đạt được một phần kinh nghiệm do tiền nhân để lại và một phần do nhận định trong tâm tư họ.

Dưới đây là điển hình một tan vỡ tâm hồn khi bị đun đẩy đến hoàn cảnh trái ngược quan điểm hôn nhân. Các nàng cùng nhau trách phận vì đã run rẩy phản đối chế độ khắc nghiệt, nhưng cũng không xong:

Chị em ơi! Người ta thấy chồng thì mừng.
Sao tôi thấy mặt chồng thì nóng như gừng với vôi.
Cũng tại lấy chồng trước chẳng kén đôi,
Từ ngày tôi lấy nó chẳng nguôi trong lòng.
Ba bốn lần tôi trả cũng chưa xong.​
Tình yêu không đến với con người bằng ý nghĩ, bằng lý luận, mà phải bằng giao cảm. Từ cảm giác đi vào ý thức; nếu sự giao cảm không đạt thì chẳng bao giờ có tình yêu. Giao cảm lại đòi hỏi mực cung cầu tương ứng, vì vậy hạnh phúc vợ chồng phải xây trên sự khắn khít của giao cảm. Chính vì vậy mà người xưa bực mình, thốt ra câu tục ngữ như:

Ông nói gà, bà nói vịt.​
Hoặc câu ca dao như:

Lọng vàng che nải chuối xanh,
Tiếc con chim phượng đậu cành cây khô.​
Về thể chất, họ chủ trương đáp ứng tương xứng tính chất thụ hưởng để đem lại công bằng, không bên nào bị thiệt thòi. Chồng đẹp lấy vợ đẹp, chồng xấu lấy vợ xấu, đó là trạng thái công bằng. Có công bằng thể chất thi tinh thần mới bình đẳng giữa vợ chồng được. Khi quan niệm ấy lệch lạc, họ liền có ngay ý thức phê bình như sau:

Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,
Răng đen rưng rức chồng con kém người.
Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi!
Tiên ở với cú, người cười với ma!
Con công ăn lẫn với gà,
Rồng kia rắn nọ coi đà sao nên!​
Nếu Nho giáo chủ trương kén vợ kén chồng dựa trên môn đăng hộ đối, xem đó là một vinh dự của hai bên về dòng giống, thì ở đây quan niệm hôn nhân vị luyến ái lại xem sắc đẹp trai gái là một tài sản, một vinh dự trời ban, nếu có sự chênh lệch về sắc đẹp giữa vợ chồng thì là một sỉ nhục, phạm đến vinh dự của con người:

Tiếc thay cái tấm lụa đào,
Áo rách không vá, vá vào áo tơi.
Trời kia có thấu chăng trời!
Lụa đào mà vá áo tơi sao đành!​
Đã chê trách nhưng đôi vợ chồng không xứng lứa, họ còn lớn tiếng phản đối những anh chồng xấu có tham vọng lấy vợ đẹp, hoặc những cô gái xấu kén chồng đẹp:

Gió đưa lúc lắc cột chòi.
Đồ đen như mọi mà đòi vợ xinh!​
Hoặc:

Cóc mà mang guốc ai ưa,
Đỉa đeo chân hạc sao vừa mà mong!​
2) Trái lại với quan niệm hôn nhân vị luyến ái, quan niệm hôn nhân vị mưu sinh cho rằng hạnh phúc vợ chồng tồn tại trên cơ sở sự nghiệp mới là yếu tố căn bản đem lại cho vợ chồng một nguồn sống êm vui. Bởi vì hôn nhân là khởi điểm của gia đình, mà khi nói đến gia đình tức là nói đến sự sinh sống hàng ngày có liên hệ đến mọi sinh hoạt xã hội, nói đến cuộc tranh đua vật lộn với đời.

Con người sở dĩ phải tạo lập gia đình, phải cấu kết thành họ hàng là để chung sức nhau chống lại sức mâu thuẫn của loài người trong xã hội.

Bất kỳ với xã hội nào, mỗi con người đều thụ nhận một sức ép, nếu kẻ nào không chống nổi sức ép ấy thì cũng không thể nào tìm thấy cái tươi đẹp trong cuộc sống cá nhân nữa, bởi vì cá nhân không thể tách rời cuộc sống xã hội.

Mặc khác, so với đời người thì nhan sắc chỉ là cái gì tạm bợ, không tồn tại với thời gian, dù chỉ là thời gian của đời người. Nếu xây dựng hôn nhân chú trọng trên nhan sắc tức là đã cố nắm phần phụ mà quên mất phần chính của lẽ sống.

