Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Lê Thánh Tông » Thơ chữ Hán » Quỳnh uyển cửu ca thi tập
Đăng bởi Nguyễn Đông Ngạn vào 06/07/2009 06:35, đã sửa 7 lần, lần cuối bởi Nguyễn Đông Ngạn vào 07/05/2010 05:20
高帝英雄蓋世名,
文皇智勇撫盈成。
抑齋心上光奎藻,
武穆胸中列甲兵。
十鄭第兄聯貴顯,
二申父子佩恩榮。
孝孫洪德承丕緒,
八百姬周樂治平。
Cao Đế anh hùng cái thế danh,
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành.
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh.
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển,
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh.
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự,
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình.
Đức Cao Đế là bậc anh hùng, danh trùm thiên hạ,
Đức Văn Hoàng trí dũng, giữ yên nghiệp lớn.
Lòng Ức Trai rạng toả văn chương,
Bụng Vũ Mục chứa đầy binh giáp.
Mười anh em họ Trịnh đều vẻ vang phú quý,
Hai cha con họ Thân nhiều ân sủng vinh hoa.
Cháu hiếu Hồng Đức kế thừa nghiệp lớn,
Vui hưởng trị bình như nhà Chu dài tám trăm năm.
Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 05/07/2009 06:35
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi ngày 17/07/2009 08:58
Cao đế anh hùng dễ mấy ai,
Văn Hoàng trí dũng kế ngôi trời.
Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng,
Binh giáp Lê Khôi bụng chứa đầy.
Mười Trịnh vang lừng nền phú quý,
Hai Thân sáng rạng vẻ cân đai.
Cháu nay Hồng Đức nhờ ơn trước,
Cơ nghiệp Thành Chu vận nước dài.
Gửi bởi Khoi Dinh Bang ngày 17/01/2010 14:53
DỊCH SAI MÀ LẠI HAY ?
Xưa nay không thiếu gì chuyện "dịch sai".Có 2 lý do:một là người dịch không hiểu ý tác giả;hai là vốn chữ nghĩa(că 2 phía ngôn ngữ)không đủ;ba là người dịch kiến thức uyên bác nhưng cố tình dịch sai với một ý đồ riêng(xuyên tạc để phục vụ chủ ý của mình); cũng không ít trường hợp"dịch sai" mà lại thành "hay" rất được phổ biến,để người đời cứ tưởng đó là thật,cứ dùng,không chấp nhận bản "dịch đúng nguyên tác".Xin ví dụ :
Trong bài "Minh Lương"(Vua sáng tôi hiền) của Vua Lê Thánh Tông,các câu 3+4 là:
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
dịch đúng là:
Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng
Binh giáp Lê Khôi bụng chứa đầy
dịch sai là:
Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê
...
Ở đây Lê Thánh Tông chỉ khen ngợi (Nguyễn Trãi) về mặt tài năng,chứ không nói về nhân cách !"khuê tảo"là 1 từ kép đối với "binh giáp" ."khuê" là ngôi sao chủ về văn chương,"tảo" là 1 loại rong rêu có màu sắc đẹp đẽ,nếu chỉ dịch là "sao khuê" tức là bỏ từ "tảo" một cấu thành của từ kép"khuê tảo" làm lạc nghĩa của từ kép này.
Lý do: Vua cháu (Lê Thánh Tông) khi minh oan cho Nguyễn Trãi(sau vụ án Lệ chi viên) cũng chỉ phong tặng cho tước"Tán trù bá"(thua cái tước Quan Phục hầu) thời Vua Ông (Lê thái tổ)là vì:"Trẫm phải có trách nhiệm giữ gìn uy tín của Triều trước(Ông cha).
Với cách dịch(sai cố tình)đã ví sánh Nguyễn Trãi với Sao Khuê chỉ thấy xuất hiện đầu tiên trong sách Nguyễn Trãi(nxb Sử học-1963).Nhờ lời dịch sai đó mà lại đem đến cho Đời một lời bình luận sáng giá,một hình ảnh rạng toả về con người Nguyễn Trãi.có lẽ vì thế mà lời dịch,lời thơ dễ được thiên hạ chấp nhận ?(Lời dịch sai đã đi vào tâm thức của nhân dân).
Gửi bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 14/04/2010 02:20
Cao Đế anh hùng nổi tiếng thay,
Văn Hoàng trí dũng tiếp xưa nay.
