Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Lê Đức Thọ
Đăng bởi tôn tiền tử vào 25/02/2024 01:21
Tặng các em liên lạc trên quãng đường Ba Rền Liên U
Anh qua nơi Bình Trị
Nghỉ lại giữa rừng hoang
Gặp em liên lạc dẫn đường,
Cùng anh đôi bạn dặm trường xông pha.
Đêm nay gió táp mưa sa,
Mái lều xơ xác năm ba lá gồi,
Gió lùa chi mấy gió ơi,
Em đi trốn gió lại ngồi bên anh.
Lạnh lùng chiếc áo mong manh.
Tay gầy ghẻ lở, mặt xanh nanh vàng.
Thương em thương quá là thương!
Lân la, em kể đoạn trường anh nghe:
- “Tuổi em mới có mười lăm,
Người làng Cự Nẫm, chắc anh biết rồi.
Mới hôm nào giặc đến nơi,
Cửa nhà giây phút tơi bời ra tro.
Mẹ em thất lạc đường mô,
Ngày nay sống chết đói no thế nào?
(Mắt nhìn trong sâu thẳm,
Lời em nói nghẹn ngào
Cây rừng im tiếng gió
Lòng anh thấy nao nao).
Rồi từ buổi ấy em liên lạc
Khi ở Nhã Nam khi Ngọn Rào
Đường luồn qua rừng rậm
Hiểm trở và gian lao
Vách lèn thăm thẳm đứng
Dốc ngược mấy tầng cao
Vin cây em lần bước
Có khi ngã lộn nhào
Mắt hoa, đầu gối mỏi
Xuống dốc, người như lao
Gió lạnh mồ hôi đẫm
Hơi thở bật từng hồi
Lâu ngày quen anh ạ!
Cực khổ mà em vui
Khi màn sương chiếu đất
Lúc gió lạnh mưa rơi
Muỗi, sên đầy lối cỏ
Hút bao dòng máu tươi
Hình đáng em, anh rõ
Sốt rét mấy lần rồi
Em chữa toàn thuốc lá
Bệnh chẳng lúc nào ngơi.
Khi công văn thượng khẩn
Ngày đêm mang đến nơi
Mặc cọp gầm vượn hú
Bao giờ em thoái lui.
Một hôm qua dốc Lim
Địch phục kích ngang đồi
Đạn bắn ra ghê quá
Giấu tập thư trong người
Em lăn vào bụi rậm.
(Môi em thoáng nụ cười
- Em anh gan dạ lắm!
Yêu em chẳng nỡ rời).
Khi mưa tuôn thác đổ
Tiếp tế nghẽn đường rồi
Em ngồi nhìn mưa gió
Ăn củ chuối cầm hơi
Đã có anh vượt suối
Dòng nước lũ cuốn trôi
(Thù này bao thuở mới nguôi,
Cây rừng đẫm lệ thương người tuổi xanh)
Kháng chiến đầy gian khổ
Có phải thế không anh?
Em vẫn lòng tin tưởng
Bác Hồ và các Anh”.
Nhìn em đôi mắt long lanh,
Căm hờn đã bén tuổi xanh những ngày.
Em ngồi gần nữa lại đây,
Cho bừng lửa hận, cho say đôi lòng,
Lửa đêm mấy ngọn chập chùng,
Trong khuya vẳng tiếng chim rừng kêu sương
Ngày mai trên quãng đường trường,
Có em bé lại dẫn đường bên anh.
Miệng cười chân bước nhanh nhanh.
Như con chim nhỏ trên nhành vui tươi.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 24/02/2024 08:44
Bài thơ Em liên lạc của tác giả Lê Đức Thọ đã góp phần làm phong phú nền thơ ca hiện đại Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và đoạn trích của bài thơ đưa vào chương trình giảng dạy ở trường THCS một thời gian dài và kỷ niệm ngày lên lớp giảng dạy đoạn thơ ấy của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Hữu Phi đã trở thành những trầm tích...
Cự Nẫm thuộc huyện Bố Trạch không những là “làng chiến đấu kiểu mẫu” của tỉnh Quảng Bình mà còn là của toàn quốc trong kháng chiến chống Pháp, vì quân dân biết tự rào làng chiến đấu, chống địch càn quét, bảo vệ cuộc sống của mình vô cùng oanh liệt.
Cự Nẫm trong chiến tranh chống Mỹ là cửa ngõ của chiến trường. Đây là nơi các đoàn quân trước khi vào Nam đều dừng lại để củng cố, trang bị thêm lực lượng, đạn dược, vũ khí. Người dân chịu nhiều đau thương do bom đạn Mỹ giội xuống, nhưng cũng tận tâm làm tròn nghĩa vụ của một hậu phương “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”. Bởi vậy, Cự Nẫm đã hai lần được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ của nhiều tác giả nhiều thời kỳ.
Tháng 3-1948, sau nhiều trận thua đau, thực dân Pháp đã liều lĩnh mở một cuộc càn quét lớn, có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ nhằm chiếm lại những vị trí quan trọng của nhiều tuyến đường chiến lược đi qua miền trung du rộng lớn phía Tây Bố Trạch - Quảng Bình.
Sau 3 ngày đêm quyết tử, nhằm bảo vệ sinh lực cách mạng, được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Quảng Bình, các đơn vị dân quân xã Cự Nẫm liền rút lui về các địa phương chung quanh, còn một số ở lại trong làng, bí mật chiến đấu. Chú bé Nguyễn Xuân Cang mới 15 tuổi, liên lạc viên của đại đội dân quân Cự Nẫm được điều lên làm liên lạc ở tuyến giao liên đường rừng của chiến khu U Bò - Ba Rền phía Tây Bố Trạch.