Những tâm tư trên đây, chính người xưa đã nói lên qua những câu ca dao, như:

Anh ơi trẻ mãi ru mà,
Càng đo đắn lắm, càng già hết duyên.​
Hoặc:

Trai ba mươi tuổi đang xuân,
Gái ba mươi tuổi như đùm mắm nêm!​
Câu nói trên không phải nhất thiết thốt ra từ cửa miệng đàn ông để đề cao giống phái mình, mà chính người con gái cũng cảm thấy những gì đau khổ khi nhan sắc bị tàn phai, nên họ đã than:

Một mai cúc ngã lan quì,
Bậu lo thân bậu, lo gì thân qua.​
Mùa xuân không dừng lại với loài người! Khi những cánh én kia không còn bay lượn ở lưng trời, những thảm cỏ xanh đổi màu vàng úa, tiếng ve sầu ngâm vang buồn nắng hạ, con người mới cảm thấy những dòng nước trong kia rỉ rả chảy vào lòng đất chính là nguồn an ủi đối với mọi sinh vật trước thiên nhiên.

Vì quan niệm lẽ sống ảnh hưởng vào đời người như vậy, nên người xưa cũng đã mạnh dạn chủ trương hôn nhân vị mưu sinh.

Quan niệm này không lựa vợ kén chồng trên yếu tố xứng dối vừa lứa, mà chú trọng vào địa vị, thế lực, vào sức sống vật chất mạnh mẽ của người con trai, con gái hiện có.

Họ cho rằng:

Chồng sang vợ được đi giày,
Vợ sang chồng được ghé ngày cậy trông.​
Khi đã chủ trương hôn nhân trên quan niệm mưu sinh rồi, tất nhiên họ khai thác về khả năng tài sản địa vị:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công tô điểm má hồng răng đen.
Không tham ruộng cả ao liền.
Thèm vì cái bút, cái nghiên anh đồ.​
Anh đồ ngày xưa là tượng trưng cho ngựa xe, võng lọng, tượng trưng cho địa vị quan liêu. Ngày nay tuy anh chỉ là chàng hàn nho, nhưng ngày mai tên chiếm bảng vàng thì trước voi anh, sau võng nàng, cuộc đời phong lưu phú quý như mở một đường hoa. Cái ngày rực rỡ ấy không làm sao cho khỏi bao nàng gắm ghé:

Đi đâu chẳng lấy học trò,
Thấy người ta đỗ thập thò mà nom.​
Hình ảnh tương lai huy hoàng ấy, nhiều khi đã len lỏi vào tâm tư khiến họ mơ màng:

Đêm nằm nghĩ lại mà coi,
Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng.​
Cùng với quan niệm ấy, họ còn đặc biệt lưu tâm đến nòi giống, vì nòi giống tượng trưng cho giai cấp xã hội, mà thời xưa, giai cấp xã hội rất quan trọng trong guồng máy sinh hoạt, biết vậy, sự quyết định của họ như cầm chắc:

Mua thịt thì chọn miếng mông,
Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi.​
Tuy tự quyết định ấy, đôi khi thực tế cũng phản lại ý thức của họ, nhưng họ vẫn bám lấy niềm an ủi:

Mạch trong nước chảy ra trong,
Thế nào đi nữa con dòng cũng hơn.​
Với quan niệm vị mưu sinh, vì tôn trọng sự sang giàu và địa vị xã hội, dần dần hôn nhân lệ thuộc vào quyền lực vật chất, hơn nữa nằm trong chế độ phụ hệ, người đàn bà trở thành kẻ ỷ lại, sống bám vào đàn ông! Ý thức ấy phát hiện trong một tinh thần liêu linh:

Lấy chồng ăn của nhà chồng,
Ăn hết con mắt, khoét lòng con ngươi.​
Hoặc:

Hẩm duyên lấy phải chồng đần,
Có trăm mẫu ruộng bán dần mà ăn.​
Cùng từ quan niệm hôn nhân trong mưu sinh, họ dần dần dẫn đến phong tục thách nhau về hôn lễ. Chính sự thách đố là hình chức phô trương sự giàu sang, địa vị của mình; hơn nữa, là cây thước để do lường khả năng của đối tượng hôn phối. Bản chất thuần tuý của hôn nhân vị nhân sinh bị khai thác quá đáng đã khiến trong văn chương bình dân Việt Nam, ngoài những câu phong dao biểu lộ phong tục cưới gả, chúng ta còn thấy những bài hát có tính chất hài hước trong việc thách cưới sau đây:

