Trên trời có ông sao băng,
Ở dưới đồng bằng có cô hái hoa.
Ta về ta bảo mẹ ta,
Nuôi lợn cho béo, nuôi gà nộp cheo.
Con lợn vừa tày con mèo,
Làng ăn chả hết, đem treo cột đình.
Tuần phiên đánh trống thình thình,
Mười ba ông xã ra đình ăn cheo.
Mẹ em tốt số làm sao,
Đẻ con gái đẹp cho tao phải lòng.


Tục lệ xưa của ta sau khi hai người làm lễ cưới thì phải nộp cheo (chữ Hán gọi là “lan nhai”) cho làng. Theo ông Nguyễn Văn Tố (A propos de chants et de jeux d’enfants, tome VI, IIEH, 1943) thì bài trên này do trẻ em tại Thái Bình hát để giễu những người không được sòng phẳng trong lệ nộp cheo.

Khảo dị:
Em về thưa mẹ cùng cha,
Bắt
lợn đi cưới bắt đi cheo.
Đầu lợn lớn hơn đầu mèo,
Làng ăn không hết làng treo cột đình.
Ông xã đánh trống thình thình,
Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.
Ông Trăng mà lấy bà Trời,
Tháng năm đi cưới, tháng mười
nộp cheo.
Sỏ lợn lớn hơn sỏ mèo,
Làng ăn chẳng hết đem treo cột đình.
Ông xã đánh trống thình thình,
Quan viên mũ áo ra đình xem cheo.
Trên trời có ông sao băng,
Ở dưới đồng bằng có cô rỗ hoa.
Ta về ta bảo mẹ ta,
Giết lợn đi cưới, giết đi cheo.
Đầu lợn lớn hơn đầu mèo,
Làng ăn chẳng hết đem treo cột đình.
Ông sãi đánh trống thình thình,
Quan viên mũ áo ra đình tế vua.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]