Nơi đây, có điểm cao nhất là 530m so với mặt nước biển, là điểm dừng chân, nghỉ ngơi của các đoàn dân công, bộ đội, cán bộ vào Nam hay ra Bắc để tránh các lực lượng bố phòng của Pháp và quân nguỵ ở đồng bằng.
Tháng 11-1948, có đoàn cán bộ Trung ương từ Việt Bắc, trên đường vào Nam công tác đã dừng chân lại đây. Đoàn gồm có 4 người, do đồng chí Lê Đức Thọ (sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng) làm Trưởng đoàn.
Theo kế hoạch, đoàn về làm việc với Tỉnh uỷ Quảng Bình, lúc này đang tá túc trong rừng tại xã Xuân Trạch. Đây là tuyến đường rừng lắm dốc, lắm suối, lại hay bị địch phục kích, vì thế Nguyễn Xuân Cang có nhiệm vụ dẫn đường an toàn cho đoàn cán bộ cao cấp này. Trên đường đi, những tối cùng ngủ lại trong lán, giữa rừng, đồng chí Lê Đức Thọ đã hỏi han quê hương, gia đình, cuộc sống của Nguyễn Xuân Cang. Và những gì nghe và thấy được trên đường, đồng chí Lê Đức Thọ đã viết thành bài thơ Em liên lạc.
Sau 4 ngày ở lại chiến khu U Bò - Ba Rền và căn cứ Tỉnh uỷ Quảng Bình ở xã Xuân Trạch, đoàn công tác của đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục lên đường vào Nam. Khi chia tay cuối dốc U Bò, đồng chí Lê Đức Thọ ôm Nguyễn Xuân Cang vào lòng, thơm lên trán em và tặng em một bộ áo quần cũ, một chiếc bi đông đựng nước.
Canh đã từ chối, nhưng, đồng chí Lê Đức Thọ bắt em phải nhận và bảo: “Em nhờ các chị chữa áo quần nhỏ lại bớt mà mặc, kẻo áo quần của em rách hết cả rồi. Còn cái bi đông nấu nước sôi đổ vào mà uống khi đi công tác. Uống nước khe nhiều là nhiễm bệnh đó!”. Rồi ông móc túi tặng em bài thơ Em liên lạc. Bài thơ được viết trên một tờ giấy bổi. Cang đã cất giữ được trong một thời gian dài, rồi sau đó bị nhàu nát vì mưa gió trong những lần đi công tác. Tuy nhiên, bài thơ đã được Cang học thuộc lòng. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phi - Nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS sau đó là Trường PTTH Cự Nẫm, nhà thơ, hội viên Hội VHNT Quảng Bình, người cùng xóm, được anh Nguyễn Xuân Cang lúc còn sống kể lại rành rọt chuyện mình làm liên lạc và nhận bài thơ của đồng chí Lê Đức Thọ như thế nào, khi đang còn đương chức, rồi ghi lại bài thơ ấy từ anh Nguyễn Xuân Cang và lưu lại cho đến bây giờ.
Người viết bài này đã đối chiếu không sai sót bao nhiêu so với văn bản mà tác giả Lê Đức Thọ cho in trong tuyển tập thơ của ông do NXB Văn học ấn hành năm 1986 (trang 32 - 33), với lời đề tựa: “Tặng các em liên lạc quãng đường Ba Rền - Liên khu bốn”.
Chuyện tác giả, nhân vật trong bài thơ, gia đình và bài thơ đã đi vào kỷ niệm sâu sắc của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Hữu Phi những ngày còn đứng lớp của ông. Ông cho tôi biết, bài thơ của tác giả Lê Đức Thọ viết vào tháng 11/1948 dài 78 câu. Đó là một phóng sự - thơ kể lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả và cậu bé liên lạc Nguyễn Xuân Cang. Sách giáo khoa Ngữ văn Trường THCS trước 1985, Bộ Giáo dục đã trích từ câu 13 đến câu 36 để đưa vào chương trình dạy và học.
Sau đây là toàn đoạn trích đó:
Tuổi em nay mới mười lămÔng Nguyễn Hữu Phi kể lại một kỷ niệm khó quên, khoảng năm 1980, ông đang là giáo viên dạy văn Trường THCS Tây Trạch, huyện Bố Trạch. Hưởng ứng đợt thao giảng lấy thành tích chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) cũng là lúc sắp có tiết giảng văn đoạn trích trên. Giờ giảng đó, có đầy đủ giáo viên giảng dạy cùng bộ môn và lãnh đạo trường, đủ các thành phần đến dự.
Người làng Cự Nẫm chắc anh biết rồi
Mới hôm nào, giặc đến nơi
Cửa nhà giây phút tơi bời ra tro
Mẹ em thất lạc đường mô
Ngày nay sống chết, đói no thế nào?
(Mắt nhìn trong thăm thẳm
Lời em nói nghẹn ngào
Cây rừng im tiếng gió
Lòng anh thấy nao nao)
Rồi từ buổi ấy em liên lạc
Khi ở Nhã Nam, khi Ngọn Rào
Đường luồn qua rừng rậm
Hiểm trở và gian lao
Vách lèn thăm thẳm đứng
Dốc ngước mấy tầm cao
Vịn cây, em lần bước
Có khi ngã lộn nhào
Mắt hoa đầu gối mỏi
Xuống dốc, người như lao
Gió lạnh mồ hôi đẫm
Hơi thở bật từng hồi
“Lâu ngày quen anh ạ!
Cực khổ mà em vui”.