Em là con gái nhà giàu.
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao.
Cưới em trăm tấm lụa đào.
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ngôi sao trên trời.
Tráp tròn, vấn đủ trăm đôi.
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng.
Sắm xe tứ mã đem sang,
Để quan viên với họ hàng đưa dâu.
Ba trăm nón Nghệ đội đầu,
Mỗi người một cái quạt Tàu cầm xinh.
Anh về sắm nhiễu Nghi Đình,
May chăn cho rộng, đôi mình đắp chung.
Cưới em chín chĩnh mật ong,
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.
Cưới em tám vạn trâu bò,
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,
Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên lôi,
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi.
Xin chàng chín chục con dơi goá chồng.
Thách thế mới thoả trong lòng,
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân.
Hôn lễ từ giản dị đến phức tạp, gây thành một lề thói để khoe khoang, họ lấy sự khoe khoang ấy làm bình diện. Cho đến một ngày nào đó, phong tục dựng vợ gả chồng nếu không có mâm cao cỗ đầy, không có giàu dòng cả họ thì đôi trai gái tự cho mình là duyên phận hẩm hiu.

Chúng ta không lạ lùng gì khi một cô gái sắp bước chân lên ngưỡng cửa đời, nuôi trong lòng một ước vọng:

Ước gì cho Bắc họp Đông,
Cho chim loan phượng ngô đồng sánh đôi.
Ước gì cho quế sánh hồi,
Ước gì ta sánh được người văn nhân.
Ước gì ta được quần thâm,
Thì ta làm cỗ mười mâm bánh dầy.
Bánh chưng có lẫn bánh dầy,
Giò hoa chả lụa ta bày lên trên.
Quang song tám giẻ cho bền,
Mượn người cho khoẻ gánh lên họ hàng.​
Ta thấy, phong tục, lễ nghi ban đầu chỉ có mục đích khoe khoang, dần dần ảnh hưởng vào tâm tư con người biến thành một sức mạnh cổ động cho quan niệm hôn nhân vị mưu sinh.

Sắc đẹp là một liều thuốc mê, xưa nay có thể làm say đắm những khách đa tình, đến nỗi người ta phải than:

Má hồng không thuốc mà say,
Nước kia muốn đổ, thành này muốn nghiêng.​
Thế mà, với người xưa, khi quan niệm hôn nhân vị mưu sinh đã chi phối đời sống xã hội con người, ăn sâu vào lề thói, thì sắc đẹp giảm mất hiệu lực. Đứng trước nữ sắc, người con trai không chỉ nghĩ đến sự quyến rủ của cơ hình mà trong thâm tâm mãi bận rộn đến mưu sinh:

Giếng trong mà nước hôi phèn,
Tuy rằng em đẹp nhưng hèn mẹ cha!​
Ôi! Người con gái hẩm hiu kia! Sắc đẹp không còn là yếu tố duy nhất để quyết định đời mình trước một kẻ không quan niệm hôn nhân vị luyến ái! Sắc đẹp đối với họ không phải là một linh tượng để tôn thờ. Nếu vì một tham vọng nhất thời nào đó đối với sắc đẹp thì kẻ ấy cũng chỉ xem như luồng gió thoảng trước một chiều hè khi mồ hôi đang nhuễ nhoại, chống cuốc ngồi nghỉ bên ven đồi. Thích thú đấy! Nhưng gió mát không đem đến cho họ một cảm khoái thiết thực bằng niêu cơm tấm, bát canh rau đang chờ họ lúc đói lòng.

Cho nên, sắc đẹp để bị họ phũ phàng:

Còn duyên anh cưới ba heo,
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi!​
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng tưởng quan niệm hôn nhân vị mưu sinh chỉ làm mất ảnh hưởng giá trị của sắc đẹp mà thôi. Thực ra nó còn ảnh hưởng đến nhiều phương diện khác nữa, khi giá trị con người, giá trị đời sống lệ thuộc vào tiền bạc, danh vọng.

Một gã nông phu nghèo, khi muốn lấy vợ giàu sang ít ra cũng phải tỏ cho mọi người thấy mình có tài tháo vát, đủ sức gây nên một sự nghiệp để các cô thôn nữ nhìn vào đó, đặt một hy vọng tương lai trong quan niệm hôn nhân.

