Hàng năm cứ tháng tư mồng chín,
Hội Gióng là nức tiếng khắp nơi.
Nước Nam các tỉnh trong ngoài,
Gần xa nô nức mọi người đến xem.
Xã Phù Đổng sơn xuyên anh đục,
Dãy núi Hằng, sông Đức tứ chung.
Vườn hoa vạn cổ anh phong,
Là nơi cố trạch, anh hùng giáng sinh.
Ngôi miếu đền uy linh rạng rỡ,
Đủ tứ thời hương lửa phụng thờ.
Nguy nga lầu các sùng tu,
Danh lam thắng cảnh từ xưa lưu truyền.
Thánh chính vị ngự trên long giá,
Địa thế bên giếng đá mắt rồng.
Kiểu đền ngoại quốc, nội công,
Trước hồ thuỷ tạ linh lung huy hoàng.
Ngũ môn, lầu linh quang tuấn nhạc,
Thạch long kiều thuỷ các chầu ra.
Xung quanh cổ thụ rườm rà...
Lâu đài sầm uất thực là tối linh.
Những ngày hội linh đình rước tế,
Khách các nơi đến lễ rất đông.
Trầm hương nghi ngút xa trông,
Cuộn bay từng đám như rồng khói tuôn.
Giữ thiên địa trường tồn bất diệt,
Rõ “chí kim vi liệt” không sai.
Vốn là hiển thánh trong ngoài,
“Bách thần nguyên tự” rực trời uy nghi.
“Đại nhi hoá” lưu kỳ phụng sự,
“Thiên thượng thần” ba chữ môn lâu.
Hội từ mồng một bắt đầu,
Thi kèn thi trống mọi màu bách công.
Ngày mồng năm tập trung phù giá,
Như tập quân chuẩn bị chiến công.
Chỉ huy xướng xuất tiên phong,
Cờ nào đội ấy phân công chỉnh tề.
Ngày mồng sáu hành nghi rước nước,
Đôi chum ngô bày trước án son.
Cửa đền Mẫu có giếng tròn,
Rước từ giếng ấy nghiêm tôn về đền.
Ngày mồng bảy thiên thanh minh tú,
Sáng rước cờ, rước cỗ, rước văn.
Trưa phù giá tập binh quân,
Tập ngoài trong tế, suốt tuần tế trưa.
Chiều phù giá đi đưa về đón,
Đi khám đường kéo đến ải môn.
Ba cây số Đổng Viên thôn,
Xứ đồng cửa ải, tiếng còn lưu danh.
Ngày mồng tám tuyển binh, kén tướng,
Bày hai mươi tám tướng nữ nhân.
Tướng nào là tướng giặc Ân,
Cơ nào đội ấy, đai cân chỉnh tề.
Ngày mồng chín hành nghi chính hội,
Đúng buổi trưa kéo tới Đổng Viên.
Roi rồng áo đỏ, áo đen,
Hiệu cờ chiêng trống loa kèn nhạc âm.
Hiệu hàng dăng trung quân tiểu cổ,
Phường Ải Lao áo hổ đi theo.
Là phường Tùng Choặc cờ mao,
Người bên Hội Xá năm nào cũng sang.
Đoàn phù giá xếp hàng lần lượt,
Vác biển cờ, tàn quạt tiêu dao.
Người mang lồng mũ, áo bào,
Vừa reo vừa chạy ào ào ầm vang.
Xa nghe tiếng nhạc vàng rung động,
Xướng suất cầm kẻng trống trong vòng.
Xe long giá kéo thẳng dong,
Đến nơi giá ngự hợp đồng phụng nghi.
Các hiệu đi bao vi nữ tướng,
Quay trở về bái vọng ngự tiền.
Điểm ba tiếng trống tiên nghiêm,
Nối theo chiêng trống nổi lên ba hồi.
Mở miếu cờ tung trời đỏ chói,
Ngũ sắc bay phấp phới bướm ra.
Trên trời có đám mây sa,
Hiệu cờ quỳ xuống phất ba ván liền.
Gạt ba lần bắt đàn cướp chiếu,
Phất cờ xong hội kéo về đền.
Khao quân thưởng tướng yến diên,
Phù giá xướng suất sân đền hạ công.
Đang cuộc vui chưa xong tiệc yến,
Lại vội vàng kéo đến Soi Bia.
Hội bày như buổi ban trưa,
Lại phất ba ván dựng cờ thành công.
Hội kéo về vừa xong gần tối,
Bắt giặc Ân rong ruổi theo sau.
Bắt hai thủ tướng vào chầu,
Tướng đốc, tướng ngựa hai đầu quân binh.
Gươm thần đứng rạch phanh cưởi áo,
Vung gươm lên gạt tháo mũ ra.
Giả chặt đầu với lột da,
Giả hình hai tướng ý là giặc tan.
Ngày mồng mười nghi loan rước tướng,
Dâng vàng vào tiến cống xin hàng.
Truyền cho các tướng toạ an,
Ban cho tiệc yến hoàn toàn hồi quy.
Ngày mười một hành nghi rước nước,
Lại rước như kỳ trước nghiêm trang.
Giặc Ân cờ trắng đầu hàng,
Ngày mười hai hội biểu dương khám cờ.
Ngày nào cũng tuồng ca vũ nhạc,
Tối đuốc bông sáng quắc góc trời.
Lại còn mở các trò vui,
Sân cờ Đế Thích, đua tài vật thi.
Các ông hiệu được đi phụng sự,
Lòng trai thành ăn ngủ ở đền.
Dãy nhà hiệu cạnh ba gian,
Chỗ ngồi lịch sự bằng tiên trên trần.
Khi hành hội đai cân áo mũ,
Dàn hai bên có đủ gươm hèo.
Roi rồng, tay thước, kiếm đeo,
Hiệu cờ bốn lọng còn đều là hai.
Hội Gióng này trưng bày buổi trước,
Có giặc Ân chiếm nước Nam ta.
Hùng Vương thứ sáu đời qua,
Bốn ngàn năm kể hơn thừa đến nay.
Thánh giúp nước ra tay giết giặc,
Thanh gươm vàng, ngựa sắt, áo nhung.
Lên ba tuổi, rõ anh hùng,
Dẹp xong giặc biến lên không lạ thường.
Linh sơn núi đằng không di tích,
Áp nhung treo, ngựa sắt, dấu tiên.
Xã Phù Đổng dựng miếu đền,
Hàng năm mở hội lưu truyền công ơn.


Bài vè nói về hội Gióng, tương truyền là do cụ Hoàng Hữu Yết người Phù Đổng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) biên soạn khoảng năm 1920.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]