Ức Trai khuê tảo văn bừng sáng,
Vũ Mục giáp binh kế chứa đầy.
Họ Trịnh anh em phẩm tước lớn,
Nhà Thân con, bố đặc ân dày.
Cháu nay Hồng Đức gìn ngôi báu,
Đời thịnh Cơ Chu chắp nối dài.
Bác Khoi Dinh Bảng viết:
DỊCH SAI MÀ LẠI HAY ?
Xưa nay không thiếu gì chuyện "dịch sai".Có 2 lý do:một là người dịch không hiểu ý tác giả;hai là vốn chữ nghĩa(că 2 phía ngôn ngữ)không đủ;ba là người dịch kiến thức uyên bác nhưng cố tình dịch sai với một ý đồ riêng(xuyên tạc để phục vụ chủ ý của mình); cũng không ít trường hợp"dịch sai" mà lại thành "hay" rất được phổ biến,để người đời cứ tưởng đó là thật,cứ dùng,không chấp nhận bản "dịch đúng nguyên tác".Xin ví dụ :
Trong bài "Minh Lương"(Vua sáng tôi hiền) của Vua Lê Thánh Tông,các câu 3+4 là:
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
dịch đúng là:
Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng
Binh giáp Lê Khôi bụng chứa đầy
dịch sai là:
Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê
...
Bác Khôi viết đoạn trên là đúng. Đúng là như vậy.
Nhưng xin Bác xem lại đoạn dưới:
Ở đây Lê Thánh Tông chỉ khen ngợi (Nguyễn Trãi) về mặt tài năng, chứ không nói về nhân cách !"khuê tảo"là 1 từ kép đối với "binh giáp" ."khuê" là ngôi sao chủ về văn chương,"tảo" là 1 loại rong rêu có màu sắc đẹp đẽ,nếu chỉ dịch là "sao khuê" tức là bỏ từ "tảo" một cấu thành của từ kép"khuê tảo" làm lạc nghĩa của từ kép này.
Và các sách khác mà Tiểu đệ nhặt nhạnh được:
奎藻: 指帝王詩文書畫
Khuê tảo: chỉ Đế Vương thi văn thư hoạ.
Nghĩa là: Khuê tảo chỉ Thi văn Thư hoạ của bậc Đế Vương.
http://www.zdic.net/cd/
Lê Thánh Tông đã là bậc Đế Vương, nên Khuê tảo nên hiểu là "Thơ văn của ta, của trẫm"
và câu:
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Nôm na ra là: Tấm lòng của Ức Trai đã soi sáng "Thơ văn của trẫm"
Thơ văn còn thể hiện Tư tưởng chứ.
Đấy là chưa kể đến, một người là "Hoàng thượng", người kia là "Tâm thượng".
Khi đọc cả 2 câu:
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
mới thấy, không thể cảm nhận được cái hay tột cùng.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Bảng sắc phong cũng có câu này, toàn văn là:
Ngự đề
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Khâm phụng
Thế thì:
Ở đây Lê Thánh Tông không những chỉ khen ngợi (Nguyễn Trãi) về mặt tài năng, mà còn khen ngượi về nhân cách.
Mà cũng đúng là như vậy.
Còn ý dịch sai mà lại hay. Tiểu đệ đoán Khôi huynh cũng có óc hài hước.
Nếu có điều gì làm Khôi huynh không vừa lòng, xin ban cho chữ đại xá.
Hà Như
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Mộng Thi Lang ngày 20/03/2015 06:57
Thái Tổ anh hùng nhất thế danh,
Thái Tông mưu dũng giữ an thành.
Ngời cao Nguyễn Trãi lòng văn vẻ,
Oanh liệt Lê Khôi bụng võ binh.
Họ Trịnh anh em mười hiển hách,
Dòng Thân phụ tử hai ơn vinh.
Thánh Tông cháu đích tôn Hồng Đức,
Nuôi chí Cơ Chu tám thái bình.
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 16/10/2018 11:15
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Lương Trọng Nhàn ngày 23/09/2019 15:40
Cao Đế anh hùng, nổi tiếng thay,
Văn Hoàng trí dũng, nghiệp an bài.
Ức Trai văn học thân ngời sáng,
Vũ Mục kinh luân bụng chứa đầy.
Họ Trịnh mười người đều phú quý,
Dòng Thân phụ tử thảy vinh hoa.
Kế thừa Hồng Đức cơ đồ lớn,
Bình trị như Chu triều đại dài.