Nếu một anh đồ, một hàn sĩ, lấy bút nghiên làm mối danh vọng mà được khách má hồng để ý, thì chính những anh chàng phu nghèo khổ kia cũng biết lợi dụng tài năng mình, cái tài cày sâu cuốc bẫm, cái tài chịu đựng gian khổ để hứa hẹn với khách má hồng một nguồn sống vững chãi ở tương lai.

Trạng thái đấu tranh tâm lý của các nông phu đã làm đảo lộn một số cảm nghĩ của những chị em đồng ruộng sống trong thực tế. Cho nên, chúng ta không lạ gì khi thấy cô nàng cố gò gẫm sắc đẹp bằng cách tô điểm má hồng răng đen để nhởn nhơ với anh hàn sĩ, thì lại cũng có những cô xem nhẹ cái bút cái nghiên anh đồ:

Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.
Mùa đông trời rét căm căm,
Đi cấy được ba mươi sáu đồng kẽm về, nó lại nằm nó xơi!​
Cây bút cái nghiên trước quan niệm mưu sinh cũng không còn là yếu tố độc quyền của tham vọng nữa khi họ nghi ngờ đến sự thành đạt của ông đồ. Sức lao động của các anh nông phu kia tuy không hấp dẫn lắm, nhưng lại đủ sức chi phối quan niệm hôn nhân.

Và, trong cuộc chiến đem mồ hôi chống lại ảnh hưởng của cái nghiên cái bút, sự thực, anh nông phu cũng phải điêu đứng trước tình đời mới đánh đổ nổi giá trị tuyệt đối của cấp “sĩ”.

Cảnh điêu đứng ấy diễn biến trong những gia đình giàu có, chấp nhận một chàng rể kém thế hơn. Sự kém cỏi ấy được bù đắp bằng chỗ chàng rể phải bỏ hết sức mình phụng sự cho nhà vợ.

Đem giá trị lao động đấu tranh với giá trị giai cấp, người lao động lần lần rơi vào ý thức lợi dụng trong quan niệm hôn nhân.

Đây, những hình ảnh trong ý thức ấy đã lưu lại:

Có con mà gả chồng gần,
Nửa đêm đốt đuốc mang phần cho cha.
Có con mà gả chồng xa,
Ba sào ruộng tréo chẳng ma nào cày.​
Thực ra, người nông dân không phải không biết cực nhọc trước những công việc vất vả về lao động, song quan niệm hôn nhân vị mưu sinh đã chi phối họ, lôi họ vào ý thức chung của tổ chức xã hội, buộc họ phải gánh chịu hậu quả tai hại của quan niệm ấy.

Đây, ta hãy nghe lời than thở của cô thôn nữ trước nổi khổ cực của người chồng nông phu khi phải đem sức lao động đấu tranh với đời:

Trời mưa cho ướt lá khoai,
Công anh làm rể đã hai năm ròng.
Nhà em lắm ruộng ngoài đồng,
Bắt anh tát nước cực lòng anh thay!
Tháng chín mưa bụi gió bay,
Cất lấy gào nước chân tay tụng rời.​
Chính sức lao động đã tạo ra cơm áo, nhưng trên trường tranh đấu, người lao động muốn tỏ ra cho xã hội thấy giá trị của họ cũng không phải dễ!

Quan niệm hôn nhân vị mưu sinh đối với người con trai đã vậy, thì đối với người con gái cũng không thể thoát ra ngoài ảnh hưởng quyền lực kinh tế.

Trước hết chúng ta thấy căn bản quan niệm mưu sinh là tước bỏ yếu tố luyến ái. Khi yếu tố luyến ái đã bị xem nhẹ, tự nhiên quyền lựa chọn của người con gái không còn được tồn tại nữa, mà tập trung vào sự định đoạt của mẹ cha. Bởi vì cha mẹ mới chính là người đủ kinh nghiệm trong tầm ảnh hưởng của mưu sinh.

Cho nên, quan niệm hôn nhân vị mưu sinh chính là nguồn gốc dẫn đến việc tước đoạt quyền lựa chọn của con gái.

Và, đạo làm cha mẹ, đối với người nghìn xưa cũng vậy, không ai không thương con, sở dĩ họ giành lấy quyền định đoạt là mong bảo vệ con cái trong cuộc sống, còn đối với người con, khi trao quyền định đoạt cho cha mẹ, thì đó là một điều hiếu đạo. Họ lý luận:

Phụ mẫu sở sinh, để cho phụ mẫu định.
Em đâu dám tư tình cãi lịnh mẹ cha.​
Hoặc:

Phụ mẫu sở sinh, để cho cha mẹ định,
Trong việc vợ chồng, chờ lịnh mẹ cha.​
Quyền định đoạt của cha mẹ dần dần trở thành tập quán, một tối hậu quyết định. Người con hoàn toàn bị thụ động lúc trưởng thành; khi muốn giao tình với nhau, họ vẫn nơm nớp lo sợ cái uy quyền tuyệt đối ấy:

Gặp mặt em đây, anh chẳng dám chào,
Sợ cha mẹ hỏi thằng nào biết con?
Đôi ta như đũa nòng nòng,
Đẹp duyên mà chẳng đẹp lòng mẹ cha.
Thấy em anh cũng muốn thương,
Sợ lòng cho mẹ không tường lòng anh.
Đôi ta làm hạn thong dong,
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.
Bởi chưng thầy mẹ nói ngang,
Nên đôi đũa ngọc mâm vàng cách xa.​
Tuy nhiên, nền phong tục lễ giáo ràng buộc con người vào chỗ phục tùng thì tư tưởng cá biệt lại phản động lực luôn luôn chống lại những gì tước đoạt, đè nén nên ý thức tự do của họ.

Cho nên, cùng một lúc với quan niệm hiếu đạo và bổn phận làm con, chúng ta lại thấy xuất hiện những tâm tư đau khổ trong hôn nhân khi bị áp chế:

Ăn chanh ngồi gốc cây chanh,
Cha mẹ ép gả cho anh học trò.
Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ ham giàu, ép uổng duyên con.
Ăn sung ngồi gốc cây sung,
Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm.​
Tiếng nói của họ chính là tiếng rên rỉ, kêu than dưới quyền lực của mẹ cha, đồng thời cũng là sức chống đối giữa hai quan niệm hôn nhân vị mưu sinh và hôn nhân vị luyến ái.

Thực ra, đó cũng chỉ là sự lầm lạc trong tư tưởng con người, mà sự lầm lạc ấy không thể đổ tội cho ai cả, nếu chúng ta hình dung xã hội loài người là một trạng thái chứa đầy mâu thuẫn, trong đó có cả vật chất lẫn tinh thần, có cả tâm tư lẫn tình cảm.

Trên phương diện hôn nhân xưa nay có ai muốn cho tình duyên gái trai trắc trở đâu, dù với quan niệm nào, nhưng chúng ta lại luôn luôn chứng kiến nhiều cảnh tủi hờn ngang trái:

Lảy chồng từ thuở mười lăm,
Chồng chê tôi nhỏ chẳng nằm cùng tôi.
Đến năm mười tám đôi mươi,
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường.
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân giường gãy một còn ba.
Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.​
Tại cha mẹ ư? Thì dĩ nhiên do sự ép uổng của cha mẹ rồi! Tâm trạng đó đã phản ảnh qua những câu ca dao, như:

Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Tôi đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ ham, mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ kẻ thấp người cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.​
Nhưng đổ tội cho cha mẹ ham lễ vật mà ép duyên con thì thật cô gái thời xưa chưa quan niệm được tâm tư của kẻ làm cha mẹ! Trong xã hội loài người không có bậc cha mẹ nào không thương con. Tình thương con là tình thiêng liêng như mặt trời phải có sức nóng. Sở dĩ có sự ép uổng của cha mẹ, hoặc sự phản đối của con cái chỉ vì bất đồng trong quan niệm hôn nhân mà thôi. Chính xã hội thời xưa đã phản ảnh lại những hoàn cảnh con gái nhờ vào hôn nhân mà thay đổi địa vị xã hội:

Cô ấy mà lấy anh này,
Chẳng phải đi cấy đi cày nữa đâu.
Ngồi trong cửa sổ têm trầu,
Có hai con bé đứng hầu hai bên.​
Chúng ta thử tưởng tượng một cô thôn nữ, tay lấm chân bùn, dầm sương dãi gió suốt tháng năm, trong phút chốc nhờ vào hôn nhân mà chễm chệ trong cửa các lầu son thì lòng cha mẹ ai khỏi ước ao.

Mặt khác, quan niệm hôn nhân vị luyến ái cùng có lúc làm cho họ khổ cực, chán nản, tự cho mình đi lầm lạc, không thể nào sống bằng một lúp lều tranh với hai trái tim vàng má có được hạnh phúc. Họ không thể sống với ái tình bằng một thể tích không khí nhỏ hẹp, bằng một vò nước lã. Họ không thể thoát ra ngoài cái ăn, cái mặc; nói chung, cơ thể họ luôn luôn đòi một sự cung ứng vật chất cho bản năng sinh tồn.

Dưới đây là điển hình một linh hồn đã sa vào trạng huống buồn đau:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước sang vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay,
Thoạt vào anh nắm cổ tay,
Xưa kia em trắng, sao rày em đen?
Hay là lấy phải chồng hèn?
Cơm hẩm, canh mặn nó đen mất người?
- Ba mươi đồng một xấp trầu cay.
Sao anh không nói từ ngày còn không!
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu!
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra!​
Trái lại, nếu chú trọng vào quan niệm hôn nhân vị mưu sinh thì chính họ cũng vấp phải cảnh não lòng trong tình ái:

Em tham giàu em lấy thằng bé tỉ ti,
Làng trên xã dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé giày vò,
Mùa đông tháng giá mó nằm co trong lòng.
Cùng đã mang là gái có chồng,
Chín đêm trực tiết nằm không cả mười!
Nói ra sợ chị em cười,
Má hồng bỏ quá một thời xuân xanh.
Em cũng liều mình vì thằng bé trẻ ranh,
Đêm nằm sờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn.
Buồn tình em bế thằng bé nó lên.
Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì!
Nó ngủ nó ngáy khì khì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
Chi em ơi! Hoa nở mấy lần!​
Thật là một thảm trạng, mà thảm trạng ấy do xã hội loài người, do sự mâu thuẫn tất yếu của lẽ sống! Hỡi loài người! Có bao giờ con người được sống toại nguyện để cho những tiếng rên than tức tửi ấy không còn nữa chăng?

Cha chài mẹ lưới con câu,
Thằng rể đi xúc, con dâu đi mò.
Chưa hết, quan niệm hôn nhân vị mưu sinh còn dẫn đến chế độ đa thê mà cho đến nay vẫn còn lưu lại dấu vết trong lịch sử, mặc dù giới quần thoa vẫn luôn luôn chống đối:

Đói no một vợ một chồng,
Một niêu cơm tấm đầu lòng ăn chơi.​
Hoặc:

Đói lòng ăn nắm lá sung,
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.​
Mặc dù bị chống đối, sức mạnh của cơm áo không vì sự chống đối của nữ giới mà mất hiệu lực, cảnh chồng chung vợ chạ đã gieo vào lịch sử hôn nhân của dân tộc nhiều nỗi đắng cay:

Lấy chồng làm lẽ khó thay.
Đi cấy đi cày chị chẳng kể công.
Đến tối chị giữ lấy chồng,
Chị cho mang chiếu nằm không nhà ngoài.
Đêm đêm gọi những bớ Hai!
Chờ dậy nấu cám, thái khoai, băm bèo!​
Nếu chế độ đa thê của vua chúa đã đem lại bất công, tủi nhục cho đời cung phi, đến nỗi trong “Tần cung oán” một nàng phi Tần đã rên la, nức nở, thì trong chế độ đa thê của lớp người bình dân cũng để lại trong dân gian những tâm tư đau khổ của kẻ lấy chồng chung:

Thân em làm lẽ chẳng hề,
Có như chánh thất nằm lê giữa giường.
Tới tối chị giữ mất buồng,
Cho em mang chiếu nằm suông chuồng bò.
Mong chồng, chồng chẳng xuống cho,
Đến khi chồng xuống, gà ó o gáy dồn,
Mẹ cha con gà, sao mày vội gáy dồn.
Mày làm tao mất vía kinh hồn vì nỗi chồng con!​
Nếu cảnh bất công ấy trong cung điện nhà vua thì nàng cung phi phải giận hờn trong ray rứt:

Dang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!
(Cung oán ngâm khúc)​
Nhưng ở nơi thôn quê đồng nội, sự giận hờn ấy lại trở thành lời xỉ mạ, châm biếm kẻ chuộng đa thê:

Ba vợ bảy nàng hầu,
Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.​
Hoặc:

Một vợ nằm giường lèo,
Hai vợ nằm chèo queo,
Ba vợ nằm chuồng heo!​
Sự châm biếm ấy chính là tâm tư phẫn nộ của người đàn bà đối với những ông chồng bình dân, không có quyền lực như một ông vua.

3) Tóm lại, từ ngàn xưa, quan niệm hôn nhân nước ta vẫn diễn biến theo hai dòng lịch sử của tâm tư chống đối nhau. Sự chống đối khi mãnh liệt mà chúng ta còn tìm thấy tính chất tích cực phản ảnh trong ca dao, tục ngữ rất nhiều.

Ở đây, chúng tôi xin được dẫn một số ít để chứng minh điều đó.

Trước hết, những người có quan niệm hôn nhân vị luyến ái xem những cặp vợ chồng không xứng đôi như những cây đinh đồng trước mắt, họ lớn tiếng châm biếm:

Chồng lớn vợ bé thì xinh,
Vợ lớn chồng bé ra tình chị em.​
Hoặc:

Chồng thấp mà lấy vợ cao,
Qua sông nước lớn, công tao bớ mầy!​
Thật mỉa mai! Tuy nhiên, phái hôn nhân vị mưu sinh cũng chẳng vừa, họ tìm cách chống chế:

Chồng già vợ trẻ là duyên,
Vợ già chồng trẻ là tiên ba đời.​
Hay:

Có phúc lấy được vợ già,
Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh.
Vô phúc lấy phải trẻ ranh,
Nó ăn nó phá tan tành nó đi!
Chúng ta thấy rõ ràng là một tương phản vì quan niệm luyến ái. Trong xã hội bình dân trải mấy nghìn năm, hình ảnh hôn nhân đã diễn tả đủ màu sắc. Trong lúc làm lụng gần gũi nhau nơi thửa ruộng nương dâu, nơi mặt đê thềm giếng, nếu sự gần gũi ấy là cơ hội để thổ lộ tâm tình luyến ái thì cơ hội ấy cũng xảy ra những quan niệm chống đối về hôn nhân. Sự tương phản ấy đã chạm nhau chan chát. Nếu bên nào không chống chế nổi, tất nhiên bị nhục suốt đời. Bởi vậy, dù muốn dù không họ vẫn phải bảo vệ lấy hoàn cảnh mình.

Một cô gái, lấy anh chồng lớn tuổi, tức thì bên tai cô ta đã nghe ngay một lời châm chọc:

Vô phúc múc phải anh chồng già,
Ra đường người hỏi rằng: cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng,
Ấy cái nợ truyền kiếp, có phải chồng em đâu!​
Dù là một cô gái quê mùa, buộc lòng cô ta cũng phải đứng vào quan niệm vị mưu sinh chống đỡ:

Áo dài chẳng nệ quần thưa,
Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm!​
Chẳng những châm biếm các cô gái lấy chồng già, các chàng trai lấy bà già, họ còn chế diễu nhau sâu đậm hơn nữa đối với những chàng trai tơ lấy gái goá:

Trai tơ ai hỡi trai tơ,
Ai đâu mà vội mà vơ nạ dòng?
Nạ dòng lấy được trai tơ,
Đêm nằm hí hửng như vơ được vàng!
Trai tơ vớ phải nạ dòng?
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu!​
Tuy lời nói mộc mạc nhưng rất đau độc, khiến những chàng trai trong phái mưu sinh phải tìm cách trả đũa. Sự trả đũa của họ nhằm vào quan niệm xứng đôi của phái vị luyến ái châm biếm:

Chồng hen mà lấy vợ hen,
Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi.
Chồng còng lấy vợ cũng còng,
Nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa.
Chồng què lấy vợ xà lai,
Mướn được đứa ở lại sai bánh chè!​
Họ bảo phải chủ trương vị luyến ái biết xứng đôi chưa phải là đẹp, đôi khi chỉ là trò cười trong thế gian. Thực ra, họ tìm được ý tưởng như vậy để châm chọc cũng khá công phu và cay nghiệt. Nhưng sự chống đối chẳng ai chịu thua ai. Phái luyến ái lại bới móc tính chất tham tiền của các cô gái quê mà đùa bỡn:

Lấy chồng chẳng lấy một chồng,
Lấy anh hàng thịt ăn lòng sớm mai.
Lấy ai thì chẳng một chồng,
Lấy anh câu ếch nằm song xí xoài!
Lòng ta muốn lấy thợ kèn,
Đám sang thì bánh, đám hèn thì xôi.
Lòng ta muốn lấy thợ sơn,
Một mình một cỗ lại hơn thợ kèn.​
Họ cũng dí dỏm và hiểu tâm lý nhau lắm! Đã khỏi bị thua thiệt, phải vị mưu sinh tìm thấy trong bản chất phái vị luyến ái hay kén chọn, nên trễ duyên, họ châm biếm:

Ai ơi trẻ mãi ru già,
Càng đo đắn lắm càng già hết duyên!​
Hoặc:

Cô kia má đỏ hồng hồng,
Cô không lấy chồng còn kén đợi ai?
Buồng không lần lữa hôm mai,
Đầu xanh mấy lúc da mồi tóc sương!​
Hay:

Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng,
Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư.
Con trai chưa vợ đã xong,
Con gái không chồng buồn lắm em ơi!​
Lại nữa:

Đi đâu mà chẳng lấy chồng,
Người ta lấy hết chổng mông mà gào.
Gào rằng: Đất hỡi trời ơi!
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?
Ông Trời ngoái cổ xuống trông:
- Mày hay kén chọn, ông không cho mày!​
Phái vị luyến ái đáp lại:

Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng nhắng vỗ về quanh năm.
Phái vị mưu sinh châm biếm:
Còn duyên kén những trai tơ,
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.​
Phái vị luyến ái trả đũa:

Chồng em vừa xấu vừa đen,
Vừa kém nhan sắc vừa hèn chân đi.
Chồng em rổ sứt rổ sì,
Chân đi chữ bát, mặt thì ngửng thiên.​
Phái vị mưu sinh đáp:

Củi mục dễ nấu,
Chồng xấu dễ sai.​
Những ý tưởng chống đối trên đây tuy hài hước, song phân tích tỉ mỉ tính chất căn bản chỉ đó là sự phân hoá trong quan niệm hôn nhân. Sự phân hoá ấy chia thành hai dòng tư tưởng rõ rệt. Đối tượng của phải vị luyến ái là đả phá giai cấp quí tộc trong xã hội, đồng thời chống lại áp lực của ngoại bang dùng thế lực, tiền bạc, lung lạc tính chất luyến ái của dân tộc.

Sự chống đối ấy đã biểu hiện những nét căn bản qua những da ca dao sau đây.

Chống đối giai cấp quí tộc họ nhắm vào đả phá chế độ đa thê và phong tục thách cưới. Họ ca tụng sự luyến ái chung thuỷ trong cảnh thanh bần:

Đôi ta như lúa phơi màu,
Đẹp duyên thì lấy, ham giàu làm chi.​
Hoặc:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh cho bằng gái Tân Châu.
Anh thương em chẳng nại sang giàu,
Mứt hồng một lượng, trà Tàu một cân!​
Chống đối thế lực, ảnh hưởng của ngoại bang chi phối hôn nhân, họ nhằm vào đả phá uy thế Nho học bằng cách khinh miệt học trò, tức là các ông đồ Nho xưa:

Ai ơi chớ lấy học trò,
Cái lưng thước mốt, cái giò thước hai!​
Hoặc:

Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm!​
Họ còn chống đồi trực tiếp người Tàu đô bộ cách bêu xấu những cô gái ham tiền lấy khách:

Thà rằng ăn cá diếc chôi,
Còn hơn lấy khách có đuôi trên đầu.
Trèo lên trái núi mà coi,
Kìa kìa Ngô khách mọc đuôi trên đầu.
Em ơi, anh dạy tiếng Tàu.​
Chưa hết, họ còn châm biếm độc hơn nữa trong những câu ca dao như:

“Tiều na má nị” đâm đầu lấy Ngô!
Đêm ba mươi Tết, Tết ba mươi,
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách,
Một tay cầm cái dù rách.
Một tay xách cái chăn bông,
Em đứng trên bờ sông,
Em trông sang xứ người
Hỡi chú chệch ơi là chú chệch ơi!
Một tay em xách quan tiền,
Một tay em cầm thằng bù nhìn
Em ném xuống sông
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
Ai ơi, của nặng hơn người!​
Hoặc:

Tham rằng lấy được thằng Ngô
Đêm nằm hú hí như vồ đập bông!​
Tóm lại, nếu chúng ta đã xác định quan niệm hôn nhân vị luyến ái có tính chất chống đối giai cấp quí tộc và thế lực ngoại bang, thì ngược lại, quan niệm hôn nhân vị mưu sinh tất nhiên mằm vào ảnh hưởng chi phối, của xã hội.

Hai quan niệm ấy là dòng lịch sử tâm tư mà cũng là hai dòng lịch sử chống đối giữa con người và xã hội con người di lưu cho đến ngày nay.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]